20/04/2024 lúc 09:04 (GMT+7)
Breaking News

Làng nghề gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh): Chủ động hội nhập và phát triển

VNHN - Làng nghề gỗ Đồng Kỵ hiện nay là phường Đồng Kỵ, thuộc thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Làng có 3.500 hộ gia đình trong đó 3.000 hộ tham gia nghề gỗ từ buôn bán,

VNHN - Làng nghề gỗ Đồng Kỵ hiện nay là phường Đồng Kỵ, thuộc thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Làng có 3.500 hộ gia đình trong đó 3.000 hộ tham gia nghề gỗ từ buôn bán, vận chuyển, chế biến đến cung ứng gỗ nguyên liệu trong làng nghề. Vì nghề chế biến gỗ là nghề chính của Đồng Kỵ do vậy nghề gỗ đã đóng góp 90% tổng thu nhập của Đồng Kỵ.

Ảnh minh họa 

Chuỗi cung ứng gỗ nguyên liệu
Để cung ứng nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp sản xuất, tại Đồng Kỵ có khoảng 10 công ty chuyên nhập khẩu gỗ. Theo ước, tính tổng khối lượng gỗ của 10 công ty này cung ứng trong 1-2 năm gần đây có thể lên đến 24 ngàn m3/năm. Phần gỗ nguyên liệu còn lại, các doanh nghiệp mua trực tiếp từ những công ty nhập khẩu tại cảng Hải Phòng.
Các hộ gia đình làm nghề kinh doanh gỗ nguyên liệu thường có quầy hàng ở chợ gỗ, tổng số có khoảng 250 hộ trong đó có 50 hộ bán buôn và khoảng 200 hộ bán lẻ. Đây là nguồn nguyên liệu chính cung cấp cho các hộ gia đình sản xuất và kinh doanh sản phẩm gỗ. Những hộ gia đình sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm gỗ: bao gồm hộ có cửa hàng và hộ không có cửa hàng. Hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh có cửa hàng thường sẽ sản xuất với quy mô lớn hơn các hộ không có cửa hàng. Tại Đồng Kỵ, có khoảng 400 hộ vừa sản xuất chế biến vừa kinh doanh sản phẩm gỗ. Khoảng 100 hộ có cửa hàng và chỉ kinh doanh sản phẩm gỗ mà không tham gia sản xuất chế biến. Những hộ gia đình có cửa hàng sẽ đặt hàng hoặc mua lại sản phẩm của các hộ gia đình tham gia sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ. Các hộ gia đình sản xuất, chế biến thường mua gỗ từ các hộ gia đình kinh doanh gỗ nguyên liệu ở chợ gỗ sau đó đưa qua các hộ gia đình kinh doanh xưởng xẻ để xẻ quy cách thành ván rồi đưa về xưởng chế biến thành phôi gỗ. Phôi gỗ sẽ được chuyển qua các hộ gia đình gia công chế biến theo từng chi tiết của sản phẩm. Sau cùng các chi tiết được đưa về xưởng để lắp ghép và hoàn thiện thành sản phẩm mộc thô (chưa phun sơn). Sản phẩm mộc thô có thể được xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc hoặc được phun sơn tại các hộ gia đình có xưởng sơn gia công. 
Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm gỗ: ở Đồng Kỵ hiện có khoảng 150 công ty và 10 hợp tác xã làm nghề sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm gỗ. Những doanh nghiệp này thường mua gỗ trực tiếp từ các công ty nhập khẩu, sau đó tổ chức sản xuất chế biến theo hình thức liên kết như ở Hình 8 (xẻ quy cách tại xưởng xẻ, xẻ phôi tại xưởng của doanh nghiệp, đục các chi tiết tại các hộ gia đình gia công, sau cùng lắp ghép và hoàn thiện tại xưởng của doanh nghiệp). Sản phẩm hoàn thiện sau khi sơn được trưng bày và bán tại cửa hàng của doanh thiệp ở làng nghề Đồng Kỵ.
Các xưởng xẻ ở Đồng Kỵ đều là các xưởng hộ gia đình, có khoảng 50 hộ gia đình làm nghề xẻ gia công, mỗi hộ trang bị từ 1 đến 2 máy xẻ. Hầu hết các hộ đã trang bị máy CD chạy tự động và được điều khiển bằng máy vi tính, có trang bị lưỡi cưa mạch nhỏ để giảm lượng nguyên liệu hao hụt trong quá trình xẻ. Hầu hết các hộ gia đình và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm gỗ đều phải xẻ gỗ ở các xưởng xẻ vì không trang bị máy xẻ CD trong xưởng do thiếu mặt bằng. 
Ngoài thị trường Trung Quốc, 70% sản phẩm của Đồng Kỵ được tiêu thụ tại thị trường trong nước thông qua các cửa hàng tại Đồng Kỵ và đại lý ở các tỉnh. 
Sản phẩm, nguyên liệu và thị trường
Nguyên liệu gỗ để sản xuất tại Đồng Kỵ chủ yếu sử dụng gỗ quý được khai thác từ rừng tự nhiên bao gồm các loại gỗ hương, trắc, gụ, cẩm lai, mun và gõ đỏ. Theo ước tính năm 2016, tổng lượng gỗ nguyên liệu sử dụng tại Đồng Kỵ khoảng 35 đến 40 ngàn m3 gỗ quy tròn, trong đó chủ yếu là gỗ hương, gụ và trắc chiếm 85%. Các loại gỗ cẩm lai, mun và gõ đỏ chiếm 15%. Gỗ có nguồn gốc từ Châu Phi, Lào và Campuchia trong đó tỷ lệ có nguồn gốc Châu Phi chiếm đa số (80%).
Tỷ lệ gỗ nguyên liệu sử dụng Sản phẩm chính của Đồng Kỵ là bàn ghế, giường, tủ, bàn phấn và kệ tivi. Trong đó, một phần sản phẩm sản xuất ra được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhu cầu chủ yếu của thị trường Trung Quốc là các các sản phẩm làm từ gỗ hương và gỗ trắc có nguồn gốc từ tiểu vùng Sông Mê Kông (như Việt Nam, Lào, CampuChia). Còn lại, các sản phẩm làm bằng gỗ nhập khẩu từ Châu Phi chủ yếu để phục vụ thị trường nội  địa.
Theo kết quả khảo sát tại làng nghề Đồng Kỵ năm 2017, lượng sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu do các hộ gia đình sản xuất vì đơn đặt hàng từ Trung Quốc tương đối nhỏ lẻ và không nhiều. Các hộ gia đình sản xuất kinh doanh thông thường không có tư cách pháp nhân xuất nhập khẩu do vậy đều phải ủy thác qua một công ty thứ ba có chức năng xuất nhập khẩu. Theo ước tính, năm 2016, khoảng 15 ngàn m3 gỗ đã được các hộ gia đình sử dụng để sản xuất các sản phẩm đồ gỗ nội thất như bàn, ghế, kệ tivi, trong đó có 70% (khoảng 10.500m3) được xuất khẩu sang Trung Quốc, lượng gỗ trắc chiếm khoảng 10%, còn gỗ hương có nguồn gốc từ Lào chiếm 90%. Ngoài ra các hộ gia đình cũng sử dụng các nguồn gỗ khác từ Châu Phi như hương, gụ, cẩm lai, mun và gõ đỏ để sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường nội địa, lượng gỗ các hộ gia đình sử dụng để phục vụ thị trường nội địa theo ước tính chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, thị trường nội địa của đồ gỗ Đồng Kỵ chủ yếu vẫn là các sản phẩm do các doanh nghiệp sản xuất bằng nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ Châu Phi (như gỗ hương, cẩm Nam Phi). Theo ước tính, lượng gỗ do các doanh nghiệp sử dụng để sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường nội địa khoảng 20-25 ngàn m3/năm. Như vậy, lượng nguyên liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng từ 25-30% tổng lượng nguyên liệu sử dụng tại làng nghề Đồng Kỵ, trong đó chủ yếu là gỗ hương và gỗ trắc có nguồn gốc tiểu vùng sông Mê Kông.
Lao động tiền công
Trong những năm trước đây, giai đoạn 2012 tổng số lao động tại làng nghề Đồng Kỵ ước khoảng 24 ngàn lao động trong đó có 8 ngàn lao động tại địa phương và 16 ngàn lao động từ địa phương khác như Hà Tây, Bắc Giang, Thanh Hoá, Nghệ An). Đến nay, do nguồn ngỗ nguyên liệu giảm và thị trường thu hẹp, số lượng lao động giảm 40% còn khoảng 15 ngàn lao động với 53,3% là lao động làm thuê. Lao động làm thuê tại Đồng Kỵ đa phần được trả lương theo ngày công mà không có hợp đồng lao động. Mức lương của lao động Nam tại Đồng Kỵ giao động từ 200 đến 300 ngàn đồng/ngày trong khi mức lương của lao động nữ là 150-200 ngàn đồng/ngày. Lương có thể được trả theo tháng, ước tính mức lương của nam công nhân là 8 triệu đồng/tháng, của nữ công nhân là 4 triệu đồng/tháng. 
Nhà xưởng và công nghệ
Tại Đồng Kỵ, hầu hết các hộ gia đình lấy nơi cư trú làm xưởng sản xuất, chỉ có một số hộ gia đình có xưởng tách biệt khỏi nơi cư trú. Trong số 29 hộ gia đình khảo sát tại Đồng Kỵ có đến 26 hộ gia đình lấy nơi cư trú làm xưởng sản xuất. Do vậy, hiện nay các hộ gia đình sản xuất chế biến tại Đồng Kỵ đang gặp khó khăn về mặt bằng sản xuất. 
Về công nghệ thiết bị tại các xưởng chế biến tại Đồng Kỵ, đa số các loại máy móc có nguồn gốc trong nước và nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó máy có nguồn gốc Trung Quốc chiếm khoảng 40% phần còn lại là máy có nguồn gốc trong nước. Máy móc thiết bị của các cơ sở sản xuất và chế biến tại Đồng Kỵ được trang bị theo nhu cầu của cơ sở sản xuất và phù hợp với quy mô và hiệu quả của quá trình sản xuất. Trước đây, nhiều hộ gia đình sản xuất thủ công nhiều. Đến nay, nhiều cơ sở sản xuất đã bắt đầu đầu tư công nghệ hiện đại hơn để nâng cao hiệu quả lao động. Trước đây hầu hết sử dụng tay nghề của thợ, hiện tại đã sử dụng máy móc vào một số khâu, như khâu đục, bán công nghiệp kết hợp với tay nghề của người thợ (ví dụ sử dụng máy CNC trong công đoạn đục thô). Việc này giúp giảm 50% công lao động trong công đoạn đục, trong khi thời gian làm việc không thay đổi nên số lượng sản phẩm được tăng lên phần nào giảm số lượng lao động tại Đồng Kỵ.