18/04/2024 lúc 14:36 (GMT+7)
Breaking News

Lực cản trong cải cách thủ tục hành chính

VNHN - Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, được để ra từ năm 1986 ngay khi bắt đầu công cuộc đổi mới của đất nước. Song, so với yêu cầu đặt ra và với đòi hỏi từ thực tiễn, thì công tác này vẫn còn rất chậm, thậm chí ở những thời điểm cần tăng tốc thì dường như động lực cải cách lại bị suy giảm…

VNHN - Cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, được để ra từ năm 1986 ngay khi bắt đầu công cuộc đổi mới của đất nước. Song, so với yêu cầu đặt ra và với đòi hỏi từ thực tiễn, thì công tác này vẫn còn rất chậm, thậm chí ở những thời điểm cần tăng tốc thì dường như động lực cải cách lại bị suy giảm…

 

Mới đây (16/8/2017) tại buổi làm việc với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng: Thời gian qua công tác cải cách thủ tục hành chính đã đạt một số kết quả, tuy nhiên người dân, doanh nghiệp vẫn còn kêu ca về sự phiền hà, rắc rối, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính ở khâu này, khâu khác tại nhiều cơ quan khác nhau. Một số việc như né tránh trách nhiệm, chỉ dẫn lòng vòng, thực hiện thiếu thủ tục… đã làm nản lòng các nhà đầu tư và doanh nghiệp…

Khách quan mà nhìn nhận, công tác CCTTHC thời gian qua cũng đã có những tiến bộ, phiền hà đã có phần giảm bớt. Song, thực trạng của công tác này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế phát triển. Bộ máy công quyền của ta hiện nay vẫn đông mà chưa tinh, nhiều mà chưa mạnh. Sự yếu kém (cả về năng lực chuyên môn, cả về phẩm chất nghề nghiệp) làm cản trở quá trình CCTTHC đã kéo dài đã nhiều năm, nhưng chậm được khắc phục. Điều đó là trở ngại không nhỏ cho sự phát triển, là vật cản đường trong tiến trình đổi mới đất nước.

Sức ỳ đáng sợ…

Có thể nhìn nhận sức ỳ trong CCTTHC xuất phát từ hai khía cạnh chính. Đó là sự cồng kềnh, chồng chéo trong tổ chức bộ máy cùng sự chậm trễ trong khi giải quyết các thủ tục hành chính; là tinh thần thái độ làm việc không tốt và trình độ yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức trong bộ máy công quyền. Để có được một loại “giấy phép” tương ứng nào đó do cơ quan quản lý hoặc các cấp chính quyền cấp, người dân hoặc doanh nghiệp vẫn còn phải lo nhiều khâu, nhiều việc, nhiều thủ tục và mất nhiều thời gian, chi phí. Đối với những vụ việc liên quan tới sự chanh chấp phức tạp, đỏi hỏi nhiều thời gian điều tra, giải quyếtđã đành. Nhưng có nhiều vụ việc chỉ mang tính “thủ tục”, không liên quan tới các đối tượng khác, nếu làm đúng trách nhiệm, đúng quy định thì có thể chỉ mất vài ngày, cùng lắm là một tuần, vậy nhưng có khi kéo dài cả tháng, thậm chí nhiều tháng với những lý do cũng thật… vô lý. Rất nhiều vụ việc bị kéo dài mà người dân không biết kêu ai. Thậm chí cả doanh nghiệp cũng vậy…  Tuy nhiên, bài viết này không chủ trương nêu ra những biểu hiện cụ thể của tình trạng gây phiền hà, tạo thủ tục rắc rối, cách giải quyết lòng vòng, kéo dài, làm khó cho công dân và doanh nghiệp; vì những biểu hiện này vẫn đang tồn tại nhiều và không khó để có thể nhận thấy trong thực tế. Quan trọng là sự nhìn nhận từ các cơ quan quản lý, là quyết tâm đẩy nhanh việc thực hiện CCTTHC, phá bỏ sức ỳ trong công tác này để từ đó tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi và thông thoáng hơn cho các  hoạt động kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.

Một trong những bất cập lâu nay chưa giải quyết được chính là vấn đề tổ chức bộ máy. Nhiều Bộ, cơ quan ngang Bộ, bộ máy bên trong vẫn còn biểu hiện cồng kềnh, còn tầng nấc trung gian; chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan hành chính nhà nước tuy đã có sự sắp xếp lại, nhưng chưa triệt để, vẫn còn có sự giao thoa, đan xen, thiếu rõ ràng, mạch lạc nên khó xác định trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra, trong khi người cần làm thủ tục gì đó lại phải qua nhiều nơi, rất phiền hà. Bên cạnh đó, số lượng cấp phó tại một số tổ chức hành chính vượt quy định; còn mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu…, gây sự hoài nghi và mất lòng tin của người dân về công tác cán bộ. Điều đáng lo là từ cách tổ chức và vận hành của bộ máy nhà nước hiện nay, dễ dẫn đến tình trạng trách nhiệm không rõ ràng, tình trạng lạm dụng quyền lực, tham ô tham những, rồi việc hình thành những “nhóm lợi ích”… xâm hại đến quyền lợi hợp pháp, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Một trong những lĩnh vực quan trọng liên quan tới việc CCTTHC là phải làm sao đơn giản hóa thủ tục để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Về vấn đề này, từ cách đây hơn một năm, ngày 16/5/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2010. Nghị quyết 35 thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong thực hiện CCTTHC, mang lại một luồng gió mới cho doanh nghiệp. Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng việc triển khai NQ35 đến nayvẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế, với kỳ vọng của doanh nghiệp; vẫn còn có khoảng cách giữa chính sách và thực thi, trong đó nổi cộm nhất là về thủ tục hành chính trong XNK, thuế, hải quan, giấy phép con, tiếp cận đất đai, vốn, tài nguyên… Hệ lụy của sự chậm trễ trong CCTTHC cũng là điều không khó nhận ra, ảnh hưởng xấu tới sản xuất kinh doanh, tới cả nền kinh tế, làm suy giảm lòng tin của người dân và của doanh nghiệp vào bộ máy công quyền, vào những chính sách của Nhà nước.

Hai mặt của một vấn đề

Đúng ra, trong giai đoạn hiện nay, khi mà trình độ phát triển đã ở mức cao hơn, trình độ dân trí cũng phát triển hơn, thì các cơ quan công quyền phải tạo được những bước đột phát trong thực hiện CCTTHC, trong việc đơn giản hóa thủ tục, thúc đẩy bộ máy vận hành nhanh và hiệu quả hơn… Nhưng, đáng tiếc là chúng ta vẫn chưa làm được điều cần thiết ấy.Và, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, đây là khâu yếu cần khắc phục; mà nếu “không chuyển biến thì phải có chế tài thực hiện”.

Để có thể đẩy nhanh thực hiện CCTTHC, cũng có nghĩa là để có thể xóa bỏ được lực cản trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, trước hết phải xóa được lực cản ngay trong hệ thống pháp luật hiện nay. Theo đó, một Đạo luật về Cải cách tổ chức bộ máy hành chính - Luật Công vụ rất cần được xây dựng và ban hành. Đây là căn cứ tập trung, thống nhất trong việc xác định nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm; cũng như xác định tiêu chí đào tạo, tuyển dụng, đánh giá, khen thưởng, xử phạt, các điều kiện thực thi công vụ của cán bộ, công chức… Mặt khác, Nhà nước cần tích cực nghiên cứu để giải quyết căn bản vấn đề lương của cán bộ, công chức theo nghĩa là tăng lương thật sự để đảm bảo cuộc sống ổn định bằng mức lương đó, chứ không phải tăng lương theo kiểu “nhỏ giọt” như đã làm. Có như vậy mới đảm bảo cho cán bộ, công chức yên tâm và toàn tâm toàn ý phục vụ cho công việc và không ngừng học tập để nâng cao trình độ và giữ gìn phẩm chất của mình. 

Chính sách, pháp luật rất quan trọng, nhưng chưa đủ. Trách nhiệm và ý thức của người cán bộ, công chức nói chung và của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc thực thi nhiệm vụ, vẫn là điều hết sức quan trọng, nhiều khi còn mang ý nghĩa quyết định sự thành - bại khi triển khai thực hiện một chủ trương, một chính sách nào đó. Đúng như Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, đã nói (về sự chậm trễ trong CCTTHC) tại một phiên họp của Ban Chỉ đạo, rằng: “Người đứng đầu, Bộ trưởng mà không chuyển động thì khó mà làm được. Thường thường sức ỳ của cán bộ công chức rất lớn vì không làm thì chả chết ai cả, chỉ khổ doanh nghiệp, khổ người dân” (12/2016). Cho nên,có cơ chế đảm bảo và quy kết trách nhiệm cá nhân trong thực thi nhiệm vụ là vấn đề rất quan trọng và cần thiết hiện nay.