29/03/2024 lúc 06:02 (GMT+7)
Breaking News

Làm giàu nhờ sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm

VNHN-Để khai thác lợi thế đồi vườn phát triển kinh tế, chị Nguyễn Thị Dung, 53 tuổi, thôn Thành Vân, xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vùng đất hoang để xây dựng trang trại, trồng nhiều loại cây ăn quả cho thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

VNHN-Để khai thác lợi thế đồi vườn phát triển kinh tế, chị Nguyễn Thị Dung, 53 tuổi, thôn Thành Vân, xã Thành Vân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vùng đất hoang để xây dựng trang trại, trồng nhiều loại cây ăn quả cho thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Vườn thanh long tại trang trại của gia đình chị Dung

Hồi tưởng lại những gì đã trải qua, chị Dung cho biết: Lúc đầu mới lập nghiệp trên vùng đồi cằn cỗi, vốn liếng chẳng có gì, chỉ có ý chí quyết tâm làm giàu trên chính quê hương mình và tinh thần lao động miệt mài. Những thước đất ban đầu được cải tạo đã đem đến cho chị một hy vọng về tương lai sản xuất của gia đình, bởi vùng đất đỏ này thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là các loại cây ăn quả.

Năm 1992, thời điểm bắt đầu nhận thầu với xã gần 30 ha, trong đó có 20 ha đất canh tác, nguồn vốn quý giá nhất khi ấy mà gia đình chị có được là sức khỏe của 2 vợ chồng và 30 triệu đồng vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân.

Với điều kiện kinh tế gia đình lúc này buộc chị phải đầu tư theo kiểu lấy ngắn nuôi dài, chị khoanh vùng lại để phát quang, cày cuốc, cải tạo các phần đất bằng phẳng có độ dốc ít, dễ canh tác để trồng mía, dứa và các loại rau xanh làm thực phẩm bán hàng ngày tại các chợ, một số diện tích trồng rau làm thức ăn chăn nuôi.

Làm lụng vất vả nhưng những khi dư được chút vốn nào là chị dành đầu tư cho các loại cây có tính chất lâu dài hơn như mắc ca, ổi, cam, bưởi, thanh long ruột đỏ… Xác định gắn bó lâu dài với trang trại nên chị tự tìm tòi, học hỏi và tham gia các lớp tập huấn kiến thức khuyến nông do Hội Nông dân tổ chức để có thể chủ động kỹ thuật trong quá trình sản xuất.

Nhờ siêng năng và nắm vững kiến thức nên công sức lao động của gia đình chị đã đem lại những kết quả ban đầu. Ngày khởi nghiệp phải lo chạy ăn hàng ngày, chạy tiền phân, giống cho mỗi vụ sản xuất, sau 2 năm chị đã chủ động được nguồn lương thực cho gia đình, chủ động được vốn đầu tư để chăm sóc vườn cây. Khi những loại cây ngắn ngày đem lại thu nhập ban đầu thì những cây mắc ca đã đến kỳ cho quả, đem đến một cơ hội, mở ra hướng đầu tư mới.

Từ chỗ phải mua giống, chị bắt đầu sản xuất giống mắc ca để mở rộng diện tích của gia đình và cung cấp cho các hộ khác trong vùng khi có nhu cầu. Lúc này, khi kinh tế đã dần ổn định, chị từng bước tiếp cận với mô hình trồng cây ăn quả, trồng mía là chủ yếu. Những diện tích trồng rau màu ngắn ngày trước kia được chuyển sang chuyên canh 3 ha cam, 2 ha bưởi, 3 ha dứa, 1 ha thanh long và 10 ha cây mắc ca, đầu tư các loại máy móc, xe tải vận chuyển phục vụ công việc sản xuất của gia đình.

Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế trang trại, chị Dung cho biết: Để đầu tư hiệu quả, trước tiên phải nắm vững kiến thức về loại cây trồng mà mình muốn đầu tư, bên cạnh đó là phải thực sự đam mê và gắn bó với cây trồng, coi cây trồng là người bạn thân thiết của mình. Trong đó cần tìm hiểu rõ và nghiên cứu chắc chắn sức tiêu thụ của thị trường, không vì sự khan hiếm nhất thời mà đầu tư chạy theo, tránh sản xuất theo phong trào, làm theo cảm tính.

Một kinh nghiệm nữa mà chị muốn gửi gắm bằng những trải nghiệm của mình là chị đã đầu tư từng bước, đầu tư chắc chắn, trước hết là đảm bảo duy trì hoạt động của trang trại bằng chính các sản phẩm ngắn ngày, có lợi nhuận đến đâu đầu tư đến đó, không đầu tư nóng và quá nhanh. Làm như vậy vừa không vượt quá sức của gia đình về quy mô vốn, vừa từng bước học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đầu tư mới bền và mới cho hiệu quả lâu dài.

Cũng chính từ mô hình của gia đình, chị thấy rằng, những kiến thức được tập huấn thông qua Hội Nông dân chỉ là những phần lý thuyết cơ bản, cần có thời gian thực nghiệm và biến nó thành kiến thức riêng của mình mới chủ động và tự tin đầu tư quy mô lớn.

Hiện nay, 5 ha mắc ca đã cho thu hoạch, cùng với các loại cam, bưởi, dứa, mía, chị còn tận dụng nguồn cỏ trong trang trại để nuôi 15 con bò thịt, bình quân mỗi năm đem về nguồn lãi trên 700 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với mức thu nhập từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng. Với quy mô trang trại vào thời điểm hiện tại, nguồn lãi thu về có thể cao hơn, tuy nhiên chị sử dụng chăm sóc và mở rộng vườn cây ăn quả, tái đầu tư vào máy móc để trang trại phát triển lâu dài.

Kinh tế gia đình chị ổn định và có của ăn, của để, chị lại dang tay giúp đỡ những bà con có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ xây dựng quỹ khuyến học, thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, neo đơn vào dịp cuối năm.

Với người dân địa phương, chị không chỉ là người có tấm lòng thơm thảo, nhân ái mà còn là tấm gương mẫu mực trong việc chịu thương, chịu khó, biết biến ước mơ của mình thành hiện thực, một tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.