28/03/2024 lúc 17:46 (GMT+7)
Breaking News

Mở cửa trở lại nền kinh tế: Giải pháp nào vừa an toàn, vừa hiệu quả?

VNHN - Việc mở cửa lại nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế trên phạm vi toàn cầu sẽ đi kèm với những rủi ro. Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong-Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

VNHN - Việc mở cửa lại nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế trên phạm vi toàn cầu sẽ đi kèm với những rủi ro. Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Chiến lược Mekong-Trung Quốc (MCSS) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã chia sẻ với báo chí về vấn đề này.

minh họa - TL

- Thưa Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, xin ông có thể cho biết đâu là lý do chủ yếu khiến nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới “rục rịch” mở cửa trở lại cho dù đại dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn?

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Có 2 lý do chủ yếu. Thứ nhất, dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát thể hiện qua việc số ca nhiễm mới và số ca lây nhiễm trong cộng đồng đều giảm dần. Đặc biệt tại châu Âu, sau khi tiến hành nới lỏng giãn cách, các nước không thấy dấu hiệu dịch bệnh bùng phát trở lại thành đại dịch.

Lý do thứ hai đó là cái giá phải trả về mặt kinh tế của việc phong tỏa quá cao. Theo ước tính của Ngân hàng Châu Á (ADB), nếu kinh tế toàn cầu “đóng cửa” từ 3-6 tháng thì mức độ suy giảm sản lượng có thể từ 5.800-8.800 tỷ USD.

Điều đáng nói là ước tính tháng 5 này đã tăng mạnh so với ước tính trước đó vào tháng 4, khi hai con số này chỉ là 2.000-4.100 tỷ USD. Nó phản ánh mức độ khó khăn lớn hơn và chúng ta vẫn chưa lường được hết tác hại của đại dịch lên nền kinh tế.

- Theo ông đâu là rủi ro lớn nhất khi mở cửa trở lại nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa thực sự được khống chế?

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành:  Có 4 rủi ro chủ yếu. Thứ nhất, áp lực suy thoái kinh tế toàn cầu hiện rõ hơn bao giờ hết khi mà lần này suy giảm tăng trưởng kinh tế diễn ra ở cả phía cầu và phía cung; trong đó sự suy yếu của cầu quyết định lớn hơn sự suy giảm này.

Thứ hai, rủi ro toàn cầu có thể được quan sát một phần qua việc các ngành dịch vụ bị tổn thương mạnh hơn và phục hồi chậm hơn ở tất cả các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Điều này sẽ khiến các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch sẽ khó phục hồi hơn.

Thứ ba, vấn đề xã hội bùng phát do các nguyên nhân kinh tế và dịch bệnh khiến điều hành của các chính phủ sẽ thêm khó khăn. Việc làm và lao động sẽ trở thành một điểm nóng tại nhiều quốc gia, tạo ra không chỉ áp lực kinh tế mà cả các vấn đề xã hội.

Đặc biệt khi quan sát chỉ số giá tiêu dùng ở các quốc gia và giá các hàng hóa cơ bản có thể thấy giá lương thực đang tăng mạnh ở tất cả các nền kinh tế, tình trạng lạm phát tăng mạnh ở các nước có lịch sử lạm dụng chính sách tiền tệ là điều có thể quan sát được. Như vậy, thất nghiệp đi kèm với lạm phát là một rủi ro xã hội lớn cần được quan sát và tìm giải pháp đối phó trong ngắn hạn.

Thứ tư, rủi ro về một đợt khủng hoảng tài chính mới có thể sẽ quay trở lại khi chính phủ các nước đều phải gia tăng sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích kinh tế.

- Thưa ông, với nhiệm vụ kép rất khó khăn của nền kinh tế thế giới là khôi phục hoạt động trong khi vẫn phải nỗ lực khống chế dịch bệnh COVID-19, vậy đâu là những giải pháp quan trọng mà các nền kinh tế lớn trên thế giới cần tập trung triển khai?

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Chúng tôi cho rằng giải pháp quan trọng hiện nay có thể không phải là suy nghĩ về vấn đề làm sao trở lại với nền kinh tế mà là suy nghĩ về các tư tưởng kinh tế mới. Theo đó, các chính phủ chỉ cần quan tâm nhiều hơn đến hai vấn đề là con người và thể chế.

Cụ thể, chính tài khóa sẽ cần phải tập trung vào vấn đề như tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, đặc biệt là y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục, y tế và nước sạch để mọi người đều có thể thụ hưởng thành quả của phát triển.

Chính phủ các nước cần đầu tư vào hạ tầng thông minh thay vì đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể chỉ đem lại lợi thế trong một vùng hoặc rất là tốn kém, lãng phí nguồn lực.

Bên cạnh đó, giải pháp cải cách hệ thống thuế cần được triển khai bởi hệ thống thuế trên quy mô toàn cầu hiện nay đang rất méo mó và không giúp giảm bất bình đẳng như một trong những chức năng quan trọng của công cụ chính sách này.

Đặc biệt, các nước cần đầu tư nhiều hơn cho nền kinh tế nền tảng và các giải pháp hỗ trợ kinh tế tư nhân, tạo ra cơ hội sản xuất kinh doanh với chi phí thấp hơn và chi phí khởi nghiệp, vận hành thông thường.

Đây cũng là cơ hội để các nền kinh tế nhìn ra rằng kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, đặc biệt là công nghệ tài chính là xuất phát điểm hoặc một điểm đột phá rất tốt để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho khu vực kinh tế phi chính thức.Thực tế là 70% khu vực kinh tế phi chính thức trên toàn cầu là không thể tiếp cận với tài chính.

Về mặt thể chế, chúng tôi cho rằng việc xây dựng năng lực dự đoán, phản ứng với rủi ro cũng như quản lý nợ sau khi đã ban hành nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ là những cái điểm then chốt mà các Chính phủ có thể cần tập trung vào trước hết.

- Ông nhìn nhận như thế nào về các giải pháp mà Chính phủ Việt Nam đã sớm triển khai để khôi phục kinh tế hậu COVID-19. Theo ông,Việt Nam cần triển khai thêm các giải pháp gì khác nữa?

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Chúng tôi nhận thấy mức độ ban hành chính sách của Việt Nam rất đầy đủ, toàn diện và cũng nhanh. Các chính sách hỗ trợ không chỉ hướng tới doanh nghiệp, người lao động mà còn cả những người không có việc làm và những người nằm ngoài khu vực thống kê chính thức. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng có ba điểm có thể cần khắc phục hơn nữa.

Đầu tiên là quy mô hỗ trợ vẫn còn rất nhỏ nếu so sánh với các nền kinh tế có quy mô tương đương. Thứ hai là các chính sách tài khóa tiền tệ vẫn chưa xác định được đối tượng rõ rệt. Điểm thứ ba đồng thời cũng là hạn chế lớn nhất là có chính sách tốt rồi nhưng vấn đề thực thi thì tương đối chậm chạp.

Ví dụ như Chỉ thị 11/CT-TTg được ban hành vào ngày 4/3/2020 nhưng đến tận ngày 24/4 mới có Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg hướng dẫn về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Và thời gian để chính sách đến với những người thụ hưởng thì chắc chắn sẽ còn dài hơn.

Chúng tôi cho rằng tồn tại này cũng một phần bắt nguồn từ tư duy của bộ, ngành khi ban hành chính sách hỗ trợ trong thời điểm bất thường lại bằng tư duy quản lý thông thường. Hệ quả là Chính phủ thì rất lao tâm, khổ tứ nhưng mà ở dưới thì không thụ hưởng được.

Tôi cũng cho rằng vấn đề quan trọng của Việt Nam hiện nay không phải là cần thêm giải pháp là làm sao để các giải pháp hiện hành được thực thi hiệu quả thực chất. Hiệu quả này cần được xác định bằng ba đúng là đúng chỗ, đúng lúc, đúng cách.

Chẳng hạn, để hỗ trợ doanh nghiệp giảm nhẹ chi phí tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và miễn đóng hoàn toàn bảo hiểm thất nghiệp nếu doanh nghiệp có trên 50% lao động phải nghỉ việc, giãn việc.

Nhưng hoãn đóng bảo hiểm xã hội thì không giảm nhẹ chi phí của doanh nghiệp. Còn để hoãn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì phải có 50% số lao động mất việc. Đó là điều kiện rất khó vì đa phần các doanh nghiệp đều cố gắng cầm cự giữ lao động để không mất công tuyển dụng lại sau đại dịch.

Do đó, trên thực tế, chính sách mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất không giúp được nhiều cho doanh nghiệp trong khi chi phí cho hai khoản bảo hiểm này lại quá lớn.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp tương đương 34% quỹ lương và chiếm tới 20% tổng chí phí doanh nghiệp./.

- Xin cảm ơn ông!./.