23/04/2024 lúc 13:22 (GMT+7)
Breaking News

Lào Cai ngày tái lập

Ngày 12 tháng 8 năm 1991 kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết chia tách Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái.

Ngày 12 tháng 8 năm 1991 kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết chia tách Hoàng Liên Sơn thành hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái.

 Cầu Cốc Lếu Lào Cai xưa - Nguồn Bảo tàng tỉnh Lào Cai.

Cái dấu mốc nôn nao lòng người này người Lào Cai chờ đợi đã mười bốn năm. Mười bốn năm mà tưởng như cả đời người, mấy đời người…Mười bốn năm, hơn năm ngàn ngày người rời Lào Cai nhưng lòng vẫn đau đáu về miền đất có hai dòng sông, vẫn mơ một ngày trở lại.

Ngày ấy nhà văn Mã A Lềnh đã tả dòng sông Hồng quằn quại: “ Hoa rùngmình. Một làn gió lạnh tạt qua vuốt mớ tóc sổ tung về phía sau. Trước mặt hiện ra một dòng nước. Mênh mông nước. Bạt ngàn nước. Hình như trên mặt nước có phủ một làn khói đục nhờ. Đó là dòng sông. Dòng sông nổi cơn thịnh nộ. Dòng sông xả khói. Dòng sông cuộn trào. Dòng sông điên loạn phát ra những tiếng gầm rú, théo gào ghê rợn. Mặt sông ngầu bọt đỏ bọt tím. Rác kết lại thành búi nhấp nhổm trôi phăng phăng. Những khúc cây lẫn với thây người dập dềnh rồi bỗng xoay tít, lặn mất tăm. Những cái rốn nước tròn xoe, sâu hoắm chực chõm nuốt tất cả mọi thứ xuống đáy sâu rồi nghiền đến nát vụn...”.Ngày ấy nhà thơ, người lính Ngọc Bái khi đứng trước Lào Cai “Em chưa thể nào về lại nơi đây/ Nơi sống chết cách nửa tầm đạn thẳng”, Lào Cai hoangtàn đổ nát song không gục ngã đã thốt lên: “Lao Cai không bị bỏ quên, dù cỏ/Người rẫy cỏ trồng hoa giờ đâu rồi/ Hoa cứ rụng thẫn thờ trên ghế đá/ Cái khoảng xanh chia đôi mặt lá/ Khoảng bên này vẫn khoảng nhớ em thôi.”.Ngày ấy tôi đã có những câu thơ rút ra từ nỗi đau của người chứng kiến những mất mát đau thương mà người Lào Cai lúc cương mình chống trả, lúc âm thầm chịu đựng tai ương: “Ta đang ở trong Lào Cai sau chiến tranh/ Sống chết vẫn chập chờn cửa ngõ/ Đói no đè nặng kiếp người/ Sợi tóc khỏe, sợi tóc đau/ Phủ lên mái đầu sương trắng…”.

Sông Hồng ngày ấy - Nguồn Bảo tàng tỉnh Lào Cai.

Ngày ấy!... Mười bốn năm rời Lào Cai về sinh sống trên đất Yên Bái. An lòng đón nhận tình cảm cưu mang, lá lành đùm lá rách của những người Yên Bái chung một mái nhà Hoàng Liên Sơn ấm áp. Tự trọng, năng động, kiên cường, khuấy lên động lực vươn lên vốn được nuôi dưỡng trong máu của người biên ải, người Lào Cai đã nhanh chóng hòa nhập, nhanh chóng làm chủ được hoàn cảnh, thuyết phục được bạn bè và dẫn dần nổi trội trong kinh tế, xã hội. Song dẫu sao Yên Bái vẫn không thể là Lào Cai. Cũng núi non trùng điệp nối nhau, quây nhau song Yên Bái không có Phan Xi Păng ngạo nghễ. Vẫn dòng sông Hồng cuộn chảy song dòng nước trở về đây rộng hơn, yên ả hơn.

Và nữa! Dẫu người Lào Cai rất nhiều người đã chiếm lĩnh được mặt đường chính, phố chính của thị xã Yên Bái song vẫn nhấp nhổm, bức bách như người ăn nhờ ở đậu, tưởng như chỉ cần cho phép là người người nhà nhà cho quẩn áo vào ba lô lộn ngược tàu luôn.“Và lúc đó không thể thiếu niềm tin/ Đó là điều bạn bè tôi nhắc vậy/ Những năm tháng cam go, dữ dội/ Ngẩng đầu lên bước tới mặt trời!” – Những ngày này nhà thơ Ngọc Bái đã viết vậy. “Vẫn như thế! Vẫn chân trần đạp lên đá sắc/ Chiếc thồ trên lưng trĩu nặng cả nghìn năm/ Con dao bên hông, cây khèn treo vách thầm thì hy vọng/ Người Hmông tôi đồng điệu với Zigan!” – Trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam nhà văn nhà thơ Mã A Lềnh cất giọng trầm trầm nói hộ lòng người Lào Cai.“Rồi đến một ngày cùng với mặt trời lên/ Lòng muôn người thắp lửa/ Đánh thức đam mê/ Mặt đối mặt với rộng dài, nhỏ hẹp/ Giữa gian nan không rối trí, rối lòng.” – Tôi đã viết vậy khi bắt gặp lòng người náo nức trở lại lào Cai. Vâng! Suốt cả mùa thu năm 1991 không khí chia tách tràn ngập khắp thị xã Yên Bái. Bộ máy lãnh đạo tỉnh, các cơ quan ban ngành phân chia bộ máy, con người, tài sản. Bộ máy phải làm sao cho cân đối, lên đến Lào Cai là đủ sức quản lý, đủ sức bắt tay vào việc. Còn con người! Người Lào Cai thì háo hức trở về với ngôi nhà thân thuộc, người được phân công lên Lào Cai thì tâm trạng của người ra tiền tuyến. Còn tài sản! Vừa qua thời bao cấp, đất nước nghèo, tỉnh nghèo, có gì thì của đồng chia ba của nhà chia đôi. Các cơ quan, các khu phố chộn rộn kẻ ở người đi. Biết bao nỗi buồn chôn lòng. Biết bao niềm vui nở trên khóe miệng. Một ngày nên nghĩa huống hồ sống với nhau mấy ngàn ngày.

Lào Cai xưa - Nguồn Bảo tàng tỉnh Lào Cai.

Sáng ngày 01 tháng 10 năm 1991, sau nhạc hiệu Lào Cai do nhạc sỹ Ngọc Quang sáng tác là bài phát biểu mở đầu chương trình phát thanh công bố với toàn thể nhân dân các dân tộc Lào Cai là tỉnh bắt đầu đi vào hoạt động. Ba mươi mùa xuân qua, Lào Cai đã trải qua nhiều biến cố, đã vươn lên trong khơi nguồn sáng tạo, đã thành một tỉnh lớn mạnh về nhiều mặt như bạn bè trong nước, bạn bè Quốc tế đã biết. “Và bây giờ Lào Cai trong tôi/ Như một chàng trai vạm vỡ/ Những cây cầu như chứng nhân lịch sử/ Nói với hôm qua, hôm nay, ngày mai.” – Tôi đã viết vậy khi đi trên những cây cầu thành quả của Lào Cai đổi mới hôm nay./.