20/04/2024 lúc 03:54 (GMT+7)
Breaking News

Lợi ích dân tộc

VNHN - Khái niệm lợi ích dân tộc có nội hàm rộng, bao hàm trong đó tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia dân tộc có chủ quyền, thống nhất, độc lập, lãnh thổ toàn vẹn...

VNHN - Khái niệm lợi ích dân tộc có nội hàm rộng, bao hàm trong đó tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia dân tộc có chủ quyền, thống nhất, độc lập, lãnh thổ toàn vẹn; cho sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia dân tộc theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn; cho sự nâng cao không ngừng sức mạnh tổng hợp quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế, vị trí, vai trò, uy tín quốc tế của quốc gia dân tộc. Các dân tộc trên thế giới đều coi lợi ích căn bản nhất của dân tộc là Tổ quốc độc lập, thống nhất, giàu mạnh, lãnh thổ toàn vẹn (bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa), nhân dân làm chủ đối với Tổ quốc mình.

Dân tộc là cộng đồng xã hội - tộc người tương đối ổn định, bền vững, được thành lập trong lịch sử, bao gồm những cá nhân, nhóm, tập đoàn, cộng đồng người… có quan hệ cộng đồng thường xuyên, trực tiếp về các mặt: ngôn ngữ, lãnh thổ, không gian kinh tế và sinh hoạt kinh tế, nhà nước và pháp luật, bản sắc văn hóa, tâm lý tính cách, do đó có quan hệ cộng đồng về những lợi ích có tính lịch sử, những lợi ích dân tộc. Lợi ích dân tộc là một trong những yếu tố cơ bản nhất, là cơ sở và động lực của sự phát triển của các dân tộc.

Khái niệm lợi ích dân tộc có nội hàm rộng, bao hàm trong đó tất cả những gì tạo thành điều kiện cần thiết cho sự trường tồn của cộng đồng với tư cách quốc gia dân tộc có chủ quyền, thống nhất, độc lập, lãnh thổ toàn vẹn; cho sự phát triển đi lên về mọi mặt của quốc gia dân tộc theo hướng làm cho đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng ngày càng phong phú, tốt đẹp hơn; cho sự nâng cao không ngừng sức mạnh tổng hợp quốc gia, năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế, vị trí, vai trò, uy tín quốc tế của quốc gia dân tộc. Các dân tộc trên thế giới đều coi lợi ích căn bản nhất của dân tộc là Tổ quốc độc lập, thống nhất, giàu mạnh, lãnh thổ toàn vẹn (bao gồm vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa), nhân dân làm chủ đối với Tổ quốc mình.

Trong lợi ích dân tộc có những nhân tố thuộc về tự nhiên được cộng đồng sở hữu: đất đai, sông hồ, biển đảo, khí hậu, tài nguyên, vị trí địa lý,... và có những điều kiện xã hội: truyền thống tốt đẹp, độc lập, thống nhất, dân tộc đoàn kết, các quan hệ xã hội ở trong nước và những quan hệ quốc tế tích cực... Những điều kiện tự nhiên và xã hội đó, xét đến cùng, đều do cộng đồng dân tộc tạo lập, giữ gìn bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương của nhiều thế hệ. Lợi ích dân tộc không phải những mong muốn, áp đặt chủ quan mà là những yếu tố, quan hệ khách quan hình thành trong lịch sử cần được nhận thức và xử lý đúng đắn.

Lợi ích dân tộc không bất biến mà thay đổi theo hoàn cảnh cụ thể. Có những yếu tố mang giá trị lâu dài, vĩnh cửu. Có những yếu tố chỉ tồn tại trong giai đoạn nhất định. Trong mỗi thời kỳ tồn tại, phát triển của dân tộc, có một hoặc một số vấn đề nổi bật lên. Trong thời kỳ đất nước bị ngoại xâm thì lợi ích tối cao của dân tộc là giải trừ nạn ngoại xâm, đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong bối cảnh dân tộc đứng trước xu thế tất yếu của một cuộc cách mạng xã hội, giải phóng nhân dân khỏi cảnh áp bức, tối tăm của chế độ xã hội đã lỗi thời, đồng thời mở đường cho đất nước phát triển đi lên, thì lợi ích cách mạng chính là lợi ích cao nhất, trực tiếp nhất của dân tộc. Đối với các nước đang phát triển, chậm phát triển, lợi ích giải phóng xã hội (bao hàm giải phóng sức sản xuất) và lợi ích giải phóng dân tộc gắn bó chặt chẽ với nhau. Nếu vấn đề giải phóng dân tộc chưa được giải quyết căn bản thì lợi ích giải phóng dân tộc phải được đặt lên hàng đầu. Vấn đề độc lập dân tộc đã căn bản được giải quyết thì lợi ích dân tộc thể hiện tập trung ở nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đi đôi với từng bước xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong lợi ích dân tộc có những yếu tố mang tính giai cấp. Chủ quyền quốc gia được thể hiện thông qua nhà nước dân tộc. Nhà nước, luật pháp, những quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội trong xã hội có giai cấp không thể không mang tính chất giai cấp. Xét trên tổng thể, lợi ích dân tộc trong mỗi thời đại lịch sử đều gắn với một hình thái kinh tế - xã hội nhất định. Từ xã hội loài người phân chia thành các giai cấp cho đến nay, các hình thái kinh tế - xã hội đều dựa trên một quan hệ sản xuất là cơ sở cho một kết cấu giai cấp nhất định, trong đó có “giai cấp dân tộc”.

Lịch sử chứng minh rằng, do địa vị, lợi ích khác nhau nên thái độ xử lý vấn đề lợi ích dân tộc của các giai cấp, các chính đảng... không giống nhau, nhất là khi lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp, lợi ích phe nhóm mâu thuẫn nhau. Không ít trường hợp khi Tổ quốc lâm nguy, giai cấp thống trị phản động đã từ bỏ lợi ích dân tộc cơ bản để cứu vãn địa vị giai cấp. Năm 1870, thủ đô Paris của nước Pháp bị quân Phổ bao vây. Lúc đó lợi ích quốc gia đòi hỏi giới cầm quyền tập trung mọi lực lượng của dân tộc để tổ chức kháng chiến. Nhưng chính phủ Chie của giai cấp tư sản, vốn tự xưng là “chính phủ quốc phòng”, đã chọn con đường hy sinh lợi ích dân tộc để tập trung đối phó với phong trào công nhân. Trong tác phẩm Nội chiến ở Pháp,C.Mác viết: “Trong khi phải chọn giữa hai điều: nghĩa vụ dân tộc và lợi ích giai cấp thì chính phủ quốc phòng đã không hề do dự một phút nào mà biến ngay thành một chính phủ phản quốc”(1).

Quan niệm của giới cầm quyền và nhân dân về bản chất của lợi ích dân tộc không phải khi nào cũng giống nhau. Ở Việt Nam, dưới thời chế độ phong kiến đang lên, các anh hùng dân tộc vĩ đại phần lớn xuất thân từ tầng lớp quý tộc cầm quyền. Đó là các vị vua sáng, tôi hiền, danh tướng lỗi lạc như: Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông... đã kết hợp hài hòa giữa lợi ích giai cấp, lợi ích giới cầm quyền với lợi ích dân tộc. Khi quốc gia hữu sự, các vị đã đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Nhưng đến nửa cuối thế kỷ XVIII, trong bối cảnh chế độ phong kiến suy tàn, giai cấp phong kiến không còn đại diện cho lợi ích dân tộc nữa, giới vua chúa, triều đình phong kiến hoặc bất lực không bảo vệ được lợi ích dân tộc, hoặc vì quyền lợi riêng mà bán rẻ lợi ích dân tộc. Khi lâm vào bước đường cùng trong cuộc giao tranh với Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã toàn quyền đem lợi ích dân tộc của Đại Việt ra thương thảo với Pháp quốc để cầu xin viện trợ, ký với Pháp Hiệp ước 1787, nhường cho Pháp cửa Hội An, đảo Côn Lôn và độc quyền buôn bán. Đây là bước mở đầu cho thời kỳ Pháp xâm lược nước ta.

Như vậy, sự phức tạp của vấn đề lợi ích dân tộc thực chất là vấn đề quan hệ giữa lợi ích của các quốc gia trên trường quốc tế. Sau chiến tranh lạnh, quan hệ quốc tế có mặt tốt lên, song nói chung phức tạp hơn, thể hiện ở mâu thuẫn, xung đột về mặt lợi ích dân tộc rất gay gắt.

Các lợi ích dân tộc chính đáng, chân chính tự bản thân chúng không đối lập nhau. Lợi ích chính đáng của một dân tộc (hay một nhóm dân tộc) tự nó không gây tổn hại nghiêm trọng đối với lợi ích chính đáng của cả dân tộc hay các dân tộc khác. Lợi ích dân tộc chính đáng trong thế giới văn minh thường được xác định trong luật pháp quốc gia và phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế, được công luận đồng tình. Trên thực tế, không phải tất cả những gì mà các chính phủ tuyên bố là “lợi ích quốc gia” đều là lợi ích dân tộc chính đáng. Vấn đề ở chỗ, luật pháp của một quốc gia có thể chỉ là quan điểm đơn phương của quốc gia đó nên nó không thể là căn cứ duy nhất để giải quyết mâu thuẫn về quyền lợi dân tộc. Luật pháp quốc tế một mặt phản ánh ý nguyện của các dân tộc, phản ánh kết quả đấu tranh của các dân tộc yêu độc lập, tự do, hòa bình, công lý. Nhưng mặt khác, luật pháp quốc tế phản ánh tương quan lực lượng trên trường quốc tế mà tương quan này không phải bao giờ cũng có lợi cho các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập, dân chủ, công bằng, bình đẳng.

Lợi ích căn bản của dân tộc Việt Nam hiện nay là thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc. Thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam góp phần tích cực vào xây dựng một thế giới của các dân tộc sống trong hòa bình, độc lập, tự do và phát triển bền vững.

_______________

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.17, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.422.

GS, TS Trần Hữu Tiến

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh