16/04/2024 lúc 17:28 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai: Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp tại huyện Bảo Yên

Mới đây, Đoàn công tác của tỉnh Lào Cai do đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã thực tế đi kiểm tra nhằm tháo gỡ khó khăn về tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Yên.

Mới đây, Đoàn công tác của tỉnh Lào Cai do đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã thực tế đi kiểm tra nhằm tháo gỡ khó khăn về tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Yên.

Đi cùng với đoàn có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan của tỉnh và huyện Bảo Yên.

Huyện Bảo Yên là địa phương có nhiều lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp. Trong xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, huyện đã xác định các vùng sản xuất trọng điểm và lựa chọn cây, con giống chủ lực là trọng tâm. Trong đó 6 loại cây trồng chủ lực là: Chè, quế, dâu tằm, sả, hồng không hạt, chanh leo. Thực hiện trồng rừng kinh tế để ưu tiên đầu tư phát triển. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn đồng loạt triển khai tái cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp theo hướng phù hợp với lợi thế của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa khá rõ nét, gồm: Vùng trồng quế trên 22.000ha, vùng chè trên 756ha, vùng trồng hồng không hạt 320ha, dâu tằm trên 200ha, phát triển cây sả (mỗi ha sả cho thu nhập từ 80-120 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với trồng ngô, lúa hay các cây trồng truyền thống trước đây).

 Đồng chí Hoàng Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cùng Đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp tại huyện Bảo Yên.

3 loại vật nuôi chủ lực của huyện là: trâu, gà đồi, vịt bầu. Đàn trâu hiện nay có trên 15.000 con, gà đồi trên 800.000 con và vịt bầu Nghĩa Đô gần 100.000 con, các sản phẩm cơ bản đã có đầu ra ổn định, có doanh nghiệp bao tiêu và chế biến sản phẩm. Giá trị thu nhập bình quân đạt trên 80 triệu đồng/ha.

Theo báo cáo của huyện Bảo Yên và dựa vào những số liệu trên cho thấy, thời gian qua cơ cấu và sản xuất nông, lâm nghiệp tại địa phương đã có bước chuyển biến đột phá cả về chiều rộng và chiều sâu, sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã có chuyển biến mạnh. Toàn huyện có rất nhiều mô hình, trang trại, gia trại nông - lâm nghiệp phát triển và cho giá trị kinh tế cao.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số nước không nhập khẩu hoặc nhập khẩu ít số lượng tơ tằm (như Ấn Độ, Lào, Trung Quốc...) nên giá kén xuống thấp dao động từ 60.000 - 85.000 đồng/kg kén, thu nhập của người dân không đảm bảo, vì vậy có thời điểm đầu năm 2021 một số hộ đã chuyển đổi sang cây trồng khác, cây sả và cây chè cũng gặp tình trạng tương tự.

Mục tiêu của huyện trong giai đoạn 2021 – 2025 đó là: Xây dựng nền nông, lâm nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh đề nghị huyện Bảo Yên không mở rộng diện tích cây sả và cây chè, tập trung mở rộng diện tích trồng quế và cây lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Cần thay đổi cơ cấu giống cây chè, cây dâu tằm để nâng cao năng suất và chất lượng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cấp, các ngành của huyện Bảo Yên cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thức đúng, đủ nhằm sảm xuất đúng quy trình, đảm bảo an toàn sản phẩm, tiếp tục mời gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu về cây quế, nhà máy chế biến gỗ, nhà máy chế biến tơ tằm để thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm sản xuất trên địa bàn./.