20/04/2024 lúc 18:32 (GMT+7)
Breaking News

Luật sư Trần Mạnh Hùng: “Cần cải thiện khung pháp lý về quyền tác giả”

VNHN-“Khi xâm phạm quyền tác giả, đặc biệt là trên môi trường mạng đang diễn ra rất phổ biến và khó kiểm soát, chúng ta cần cải thiện khung pháp lý về quyền tác giả”. Luật sư Trần Mạnh Hùng (ảnh bên) - người điều hành Công ty Luật quốc tế BMVN (thành viên của Baker McKenzie, một trong những công ty luật lớn nhất thế giới), thẳng thắn chia sẻ với báo chí, chung quanh những vấn đề về bản quyền sản phẩm văn hóa trong kỷ nguyên số.

 

“Khi xâm phạm quyền tác giả, đặc biệt là trên môi trường mạng đang diễn ra rất phổ biến và khó kiểm soát, chúng ta cần cải thiện khung pháp lý về quyền tác giả”. Luật sư Trần Mạnh Hùng (ảnh bên) - người điều hành Công ty Luật quốc tế BMVN (thành viên của Baker McKenzie, một trong những công ty luật lớn nhất thế giới), thẳng thắn chia sẻ với báo chí, chung quanh những vấn đề về bản quyền sản phẩm văn hóa trong kỷ nguyên số.

Kỷ nguyên số rất dễ tạo môi trường cho hành vi vi phạm

Ông có thể đánh giá hiện trạng xâm phạm quyền tác giả tại Việt Nam hiện nay?

Xâm phạm quyền tác giả, đặc biệt là trên môi trường mạng đối với các sản phẩm văn hóa như sách, âm nhạc, điện ảnh, văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, chương trình giải trí trên truyền hình... đang diễn ra rất phổ biến và khó kiểm soát. Trong một vài thí dụ điển hình gần đây, một công ty xuất bản cho biết toàn bộ sách điện tử của họ bị một bên khác sao chép lậu. Một thí dụ nữa là ngay sau khi các môn thể thao ASIAD 2018 được VTC phát sóng thì hàng loạt các website đã phát lại mà chưa được VTC cho phép.

Kỷ nguyên số mang đến sự tiện lợi nhưng cũng tạo môi trường cho hành vi xâm phạm quyền tác giả diễn ra tràn lan, rất khó ngăn chặn và kiểm soát.

Bên cạnh đó, cũng có thể thấy rằng việc thực thi quyền tác giả tại Việt Nam đang bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Các ứng dụng nghe nhạc hay xem phim đã bắt đầu có ý thức về vấn đề bảo vệ quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh. Các cụm từ “bản quyền”, “quyền tác giả” cũng xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn của xã hội đối với vấn đề này. Một bộ phận người tiêu dùng tại các thành phố lớn đã dần hình thành thói quen thanh toán phí để sử dụng, thưởng thức các sản phẩm văn hóa. Tôi cho rằng những chuyển biến này sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn trong tương lai, trong đó động lực quan trọng nhất là sự hợp tác giữa chủ thể quyền và các kênh phân phối.

Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng vi phạm bản quyền sản phẩm văn hóa tràn lan hiện nay?

Tình trạng vi phạm quyền tác giả đối với các sản phẩm văn hóa có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, điều kiện kinh tế xã hội còn thấp dẫn đến việc sao chép lậu và kinh doanh các sản phẩm sao chép lậu như âm nhạc, phim ảnh, các tác phẩm văn học, nghệ thuật... Phần lớn người dân chưa có ý thức tôn trọng quyền tác giả và coi việc sử dụng các sản phẩm sao chép lậu là việc bình thường, chưa có ý thức về việc phải trả tiền để được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật.

Thứ hai, luật pháp về bảo vệ quyền tác giả chưa quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (như các công ty cung cấp dịch vụ internet, dịch vụ mạng xã hội) trong việc bảo vệ quyền tác giả trên môi trường internet. Đặc biệt là trách nhiệm của các doanh nghiệp này khi nhận được thông tin về hành vi xâm phạm từ chủ thể quyền tác giả. Đồng thời, một số quy định pháp luật còn chưa có hướng dẫn rõ ràng, chưa bắt kịp với các công nghệ xâm phạm tinh vi, nên khó đi vào thực tiễn.

Thứ ba, việc thực thi pháp luật về bảo vệ quyền tác giả còn chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng xâm phạm, sao chép lậu, đặc biệt là trên môi trường internet còn phổ biến.

Vi phạm quyền tác giả sẽ khiến nền công nghiệp văn hóa bị kìm hãm

Tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến trong các lĩnh vực đang diễn ra nhan nhản và công khai sẽ dẫn tới những hệ lụy gì và sẽ ảnh hưởng thế nào đến quá trình xây dựng nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam cũng như quá trình hội nhập, khi chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và đang đẩy mạnh xây dựng nền công nghiệp 4.0?

Bức tranh giả mạo chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương.

Tình trạng xâm phạm quyền tác giả trực tuyến gây ra một số hệ lụy khiến các tác giả, nhà sản xuất, nhà xuất bản và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nói chung phải chịu thiệt thòi, vì không được đền đáp xứng đáng. Nền công nghiệp văn hóa, giải trí của chúng ta theo đó cũng bị kìm hãm. Mặt khác, những vi phạm này sẽ khiến Việt Nam mất đi nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài để mang đến những sản phẩm tinh thần giá trị cho người dân. Thí dụ, trong khi phát sóng World Cup 2018, VTV đã đứng trước nguy cơ bị FIFA cắt sóng do tình trạng xâm phạm quyền phát sóng tràn lan trên internet.

Trong nền công nghiệp 4.0, khi các doanh nghiệp, đơn vị khởi nghiệp ngày càng sử dụng nhiều phần mềm trong hoạt động kinh doanh thì tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với phần mềm sẽ khiến cho các doanh nghiệp bị tổn hại nặng nề, thậm chí bị lộ bí mật kinh doanh. Việc này sẽ làm mất động lực đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực phần mềm vào Việt Nam, ảnh hưởng đến việc đẩy mạnh xây dựng nền công nghiệp 4.0.

Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội thông qua cũng đưa ra nhiều yêu cầu thay đổi, cập nhật đối với hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả của Việt Nam.

Theo ông, hành lang pháp lý của Việt Nam hiện nay đã đầy đủ để bảo vệ bản quyền sản phẩm văn hóa trong kỷ nguyên số hay chưa? Có ý kiến cho rằng các chế tài xử phạt trong lĩnh vực vi phạm bản quyền còn chưa đủ sức răn đe nên cần tăng mức hình phạt và chỉnh sửa, bổ sung các điều luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ để ngăn chặn hiệu quả tình trạng vi phạm bản quyền?

Hành lang pháp lý của Việt Nam, bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn liên quan khác, đều đã có những quy định tương đối đầy đủ để xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi cố ý sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình và hành vi phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình mà không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan. Ngoài ra, Bộ Luật Hình sự cũng đã quy định trách nhiệm của pháp nhân khi thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Những hành vi xâm phạm khác chủ yếu bị xử lý dưới hình thức phạt tiền, buộc dỡ bỏ bản sao hoặc tiêu hủy tang vật, theo quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên vẫn còn một số điểm mà luật pháp về quyền tác giả và quyền liên quan còn chưa đủ rõ và phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của tòa án.

Thí dụ thứ nhất, định nghĩa “Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp một phần hoặc toàn bộ tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” là chưa đủ rõ. Cụ thể, nếu chỉ sao chép một phần không quan trọng của tác phẩm thì có thể không bị coi là sao chép. Ngược lại, nếu sao chép một phần nhỏ hơn nhưng là phần đặc sắc nhất của tác phẩm thì nên bị coi là hành vi sao chép. Tuy nhiên, có thể thấy theo định nghĩa trên thì luật pháp chỉ quy định về “lượng” của hành vi sao chép chứ chưa có quy định về “chất” của hành vi này.

Thí dụ thứ hai, luật pháp chưa bắt kịp với các công nghệ sao chép lậu tinh vi trên môi trường internet. Cụ thể, chưa quy định rõ hành vi một trang web “nhúng” (embed) đường link dẫn đến một bộ phim bị sao chép lậu nhưng được lưu tại một trang web khác có phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với bộ phim đó hay không. Lợi dụng điểm này, rất nhiều các trang web xem phim lậu ở Việt Nam thường chỉ “nhúng” đường link vào trang web của mình để người dùng xem, trong khi bộ phim thực chất được lưu tại máy chủ của một bên thứ ba ở nước ngoài.

Về vấn đề sửa đổi luật, tôi cho rằng không cần thiết phải tăng mức hình phạt nhưng phải quy định rõ hơn các khái niệm pháp lý như nêu trên. Đối với các quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, cần làm rõ các tiêu chí định tội như “quy mô thương mại”, quy trình thu thập chứng cứ đối với các tiêu chí như “giá trị hàng hóa vi phạm” để dễ dàng xác định tội danh cho hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Vi phạm bản quyền các sản phẩm văn hóa thực chất là một hành vi ăn cắp rất đáng lên án, không chỉ riêng đối tượng thực hiện mà còn cả người sử dụng. Thế nhưng hiện nay, nhiều người vẫn “hồn nhiên” sử dụng các sản phẩm văn hóa vi phạm bản quyền như một lẽ đương nhiên. Ông nhìn nhận thế nào về ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ bản quyền và cần có biện pháp gốc rễ nào để nâng cao ý thức đó?

Tôi hiểu tâm lý của người tiêu dùng luôn mong muốn tận hưởng các sản phẩm âm nhạc, điện ảnh, hay truyền hình với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, việc này phải cân bằng với ý thức tôn trọng thành quả lao động sáng tạo của người khác.

Để nâng cao ý thức này cần phải cải thiện khung pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan cũng như cải thiện tình trạng thực thi pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Cụ thể, cần nâng cao hiểu biết chuyên môn của các cơ quan có thẩm quyền như tòa án, thanh tra, công an để việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan dần đi vào đời sống.

Xin cảm ơn ông!

- Vi phạm tác quyền hiện đã mở rộng biên độ ra ngoài biên giới, với chủ thể sáng tạo bị xâm phạm quyền SHTT đều là nghệ sĩ nước ngoài. Ca sĩ Phúc Bồ tham gia chương trình Sao đại chiến bằng cách “lấy cảm hứng từ tác phẩm” Body của Mino và Okey Dokey của Zico. Đinh Đại Vũ bê cả cảnh quay trong MV DNA của nhóm nhạc nổi tiếng BTS vào MV Em muốn cái gì đây. MV 102 Hater của Lil Shady bị người hâm mộ Hàn Quốc phát hiện giống ca khúc của B.I (iKOn). Người ta và anh của Lê Thiện Hiếu có bản phối giống hệt Till the morning comes của nhóm nhạc Marauders. Em là duy nhất của Tóc Tiên bị nghi ngờ đạo Chuyến tàu ly biệt của Triệu Vy, với phần điệp khúc giống y hệt. Thu Thủy “mượn” cả hình ảnh lẫn kịch bản trong MV của Eunji (A Pink) để biến thành của mình…

- MV Sống xa anh sử dụng hai đoạn nhạc, từ hai bản hòa âm Icarus và Glimme of Hope của nhà soạn nhạc Ivan Torrent mà không mua tác quyền. Sau khi công ty đại diện cho nhạc sĩ gửi email thông báo số tiền phạt cộng phí tác quyền lên đến 10 nghìn Euro, ca sĩ Bảo Anh xin lỗi và thương lượng, bỏ ra 100 triệu đồng mua tác quyền.

- Ca khúc Người lạ ơi của Orange và Karik đã trở thành hiện tượng của V-Pop với 100 triệu lượt nghe chỉ sau hai tuần, MV đạt 100 triệu views chỉ sau 39 ngày, nhưng dính nghi vấn đạo nhạc, với hai tác phẩm What If và Anh vẫn nhớ của hai nghệ sĩ Robin Wesley và Nah. Ê-kíp đã áp dụng mô hình “mua bản sound rồi phóng tác tùy ý”, vi phạm Quyền nhân thân (một trong hai quyền tác giả) đã được định rõ trong Luật Sở hữu trí tuệ.

PHÙNG NGUYÊN (Thực hiện)/NDO