19/04/2024 lúc 04:30 (GMT+7)
Breaking News

Mạng xã hội: Nhận diện và định hướng quản lý

VNHN-Trên nền tảng internet, cùng với báo điện tử, trang thông tin điện tử, mấy năm gần đây mạng xã hội (MXH) có bước phát triển hết sức mạnh mẽ, bộc lộ cả thế mạnh to lớn vốn có và cả những phức tạp, những hệ lụy khó lường. Làm gì và làm như thế nào để lợi dụng ưu điểm, thế mạnh; hạn chế mặt trái, tính chất “con dao hai lưỡi” của loại hình kết nối và thông tin này - đó là câu hỏi đặt ra cho cả xã hội, đặc biệt là các cơ quan chỉ đạo, quản lý thông tin, báo chí, văn hóa, an ninh.

VNHN-Trên nền tảng internet, cùng với báo điện tử, trang thông tin điện tử, mấy năm gần đây mạng xã hội (MXH) có bước phát triển hết sức mạnh mẽ, bộc lộ cả thế mạnh to lớn vốn có và cả những phức tạp, những hệ lụy khó lường. Làm gì và làm như thế nào để lợi dụng ưu điểm, thế mạnh; hạn chế mặt trái, tính chất “con dao hai lưỡi” của loại hình kết nối và thông tin này - đó là câu hỏi đặt ra cho cả xã hội, đặc biệt là các cơ quan chỉ đạo, quản lý thông tin, báo chí, văn hóa, an ninh.    

Internet – mạng của các mạng

Tiền thân của mạng Internet ngày nay là mạng ARPANET do cơ quan Quản lý dự án nghiên cứu phát triển ARPA thuộc bộ Quốc phòng Mỹ xây dựng.

Thuật ngữ "Internet" xuất hiện lần đầu vào khoảng năm 1974. Lúc đó mạng vẫn được gọi là ARPANET. Năm 1980, ARPANET được đánh giá là mạng trụ cột của Internet. Với khả năng kết nối rộng lớn, tiện ích, Internet đã trở thành một mạng lớn nhất trên thế giới, mạng của các mạng, xuất hiện trong mọi lĩnh vực thông tin, thương mại, chính trị, quân sự, khoa học, giáo dục, văn hoá, xã hội...

Internet có mặt ở Việt Nam vào cuối năm 1997. Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tính đến cuối năm 2017, cả nước có trên 60 triệu người sử dụng Internet, gấp đôi số người sử dụng năm 2011tương ứng với gần 60% dân số, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore ( 80 %), Malaysia (trên 70 %). Chỉ tính 16 năm qua, từ năm 2001 đến năm 2017, số lượng người sử dụng Internet tăng trung bình mỗi năm 15-18%. Trong số hơn 60 triệu người Việt Nam sử dụng Internet, có gần 30 triệu khách hàng của Google, 15 triệu của Yahoo, có trên 15 triệu khách của Facebook. Riêng Facebook, đã có mức tăng  từ 4 triệu khách vào cuối năm 2011 lên trên 15 triệu khách hàng cuối vào năm 2016.

Trung Quốc hiện có trên 688 triệu người sử dụng internet, một nửa số dân tiếp cận internet.  Thế giới hiện có trên 3 tỷ người sử dụng internet. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Tổ chức Pew (Mỹ), gần 50%  số người được hỏi đã trả lời rằng họ dựa vào Internet để đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc đời. Internet đã trở thành kênh thông tin gần gũi, tiện lợi, bổ ích và cả độc hại - tùy theo ý thức, mục đích của người sử dụng.

Mạng xã hội – trăm hoa đua nở

Mấy năm gần đây, cùng với hệ thống báo chí đã có, trên Internet xuất hiện ngày càng nhiều các mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, kết nối thông tin khác. Chúng phát triển nhanh, lan tỏa rộng khắp toàn cầu, điển hình là Facebook, Twitter, YouTube, Google, Yahoochat, Gmail... Riêng Facebook, chỉ sau mấy năm ra đời, mạng xã hội này đã có hơn 01 tỷ người khắp thế giới sử dụng, hơn một nửa trong đó sử dụng hàng ngày. Ở những nước phát triển như Mỹ, Liên minh Châu Âu, một số nước châu Á, có hơn 60% số dân và gần như toàn bộ giới trẻ thường xuyên dùng mạng xã hội. Tổng kết năm 2016, Liên minh viễn thông thế giới (IUT) đưa ra các số liệu: 3,77 tỷ người tiếp cận được với internet, chiếm 50% dân số thế giới; 2,79 tỷ người có đăng ký tham gia vào các mạng xã hội, chiếm 37% dân số thế giới; 4,9 tỷ người dùng thiết bị di động, chiếm 66% dân số thế giới; 2,5 tỷ người tham gia mạng xã hội qua thiết bị di động. Ngoài ra, mỗi phút trên internet có 7 triệu tin nhắn được gửi qua Snapchat; 216 triệu ảnh được “thích- like” trên Facebook; 2,4 triệu ảnh được thích (like) trên Instagram; 350.000 tweets được thực hiện trên Twitter; 400 giờ tải video trên YouTube; 110.000 cuộc gọi trên Skype; 70 triệu từ được dịch trên Google Translate.

 Với truyền hình, đó là sự xuất hiện vào năm 2005 của mạng xã hội chia sẻ video lớn nhất hiện nay - Youtube. Đến nay, với hơn 1 tỷ người dùng, tương đương 1/7 dân số thế giới, mạng xã hội chia sẻ video này đang tạo xu hướng thông tin, giải trí mới, với các kênh Youtube phổ biến nhất, thu hút người xem còn đông hơn lượng khán giả của nhiều kênh truyền hình lớn. Youtube cũng hoàn toàn có thể tạo nên những ngôi sao trên mạng không kém gì các kênh truyền hình. Ai cũng có thể lập một kênh Youtube và có thể thành công khi đem sản phẩm của mình đến với công chúng mà không cần phải một hệ thống cồng kềnh như truyền hình truyền thống. Tất cả những con số vừa nêu cho thấy, đời sống con người hiện nay ngày càng gắn chặt vào các thiết bị và ứng dụng công nghệ. Nghiện smartphone và mạng xã hội đã trở thành phổ biến của rất nhiều người, nhất là giới trẻ, giới trí thức, doanh nhân, công chức, viên chức.

Ở một mức độ nào đó, sự tác động của công nghệ làm thay đổi cách thức làm báo, đặc biệt khi mỗi công dân giờ đây đều có thể trở thành một người đưa tin hiển nhiên (và có thể là xuất sắc) cả về thông tin, hình ảnh lẫn video, qua các hình thức được gọi là “báo chí công dân” (citizen media) đang nở rộ trên các mạng xã hội. Nhưng với báo chí dòng chính thống (mainstream), theo đuổi và cạnh tranh theo hướng đó không phải là điều đơn giản bởi một toà soạn có đồ sộ đến mấy cũng không thể nào cạnh tranh được với một mạng xã hội hoặc một trang web có hàng trăm nghìn, hàng triệu, thậm chí đến hàng tỷ người dùng và tham gia tương tác như Facebook hay Twitter.

Cần nói thêm, cùng với sự ra đời của báo chí điện tử, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông khác trên internet thì khu vực báo, tạp chí in, kể cả phát thanh, truyền hình suy giảm rất nhanh. Theo Viện Brookings (Mỹ): số lượng đầu báo in/100tr dân tại Mỹ đã rơi từ 1.400 năm 1945 xuống còn 400 năm 2014. Lượng vốn lưu chuyển trong công nghiệp báo in giảm từ 35% xuống 15%, số lượng nhà báo có đăng ký thẻ tại Mỹ giảm từ 43.000 năm 1978 xuống còn 33.000 năm 2015. Một loạt các tờ báo in lâu đời và danh tiếng tại Mỹ phải đóng cửa hoặc đình bản ấn phẩm in để chuyển sang ấn phẩm điện tử, nổi bật có các tờ San Francisco Chronicle, Boston Globe hay Newsweek.. Ngoài Mỹ, thị trường báo chí lớn thứ hai thế giới là châu Âu báo in cũng suy giảm trầm trọng: từ 2008 đến nay, 50% báo in tại Anh thực hiện cắt giảm nhân sự hoặc giảm số lượng ấn phẩm. Các tờ báo lớn tại châu Âu như El Pais (Tây Ban Nha), Le Monde (Pháp), Der Spiegel (Đức) đều cắt giảm nhân sự, lượng phát hành giảm từ 1/3 đến một nửa và tất cả đều chuyển hướng phát triển nội dung sang các nền tảng công nghệ số. Nền tảng của internet và công nghệ số đã làm thay đổi sâu sắc cách thức mà công chúng đến với thế giới trực quan sinh động bên ngoài.

Tại Việt Nam, chiều hướng đi xuống của báo giấy cũng thể hiện rõ, một số tờ báo giấy buộc phải giảm số lượng bản in, thậm chí dừng hoạt động do thua lỗ. Khá nhiều tờ báo in giảm số lượng tia-ra, thu nhập từ quảng cáo cũng giảm mạnh. Truyền hình sau một thời gian dài có sự tăng trưởng đáng ngưỡng mộ thì giờ đây cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức; phát thanh cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Mạng xã hội: “Quyền lực thứ 5”

Cùng với vô vàn tiện ích, phục vụ nhu cầu kết nối, trao nhận thông tin của các tổ chức, cá nhân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, internet, trong đó có MXH, từ mặt trái của mình, cũng gây biết bao phiền phức, tai hại cho con người.

Chỉ khảo sát ở góc độ chính trị, xã hội, mấy năm qua, MXH đã gây điêu đứng cho nhiều nước. Từ cuối năm 2010, cùng với các nhân tố, lực lượng tạo nên những biến động chính trị, xã hội to lớn, sâu sắc ở Bắc Phi, Trung Đông (2 tổng thống bị lật đổ (Tuynidi và Ai Cập), 1 tổng thống phế truất và chịu cái chết thảm khốc (Gadhafi của Lybia), 2 nước đứng trước nhiều sóng gió (Yemen, Syria), đều có sự tham gia, hoặc chủ động, hoặc bị động, của các công cụ truyền thông trên internet. Những người tham gia cuộc bạo động đường phố tháng 8 năm 2011 ở Anh, những cuộc xuống đường "chiếm phố Wall" ở Mỹ và hành động tương tự ở nhiều nước khác trong tháng 10, tháng 11/2011 đều sử dụng "vũ khí" lợi hại Facebook, Twitter, mạng xã hội, điện thoại di động.  Đài BBC, trong bài viết tháng 2 năm 2011 tựa đề “Cách mạng Iran - Thiên An Môn - Ai Cập”, nêu ra phương thức để tạo nên những đám đông: kích động quần chúng xuống đường; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn; sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội, báo chí, truyền thông để kích động, liên kết trong ngoài. Một số người đứng đầu chính phủ Anh, các nước phương Tây từng lớn tiếng hô hào “tự do cho internet”, phê phán nước này, nước kia là “kẻ thù của internet”, nhưng khi mặt trái của các phương tiện truyền thông này gây hậu quả ở chính nước mình, đã phải thốt lên: internet, Facebook, Twitter là “công cụ của bạo loạn”. Những biến động chính trị - xã hội gần đây ở Hi Lạp, Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Áo..đều có vai trò của báo chí, mạng xã hội.

Nhiều người phong cho Internet, các trang mạng xã hội là “quyền lực thứ 5”, sau 4 “quyền lực” đã được thế giới phương Tây “công nhận”: quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp và báo chí. “Quyền lực thứ 5” này đã trở thành một sức mạnh to lớn, vượt lên trên, ra bên ngoài các biện pháp quản lý hành chính hay kỹ thuật của một quốc gia cụ thể. Điều đáng quan tâm là, cái quyền lực ấy không chia đều cho các nước mà tập trung vào một số nước lớn, thậm chí vài ba nước “cực lớn”. Theo một số thống kê đáng tin cậy, tổng lượng truy cập Internet trên toàn cầu tập trung vào khoảng 150 công ty, chủ yếu xuất phát từ Mỹ, do Google, Yahoo, Facebook, Twitter cầm đầu.

Thái độ và cách ứng xử của một số nước

Trước khi “cách mạng hoa nhài” nổ ra và nhanh chóng bùng phát ở Bắc Phi, Trung Đông; bạo loạn đường phố ở Anh; phong trào "chiếm phố Wall" ở Mỹ...  ít ai nghĩ báo chí điện tử, Facebook, Twiter, các trang mạng xã hội, các công cụ cung cấp nội dung trên Internet lại có thể ảnh hưởng sâu sắc, nghiêm trọng đến an ninh, trật tự của những nước này. Vấn đề đặt ra là, làm gì, làm như thế nào với mặt trái của báo chí điện tử, Facebook, Twitter, Google, Yahoo, các trang mạng xã hội, trang tin điện tử ?

 Ở Ai Cập, khi phong trào biểu tình, bạo loạn đã lên đến đỉnh điểm (vào cuối tháng 1/2011), Tổng thống Hosni Mubarak ra lệnh chặn Facebook, cắt internet...nhưng giải pháp đó đã quá muộn.

 Với bản chất “không biên giới”, bên cạnh lợi thế gần như vô biên, thì những mặt trái, mặt tiêu cực của Internet cũng đặt ra yêu cầu và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý. Một số quốc gia đã dựng lên các “biên giới ảo” trên nền Internet để kiểm soát “lãnh thổ của mình”. Chính sách quản lý internet của Trung Quốc - nơi có trên 460 triệu người sử dụng, có thể là một sự tham khảo cần thiết. Nước này phát triển Internet, mạng xã hội, báo chí điện tử nội địa nhằm nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh của người dân, chiếm lĩnh thị trường trong nước, tiến mạnh ra và cạnh tranh với bên ngoài. Họ chủ trương lập những “tường lửa”, thậm chí ngăn chặn toàn bộ các mạng xã hội bên ngoài nếu xét thấy nguy hại cho công chúng trong nước. Đài RFA (ngày 2/2/2011) viết: “Dù cấm cửa thế nào chăng nữa thì Trung Quốc sẽ không bao giờ đủ khả năng bịt miệng Facebook và Twitter cũng như các trang mạng xã hội khác. Trí thức Trung Quốc một lúc nào đó sẽ tập hợp lại với nhau qua đường kết nối đầy sức mạnh này”.

Tại Nga, mạng xã hội chủ yếu là của các công ty trong nước, chính phủ Nga kiểm soát chặt chẽ mạng xã hội từ nước ngoài. Khi đề cập đến tình hình Bắc Phi, Trung Đông, ông Andrei Grozin, Vụ trưởng Vụ Châu Á của Viện nghiên cứu các nước Trung Á của Nga (năm 2011) nhận xét: Ai cũng thấy rõ ràng là mô hình thay đổi chế độ ở đây đã được lập ra theo phiên bản hiện đại hóa “cách mạng màu”, một thời từng được áp dụng trong không gian hậu Xô viết. Giờ đây, dường như nó lại được lặp lại với sự trợ giúp của các công nghệ mới.

Tại Belarus, cơ quan cảnh sát mật KGB cũng tăng cường kiểm soát thông tin trên các trang mạng xã hội. Các quốc gia khác như: Pakixtan, Iran, Syria, Triều Tiên, Banglađet, Các tiểu vương Quốc Ả Rập thống nhất, Myanmar… đã chặn các mạng xã hội nước ngoài Facebook, Flickr, Twitter…đề ra chính sách và giải pháp tăng cường kiểm soát thông tin trên mạng xã hội.

Ngay chính quyền Mỹ, một mặt, lên tiếng chỉ trích, xuyên tạc Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba, Iran, Myanmar, Syria…“vi phạm tự do Internet”, tiếp tục tung ra các trang mạng xã hội bằng các thứ tiếng Trung Quốc, Nga, Ấn Độ (sau khi đã thực hiện rất hiệu quả các trang mạng xã hội này bằng tiếng A-rập, Farsi), chi ít nhất 30 triệu USD trong năm 2011 để “bảo vệ” các bloger đang bị ngăn cản, “cải thiện môi trường pháp lý” cho hoạt động truyền thông. Mặt khác, kiên quyết ngăn cản việc bán Yahoo cho Công ty Thương mai điện tử Trung Quốc, đến mức ông Jack Ma - Chủ tịch công ty này phải thốt lên: “Vấn đề là những thương lượng của chúng tôi đang được dẫn giải từ chuyện kinh tế sang chuyện chính trị”. Hóa ra, người Mỹ cũng không thể “vô tư”, không thể trao quyền “tự do” cho Yahoo, cho internet, coi việc nắm Yahoo cũng là chuyện chính trị.

Quan điểm, giải pháp của chúng ta

Cả nước có trên 105 cơ quan báo chí điện tử, trên 207 trang tin của cơ quan báo chí, 2061 trang thông tin điện tử tổng hợp. 63/63 tỉnh, thành phố, 22/22 bộ, ngành đã có cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử. Số lượng trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương là 1524. Số lượng mạng xã hội là 259. Có hơn 20 nhà đăng ký tên miền Việt Nam, trên 100 nhà đăng ký tên miền quốc tế và hơn 20 doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ hosting tại Việt Nam. Con số thống kê nêu trên cho thấy, tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của ta được thực hiện khá tốt, kết quả rất đáng khích lệ, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, nâng cao dân trí, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

Người dùng Internet ở nước ta nhìn chung có trình độ học vấn tương đối khá, là học sinh, sinh viên, trí thức, công chức, viên chức. Khi ngồi trước máy, ngoài nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin bổ ích qua các báo, tạp chí và trang thông tin điện tử chính thống, người dùng máy tính còn truy cập vào các tờ báo điện tử và các trang mạng xã hội, các trang web nước ngoài, các blog, diễn đàn, Youtube (kênh video trực tuyến)...

Với báo chí điện tử trong nước, bên cạnh thế mạnh và ưu điểm cơ bản, một số báo và trang thông tin điện tử của ta còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng tư tưởng, văn hoá, xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ. Cùng với những báo, tạp chí điện tử đã được cấp phép đúng luật, xuất hiện nhiều website không phải là cơ quan báo chí nhưng hoạt động và đăng tải thông tin như một cơ quan báo chí, vi phạm Luật Báo chí và các quy định pháp luật khác.

Với thông tin, hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội, mặt trái dễ thấy là thiếu tính chính thống, chính xác, trách nhiệm, khó kiểm chứng; nhiều thông tin mang tính cá nhân, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ tổ chức, cá nhân; không ít thông tin lừa đảo, vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, làm phương hại an ninh quốc gia.

Ở bên ngoài, lợi dụng Internet, các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng hoạt động chống đối, xâm phạm an ninh quốc gia của ta với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng lợi xây dựng các trang web, đặt máy chủ ở ngoài Việt Nam, đăng tải thông tin, luận điệu sai trái, kích động chống phá ta. Từ giữa 2009 đến nay, các thế lực thù địch tập trung vào hoạt động tuyên truyền phá hoại Đại hội XI, XII của Đảng, xuyên tạc Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội XI, XII, đòi tẩy chay Hiến pháp mới,  bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phủ nhận thành tựu công cuộc đổi mới, kích động một số người dân biểu tình vì lý do “bảo vệ chủ quyền biển đảo’’, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam.  Ngoài những trang web, blog, diễn đàn có nội dung phản động được hosting ở nước ngoài, thời gian gần đây, xuất hiện một số trang web sử dụng tên miền Việt Nam (tên miền .vn) hoặc tên miền quốc tế nhưng được hosting tại Việt Nam đăng tải tài liệu, truyện, tranh, ảnh, video clip có nội dung độc hại, đồi trụy, bạo lực, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Nhận rõ mặt mạnh, mặt tích cực và cả mặt trái của internet, của báo chí điện tử, mạng xã hội, chỉ 8 năm sau khi Việt Nam nối mạng internet, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ra Chỉ thị 52-CT/TW ngày 22 tháng 7 năm 2005 “Về  phát triển và quản lý báo chí điện tử ở nước ta hiện nay”. Chỉ thị 52-CT/TW nhấn mạnh: “Tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tác động của mạng thông tin toàn cầu và các báo điện tử đến sản xuất và đời sống xã hội. Đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, quản lý của các cơ quan nhà nước đối với báo điện tử; xây dựng các tờ báo điện tử ở nước ta có kỹ thuật và công nghệ hiện đại; đúng đắn, chân thực, phong phú về nội dung, sắc bén về tính định hướng, tính chiến đấu; có tính văn hóa, tính nghiệp vụ cao; thực sự là vũ khí chính trị tư tưởng quan trọng, sắc bén của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể; phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo điện tử ở nước ta phải được phát triển nhanh, vững chắc, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể về kinh tế, kỹ thuật, con người, năng lực quản lý; bảo đảm an ninh, an toàn, kết hợp hài hoà với việc phát triển các loại hình báo chí và các phương tiện thông tin khác”.

Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), ban hành ngày 25 tháng 12 năm 2013 về “Phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet” chỉ rõ: “Không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp với sự phát triển của công nghệ Internet, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ, có hiệu lực, hiệu quả báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chủ động định hướng, cung cấp thông tin kịp thời để chi phối, làm chủ thông tin; lấy thông tin tích cực, chính thống lấn át, đấu tranh chống lại các thông tin sai trái, xấu độc, phản động trên Internet. Coi trọng tuyên truyền, giáo dục, vận động người sử dụng Internet tuân thủ luật pháp, chuẩn mực đạo đức xã hội, văn hóa, biết phân biệt đúng sai, thật giả, tích cực đấu tranh phê phán với các thông tin sai trái, bịa đặt, vu cáo, độc hại trên Internet đi đôi với tăng cường quản lý thông tin trên Internet. Khuyến khích khai thác, phát triển những tiện ích, lợi thế của Internet nói chung, báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet nói riêng. Đồng thời, tăng cường rà soát, bổ sung những chế tài đủ mạnh đối với việc đưa tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm đời tư các cá nhân, tổ chức, công dân, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và gieo rắc sản phẩm văn hóa đồi trụy”.

Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Chỉ thị 52-CT/TW của Ban Bí thư (khóa IX), Chỉ thị 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Chính phủ đã xây dựng và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng.

Điểm yếu hiện nay của chúng ta là ta chưa kiểm soát hiệu quả các sản phẩm, website của doanh nghiệp nội dung số nước ngoài tại Việt Nam. Điều này đã tạo ra những khoảng trống để các thế lực tiêu cực, phản động lợi dụng đưa thông tin xuyên tạc, kích động, phá hoại ta, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh tư tưởng, văn hóa của ta, tác động xấu đến đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ.

Với các báo điện tử, tốc độ  thông tin và việc kiểm soát  thông tin của  loại hình báo chí này cần phải được đi kèm với công nghệ quản trị nội dung (Content Management System - CMS). Coi trọng quy trình xuất bản báo điện tử, đặc biệt là nâng cao chất lượng nội dung thông tin. 

Cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý các trang thông tin điện tử tổng hợp theo hướng yêu cầu các trang thông tin này phải có nhân sự đủ năng lực nghiệp vụ báo chí để tổ chức, quản lý nội dung đăng tải trên đó. Không được biến trang thông tin thành tờ báo điện tử trá hình. Cơ quan chức năng quản lý nhà nước cần tăng cường đôn đốc, hướng dẫn các ban, bộ, ngành trong việc xây dựng hệ thống cổng thông tin điện tử bảo đảm các yêu cầu về an toàn, an ninh mạng. Về lâu dài, cần từng bước áp dụng tiêu chuẩn ISO trong quản lý an toàn, an ninh mạng cho các cổng thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước trung ương và địa phương, cho các cơ quan báo chí trọng yếu.

Việc sử dụng các trang mạng xã hội, báo chí, các loại hình thông tin khác trên Internet là một xu thế không thể phủ nhận. Hiện nay, các phương tiện truyền thông trên Internet tại Việt Nam đang là vấn đề, là thị trường hấp dẫn ở nhiều góc độ của các thế lực, các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đáng lo ngại là càng ngày, phía nước ngoài càng gia tăng chi phối, tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực này.

Để tiếp tục đứng vững và phát triển trước sự cạnh tranh từ truyền thông xã hội, truyền thông công dân, báo chí, phát thanh, truyền hình chính thống vẫn phải sử dụng nhiều hơn thế mạnh của mình là chất lượng thông tin, đặc biệt trong thời đại mà tin giả “fake news” đang bùng nổ như hiện nay.

Chúng ta không ngăn cấm mạng Internet tại Việt Nam, số lượng người truy cập và tốc độ tăng trưởng hàng năm là minh chứng hiển nhiên cho điều vừa nói. Tuy nhiên, cùng với việc khai thác, sử dụng tốt mặt tích cực của báo chí điện tử, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trển internet, cần xử lý nghiêm minh, kiên quyết một số mạng xã hội, một số website, blog vi phạm pháp luật, chuẩn mực văn hóa, thuần phong mỹ tục của đất nước. Cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là các quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh lĩnh vực Internet, viễn thông, báo chí, phát thanh, truyền hình tại Việt Nam. Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, nhất là báo chí điện tử, trang tin điện tử và mạng xã hội trên internet; quản lý tốt hơn việc xã hội hóa sản xuất hoặc liên kết sản xuất, truyền dẫn, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình; hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ CNTT, tạo ra những  “đơn vị tiên phong” đủ mạnh để cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường. Mặt khác, có biện pháp và hành động kiên quyết nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của internet đối với đời sống xã hội; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng internet, mạng xã hội, các trang thông tin điện tử có tên miền Việt Nam hoặc tên miền quốc tế nhưng thuê máy chủ (hosting) trong nước để đăng tải tài liệu, truyện, tranh, phim, ảnh có nội xấu, chống đối chế độ, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Coi trọng việc phối hợp và hợp tác quốc tế trong phát triển và quản lý báo chí điện tử, trang tin điện tử, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet.

Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ. Coi trọng việc giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho giới trẻ, quan tâm đến các yêu cầu chính đáng của họ về học hành, việc làm, đời sống. Tích cực, chủ động đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái trên báo chí, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet của các thế lực thù địch, phản động.

PGS,TS  Nguyễn Thế Kỷ

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam