29/03/2024 lúc 06:53 (GMT+7)
Breaking News

Làm giàu từ phế phẩm nông nghiệp vỏ mít, hạt mít

VNHO - Những câu chuyện phát triển kinh doanh nhờ những phế phẩm nông nghiệp không phải là ít và việc dám nghĩ, dám làm đã đưa lại cho họ thành những thành tựu đáng tự hào. Câu chuyện bắt những phế phẩm bỏ đi như vỏ quả mít, hạt mít “đẻ” ra tiền là một trong những ý tưởng kinh doanh đầy táo bạo như vậy.

VNHO - Những câu chuyện phát triển kinh doanh nhờ những phế phẩm nông nghiệp không phải là ít và việc dám nghĩ, dám làm đã đưa lại cho họ thành những thành tựu đáng tự hào. Câu chuyện bắt những phế phẩm bỏ đi như vỏ quả mít, hạt mít “đẻ” ra tiền là một trong những ý tưởng kinh doanh đầy táo bạo như vậy.

Những ý tưởng làm giàu đến với những người sáng tạo đôi khi khá tình cờ, quan trọng là họ biết nắm bắt và không ngại khó khăn để dấn thân khởi nghiệp. Và trường hợp làm giàu của hai vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Thanh Loan – Nguyễn Quang Quỳnh là một câu chuyện như vậy. Ý tưởng xanh giúp làm giàu của hai vợ chồng đến khá tình cờ, Thanh Loan chia sẻ: Đắk Lắk là nơi trồng khá nhiều mít và xung quanh việc mua bán trái cây này có nhiều việc còn bất cập, do ý thức của người dân chưa cao nên ảnh hưởng đến môi trường. Nhất là tại các huyện Eakar, huyện Krong Pak, huyện Krong Buk… tập trung rất nhiều công ty và các điểm thu mua mít múi. Ngoài thời gian lên nương, làm rẫy chăm bón cho cà phê là chính thì người dân còn đi thu mua mít, họ tách phần múi mít để bán cho các công ty. Phần vỏ mít, hạt mít người dân thường đem bỏ, đổ đống, phần rác này bị thối rữa, bốc mùi gây mất vệ sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước.

Rác mít thay vì bỏ đi như trước thì nay đã trở thành một chế phẩm nông nghiệp có ích (Ảnh: Internet)

Nỗi trăn trở của Thanh Loan là làm sao giải quyết được vấn đề rác thải này vừa đem lại nguồn lợi kinh tế. Cô đem ý tưởng bàn bạc cùng chồng là anh Quang Quỳnh chàng kỹ sư lâm sinh với chuyên môn quản lý, quy hoạch rừng. Trải qua thời gian nghiên cứu hai người đã đi đến thống nhất, vỏ mít sẽ được xử lý để thành phân bón xanh, hạt mít sẽ được nghiền thành thức ăn sử dụng trong chăn nuôi.

Quả thật từ ý tưởng cho đến bắt tay vào việc là cả một quá trình không đơn giản. Những khó khăn ban đầu của hành trình khởi nghiệp là về nguồn vốn. Với số vốn ít ỏi bỏ ra ban đầu chỉ có 10 triệu đồng khiến công ty Minh Phát của hai vợ chồng phải chật vật lắm mới có thể đưa vào hoạt động vào tháng 9/2009. Chưa kể có rất nhiều khó khăn phát sinh như: Không có mối quan hệ để bán hàng nên thường xuyên bị ép giá, không có kiến thức chuyên ngành, hệ thống máy móc để đưa vào vận hành chưa ổn định,…

Gương mặt doanh nhân trẻ Thanh Loan làm giàu từ rác thải nông nghiệp (Ảnh: Internet)

Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn quyết không nản chí, cuối cùng họ cũng được đền đáp thành quả khi công ty đi vào hoạt động ổn định. Hoạt động với tiêu chí vì môi trường xanh, sạch đẹp nên được dự án nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, còn người dân thì nhiệt tình hợp tác.

Từ năm 2010 đến 2012, công ty Minh Phát đã mua 3.000 tấn hạt mít, xử lý 10.000 tấn rác mít. Vỏ mít và hạt mít sẽ được người dân phơi khô sau đó đem bán cho công ty để tiếp tục quy trình sấy sau đó đem nghiền. Đơn giá được thu mua 1kg hạt mít khô trung bình là 2.500 ngàn đồng. Thành công của dự án là đưa vào mặt hàng bột mít vào danh mục nguyên liệu thức ăn gia súc mới. Đáng tự hào hơn là việc tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động địa phương, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo cơ hội liên kết kinh doanh cho các nhà thầu phụ về bao bì, vận tải…

Ý tưởng làm giàu từ phế phẩm vỏ mít, hạt mít của hai vợ chồng trẻ đã từng đạt giải trong cuộc thi “Hành trình xanh” do Toyota Việt Nam và Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức. Sản phẩm phân bón từ vỏ mít, hay thức ăn hỗ trợ hệ tiêu hóa từ hạt mít của vợ chồng Thanh Loan đã được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình và phản hồi tốt về chất lượng.

Ý tưởng xanh đã giải quyết nhu cầu việc làm của người dân địa phương (Ảnh: Internet)

Hiện tại công ty Minh Phát đang mở rộng đầu tư thêm nhà máy sấy bã hèm bia. Ý tưởng này đến từ việc nhận thấy tiềm năng làm giàu trong cái đầu “có sỏi” của hai vợ chồng Thanh Loan, khi họ thấy nguồn nguyên liệu này thải ra từ Nhà máy bia Sài Gòn chi nhánh Đắk Lắk khá nhiều.

Ngoài việc tái chế rác thải, Công ty Minh Phát còn chú trọng việc lên kế hoạch thực hiện việc giáo dục cho cộng đồng dân cư xung quanh đề bảo vệ môi trường. Mục tiêu đặt ra là tới năm 2030 sẽ trang bị kỹ năng mềm cho 10.000 học sinh dân tộc thiểu số theo chủ đề bảo vệ môi trường. Đây quả là những Startup trẻ vừa có tầm lại vừa có tâm.

Rất nhiều bạn trẻ dám dấn thân thử nghiệm kinh doanh những mặt hàng không giống ai. Và họ đã biến những phế liệu bỏ đi đó thành sản phẩm có doanh thu không ngờ.