28/03/2024 lúc 19:02 (GMT+7)
Breaking News

Lỗi trong hệ thống đào tạo nghề

VNHN-Theo dự báo của Liên hiệp quốc, trong vòng 10 - 20 năm tới sẽ có khoảng 75% việc làm hiện hữu sẽ biến mất và xuất hiện những ngành nghề mới gắn rất chặt với công nghệ thông tin. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐTB-XH đang nỗ lực cải tổ lại hệ thống dạy nghề, tuy nhiên, những dự báo về những ngành nghề cho tương lai công nghệ 4.0 vẫn chưa được nghiên cứu một cách khoa học. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho hiện tại và cả đón đầ

VNHN-Theo dự báo của Liên hiệp quốc, trong vòng 10 - 20 năm tới sẽ có khoảng 75% việc làm hiện hữu sẽ biến mất và xuất hiện những ngành nghề mới gắn rất chặt với công nghệ thông tin. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐTB-XH đang nỗ lực cải tổ lại hệ thống dạy nghề, tuy nhiên, những dự báo về những ngành nghề cho tương lai công nghệ 4.0 vẫn chưa được nghiên cứu một cách khoa học. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho hiện tại và cả đón đầu cho tương lai gần.

Ảnh minh họa - Internet

Chúng ta thật khó yên lòng khi Tổng cục Thống kê và Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương công bố những con số về lao động được đào tạo cuối năm 2018. Thống kê cho thấy, Việt Nam có dân số 96 triệu người. Trong đó có 55,1 triệu lao động trong độ tuổi, với trình độ như sau: đại học có 5,3 triệu người; cao đẳng khoảng 1,6 triệu người; trung cấp 2,2 triệu người; dạy nghề 3 tháng có 3 triệu người và có tới 43 triệu lao động hoàn toàn chưa qua lớp đào tạo kỹ năng nghề nào. Con số 43 triệu lao động (tỷ lệ 78% trên tổng số lao động trong độ tuổi) ở trạng thái chưa được đào tạo - buộc chúng tôi phải đi tìm địa chỉ chịu trách nhiệm khắc phục.

Ngày 5-11-2016, Thủ tướng đã phê duyệt “Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân”. Hệ thống giáo dục - đào tạo Việt Nam gồm 2 bộ chịu trách nhiệm: Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm giáo dục khối mầm non, phổ thông, cao đẳng, đại học. Riêng hệ thống giáo dục nghề nghiệp, từ năm 2016 về trước, các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) do Bộ GD-ĐT quản lý. Bộ LĐTB-XH chỉ quản lý khối trung cấp nghề (TCN). Nhưng từ năm 2017, khối TCCN lại được đưa về Bộ LĐTB-XH quản lý, với tên gọi chung là giáo dục nghề nghiệp, đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Tuy nhiên, ngay trong hệ thống giáo dục, chỉ riêng tên gọi cũng đã chồng chéo và khó hiểu. Đến nay nhiều người vẫn chưa phân biệt nổi giữa trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng nghề (thuộc Bộ LĐTB-XH) với cao đẳng không nghề (thuộc Bộ GD-ĐT). Và rối rắm hơn nữa, khi trong vòng 40 năm qua, khối dạy nghề đã được tách nhập 3 lần giữa các bộ: Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Bộ LĐTB-XH. Hiện nay giáo dục nghề nghiệp (từ trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, đến cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp) đã phân về Bộ LĐTB-XH quản lý (theo Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 3-9-2016), Bộ GD-ĐT chỉ quản lý các viện, đại học, trường đại học và khối ngành sư phạm (từ trung cấp, cao đẳng). Thế nhưng việc hai bộ này ngồi lại với nhau thống nhất chương trình để đào tạo liên thông giữa các bậc học theo Khung trình độ quốc gia vẫn chưa thực hiện. Điều này cũng tạo nên điểm nghẽn trong liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học.

Suốt 40 năm qua, gần như Bộ GD-ĐT chưa làm hiệu quả việc phân luồng trong giáo dục phổ thông. Mỗi một công dân đều có những hoàn cảnh gia đình và tố chất học tập riêng biệt. Ở môi trường giáo dục phổ thông, có những em vì hoàn cảnh gia đình nghèo hoặc sức học yếu, không thể đi hết con đường học vấn, nếu giáo dục phân luồng tốt, các em này sẽ vào hệ thống dạy nghề. Chưa kể, ngay trong hệ thống giáo dục phổ thông, không phải học sinh nào cũng giỏi cả hai khối: khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, sự phân luồng lại càng cần thiết.

Còn Bộ LĐTB-XH cũng quá thụ động trong việc tuyển sinh dạy nghề cũng như những liên kết với các khu vực kinh tế, tạo nguồn việc làm cho học viên. Nhiều năm, cả một hệ thống đào tạo nghề cũ kỹ, không bám sát được bước đi công nghệ mới của các doanh nghiệp. Mặt khác, bộ chưa tham mưu tốt cho Quốc hội và Chính phủ trong việc ban hành các quy chế luật định về lao động: buộc các cơ sở sản xuất chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo kỹ năng nghề, tối thiểu từ 3 tháng trở lên. Điều này buộc các lao động, dù khó khăn đến mấy, cũng phải ráng học cho mình một cái nghề. Chính sách an sinh xã hội, cần thiết phải hỗ trợ cho lao động nghèo học nghề như ông bà xưa đã từng nói, giúp người nghèo bằng cách “cho cần câu hơn là cho con cá”.

Trong tiến trình cải tổ nền giáo dục, ngày 14-5-2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký quyết định 522/QĐ-TTg 2018 về việc triển khai đề án “Giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Năm nay đã là 2019, chỉ còn một năm để thực hiện chỉ tiêu năm 2020 của đề án, song mọi chuyển động của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTB-XH trong việc tạo ra cơ chế, thúc đẩy nhân lực học nghề tỏ ra quá chậm chạp; nhiều chương trình cải tổ vẫn ở ... thì tương lai. Hàng loạt vấn đề trong hệ thống GD-ĐT chưa được cải tổ đến nơi đến chốn như: Hệ thống tư vấn, hướng nghiệp tại các trường phổ thông vẫn gần như trắng; hệ thống thông tin thị trường lao động gần như chưa có hoặc có thì chưa hoàn chỉnh để phổ cập đến dân; thị trường việc làm cho những người học nghề vẫn còn rất hạn hẹp. Như vậy, cơ sở nào để học sinh tin cậy tính chuyện từ bỏ “hư danh bằng cấp”, tiếp tục chịu “đói ăn” để học lấy cái nghề? Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM trong một cuộc họp đã phải thốt lên: Đây là một chỉ tiêu không tưởng!

Thế giới công nghệ và việc làm trên toàn cầu đang biến đổi từng giờ, từng ngày, hệ thống giáo dục - đào tạo Việt Nam cần nhanh chân xác định lỗi, khắc phục và có những giải pháp cấp bách đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho hiện tại và tương lai gần.