29/03/2024 lúc 04:13 (GMT+7)
Breaking News

Làng nghề nước mắm Nam Ô: Quy trình nào để bảo toàn phát triển?

Trước những cơ hội sẽ đến từ danh hiệu “di sản văn hóa phi vật thể”, làng nước mắm Nam Ô liệu đã có giải pháp nào chung tay bảo toàn và phát triển nghề truyền thống? Đây là câu hỏi ray rứt với những người dân đang sinh sống tại làng nghề danh tiếng này.

VNHN - Trước những cơ hội sẽ đến từ danh hiệu “di sản văn hóa phi vật thể”, làng nước mắm Nam Ô liệu đã có giải pháp nào chung tay bảo toàn và phát triển nghề truyền thống? Đây là câu hỏi ray rứt với những người dân đang sinh sống tại làng nghề danh tiếng này.

Ông Lê Văn Xuất, trưởng làng Nam Ô chia sẻ, có là danh hiệu gì đi nữa thì mục tiêu cuối cùng vẫn là phải tìm ra giải pháp bảo toàn sản phẩm làng nghề để nuôi sống người dân. “Có thực mới vực được đạo, dân không thể kiếm sống bằng nghề truyền thống thì tôn vinh có ích gì?”. Ông Xuất thẳng thắn nhìn nhận.

Bốn vấn đề thực tại

Thực tế mà ông Xuất cùng những người đại diện cho làng Nam Ô nêu lên không mấy khả quan như những thông tin về cơ hội của làng nghề này khi được lọt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề nước mắm Nam Ô đau đáu nỗi lo mất làng nghề.

Cụ thể, làng nghề nước mắm Nam Ô đang đối diện 4 vấn đề lớn.

Thứ nhất, nghề truyền thống mai một. Đây là thực tế không thể phủ nhận, bởi những biến động trong chính sách quản lý trước đây và thị trường gần đây đã khiến các hộ dân Nam Ô chỉ còn gói gọn sản xuất tự cấp tự túc. Số hộ chuyên sản xuất nước mắm truyền thống là nghề chủ lực ngày càng ít, hiện chỉ còn vài chục hộ trong 600 hộ dân của làng.

Thứ hai, hoàn cảnh phát triển khó khăn. Điều này liên quan hiện trạng mặt bằng sản xuất nước mắm ngày càng thu hẹp, các nguyên liệu như muối hạt truyền thống, nguồn cá cơm bản địa… không còn nhiều nữa.

Thứ ba, cơ hội thị trường thu hẹp. Vấn đề này gắn với thực trạng nhu cầu dùng nước chấm công nghiệp trong xã hội ngày càng tăng, kèm chiến lược truyền thông của các tập đoàn đầu tư ngày càng lớn. Nước mắm truyền thống trở nên yếm thế và chỉ còn tồn tại trong nhóm người dùng cố hữu với các món ăn truyền thống.

Thứ tư, thiếu chiến lược bền vững cho làng nghề truyền thống. Đây là câu chuyện khó giải, khi các làng nghề vốn hoạt động “hữu xạ tự nhiên hương”, không được đầu tư truyền thông, thông tin kém lan tỏa và còn bị hiểu sai. Nhiều bạn trẻ đến nay không phân biệt được nước mắm và nước chấm công nghiệp. Nhiều người dân Nam Ô cũng không có tài liệu chính thống nào về lịch sử làng nghề để tự hiểu mình đang ở vị thế nào.

Những hũ mắm Nam Ô nằm chờ cơ hội được là sản phẩm di sản văn hóa phi vật thể.

Ba bước đến mục tiêu

Trao đổi cùng Việt Nam Hội nhập, ông Xuất cùng ban đại diện làng bày tỏ lo lắng khi cho chính quyền địa phương các cấp không có giải pháp hay đề án hỗ trợ người dân tận dụng ưu thế làng nghề truyền thống. Ngay với danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể, địa phương đã được chứng nhận từ quý 4/2019, song đến nay một nghi thức đón nhận vẫn chưa tổ chức, bởi các trở ngại khi làng chưa ổn định quy hoạch cũng như lộ trình triển khai.

Theo trao đổi cùng người dân, có thể thấy, làng nghề nước mắm Nam Ô rất cần định dạng rõ một lộ trình xúc tiến, tương tác về nghề truyền thống, với 3 bước cụ thể.

Trước hết, làng nghề phải thống nhất lại khâu tổ chức, cần bầu ra một ban cán sự để điều đình, thống nhất các hành động, phối hợp với Hiệp hội nghề truyền thống Nam Ô đã có trước đây, nhằm tổ chức và quản lý hệ thống nhận dạng thương hiệu sản phẩm làng nghề và kết nối các thành viên trong làng, xây dựng tiêu chí bảo vệ di sản văn hóa truyền thống.

Tiếp đó, các hộ dân sản xuất phải cùng nhau xây dựng quy chuẩn mẫu sản phẩm làng nghề nước mắm Nam Ô, có thể qua Hiệp hội để công bố các tiêu chuẩn sản phẩm này, cùng hệ thống bao bì nhãn mác, phân loại sản phẩm ra thị trường, tăng cường quảng bá thương hiệu.

Sau cùng, làng nghề cần tổ chức lại công tác truyền thông, tiếp thị, kết nối với các tổ chức thương mại, đầu mối tiêu thụ sản phẩm để bán sản phẩm ra thị trường, chú ý vào các kênh phân phối chính thức như chợ, siêu thị…

Trong 3 bước này, vấn đề cùng xây dựng bảng tiêu chuẩn sản phẩm là quan trọng nhất, phải có được sự đoàn kết tổ chức của mọi thành viên trong làng. Khi đã có bộ quy chuẩn mẫu mã, công tác sản xuất trong làng nghề sẽ phải đồng bộ lại, từng hộ gia đình hay cơ sở sản xuất phải tuân thủ bộ tiêu chuẩn chung, sử dụng nhãn mác bao bì nhận dạng chung, mới tạo được giá trị về thương hiệu, thuyết phục người tiêu dùng.

Anh Bùi Thanh Phú, chủ thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ, thành viên sản xuất trong làng nhìn nhận, việc đoàn kết, hiệu triệu mọi người dân đồng lòng xây dựng bộ quy chuẩn và thương hiệu chung, nói thật rất khó khăn vì làng đang bị 4 trở ngại lớn, khiến các hộ dân hoang mang không tự tin vào lộ trình đầu tư nếu có. Nhất thiết phải có sự chỉ đạo chung và vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các cơ quan quản lý chuyên môn, hỗ trợ cùng các doanh nghiệp có chủ kiến đầu tư đồng hành với làng nghề, thì mới có thể vực dậy và phát triển tích cực các giá trị làng nghề có được.

Con đường trở thành sản phẩm văn hóa phi vật thể quốc gia một cách hiện thực của làng nghề truyền thống Nam Ô, xem ra không dễ dàng gì!.