24/04/2024 lúc 22:43 (GMT+7)
Breaking News

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2020: Nguồn cội dân tộc linh thiêng, trong lòng triệu người con đất Việt

VNHN - Sáng nay 2/4/2020 (mồng 10/3 âm lịch Canh Tý), tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ thay mặt nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài tổ chức trọng thể Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.

VNHN - Sáng nay 2/4/2020 (mồng 10/3 âm lịch Canh Tý), tại điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ thay mặt nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài tổ chức trọng thể Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng.


Các lãnh đạo, đại biểu thành kính dâng lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, theo chỉ đạo của Ban Bí thư TƯ Đảng và Chính phủ, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã nhất trí với đề xuất của UBND tỉnh Phú Thọ về việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Canh Tý 2020 với các nghi lễ truyền thống của dân tộc; bảo đảm sự trang trọng, thành kính nhưng hạn chế đến mức thấp nhất số lượng đại biểu tham dự, đúng chỉ đạo và quy định của các cấp trung ương.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2020 được tổ chức theo quy mô cấp quốc gia do Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ làm chủ lễ, không tổ chức đoàn rước kiệu từ sân hành lễ và phần hội để tránh tập trung đông người. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh trật tự thời gian trước, trong và sau ngày Giỗ Tổ được các lực lượng chức năng triển khai nghiêm túc.


Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân, Tổ Mẫu Âu Cơ tại tỉnh Phú Thọ, ngày 29/3/2020. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ được xem là Thủy tổ người Việt, cha mẹ của các Vua Hùng. Do đó, Lễ hội Đền Hùng còn được gọi là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch tại Đền Hùng (TPViệt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ chính thức tại Việt Nam từ năm 2007, là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà triệu triệu trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về một hướng. Ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm được dành để tưởng niệm công ơn của các Vua Hùng đã trị vì đất nước suốt hơn 2.500 năm cho đến khoảng năm 250 trước công nguyên. 

 
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương được bắt đầu chuẩn bị hai ngày trước ngày lễ chính thức, tức là vào ngày mùng 8 tháng 3 Âm lịch, và các hoạt động lễ hội tiếp tục cho đến ngày 11 Âm lịch. Các hoạt động lễ hội chính tập trung quanh Đền Hùng tại thôn Cổ Tích. Ngày mùng Mười tháng Ba, tức là ngày thứ ba của lễ hội này, là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức mặc dù không phải là ngày mất của vị Vua Hùng nào.

Có một nghi lễ rước kiệu về Đền Hùng được tổ chức trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bắt đầu từ chân núi Nghĩa Lĩnh. Rất nhiều người tập trung tại đó để tham gia rước kiệu lên núi. Lễ rước dừng lại ở nhiều ngôi đền khác nhau nằm dọc theo tuyến đường lên núi cho đến khi đến được Đền Hùng tọa lạc tại đỉnh núi.


Tín ngưỡng thờ cúng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng linh thiêng, bản sắc văn hoá lâu đời của người Việt.

Theo kế hoạch, năm 2020, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng tiếp tục được tổ chức quy mô cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức. Thời gian tổ chức từ ngày 1 - 10/3 Canh Tý (tức từ ngày 24/3 đến hết ngày 2/4/2020) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và vùng lân cận. Trong đó, dự kiến mời 3 tỉnh: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế cùng tham gia.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19,tỉnh Phú Thọ đã phải điều chỉnh nhiều nội dung, chương trình nhưng vẫn đảm bảo tổ chức Giỗ Tổ trang nghiêm, thành kính, an toàn, tiết kiệm. Đồng thời, tỉnh sẽ triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Theo kế hoạch mới điều chỉnh, Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020 chỉ tổ chức 3 hoạt động lễ chính gồm: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ được tổ chức vào ngày 29/3/2020 (tức mùng 6/3 Âm lịch); Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương bắt đầu lúc 9 giờ ngày 2/4/2020 (tức mùng 10/3 Âm lịch). Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh tổ chức cùng ngày với Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương. Song song với tổ chức các hoạt động phần lễ, tỉnh sẽ đồng thời tổ chức khánh thành cầu đi bộ qua hồ Mai An Tiêm thuộc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng vào ngày 29/3/2020 (tức mùng 6/3 Âm lịch).

Các hoạt động phần Lễ chỉ tổ chức các nghi thức dâng hương, không tổ chức phần tế; hạn chế các thành phần dự và triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tùy từng điều kiện, các địa phương trong tỉnh có thể tổ chức các đoàn dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, song phải đảm bảo an toàn và công tác phòng, chống dịch Covid-19.


Mọi công tác được tỉnh Phú Thọ đảm bảo chu đáo, trang nghiêm và an toàn để phòng chống dịch bệnh. (PTP)

Trong thời gian tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương, theo Sở Y tế Phú Thọ, đơn vị chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị y tế cần thiết để phục vụ công tác bảo vệ sức khỏe và kiểm soát dịch bệnh, tổ chức phun khử trùng tại tất cả các vị trí tổ chức lễ dâng hương và lễ khánh thành cầu đi bộ qua hồ Mai An Tiêm. Sở phối hợp với Khu Di tích lịch sử Đền Hùng tiến hành đo thân nhiệt, bố trí dung dịch sát khuẩn và khẩu trang phòng dịch cho các đại biểu và nhân dân về dâng hương.

 
Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng - thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương (TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Trước đó, Ban quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng đã phát đi thông báo tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại khu di tích từ ngày 29/3 đến ngày 15/4/2020. Theo ghi nhận những ngày vừa qua, các lực lượng chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền và quản lý, bảo đảm an toàn, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Những năm gần đây, vào đúng ngày mồng 10/3 (âm lịch), nhất là trong năm nay, UBND tỉnh Phú Thọ khuyến cáo, khuyến khích mỗi gia đình có thể làm mâm cơm cúng tại nhà để tỏ lòng thành kính tri ân công đức tổ tiên và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. 


Chương trình "Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu online" năm 2020.

Điểm đáng chú ý là, năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Ban Dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu đã quyết định thay đổi kế hoạch việc tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tập trung trên môi trường thực tế, để chuyển sang tổ chức trên không gian mạng với tên gọi “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu online” năm 2020. Theo đó, nội dung “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu online” năm 2020 gồm hai phần: Cuộc thi viết status hướng về Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu và tâm hương hướng về Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu.
Đây là hoạt động thể hiện sự gắn kết tình đồng bào, truyền tải tình yêu thương của bà con xa xứ hướng về Tổ quốc. Nội dung tâm hương hướng về "Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu" vận động toàn thể bà con trong nước và kiều bào khắp nơi trên thế giới đồng loạt thay đổi hình ảnh avatar trên trang Facebook cá nhân, Fanpage tập thể bằng logo "Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu" vào đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 10/3 Âm lịch.
Dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” do một số nhà khoa học, trí thức, lãnh đạo hội đoàn kiều bào của 7 nước thành lập từ năm 2015. Dự án ra đời với sứ mệnh gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, định vị giá trị Việt trên toàn cầu…
Sau 5 năm triển khai, Dự án “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài nước, các hội đoàn cộng đồng kiều bào tổ chức “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” và an vị tượng Vua Hùng ở 10 nước trên thế giới như: Cộng hòa Séc, Nga, Hungary, Đức, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan, Ukraina.