20/04/2024 lúc 12:50 (GMT+7)
Breaking News

Lành mạnh hóa thị trường hàng không

VNHN - Thị trường hàng không đang tăng trưởng "nóng" gây áp lực lên hạ tầng sân bay.

VNHN - Thị trường hàng không đang tăng trưởng "nóng" gây áp lực lên hạ tầng sân bay.

Sự tăng trưởng "nóng" của thị trường hàng không (TTHK) Việt Nam thời gian qua đã tạo áp lực lớn về hạ tầng sân bay, bến đỗ, đe dọa an toàn, an ninh cho các chuyến bay,… Trong khi đó, sự gia nhập của các hãng hàng không mô hình mới có thể tạo ra nguy cơ cạnh tranh "phi quy luật", nhất là khi quy định pháp luật chưa đủ mạnh để giám sát sự minh bạch thông tin thị trường. Thực trạng này nếu không sớm được điều chỉnh có thể tác động xấu đến quá trình phát triển dài hạn của ngành hàng không.

Phá vỡ quy hoạch

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), đứng thứ bảy trong số các TTHK phát triển nhanh nhất thế giới giai đoạn 2013-2017, TTHK Việt Nam đã có sự phát triển ngoạn mục với mức tăng trưởng tới 17% trong năm 2017, gấp hơn 2,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của TTHK châu Á (6,7%). Nếu xét ở tầm nhìn đến năm 2035, TTHK của Việt Nam được đánh giá nằm trong "Top 5" thị trường có lượng khách tăng trưởng cao nhất thế giới. Tiềm năng và triển vọng của hàng không Việt Nam rất lớn. "Đây vừa là cơ hội thuận lợi để hàng không Việt Nam tiếp tục "cất cánh", nhưng cũng là thách thức không nhỏ mà ngành hàng không phải đối mặt", Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã thừa nhận khi nói về sự tăng trưởng quá "nóng" của ngành hàng không trong nước thời gian qua.

Phân tích nguyên nhân, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Mặc dù sự xuất hiện của hàng không giá rẻ (HKGR) đã tạo điều kiện cho nhiều người có điều kiện được đi máy bay, nhưng chính HKGR lại là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không vượt quá dự báo. Chỉ trong vài năm, sự phát triển của HKGR dường như phá vỡ toàn bộ quy hoạch phát triển của các sân bay, nhất là Tân Sơn Nhất. Do đó, chính sách HKGR phải là chính sách quốc gia chứ không nên để phát triển tự phát. "Tôi ủng hộ phát triển HKGR, nhưng từ quy định pháp lý đến quản lý nhà nước, đầu tư hạ tầng, sân bay,… dành cho HKGR đều phải có chính sách nhất quán với tầm nhìn dài hạn, nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Không thể để tình trạng phát sinh tới đâu xử lý tới đó như hiện nay", TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Theo GS, TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân, sự phát triển bột phát của các hãng HKGR còn có thể dẫn đến hệ lụy là cạnh tranh ngày càng khốc liệt bằng giá vé, bằng tăng số lượng máy bay để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, khiến các doanh nghiệp dần "lún" vào thua lỗ hay triệt tiêu lẫn nhau.

"Hai năm trước, chúng ta đã chứng kiến sự kiện khá "đen tối" của hàng không thế giới khi chỉ trong vòng 50 ngày, ba hãng hàng không châu Âu nối đuôi nhau phá sản bởi cuộc đua "phá giá". Trước đó, lịch sử ngành hàng không Ấn Độ cũng ghi nhận một giai đoạn cạnh tranh quá mức, dẫn đến những hệ lụy tồi tệ cho nền kinh tế nước này", GS Trần Thọ Đạt nêu thí dụ, đồng thời kiến nghị: Nhà nước cần đưa ra những quy định về năng lực, điều kiện của các hãng hàng không, đồng thời dự báo thông tin thị trường để có quy hoạch phát triển phù hợp. Đây cũng là giải pháp để chúng ta có thể lường trước những thất bại.

Phát triển bền vững

Phân tích sự phát triển quá "nóng" của TTHK, Tổng Giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) Dương Trí Thành cảnh báo: Thực tế hiện nay, mô hình phát triển mới về HKGR đang bùng nổ trên khắp thế giới. Nhất là từ năm 2015, khi giá dầu xuống "đáy" đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của HKGR. Tuy nhiên, ngành hàng không vốn rất "mong manh", dễ gặp bất lợi trước "sóng gió" của thị trường, nhất là đối với nguy cơ giá dầu đang có xu hướng tăng trở lại. Do đó, thời gian qua, Vietnam Airlines luôn hết sức kiên định, kiềm chế trong kế hoạch phát triển để có thể bảo đảm thực hiện mục tiêu dài hạn trong tương lai.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết: Bộ GTVT nhận định, HKGR phát triển nội địa trước hết chính là để phục vụ nhân dân. Thứ hai, do đặc điểm địa lý của Việt Nam với chiều dài của đất nước, vận tải hàng không đã mang lại tác động tích cực, giúp người dân đi lại thuận lợi. Tuy vậy, vẫn cần xây dựng hành lang pháp lý để hàng không phát triển bền vững và lâu dài. Hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, thậm chí rất ngặt nghèo, trong đó an ninh, an toàn là số một vì liên quan tính mạng, tài sản của nhân dân. Hiện nay, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của ngành hàng không. Thời gian tới, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị để có những điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp,... Chẳng hạn, Vietnam Airlines ngoài hoạt động thương mại còn phải thực hiện một số nhiệm vụ chính trị của hãng hàng không quốc gia, thì sẽ có cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý như thế nào? Hoặc với HKGR, hàng không thương mại phải có những điều kiện kinh doanh nhất định ra sao?

PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam kiến nghị: Cần tạo ra khung pháp lý để ngành hàng không cạnh tranh trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0. Bộ GTVT cần rút kinh nghiệm trong tư duy và phương thức quản lý đối với ngành hàng không, tránh tình trạng như Grab, Uber vừa qua. Trong cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp hàng không, nhất là giữa hàng không tư nhân, giá rẻ và hàng không quốc gia, bộ phải chú trọng nuôi dưỡng "sức khỏe" của TTHK quốc gia, bởi vì nếu sơ suất một chút, có lợi cho "ông này" mà bất lợi cho "ông kia" sẽ dẫn đến những méo mó, lệch lạc của thị trường.

Ngoài ra, TTHK nước ta hiện nay tuy chưa có nhiều chủ thể tham gia, nhưng thực tế cũng đã xảy ra hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh. Vì thế, bản thân các hãng hàng không cũng cần tự ý thức, tránh tình trạng tự làm yếu mình dẫn tới không thể cạnh tranh quốc tế. Cần hợp tác, phối hợp để cùng phát triển vì dù là thương hiệu tư nhân hay nhà nước thì đều là thương hiệu hàng không của Việt Nam.

Giai đoạn 2010 - 2016, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng cao, bình quân mỗi năm tăng khoảng 17% lượng hành khách và 12,2% về hàng hóa. Riêng trong năm 2017, tổng lượng hành khách chuyên chở đạt 90 triệu lượt, tăng 16,5% so với năm 2016; tổng lượng hàng hóa tăng 23,8%. Dự báo đến năm 2020, tổng lượng hành khách sẽ đạt được 127,8 triệu và tổng lượng hàng hóa sẽ tăng 21%./.
Theo Nhandan.com.vn