24/04/2024 lúc 05:28 (GMT+7)
Breaking News

Lan truyền cảm hứng từ những chuyến công tác của vị 'Tư lệnh' ngành Tài chính

VNHN- Mặc dù lịch làm việc bận rộn, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng luôn bố trí thời gian để đi công tác, nắm tình hình cũng như tăng cường phối hợp giữa cơ quan tài chính các cấp với chính quyền địa phương, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách.

VNHN- Mặc dù lịch làm việc bận rộn, nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng luôn bố trí thời gian để đi công tác, nắm tình hình cũng như tăng cường phối hợp giữa cơ quan tài chính các cấp với chính quyền địa phương, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - ngân sách.

Các cháu thiếu nhi dân tộc ở huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) tặng hoa chúc mừng Bộ trưởng nhân chuyến thăm và làm việc của ông

Những ngày đầu năm, ông có chuyến công tác ngắn ngày đến hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang. Cuốn hút chúng tôi trong cả chuyến đi là sức làm việc không ngừng nghỉ, luôn quyết liệt với công việc và khả năng truyền cảm hứng của ông.

Luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ cơ sở

Những ngày đầu năm 2019, guồng quay công việc lại bắt đầu như thường lệ, nhưng dường như khí Xuân, sắc Xuân vẫn còn vương đọng trên dặm dài các tỉnh miền núi phía Bắc. Chúng tôi theo chân đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Tài chính đến thăm và làm việc tại hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Với cường độ làm việc cao và di chuyển liên tục, trong 1,5 ngày, đoàn công tác đã làm việc với lãnh đạo hai tỉnh, thăm một xã miền núi làm kinh tế giỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách… Lần nào cũng vậy, những chuyến công tác của người đứng đầu ngành Tài chính luôn được sắp xếp khoa học với mục tiêu cao nhất là hiệu quả. Đi - đến - lắng nghe từ cơ sở và giải quyết công việc thấu đáo là phong cách của ông.

Bắc Giang và Lạng Sơn là hai tỉnh miền núi phía Bắc đã có bước chuyển mình khá mạnh mẽ và đạt những thành tựu đáng kể những năm gần đây. Đoàn công tác đã nghe lãnh đạo hai địa phương chia sẻ những kết quả đạt được, cũng như nhiều dự định ấp ủ, tuy nhiên vẫn còn tồn tại không ít khó khăn cần được tháo gỡ về cơ chế, chính sách.

Tại các buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, huyện, hay ở cấp xã, Bộ trưởng luôn chăm chú lắng nghe ý kiến từ cơ sở, từ đó có nhận định và giải đáp cụ thể, thẳng thắn những vấn đề đặt ra. Có người nói với tôi rằng, ông không phải là người “nghe nhạc hiệu đoán chương trình”, bởi ông là người thẳng thắn, bộc trực, giải quyết công việc dứt khoát, thấu đáo. Những chuyến công tác của người đứng đầu ngành Tài chính luôn là dịp để địa phương đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ hoặc Bộ Tài chính giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến

cơ chế chính sách tài chính. Lãnh đạo các đơn vị chức năng trong đoàn công tác của bộ trực tiếp trả lời các vướng mắc, đề xuất của địa phương, nhưng Bộ trưởng luôn có những giải đáp cặn kẽ. Đối với những vấn đề có thể giải quyết được trong phạm vi quản lý, ông sẽ yêu cầu các đơn vị chức năng xử lý thấu đáo, hợp tình, đạt lý. Những vấn đề còn vướng mắc nhưng vượt thẩm quyền, ông cho biết, Bộ Tài chính sẽ gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương.

Gắn nhiệm vụ tài chính - ngân sách với phát triển nguồn lực địa phương

Những năm gần đây, nhờ điều hành rốt ráo, quyết liệt, các cân đối tài chính cơ bản được đảm bảo, thu vượt dự toán, chi tiết kiệm hiệu quả, quản lý nợ công đã đi đúng quỹ đạo. Đây là những vấn đề Bộ trưởng Bộ Tài chính luôn đau đáu.

Quyết liệt nhưng hiệu quả, sắc sảo nhưng cũng hết sức chân thành, ông không thích nói nhiều về cá nhân mình. Nhưng nếu nhìn lại thời điểm năm 2013 với đầy rẫy khó khăn, khi ông bắt đầu đảm nhận trọng trách của vị “Tư lệnh” ngành Tài chính, mới thấy hết được ý nghĩa của thành quả ngày hôm nay. Đến thời điểm này, khi ngành Tài chính đạt được kết quả rõ nét trên nhiều mặt công tác, cơ cấu lại một bước thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN), giảm dần bội chi và nợ công, cải cách hiện đại hóa ngành… đó là những nỗ lực trong chỉ đạo điều hành của tập thể Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính và toàn thể ngành Tài chính, trong đó không thể thiếu được bản lĩnh, vai trò của vị “Tư lệnh” ngành.

Trở lại câu chuyện trong các chuyến công tác tại 2 địa phương vừa qua, làm việc tại đây, người đứng đầu ngành Tài chính luôn lưu ý, địa phương cần tập trung quản lý ngân sách trên địa bàn theo hướng thu ngân sách bền vững hơn, quản lý chi chặt chẽ tiết kiệm, hướng tới mục tiêu cao hơn là cơ cấu lại ngân sách và nợ công. Tưởng chừng đây là những vấn đề đại sự quốc gia, của những định hướng lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, nhưng “một cây làm chẳng nên non”, sự nỗ lực của từng địa phương sẽ quyết định việc hoàn thành các mục tiêu tài chính - NSNN hàng năm.

Ngắn gọn và thẳng thắn, tại các buổi làm việc với địa phương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã phát biểu “đúng và trúng” vào những hướng đi trong phát triển kinh tế, thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN cũng như gợi mở chính sách cho địa phương trong thời gian tới. Mặc dù có tỉnh thu NSNN đạt cao, nhưng Bộ trưởng đã chỉ ra yếu tố “không bền vững”, khi nguồn thu chủ yếu dựa vào đất đai, các nguồn thu từ sản xuất kinh doanh chưa đạt như dự kiến. Bởi, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, quay trở lại sẽ đóng góp cho nguồn

thu ngân sách. Bộ trưởng cũng không quên đề nghị lãnh đạo hai địa phương rằng, mặc dù Bộ Tài chính thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để quản lý ngân sách, đặc biệt trong quản lý thu (chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại…), nhưng đây vẫn là những vấn đề cần tiếp tục tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Trong các chuyến công tác tới địa phương, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thường dành thời gian để tới dâng hương, tưởng niệm và tri ân các anh hùng liệt sĩ trên địa bàn; đến thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình chính sách, có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Làm việc với lãnh đạo huyện, tỉnh, ông luôn đề nghị lưu ý đến việc tạo nguồn thu nhập ổn định, phấn đấu nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn và coi đây là hướng phát triển căn cơ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ví như câu chuyện từ xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn đã tập trung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng có giá trị thay cho cây lúa. Riêng cây na đặc sản của địa phương, mỗi năm đã thu gần 100 tỷ đồng, các cây trồng khác như bưởi, vải, cam… cũng thu từ xấp xỉ từ 1-5,4 tỷ đồng. Bộ trưởng phấn khởi cho rằng, Đảng bộ và chính quyền xã Chi Lăng đã đi đúng hướng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khuyến khích phát triển cây đặc sản này.

Tư duy mới mẻ của ông đã được đúc kết và chứng minh từ thực tế chỉ đạo điều hành. Sở dĩ những năm gần đây ngành Tài chính đạt được kết quả “toàn diện và xuất sắc” nhiệm vụ tài chính - NSNN như đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong nhóm các giải pháp thực hiện, người đứng đầu ngành Tài chính luôn lưu tâm đến công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương đối với công tác tài chính nói chung. Đây là một trong những bài học kinh nghiệm, quyết định việc triển khai tốt các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Chia tay Bắc Giang, Lạng Sơn, dường như Xuân vẫn chưa tan trên những nụ hoa còn sót lại của nhà ai ven đường. Đâu đó, những cành hoa ban đã bung nở trắng rừng dọc theo đường quốc lộ..., chúng tôi thầm mong sẽ có dịp trở lại, để thấy hai địa phương giàu truyền thống này “thay da đổi thịt”.