25/04/2024 lúc 16:07 (GMT+7)
Breaking News

Làng nghề đúc đồng Ngũ Xã – nơi lưu giữ tinh hoa nghệ thuật

VNHN - Trong nhiều thế kỷ, vùng đất Ba Đình là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng của kinh thành Thăng Long và đặc biệt là nghề đúc đồng của làng Ngũ Xã.

VNHN - Trong nhiều thế kỷ, vùng đất Ba Đình là nơi tập trung nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng của kinh thành Thăng Long và đặc biệt là nghề đúc đồng của làng Ngũ Xã.

Ngũ Xã qua thăng trầm lịch sử

Làng Ngũ Xã nằm bên hồ Trúc Bạch, thuộc thôn Ngũ Xã, tổng Thuận Thành, huyện Vĩnh Thuận, phía Tây thành Thăng Long. Khi chưa có đê Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), hồ Trúc Bạch thông với Hồ Tây, tạo nên một vùng hồ nước mênh mông, bao bọc xung quanh làng Ngũ Xã, chỉ có con đường độc đạo dẫn vào làng.

Chính vì vậy, có thể hình dung về địa thế làng Ngũ Xã như một bán đảo. Đây là điều kiện phù hợp để phát triển làng nghề, thuận lợi cả đường bộ lẫn đường thủy trong hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu và trao đổi, mua bán sản phẩm.

Hình ảnh làng nghề đúc đồng Ngũ Xã. Ảnh: Internet.

Làng Ngũ Xã có lịch sử hình thành khá lâu đời, tính đến nay khoảng 500 năm. Tên Ngũ Xã của làng được gắn liền với lịch sử hình thành làng. Theo sử sách ghi chép lại, vào thời nhà Lê (1428 - 1527) triều đình tập hợp những thợ đúc đồng giỏi ở năm xã gồm: Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Đào Viên và Điện Tiền về kinh thành lập Trường đúc tiền và đồ thờ cho triều đình, gọi là Tràng Ngũ Xã.

Theo đó, người dân ở năm xã đã kéo về Thăng Long lập nghiệp, chọn vùng đất bên bờ hồ Trúc Bạch để an cư. Để ghi nhớ năm làng quê gốc của mình, người dân đã lấy tên làng là Ngũ Xã.

Với diện tích tự nhiên nhỏ hẹp 0,23 km2, nên người dân làng Ngũ Xã không làm nông nghiệp. Ngay từ khi lập làng, người dân đã coi nghề thủ công đúc đồng là nghề sản xuất chính, mang tính chuyên nghiệp. Dân cư làng Ngũ Xã trong giai đoạn này khá đồng nhất về mặt nghề nghiệp. Đại bộ phận dân cư trong làng tập trung chủ yếu phục vụ cho quá trình sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm của làng nghề.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng Ngũ Xã nay đã thành phố xá tấp nập, nơi đây chỉ còn lại ngôi đình Ngũ Xã, chùa Thần Quang và hiện chỉ còn hai nghệ nhân đúc đồng là ông Nguyễn Văn Ứng và 2 anh em ông Nguyễn Anh Giao là còn "sống, chết" với nghề.

Trong một buổi sáng chớm hè, chúng tôi có đến tìm gặp và nói chuyện với người con cả của nghệ nhân Ngô Thị Đan – một trong số những người ít ỏi còn gắn bó với nghề đúc đồng. Trong căn nhà nhỏ tại phố Ngũ Xá trưng bày rất nhiều đồ đồng chỉ chừa lại một lối đi nhỏ. Theo ông Nguyễn Anh Giao chia sẻ: Bà Đan- nghệ nhân đúc đồng đã về với trời đất được gần 2 năm rồi. Hiện tại vẫn còn có 2 anh em lưu giữ nghề có ông và một người em trai tên Nguyễn Quân có 1 xưởng đúc bên Tây Hồ.

Dấu ấn về một làng nghề

Từ xưa làng nghề Ngũ Xã đã rất nổi tiếng cả trong và ngoài thành Thăng Long nhờ kỹ thuật đúc tượng đồng, trống đồng, đồ thờ bằng đồng, chuông đồng, tranh đồngvới những nét tinh hoa bậc nhất. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những sản phẩm đúc đồng của làng Ngũ Xã trước đây và cả hôm nay vẫn khẳng định được sự tinh xảo, tính nghệ thuật và thể hiện được tâm hồn của những nghệ nhân của kinh thành Thăng Long xưa và nay. Nhiều tác phẩm đã được coi là kiệt tác của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam.

Hai tác phẩm nghệ thuật nổi bật nói lên trí tuệ, tài năng, bản sắc bí quyết và sự lao động cần mẫn, giàu sáng tạo của các nghệ nhân, thợ đúc đồng Ngũ Xã là tượng đồng đen Trấn Vũ, còn gọi là tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đặt tại đền Quán Thánh và pho tượng Phật Di Đà được đặt tại chùa Thần Quang, ngay trên đất làng.

Ông Nguyễn Anh Giao cũng đã chia sẻ: có rất nhiều người cũng đến học việc và cũng đào tạo được nhiều tay nghề đúc đồng. Tuy nhiên khi về những thành phố riêng làm ăn, mặc dù cùng 1 lò đào tạo nhưng những sản phẩm đồng của họ vẫn có những nét riêng biệt không giống với làng đúc đồng Ngũ Xá. 

Bà Ngô Thị Đan - một trong những nghệ nhân đúc đồng làng Ngũ Xã. Ảnh: Thể thao & Văn hóa.

Trong nghệ thuật đúc đồng Việt Nam, những người thợ đúc đồng làng Ngũ Xã được đánh giá có tay nghề bậc cao. Những sản phẩm của họ làm ra trải qua bao thăng trầm cùng thời gian vẫn được coi là hình mẫu về nghệ thuật và chất lượng mà không xưởng đúc đồng nào trong cả nước bì kịp. Thành công của người thợ Ngũ Xã khi tiến hành đúc các sản phẩm bằng đồng trong suốt mấy trăm năm nay đã khẳng định tài năng đặc biệt của họ.

Ngọn lửa đúc đồng Ngũ Xã trong thời nay

Nếu giờ bạn tìm đến làng đúc đồng Ngũ Xã, sẽ không còn nhìn thấy cảnh tượng khói nghi ngút như trong tưởng tượng nữa. Thời buổi hiện đại, nhà cửa cao tầng, dân trí phát triển họ sẽ không chấp nhận khói của đúc đồng làm ô nhiễm môi trường và hơn cả là nguồn thu nhập từ nghề đúc đồng cũng không thuộc loại cao. Tuy nhiên đã theo nghề và có lòng nhiệt huyết với nghề, vẫn còn đâu đó những con người đó đang ngày ngày cố gắng giữ những ngọn lửa cuối cùng của làng nghề dù có nhen nhóm nhưng đó là tâm huyết của cả một thế hệ.

Ông Nguyễn Anh Giao - nghệ nhân đúc đồng, người sở hữu một trong hai phòng trưng bày sản phẩm đồng còn lại tại làng Ngũ Xã chia sẻ: "Người làng Ngũ Xã bây giờ không còn đúc đồng nữa, do nghề đúc đồng không đem lại hiệu quả kinh tế cao, khó đào tạo và vất vả. Do đó, để duy trì được nghề truyền thống là rất khó khăn, có thể chỉ sau vài chục năm nữa thì làng nghề cũng bị mai một dần và mất đi".

Dẫu vẫn biết trong nhịp sống sôi động hiện đại, phần lớn giới trẻ ngày nay đã không còn nhiều đam mê, nhẫn nại và quyết tâm với nghề truyền thống nhưng chừng nào những sản phẩm đúc đồng còn phát huy giá trị trong cuộc sống, chừng đó còn có những trái tim nhiệt huyết muốn cháy bập bùng cùng ánh lửa đúc đồng Ngũ Xã./.