28/03/2024 lúc 21:50 (GMT+7)
Breaking News

Luật Giám định Tư pháp, Luật Tố tụng hình sự: Cần bổ sung quy định bắt buộc trưng cầu giám định

VNHN - Luật Giám định Tư pháp, Luật Tố tụng hình sự không quy định hành vi xâm hại tình dục là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y, nên đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ.

VNHN - Luật Giám định Tư pháp, Luật Tố tụng hình sự không quy định hành vi xâm hại tình dục là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y, nên đã gây ra không ít khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ.

Ảnh minh họa

Theo thống kê số liệu của Bộ Công an, từ năm 2015 đến tháng 6.2019, toàn quốc xảy ra hơn 7.829 vụ xâm hại trẻ em với 7.767 trẻ em bị xâm hại. Tại Hà Nội, từ năm 2015 đến hết tháng 6.2019, có 365 vụ xâm hại trẻ em với 313 trẻ em bị xâm hại, trong đó, xâm hại tình dục là 199 vụ chiếm 54,5% với 220 trẻ em. Thực tế con số này có thể còn lớn hơn rất nhiều, tuy nhiên hiện các bậc phụ huynh, người giám hộ, người chăm sóc trẻ và chính bản thân trẻ em nhận thức chưa cao dẫn đến việc bảo vệ trẻ khỏi tình trạng xâm hại tình dục đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đặc biệt, trong các vụ án xâm hại nhiều gia đình của bị hại thường có tâm lý e ngại sự việc sẽ ảnh hưởng đến tương lai của con mình nên thường không phối hợp với cơ quan chức năng và nhiều trường hợp không tố giác kẻ phạm tội, thậm chí còn chấp nhận thỏa hiệp đền bù hoặc tổ chức đám cưới cho trẻ. Sự thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu chế tài đối với trường hợp gia đình bị hại không tố giác tội phạm đã gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án; đồng thời tạo cơ hội cho những kẻ phạm tội sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại không được bảo đảm.

Trong khi đó, do tính đặc thù của loại tội phạm này nên việc thu thập các chứng cứ ban đầu như dấu vết, mẫu tinh dịch, mẫu ADN của đối tượng… là hết sức quan trọng. Bởi lẽ, các dấu vết của loại tội phạm này thường nhanh chóng bị mất. Do đó, việc bị hại và gia đình chậm trễ trong khai báo, không biết cách thu giữ những vật chứng cần thiết để giao nộp cho cơ quan chức năng, vô hình chung đã tạo điều kiện cho người phạm tội có thời gian xóa dấu vết. Đáng lưu ý, các chứng cứ nói trên là cơ sở để đánh giá lời khai của bị hại là có căn cứ hay không và có đủ yếu tố để khởi tố vụ án hay không. Tuy nhiên, hiện Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 lại không quy định đây là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y nên đã gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình thu thập chứng cứ, giải quyết vụ án khi người bị hại và gia đình không đồng ý việc giám định tư pháp.