20/04/2024 lúc 18:20 (GMT+7)
Breaking News

Lễ chùa an lành mùa dịch Covid-19

VNHN - Ngày mùng 1 đầu năm người dân tìm đến với đền chùa để dâng hương, cầu cho một năm mới bình an, gặp nhiều may mắn. Nhưng tình hình dịch Covid-19 bùng phát do virus Corona chủng mới, lượng người đi lễ đã giảm mạnh.

Ngày mùng 1 đầu năm người dân tìm đến với đền chùa để dâng hương, cầu cho một năm mới bình an, gặp nhiều may mắn. Nhưng tình hình dịch Covid-19 bùng phát do virus Corona chủng mới, lượng người đi lễ đã giảm mạnh.

Nét đẹp văn hóa tâm linh

Tết đến xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp.Từ lâu với nhiều người dân Việt Nam, đi lễ chùa đầu năm đã ăn sâu vào trong tiềm thức. Đây là một hoạt động không thể thiếu của mỗi người dân dịp Tết đến. Phong tục này đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Mỗi khi đặt chân đến chốn cửa Phật, dường như đang tìm về với cội nguồn dân tộc.

Chùa Phổ Huệ - thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội

Với nhiều bạn trẻ, đi lễ đầu xuân không chỉ để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, bạn bè mà còn là dịp để thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn thiêng liêng trong tiết xuân. Lễ chùa đầu năm cũng giúp thế hệ trẻ hiểu biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử.

Tuy phong tục tập quán giữa các miền có khác nhau, nhưng lễ chùa đầu Xuân đã trở thành thói quen, thành nét văn hóa tâm linh của tất cả người Việt. Tại đây, mọi ranh giới về tuổi tác, địa vị đều bị xóa nhòa, tất cả gặp nhau ở miền tâm thức linh thiêng.

Đền, chùa vắng lặng ngày đầu năm

Trái với cảnh đông đúc mọi năm, sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngôi chùa thưa vắng người đi lễ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều người dân Hà Nội vẫn muốn duy trì phong tục đẹp là lên chùa sau thời khắc giao thừa để cầu sức khỏe, may mắn, tài lộc cho năm mới.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các tăng ni, phật tử của chùa luôn đảm bảo phòng chống dịch. Các Phật tử đến lễ chùa sát khuẩn, đeo khẩu trang, thắp hương nhanh chóng rồi rời đi, đảm bảo không tu tập quá đông người. Do tình hình dịch bệnh, nên năm nay các lễ hội cũng đã tạm dừng để đảm bảo phòng chống dịch.

Phật tử thưa thớt ngày đầu năm

Người dân đi lễ chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19

Việc đi lễ chùa không chỉ giúp cho người dân Việt giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân – thiện – mĩ, làm những việc có ý nghĩa cho gia đình và xã hội. Đi chùa ngày đầu năm vẫn sẽ mãi là một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt. Đây còn là dịp để tâm thức mỗi người hướng tới cái thiện và làm những việc thiện và là sự khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới với nhiều khát vọng mới.

Cuộc sống dù có ngày càng hiện đại, văn minh bao nhiêu thì những phong tục hay nét văn hóa riêng vẫn luôn được người dân lưu giữ và sống mãi cùng năm tháng thời gian. Cõi tâm linh trong cuộc sống chúng ta là một thứ gì đó rất thiêng liêng và đáng trân quý, nơi đó chúng ta gửi gắm bao điều chúc, điều ước tốt đẹp đến với mọi người, với gia đình. Vì thế mà những nét đẹp văn hóa của người Việt vẫn luôn là niềm tự hào cần lưu giữ. Mong rằng đại dịch sẽ sớm qua đi, người dân sẽ được quay lại với cuộc sống bình yên trước đó./.