20/04/2024 lúc 03:55 (GMT+7)
Breaking News

“Mẹ đẻ” của những giống lúa chịu mặn

VNHN - GS.TS. Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến là nhà khoa học đã lai tạo và phát triển nhiều giống lúa mới, đặc biệt là các giống lúa phù hợp với tình hình xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 17 tháng 5 năm 2019, GS.TS Nguyễn Thị Lang vinh dự được trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 với công trình khoa học: Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là Giải thưởng nhằm tôn vi

VNHN - GS.TS. Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long được biết đến là nhà khoa học đã lai tạo và phát triển nhiều giống lúa mới, đặc biệt là các giống lúa phù hợp với tình hình xâm nhập mặn của Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày 17 tháng 5 năm 2019, GS.TS Nguyễn Thị Lang vinh dự được trao tặng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 với công trình khoa học: Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là Giải thưởng nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc nhất về khoa học tự nhiên và công nghệ.

GS.TS Nguyễn Thị Lang xuất thân trong một gia đình làm nông nghiệp tại tỉnh Bến tre. Tuổi thơ của bà là những ngày tháng gắn bó với đồng ruộng. Sau những buổi đi học về cất vội cặp sách là bà lại chạy ra đồng giúp ba mẹ làm lúa. Gia đình bà cũng như bao gia đình bà con ở quê, ai cũng nai lưng ra làm mà vẫn cực khổ, một phần vì làm nông vất vả và phần lớn là do thiếu giống cây trồng chịu mặn, đặc biệt là cây lúa. Chính vì vậy mà bà và gia đình luôn khao khát có được loại giống lúa tốt, năng suất cao, ngắn ngày để tăng hiệu quả kinh tế. Chính những khó khăn ấy đã trở thành động lực thôi thúc bà học tập thật tốt để có điều kiện thực hiện ước mơ. Học xong cấp ba bà thi đậu vào Trường Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM) và tốt nghiệp năm 1979. Sau khi tốt nghiệp ra trường bà được nhận vào Ban Khoa học kỹ thuật Bến Tre rồi sau đó chuyển sang làm thư ký Hội đồng khoa học của tỉnh. Trong những lần đi khảo sát các vùng ngập mặn như huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú của Bến Tre, bà loé lên ý nghĩ làm sao để vẫn tận dụng được lợi thế của vùng ngập mặn, vừa nuôi tôm nhưng vẫn trồng được lúa. “Nhưng lấy lúa chịu mặn ở đâu để trồng? Không còn cách nào khác là phải tự nghiên cứu. Nghĩ vậy, tôi vừa làm quản lý nhà nước về khoa học, vừa tranh thủ thời gian nghiên cứu. Khó khăn rất nhiều bởi nghiên cứu giống lúa chịu mặn là việc chưa ai làm” - GS Lang cho biết.

Đầu những năm 1990, bà chuyển về công tác tại Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và bắt đầu chương trình lai giống từ lúa mùa đến lúa cao sản, lúa ngắn ngày để cải thiện gene và hướng đến việc tạo ra giống lúa cực sớm, năng suất và phẩm chất tốt. Chia sẻ về những kỷ niệm trong nghề, GS Lang bồi hồi kể rằng: “Một lần, các nhà khoa học của Quỹ Rockefeller (Mỹ) đến thăm viện, lúc đó tầm 5 giờ chiều. Thấy tôi vẫn đang ngồi lựa hạt giống, một cán bộ điều phối quỹ đã thắc mắc rằng sao mọi người đã về hết mà tôi còn ở lại. Tôi đáp là muốn tận dụng thời gian tập trung nghiên cứu cây lúa cho tốt. Vị tiến sỹ hỏi về ước mơ của tôi. Tôi thành thật nói về ước ao được đi nước ngoài, học tiếng Anh cho giỏi và đọc nhiều tài liệu liên quan đến giống lúa, làm sao để đưa nông nghiệp ĐBSCL phát triển hiệu quả”. Sau cuộc trò chuyện, vị tiến sỹ ngoại quốc chủ động xin thông tin liên hệ và sau một tuần, bà nhận được thư mời cùng mẫu hồ sơ đăng ký học chương trình sau tiến sỹ về công nghệ sinh học ở nước ngoài. Bà đã vượt qua phần phỏng vấn của hơn 20 nhà khoa học và chọn Viện Nghiên cứu lúa quốc tế - Philippines (IRRI) để làm nghiên cứu sau tiến sỹ theo kinh phí của Quỹ Rockefeller.

GS.TS Nguyễn Thị Lang là tác giả của hàng trăm giống lúa, trong đó hơn 30 giống được công nhận chuẩn quốc gia

Sau khi vừa qua Viện IRRI, bà đã bắt tay vào xây dựng các nghiên cứu về bệnh khô hạn, rầy nâu, phẩm chất, bạc lá. Đến năm 2000, bà làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Nhật Bản về khoa học nông nghiệp (JIRCAS) và hoàn thành công trình xây dựng bản đồ gene mặn. Những kết quả nghiên cứu của bà cho thấy, các giống lúa lai tạo khi ở Nhật chịu được nồng độ mặn 0,3% thì về Việt Nam, sống trong môi trường có nồng độ mặn lên tới 0,8% vẫn có thể phát triển tốt. Từ thành công này, những giống lúa chịu mặn đã lần lượt được bà lai tạo thành công. Trong đó phải kể đến giống lúa OM4900, đây là giống lúa mà bà đã đầu tư tâm sức, trí tuệ trong suốt 10 năm trời để nghiên cứu phát triển nó từ giống lúa hoang dã, có sức sống mãnh liệt giữa vùng trũng Đồng Tháp Mười - còn gọi là “lúa ma” - thành giống lúa có khả năng chịu khô hạn, phèn, mặn, kháng rầy nâu. Cơm nấu từ loại lúa này rất thơm và mềm. Giống OM4900 đã được xuất khẩu sang Campuchia, Myanmar, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ… Theo bà, giống lúa này đã được các nhà khoa học nhận định là giống lúa chuẩn mực về khả năng chống chịu trong điều kiện khắc nghiệt. Từ thành công này, đã có thêm hàng chục giống lúa chịu mặn mang họ “OM” ra đời như OM4498, OM5930, OM6073... Đến nay, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã đóng góp nhiều vấn đề rất thiết thực đối với thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, với việc lai tạo thành công hơn 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ NN&PTNT công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia. Cùng với đó là hơn 43 công trình nghiên cứu đã mang đến giải pháp và ứng dụng thực tiễn cho sản xuất và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Từ năm 2011 đến 2015, bà đã có 334 công trình khoa học được công bố với 59 hội thảo khoa học quốc tế được tiến hành. Năm 2011, GS.TS Nguyễn Thị Lang được trao giải thưởng Phụ nữ Việt Nam, năm 2016 được trao Giải thưởng khoa học Quốc gia năm 2016 L’Oreal - UNESCO.

Nhận xét về GS.TS Nguyễn Thị Lang, GS Trần Đình Long - Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, cho biết: “GS.TS Nguyễn Thị Lang đã cùng tập thể Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long chọn tạo được rất nhiều giống cây trồng mới, chủ yếu là các giống lúa có chất lượng cao và chống chịu tốt điều kiện khắc nghiệt của môi trường; nhưng ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là OM4900 - giống lúa có chất lượng gạo ngon, năng suất khá cao, chiếm thị phần lớn trong số các giống lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Giống lúa này đang nằm trong dự án đổi mới công nghệ để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. Đây là đóng góp rất ý nghĩa của GS Lang và tập thể các nhà khoa học của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long vào việc phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, chất lượng và thân thiện với môi trường”.

GS.TS Nguyễn Thị Lang (áo vàng) nhận giải thưởng Trần Đại Nghĩa.

Nghiên cứu khoa học là công việc nhiều gian nan, bên cạnh thành công cũng có những thất bại, đòi hỏi người nghiên cứu phải say mê, lao tâm khổ tứ. Với GS. TS Nguyễn Thị Lang để có được những thành quả trong nghiên cứu khoa học trước tiên phải có niềm đam mê, sự lao động nghiêm túc và hơn hết là phải xuất phát từ cái tâm với bà con nông dân. Đây chính là một minh chứng sống động và tiêu biểu cho sự gắn kết có hiệu quả và cống hiến của nhà khoa học với nhà nông, trong chuỗi liên kết “bốn nhà”. Chúc cho bà nhiều sức khỏe và có thêm những đóng góp thiết thực cho sự phát triển chung của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và kinh tế đất nước nói chung trong thời kỳ phát triển và hội nhập.