26/04/2024 lúc 00:17 (GMT+7)
Breaking News

Luật Thanh niên: Bảo đảm nguồn lực đầu tư cho thanh niên

VNHN - Luật Thanh niên là khung pháp lý cho toàn bộ công tác thanh niên, với mục tiêu phát triển thanh niên trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, chính sách của nhà nước cần được đưa vào dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) một cách có chọn lọc, bảo đảm mục tiêu mà Luật đặt ra; đồng thời có cơ chế thực hiện, điều kiện bảo đảm thi hành.

VNHN - Luật Thanh niên là khung pháp lý cho toàn bộ công tác thanh niên, với mục tiêu phát triển thanh niên trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, chính sách của nhà nước cần được đưa vào dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) một cách có chọn lọc, bảo đảm mục tiêu mà Luật đặt ra; đồng thời có cơ chế thực hiện, điều kiện bảo đảm thi hành.

Ảnh minh họa - TL

Định hình khung chính sách

Qua 15 năm triển khai, thi hành Luật Thanh niên 2005, có thể thấy, một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung; thiếu nguồn lực thực hiện Luật; chưa có công cụ đo lường, thống kê, nên chưa bóc tách và làm rõ thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương... Bởi vậy, chính sách và nguồn lực đầu tư cho thanh niên được nhiều chuyên gia quan tâm trong quá trình góp ý xây dựng dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi).

Theo TS. Hoàng Xuân Châu, Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên, thanh niên là một lực lượng xã hội to lớn, có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Họ là tầng lớp trẻ, khỏe và đang trong giai đoạn phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ, nên có năng lực đóng góp trong các lĩnh vực lao động sáng tạo, đem lại nhiều giá trị gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Phần lớn các quốc gia trên thế giới đều nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của thanh niên, từ đó đưa ra các chính sách thúc đẩy thanh niên phát triển cũng như đóng góp cho sự phát triển của quốc gia. Các chính sách dành cho thanh niên luôn hướng tới mục tiêu phát triển thanh niên trên các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, từ học tập, sức khỏe thể chất và tinh thần, đến lao động, việc làm và sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị và dân sự...

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong cho rằng: Trong dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), chúng ta xác định xây dựng chính sách trong Luật theo khung chính sách, thì cố gắng định hình những gì thanh niên quan tâm, sau này khi ban hành văn bản cụ thể hóa Luật, có thể đáp ứng yêu cầu về môi trường, không gian, điều kiện phát triển thanh niên. Khi chúng ta định hình được phạm vi chính sách cần có cho thanh niên, các luật sau này được ban hành sẽ soi vào lấy đó làm căn cứ hình thành nên các chính sách hợp lý, điều chỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể. Với góc độ tiếp cận như vậy, sẽ bảo đảm vừa có tính mới, vừa đáp ứng yêu cầu chung cho mục tiêu phát triển thanh niên. Trong xây dựng chính sách, có thể tập trung vào các nhóm chính, như: Tạo điều kiện cho thanh niên tự vận động, phát triển; các lực lượng xã hội có tương tác, hoạt động tác động vào thanh niên cần chính sách và tạo điều kiện gì để thanh niên phát triển; cơ quan nhà nước tham gia như thế nào trong xây dựng và thực hiện chính sách ấy. Nếu xây dựng nhóm chính sách gắn với 3 trục này, sẽ định hình khung chính sách cụ thể cho thanh niên...

Làm rõ nguồn lực thực hiện

Theo TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện Nghiên cứu Thanh niên, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Thanh niên 2005, quy định về chính sách cho thanh niên trong luật sửa đổi cần đáp ứng các yêu cầu như: Bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo với các chính sách đã được quy định trong luật, bộ luật khác; bảo đảm tính đặc thù, dành riêng cho thanh niên, cần thiết, đáp ứng được nhu cầu phát triển của thanh niên hiện nay; bảo đảm tính khả thi, cụ thể, để có thể đưa vào thi hành trong cuộc sống.

Một trong những tồn tại, hạn chế của việc thực hiện Luật Thanh niên 2005 là thiếu nguồn lực, cả về con người và tài chính, để triển khai các chính sách đã được quy định. Về vấn đề này, theo Phó Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ Doãn Đức Hảo, Luật Thanh niên 2005 quy định 8 quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên trên các lĩnh vực quan trọng tác động đến việc phát triển và phát huy thanh niên: Học tập; lao động; bảo vệ Tổ quốc; hoạt động khoa học - công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường; hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, vui chơi, giải trí; bảo vệ sức khỏe, thể dục, thể thao; hôn nhân và gia đình; tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, nguồn lực để bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của thanh niên lại không được quy định cụ thể trong Luật.

Có thể thấy, một số quy định về trách nhiệm của nhà nước trong việc tạo điều kiện cho thanh niên học tập, nghiên cứu khoa học, việc làm, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe mới dừng lại ở việc kêu gọi, khuyến khích thực hiện, mà chưa xác định rõ nguồn lực để bảo đảm thực hiện. Hệ thống tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa được kiện toàn đầy đủ; không ổn định, thường xuyên có sự thay đổi; đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên được bố trí chưa đủ để tương xứng với nhiệm vụ được các cấp có thẩm quyền giao...

Vì thế, theo các chuyên gia, dự thảo Luật cần quy định nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách phát triển thanh niên để làm căn cứ cho Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp bố trí đủ nguồn lực để thực hiện chính sách phát triển thanh niên, với các nội dung cụ thể như: Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm bảo đảm đủ nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, dự án phát triển thanh niên của quốc gia và địa phương... Nguồn tài chính bảo đảm thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên gồm nguồn ngân sách nhà nước, các khoản đóng góp, ủng hộ, tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế tài chính phù hợp cả bằng nguồn ngân sách cũng như xã hội hóa để hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên và chính sách phát triển thanh niên... Theo TS. Hoàng Xuân Châu: “Bất kỳ chính sách, vấn đề nào đưa ra, chúng ta phải có đủ nguồn lực thực hiện, nếu không chính sách chỉ nằm trên giấy. Chúng tôi cho rằng đây là vấn đề hồn cốt của đạo luật này”.