24/04/2024 lúc 12:05 (GMT+7)
Breaking News

Long An: Long trọng kỷ niệm ngày hi sinh của đồng chí Châu Văn Liêm

VNHN - Ngày 04/06, vừa qua, nhân kỷ niệm 90 năm cuộc biểu tình của nông dân tại Ngã tư Đức Hòa và ngày hy sinh của đồng chí Châu Văn Liêm (04/06/1930 – 04/06/2020), tỉnh Long An long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa.

VNHN - Ngày 04/06, vừa qua, nhân kỷ niệm 90 năm cuộc biểu tình của nông dân tại Ngã tư Đức Hòa và ngày hy sinh của đồng chí Châu Văn Liêm (04/06/1930 – 04/06/2020), tỉnh Long An long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh – Ông Phạm Văn Rạnh ôn lại sự kiện (Nguồn: Internet).

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - Phạm Văn Rạnh; Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần; lãnh đạo HĐND, UBMTTQVN tỉnh, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, địa phương và đại diện gia đình đồng chí Châu Văn Liêm dự.

Tại buổi lễ, các đại biểu cùng nhau ôn lại sự kiện cuộc biểu tình của nông dân tại Ngã tư Đức Hòa ngày 04/6/1930. Cuộc biểu tình và gương hy sinh oanh liệt của đồng chí Châu Văn Liêm đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử đấu tranh chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này được xem là đỉnh cao của phong trào cách mạng tỉnh Tân An - Chợ Lớn năm 1930 và là cuộc biểu dương lực lượng chưa từng có của nhân dân Nam bộ lúc bấy giờ.

Lễ kỷ niệm 90 năm cuộc biểu tình của nông dân Đức Hòa và ngày hi sinh của đồng chí Châu Văn Liêm (Nguồn: Internet)

Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29/6/1902 tại Cần Thơ trong một gia đình nông dân. Khi học ở Sài Gòn, ông đã sớm tiếp xúc với sách báo tiến bộ, nhất là báo Tiếng Chuông Rè – một tờ báo đầu tiên ở Đông Dương đăng công khai Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Từ khi ra trường năm 1924, ông về dạy học ở Long Xuyên. Đến cuối năm 1927, Châu Văn Liêm được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, đến năm 1928 ông làm Bí thư Tỉnh bộ Long Xuyên. Ông là người thành lập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng, một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi cùng với Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Đức Cảnh và 4 người khác thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại cuộc họp hợp nhất 3 tổ chức đảng tại Hương Cảng ngày 3/2/1930, Châu Văn Liêm trở về miền Nam lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và hi sinh tại Long An vào ngày 4/6/1930.

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, các đại biểu dâng hương tưởng niệm thể hiện sự tri ân sâu sắc trước những đóng góp, hy sinh anh dũng của đồng chí Châu Văn Liêm.

Đại biểu tham quan Nhà trưng bày Khu di tích Ngã tư Ðức Hòa (Nguồn: Internet).

Bà Lê Thị Tuyết Nga, đại diện gia đình đồng chí Châu Văn Liêm chia sẻ: “Hiện tại, tôi đang sinh sống tại quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ. Đây là lần đầu tiên tôi đến với Long An, tôi thật sự rất xúc động khi dâng hương tưởng niệm ông tại huyện Đức Hòa. Gia đình tôi xin chân thành cảm ơn lãnh đạo tỉnh Long An vì đã tạo điều kiện để gia đình tôi có mặt tại buổi lễ hôm nay.”

Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Phạm Văn Rạnh cũng đề nghị các ngành liên quan tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử di tích quốc gia Ngã tư Đức Hòa vì nơi đây là một trong những dấu mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ tỉnh Long An - là một địa chỉ đỏ, để phục vụ ngày càng tốt hơn công tác.

Trường THPT Châu Văn Liêm Quận Ninh Kiều, Thành Phố Cần Thơ (Nguồn: Internet).

Hiện nay, nơi đồng chí Châu Văn Liêm hy sinh, nay đã trở thành khu di tích lịch sử của tỉnh Long An. Tên của ông cũng được đặt cho nhiều công trình, trường học và các địa danh. Sự cống hiến của ông đã để lại bài học quý giá cho giáo dục truyền thống của dân tộc, nhất là thế hệ trẻ về sự nghiệp cách mạng hào hùng của ông cha ta./.