29/03/2024 lúc 08:54 (GMT+7)
Breaking News

Long An: Lợi nhuận cao từ quả Thanh Long

VNHN - Hiện nay, toàn tỉnh Long An có trên 11.000 ha Thanh Long, trong đó, huyện Châu Thành là 9.100 ha, huyện Tân Trụ có 1.000 ha,... Trung bình mỗi ha thanh long ruột đỏ, sau khi trừ chi phí, người trồng có lợi nhuận từ 400 triệu đến 700 triệu đồng/ha/năm.

VNHN - Hiện nay, toàn tỉnh Long An có trên 11.000 ha Thanh Long, trong đó, huyện Châu Thành là 9.100 ha, huyện Tân Trụ có 1.000 ha,... Trung bình mỗi ha thanh long ruột đỏ, sau khi trừ chi phí, người trồng có lợi nhuận từ 400 triệu đến 700 triệu đồng/ha/năm.


Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thời gian qua, phần lớn sản lượng Thanh Long của tỉnh Long An đều xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai. Cùng với đó, việc “được mùa mất giá” diễn ra liên tục khiến người trồng thanh long chưa thực sự an tâm sản xuất.

Trước thực trạng này, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã đưa ra những giải pháp để sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu và tìm thị trường xuất khẩu thanh long ổn định lâu dài. Theo ông Trần Văn Cần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An, trước hết, cần củng cố Hiệp hội Thanh long Long An nhằm thu hút các hợp tác xã, xã viên để hoạt động của Hiệp hội ngày càng lớn mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi người sản xuất. Cùng với đó, Sở Công Thương tỉnh này cũng cần hỗ trợ Hiệp hội trong việc xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, từng bước tìm đầu ra và bao tiêu sản phẩm.

Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Long An, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Long An cần đẩy mạnh phối hợp với các địa phương có diện tích trồng nhiều thanh long củng cố lại hình thức sản xuất, đẩy mạnh sản xuất thanh long theo hướng sạch, hữu cơ; xây dựng thương hiệu; tiếp tục liên kết với một số doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ thanh long; từng bước đa dạng hóa sản phẩm;…Ủy ban nhân dân tỉnh Long An sẽ tạo điều kiện về thủ tục, từng bước cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch để ổn định sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước: Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc.v.v…

Được biết, tại huyện Châu Thành, đã có có nhiều người dân tham gia trồng thanh long theo mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận cao. Đó là Tổ hợp tác Thanh long ấp Bình Xuyên, xã Bình Quới sản xuất theo hướng công nghệ cao khá hiệu quả với 34 thành viên tham gia, diện tích sản xuất khoảng 15 ha. Đây là mô hình tổ hợp tác sản xuất theo công nghệ cao và liên kết với nhà vườn sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP để xuất khẩu, thông qua các hợp đồng cụ thể. Tổ hợp tác có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng vật tư, vốn cho nhà vườn để trồng cây thanh long và thu mua sản phẩm khi thu hoạch. Các nhà vườn phải tuân thủ các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất GAP, bảo đảm trái thanh long đạt an toàn sinh học, không có dư lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật. Theo ông Nguyễn Văn Siêm, thành viên Tổ hợp tác Thanh long ấp Bình Xuyên nếu chăm sóc trái đẹp, đúng tỷ lệ, giá bán sẽ cao và năng suất luôn cao hơn những vườn không áp dụng khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho hay, tỉnh này cũng đang thực hiện Đề án Xây dựng vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao 2.000 ha đến năm 2020 tại huyện Châu Thành. Mục tiêu của đề án là phát triển vùng sản xuất thanh long tập trung, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đưa vốn, kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người trồng, góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu của thanh long, là cơ sở vững chắc để tiến tới phát triển thương hiệu sản phẩm thanh long của tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ và hội nhập quốc tế.

Bốn năm trở lại đây, tỉnh Long An đã triển khai thực hiện đề án được trên 2.000 ha với hơn 3.400 hộ tham gia, đạt trên 100% kế hoạch; đồng thời, xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thanh long theo hướng VietGAP. Qua đó, nhiều nông dân thấy được ý nghĩa, hiệu quả của chương trình sản xuất theo hướng VietGAP đã tự nguyện đăng ký tham gia và thực hiện đúng các yêu cầu của VietGAP để được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn.

Sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng việc nâng giá trị sản phẩm thanh long và nhu cầu xuất khẩu; góp phần cải thiện môi trường sản xuất; giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế sự phát sinh, gây hại của các loại sâu, bệnh cho cây trồng; làm tăng năng suất và chất lượng đối với sản phẩm thanh long. Kết quả cho thấy, nông dân không còn sử dụng phân gà tươi để bón và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý hơn trong quản lý dịch bệnh, làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đặc biệt, mô hình tưới tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm điện năng, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, sản xuất trong mô hình lợi nhuận tăng bình quân từ 2,5-5 triệu đồng/ha.

Theo ông Trịnh Hoàng Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, máy băm cành thanh long, hệ thống tưới, đèn compact,... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Sản xuất thanh long sạch theo hướng VietGAP là một chủ trương đúng đắn, rất cần thiết trong điều kiện hiện nay và hướng tới. Tuy nhiên, do hiện tại đầu ra thị trường chưa ổn định, bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của nông dân theo hướng công nghệ còn khó khăn, đòi hỏi phải có tính kiên trì./..