24/04/2024 lúc 08:26 (GMT+7)
Breaking News

Luồng gió mới trên bầu trời Việt

VNHN- Được thành lập năm 2007, đến thời điểm hiện tại, VietJet đã phát triển thành công hãng hàng không chi phí thấp lớn nhất Việt Nam.

VNHN- Được thành lập năm 2007, đến thời điểm hiện tại, VietJet đã phát triển thành công hãng hàng không chi phí thấp lớn nhất Việt Nam.

Mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng tốc độ tăng trưởng “thần tốc” và nhiều kế hoạch kinh doanh táo bạo của VietJet đã tạo ra nhiều kết quả ấn tượng. Đến nay, vốn điều lệ của VietJet là 5.416 tỷ đồng, vốn hóa thị trường trên  66.455 tỷ, tương đương khoảng 2,9 tỷ USD. Như vậy, trải qua 12 năm, vốn điều lệ của Vietjet đã tăng tấp 9 lần.

Sự thành công vang dội của VietJet Air phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, tuy nhiên trong đó sự đóng góp to lớn cùng những quyết định chiến lược đầy tham vọng của những người đứng đầu nói chung và Tổng giám đốc, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo nói riêng đóng vai trò quan trọng.

Tổng Giám đốc VietJet Air, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo từng chia sẻ về khởi đầu của VietJet trong bài phỏng vấn chuyên đề với giáo sư của đại học Harvard vào tháng 12/2017: "Trước khi VietJet tham gia thị trường, chỉ có 1% dân số được tiếp cận với phương tiện được cho là xa xỉ và chỉ dành cho người giàu này. Chúng tôi đã có quyết định rất đột phá là hướng tới những đối tượng chưa đi máy bay bao giờ, thậm chí chưa biết chữ và chưa bao giờ bước chân ra khỏi làng quê của mình".

Vietjet luôn có những dịch vụ làm hài lòng khách hàng

Chiến dịch truyền thông độc đáo

VietJet đã tạo sự khác biệt trong việc chọn hình ảnh vui tươi - giàu sáng tạo - truyền cảm hứng là những giá trị cốt lõi nghiêng về cảm xúc với slogan "Bay là thích ngay". Slogan "Bay là thích ngay" mang tính tuyên ngôn của VietJet Air dựa trên 4 giá trị cốt lõi: An toàn, Vui vẻ, Giá rẻ, Đúng giờ.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh các người mẫu quảng cáo cho Vietjet Air trong trang phục bikini đã khiến giới báo chí tốn không ít giấy mực. Đầu năm 2015, VietJet đã tung ra bộ lịch tiếp viên trẻ trung năng động với bikini. Có thể thấy các chiến dịch này của VietJet đã đánh trúng tâm lý của giới trẻ, tò mò, thích chia sẻ, bày tỏ sự quan tâm trên mạng xã hội và tạo ra làn sóng, góc nhìn mới về cách làm truyền thông đầy sáng tạo.

Chiến lược VietJet thực hiện đã từng được hãng hàng không Virgin Atlantic tại Anh triển khai khi đối đầu với "ông lớn" British Airways và mang lại thành công vang dội. Theo Nikkei, đằng sau những chiêu quảng cáo như vậy là một hãng hàng không trẻ đang phát triển lanh lẹ và khôn khéo.

Đón đầu công nghệ

Thời điểm VietJet Air ra đời, các đối tác, khách hàng và môi trường IT ở Việt Nam còn hạn chế. Ứng dụng công nghệ tiên tiến là bước đột phá của VietJet so với các đối thủ trên thị trường. VietJet hiện sử dụng trên 20 phần mềm tiên tiến để quản lý các hoạt động của mình.

Hệ thống đặt vé được phát triển và quản lý bởi Intelisys (Canada). Nhằm quản lý rủi ro, phát hiện gian lận thẻ tín dụng và xác minh giao dịch đặt vé qua internet, VietJet sử dụng phần mềm Gatekeepers  do Mastercard cung cấp. Mastercard là một trong những nhà cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng hàng đầu trên thế giới. Công ty này xử lý khoảng 30 triệu giao dịch/1 tháng cho hơn 30.000 công ty trên 180 nước trên thế giới. Bên cạnh đó, VietJet Air còn sử dụng phần mềm Viator để quản trị và tối ưu hóa doanh thu các chuyến bay.

Các hoạt động phân tích chuyến bay và an toàn bay được quản lý bởi hệ thống phần mềm EFB (Electronic Flight Bag) do Airbus cung cấp. EFB giúp tổ lái được cập nhật tức thời các thông tin liên quan đến an toàn bay và điều hành bay.

Đối với việc quản lý các hoạt động khai thác, VietJet Air sử dụng phần mềm Geneva nhằm tối ưu hóa các nguồn lực về lịch trình chuyến bay, lịch trình của phi hành đoàn, xử lý gián đoạn các chuyến bay và kiểm soát thời gian bay. Bên cạnh đó, VietJet còn sử dụng hệ thống SunSystems quản lý quy trình mua sắm, tài chính kế toán, và ứng dụng phần MOS để quản lý vật tư, phụ tùng máy bay.

Khát vọng mở rộng đường bay sang những vùng trời mới

Biểu đồ tăng trưởng của Vietjet Air sẽ chưa hoàn thiện nếu không nhắc đến chiến lược phát triển các tuyến bay quốc tế trong khu vực lân cận. Kể từ chuyến bay đầu tiên từ TP.HCM đến Bangkok, Thái Lan trong năm 2013, đến nay Vietjet Air đã nhanh chóng nâng lên tổng cộng 44 tuyến quốc tế rộng khắp khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc và Hàn Quốc, các quốc gia có lượt khách du lịch đến Việt Nam tăng trưởng khá đều đặn trong nhiều năm qua.

Không chỉ dừng lại ở đó, VietJet Air tham vọng mở rộng đường bay ra khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ở thời điểm hiện tại, VietJet cũng có đội tàu bay thuộc loại trẻ nhất thế giới với tuổi trung bình chỉ là 3,3 năm. Với 39 đường bay nội địa và 66 đường bay quốc tế, VietJet khai thác các chuyến bay an toàn với độ tin cậy kỹ thuật 99,66%.

Là thành viên chính thức của Hiệp hội các nhà vận tải hàng không quốc tế (IATA), VietJet Air sở hữu chứng chỉ “An toàn hàng không quốc tế IOSA”, được tổ chức quốc tế AirlineRatings đánh giá chỉ số an toàn đạt 7 sao - mức cao nhất của các hãng hàng không trên thế giới.

Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ bay tới các nước và vùng lãnh thổ…VietJet đang khẩn trương hoàn tất kế hoạch mở thêm những đường bay mới - tới Ấn Độ, Nga và Australia. Ngoài ra, VietJet cũng đang cân nhắc quan hệ đối tác với các hãng châu Âu.

Có thể thấy rằng trục tăng trưởng của VietJet Air không hề bị giới hạn chỉ ở thị trường nội địa mà còn đang được định vị mở rộng ra các thị trường nước ngoài với tốc độ rất nhanh.

Dẫn đầu về giá

VietJet Air hiện đã có giá trị vốn hóa lớn hơn AirAsia - hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á của Malaysia; chi phí bình quân cho mỗi ghế trên máy bay của VietJet là thấp nhất trong tất cả các hãng hàng không trên toàn thế giới - theo bản tin mới nhất trên Nikkei Asian Review.

Hiện tại VietJet Air đang thuộc nhóm có chi phí hoạt động tương đối thấp so với mặt bằng chung bên cạnh các hãng hàng không giá rẻ có thương hiệu trên thế giới là Air Asia và Ryanair. Với chỉ số CASK – ex fuel (chi phí vận hành không tính chi phí nhiên liệu trên một đơn vị ghế cung ứng) đạt 2,42 US cent trong năm 2016 và đã được tiết giảm hơn 7% về chỉ còn 2,25 US cent sau một năm hoạt động đến cuối 2017. Nếu chỉ so sánh riêng chỉ số này với các hãng hàng không còn lại sẽ thấy rằng năng lực cạnh tranh về giá thành của Vietjet Air là rất lớn, bởi phần lớn các hãng còn lại đều có loại chi phí này lớn hơn 3 US cent.

Về cơ bản, lợi thế cạnh tranh lớn nhất của VietJet Air vẫn nằm ở khả năng quản trị chi phí và tiết giảm giá thành cung ứng dịch vụ, đây cũng là chiếc chìa khóa quan trọng dẫn đến các thị trường quốc tế trong khu vực một cách nhanh chóng nếu chúng ta làm phép so sánh chi phí giữa Vietjet Air và các hãng hàng không lớn trên thế giới.

Triết lý kinh doanh đầy tham vọng và cá tính nhưng giàu tính nhân văn

John Leahy, Tổng giám đốc Thương mại toàn cầu của Airbus, từng nhận xét CEO VietJet là "người phụ nữ có bàn tay sắt bọc nhung" bởi sự cứng rắn bên trong và vẻ ngoài mềm mỏng của bà mỗi khi đàm phán hợp đồng. Thế nhưng, trong cảm nhận của chính mình, bà Nguyễn Thị Phương Thảo luôn xem thứ "quyền lực" mà bà có, hay thứ "quyền lực" mà Forbes vinh danh, lại đến từ sự dịu dàng, bao dung và đức hi sinh của một người phụ nữ.

CEO VietJet Air từng chia sẻ: "Tôi tin rằng, tôi cũng như bất cứ người phụ nữ Á Đông nào đều đã được dạy đức hy sinh, sự quan tâm, chăm sóc tỉ mỉ, tính dịu dàng, bao dung, cho đi mà không đòi hỏi, nghĩ về những người khác trước khi nghĩ về mình, và mang những đức tính ấy vào công việc của mình…ngoài ra, nếu bạn càng ít mong đợi từ những người khác, bạn sẽ càng hạnh phúc khi nhận được điều gì đó ngay lúc bạn không ngờ tới nhất".

Từ triết lý kinh doanh nhân văn hướng tới cộng đồng và khát vọng đem lại niềm vui cho mọi người, sự xuất hiện của VietJet đã biến việc đi máy bay trở nên gần gũi. Trong giai đoạn 2011 – 2016, số hành khách dùng máy bay ở thị trường trong nước đã tăng với tốc độ trung bình 17,2% mỗi năm.

Cùng với thành công trong kinh doanh, VietJet để lại dấu ấn sâu sắc với những hoạt động thiện nguyện hướng đến cộng đồng, đặc biệt là người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khắp mọi miền của tổ quốc.

Trải qua chặng đường 12 năm thành lập, 8 năm cất cánh, VietJet Air đã góp phần to lớn làm thay đổi ngoạn mục diện mạo của ngành Hàng không Việt Nam. Thành công của VietJet Air là sự cổ cũ cho một làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng khởi nghiệp nói chung, đặc biệt là những người khởi nghiệp trẻ tuổi nói riêng về tinh thần vượt khó, ý chí kiên định, dám nghĩ dám làm nhằm tạo dựng và khẳng định giá trị cốt lõi riêng.

CEO Đặng Đức Thành 
Giám đốc Học viện khởi nghiệp thành công (ISS)
Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)