25/04/2024 lúc 22:18 (GMT+7)
Breaking News

Mạng internet toàn cầu chịu sức ép lớn khi người dân ở nhà tránh Covid-19

VNHN - Trong bối cảnh chính phủ các nước đang kêu gọi người dân ở nhà, còn hàng loạt tập đoàn lớn cũng khuyến khích nhân viên làm việc từ xa để hạn chế dịch Covid-19 lây lan, nhu cầu đối với băng thông internet và các dịch vụ trực tuyến đã bùng nổ.

VNHN - Trong bối cảnh chính phủ các nước đang kêu gọi người dân ở nhà, còn hàng loạt tập đoàn lớn cũng khuyến khích nhân viên làm việc từ xa để hạn chế dịch Covid-19 lây lan, nhu cầu đối với băng thông internet và các dịch vụ trực tuyến đã bùng nổ.

Tại Mỹ, ước tính sẽ có khoảng 42 triệu người (tương đương 29% lực lượng lao động tại quốc gia này) làm việc tại nhà. Trong khi đó, Liên minh châu Âu dự báo sẽ có hàng chục triệu trong tổng số 445 triệu công dân của khối này chuyển sang làm việc tại nhà. Tình trạng tương tự cũng sẽ diễn ra tại châu Á. Trẻ em cũng bắt đầu chuyển sang mô hình học tập từ xa. Khi mọi người ít gặp gỡ nhau hơn, nhu cầu đàm thoại hình ảnh, gửi - nhận dữ liệu cũng tăng đáng kể. Tất cả những thay đổi trên dẫn tới thực tế là nhu cầu sử dụng internet trên toàn cầu đang tăng tới mức kỷ lục, đặc biệt tại những quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19.

Tại Mỹ, Công ty phân tích mạng Deepfield cho biết mức trần sử dụng băng thông internet đã tăng từ 20-40% chỉ trong vòng 4 tuần vừa qua, trong đó hầu hết đều là các dữ liệu phim ảnh. Đáng chú ý, riêng việc truyền tải nội dung của Netflix đã chiếm tới 54%-75% băng thông ở một số khu vực. Deepfield cũng ghi nhận việc sử dụng băng thông cho các hoạt động đàm thoại hình ảnh tăng 300%, cho trò chơi điện tử tăng 400%. Thực tế trên buộc nhiều nhà mạng cũng như chính phủ các nước phải tính tới các phương án điều tiết băng thông, đồng thời xem xét kế hoạch nâng cấp hạ tầng mạng để thích nghi với tình hình mới.

Nội dung 4K của Netflix cần băng thông nhiều gấp 5 lần so với Full HD (1080p). Ảnh : Internet

Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu xây dựng cơ chế báo cáo, nhằm giám sát việc sử dụng internet ở các nước thành viên Liên minh châu Âu, nhằm kịp thời phản ứng trong trường hợp có sự cố về băng thông xảy ra. Trong khi đó, Netflix mới đây đã quyết định chỉ cung cấp các nội dung phim ở độ phân giải thấp tại châu Âu trong vòng 30 ngày theo đề nghị của EC.

Động thái này hứa hẹn giúp giảm sức ép băng thông cho các nhà mạng châu Âu khoảng 25%. Các dịch vụ khác như YouTube, Amazon, Apple cũng đã quyết định giảm chất lượng truyền tải nội dung để tránh hiện tượng nghẽn mạng. Các chính phủ và nhà mạng cũng kêu gọi người dân có trách nhiệm hơn khi dùng internet, trong đó có cả việc ưu tiên sử dụng kết nối cáp mặt đất thay vì kết nối 3G, 4G từ điện thoại di động. Việc hạn chế sử dụng các dịch vụ đòi hỏi băng thông cao (như xem phim trực tuyến, truyền hình trực tiếp các trận thi đấu trò chơi điện tử, chia sẻ clip dung lượng cao…) cũng được khuyến khích.