25/04/2024 lúc 04:28 (GMT+7)
Breaking News

Luật sư Bùi Nhã: Cần siết chặt quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ

Thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều sự cố tại các thẩm mỹ viện, thậm chí nhiều trường hợp tử vong sau khi sử dụng dịch vụ làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý các cơ sở thẩm mỹ sai phạm, từ xử phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh đến xử lý hình sự. Tuy nhiên, tình trạng bát nháo thẩm mỹ viện vẫn tiếp diễn.

Thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều sự cố tại các thẩm mỹ viện, thậm chí nhiều trường hợp tử vong sau khi sử dụng dịch vụ làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ. Các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xử lý các cơ sở thẩm mỹ sai phạm, từ xử phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh đến xử lý hình sự. Tuy nhiên, tình trạng bát nháo thẩm mỹ viện vẫn tiếp diễn.

Luật sư Bùi Đức Nhã Công ty Luật TNHH Tuệ Anh

Về vấn đề nêu trên, Việt Nam Hội nhập đã có buổi trò chuyện với Luật sư Bùi Đức Nhã Công ty Luật TNHH Tuệ Anh.

Nhiều người hay bị nhầm lẫn giữa bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám thẩm mỹ, thẩm mỹ viện... Xin luật sư phân tích rõ về điểm khác nhau giữa các khái niệm này dưới góc độ pháp lý?

Nếu xét dưới góc độ pháp lý, các khái niệm này đều chưa hoàn toàn chính xác. Theo quy định của luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và các văn bản hướng dẫn thì các loại hình này đều là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các cơ sở khám chữa bệnh này được phân loại thành nhiều hình thức tổ chức khác nhau. Ví dụ như: Bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, phòng khám chuyên khoa  răng - hàm - mặt, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa da liễu… Những hình thức tổ chức khám chữa bệnh này có sự khác nhau về yêu cầu, điều kiện, nhân sự, cơ sở vật chất sao cho phù hợp.

Các khái niệm bệnh viện thẩm mỹ, phòng khám thẩm mỹ, thẩm mỹ viện đều là các khái niệm mà các tổ chức/cá nhân kinh doanh dịch vụ làm đẹp kết hợp với các khái niệm pháp lý với nhau, sử dụng để phục vụ cho hoạt động kinh doanh và quảng bá hình ảnh của mình.

Hiện có trường hợp các cơ sở thẩm mỹ quảng cáo, thực hiện các phương pháp thẩm mỹ vượt quy định cho phép. Những hành vi vi phạm đó sẽ bị xử lý ra sao, thưa ông?

Về nguyên tắc, các hoạt động khám chữa bệnh nói chung và các hoạt động thẩm mỹ nói riêng đều phải tuân thủ quy định của pháp luật về hoạt động khám chữa bệnh và tuân thủ chính xác phạm vi giấy phép hoạt động khám chữa bệnh mà cơ sở của mình được cấp. Việc lợi dụng các khái niệm để quảng cáo, thực hiện các phương pháp thẩm mỹ vượt quy định cho phép là hành vi trái pháp luật và bị xử lý nghiêm khắc.

Tổ chức/cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt tới 100.000.000. Ngoài ra tổ chức/cá nhân có thể chịu hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh hoặc thu hồi giấy phép hoạt động khám chữa bệnh.

Hơn nữa, nếu như để xảy ra tổn hại đối với khách hàng, các cá nhân vi phạm có thể bị truy tố về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015. Đối mặt với tội danh này, người phạm tội có thể chịu phạt đến 15 năm tù giam, phạt tiền đến 50.000.000 đồng và cấm hành nghề đến 05 năm.

Theo ông đâu là nguyên nhân chính để xảy ra hiện tượng "bát nháo" thẩm mỹ viện nêu trên?

Hiện tượng này có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau: Người dân và cụ thể là các khách hàng không tìm hiểu kỹ về cơ sở thẩm mỹ trước khi sử dụng dịch vụ; Công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa hiệu quả; Quy định của pháp luật về hoạt động thẩm mỹ chưa được hoàn thiện.

Làm đẹp là nhu cầu tất yếu của người dân, đặc biệt trong xã hội hiện đại, nhu cầu làm đẹp ngày càng phổ biến. Kéo theo đó là sự ra đời của hàng loạt cơ sở thẩm mỹ nhưng việc kiểm soát các cơ sở này còn buông lỏng.

Theo ông, các cơ quan quản lý cần đưa ra những quy định gì để tạo hành lang pháp lý vững chắc, giúp người dân dễ nắm bắt thông tin cơ sở thẩm mỹ để “chọn mặt gửi vàng”?

Các cơ quan quản lý cần bổ sung thêm các dạng quy định như sau để người dân nắm bắt được thông tin về cơ sở thẩm mỹ cũng như có thể chọn được cơ sở thẩm mỹ uy tín và chất lượng: Bắt buộc các cơ sở thẩm mỹ phải có hoạt động tuyên truyền pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh một cách rõ ràng, hiệu quả; 

Buộc các cơ sở thẩm mỹ phải làm rõ và thông báo rõ ràng địa vị pháp lý của cơ sở mình theo đúng quy định của pháp luật về khám bệnh chữa bệnh, đồng thời niêm yết công khai giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh mà mình được cấp.

Buộc các cơ sở thẩm mỹ thông báo rõ cho khách hàng biết về phạm vi dịch vụ mà mình được cung cấp theo giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp. Buộc các cơ sở thẩm mỹ niêm yết rõ ràng số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan quản lý nhà nước trong trường hợp khách hàng có nhu cầu tố cáo hành vi vi phạm của các cơ sở này.

Ông có lời khuyên như thế nào dành cho khách hàng muốn sử dụng dịch vụ thẩm mỹ làm đẹp?

Dù sử dụng bất kỳ dịch vụ nào, khách hàng nên trang bị cho mình kiến thức pháp luật liên quan đến dịch vụ đó. Trước khi sử dụng dịch vụ thẩm mỹ, chúng ta nên tìm hiểu kỹ về địa vị pháp lý, năng lực, vật chất, sự rõ ràng của cơ sở thẩm mỹ đó. Hãy là một khách hàng thông thái, tránh để các cơ sở cung cấp dịch vụ lợi dụng khách hàng dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Trân trọng cảm ơn ông!