28/03/2024 lúc 15:36 (GMT+7)
Breaking News

Làm giả hồ sơ, nhập khẩu hàng chục container máy móc cũ

VNHNO - Bằng thủ đoạn thành lập nhiều doanh nghiệp, làm giả hồ sơ, nhập khẩu về Việt Nam trên 100 container máy móc thiết bị cũ, các đối tượng trong đường dây này vừa bị Công an TP.HCM đề nghị truy tố tội “Buôn lậu”.

VNHNO - Bằng thủ đoạn thành lập nhiều doanh nghiệp, làm giả hồ sơ, nhập khẩu về Việt Nam trên 100 container máy móc thiết bị cũ, các đối tượng trong đường dây này vừa bị Công an TP.HCM đề nghị truy tố tội “Buôn lậu”.

Lô hàng máy móc cũ được các đối tượng NK bằng hồ sơ giả bị bắt giữ tại cảng Cát Lái. Ảnh: T.H.

Làm giả hồ sơ nhập khẩu

Từ tháng 7/2016 đến khi bị phát hiện, Vũ Văn Dũng và các đồng phạm đã làm thủ tục NK cho Trần Quốc Vương 108 lô hàng với phí dịch vụ từ 48 đến 52 triệu đồng/container, sau khi trừ các chi phí, Dũng  được hưởng lợi từ 2,5 -3,5 triệu đồng/container.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.HCM vừa kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 5 đối tượng, gồm: Trần Quốc Vương (SN 1977, ngụ quận 10, Phó Giám đốc Công ty Trần Lê Minh), Vũ Văn Dũng (SN 1970, điều hành Công ty Gia Hưng, Công ty Long Bình, Công ty Ánh Dương), Phạm Đình Huân (SN 1981, ngụ quận 9), Nguyễn Hòa Hiếu (Giám đốc Công ty Khánh Huy), Nguyễn Mộng Hùng (SN 1968, ngụ quận 12), Dương Minh Trường (SN 1984, Giám đốc Công ty TNHH Minh Kỳ) cùng về tội "Buôn lậu".

Kết quả điều tra của Công an cho thấy, năm 2017, Trần Quốc Vương thành lập Công ty Trần Lê Minh (trụ sở quận 12). Qua hợp tác làm ăn, Vương quen biết một số người ở Nhật Bản nên đặt vấn đề thu gom các mặt hàng thiết bị, máy móc do Nhật sản xuất trước năm 2000 gồm: Máy tiện, máy phay, máy ép nhựa... Dù biết rõ mặt hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, vượt quá 10 năm kể từ ngày sản xuất không đủ điều kiện nhập khẩu, nhưng Vương vẫn sử dụng pháp nhân Công ty Trần Lê Minh và thuê nhiều đối tượng thành lập DN, lập giả hồ sơ để nhập số lượng lớn hàng hóa từ Nhật Bản về Việt Nam tiêu thụ.

Cụ thể, Vũ Văn Dũng điều hành, quản lý các công ty: Gia Hưng, Long Bình và Ánh Dương khai nhận, khoảng đầu năm 2016, qua bạn bè giới thiệu, Vương liên hệ với Dũng nhờ làm thủ tục nhập khẩu máy móc công cụ đã qua sử dụng và nhập hàng về Việt Nam. Khi hàng về đến cảng Cát Lái, Dũng sẽ làm thủ tục NK lô hàng và giao cho Vương tại kho Chi nhánh Công ty TNHH Khánh Huy.

Theo đúng kế hoạch, khi 6 container hàng cập cảng Cát Lái, biết số hàng này không đủ điều kiện NK,  Dũng chỉ đạo Phạm Đình Huân, nhân viên Công ty Ánh Dương làm giả bộ hồ sơ để NK cho Vương nhằm hưởng tiền công. Các đối tượng đã làm giả vận đơn của hãng tàu, làm giả hợp đồng mua bán giữa 3 công ty do Dũng điều hành với các DN của Nhật Bản, danh sách hàng hóa...

Dũng khai nhận, với thủ đoạn này, từ khi Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng có hiệu lực (1/7/2016) đến khi bị phát hiện, Dũng và các đồng phạm đã làm thủ tục NK cho Vương 108 lô hàng với phí dịch vụ từ 48 đến 52 triệu đồng/container, sau khi trừ các chi phí, Dũng được hưởng lợi từ 2,5 -3,5 triệu đồng/container.

Với thủ đoạn tương tự, Nguyễn Mộng Hùng- quản lý kho cho Trần Quốc Vương thuê Nguyễn Minh Trường (Giám đốc Công ty TNHH Minh Kỳ Trường) sử dụng pháp nhân Công ty Minh Kỳ làm giả hồ sơ để nhập máy móc công cụ đã qua sử dụng. Lô hàng sau khi kiểm hóa, mang về bảo quản, chờ kết quả giám định Trường đưa về kho Chi nhánh Công ty Khánh Huy giao cho Hùng tiêu thụ. Với thủ đoạn này, Trường đã nhập khẩu cho Hùng 40 container máy móc thiết bị cũ, thu lợi 200 triệu đồng.

Tổng cộng Trần Quốc Vương đã thanh toán qua ngân hàng cho phía đối tác nước ngoài 135 lô hàng, trị giá trên 428 triệu Yên Nhật (tương đương khoảng 90 tỷ đồng).

Mua chứng thư giám định

Trong đường dây buôn lậu này, Dũng có vai trò quan trọng là lo thủ tục thành lập nhiều công ty, dùng pháp nhân làm thủ tục nhập khẩu theo hình thức bao trọn gói. Đồng thời chỉ đạo nhân viên làm giả hồ sơ nhập khẩu để mở tờ khai nhập khẩu máy móc, thiết bị không đúng với thực tế hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, do nhập khẩu máy móc không đủ điều kiện, để có các chứng thư giám định lô hàng nhằm hoàn tất thủ tục nhập khẩu, các đối tượng đã móc nối với một số nhân viên của 3 công ty giám định mua chứng thư khống với giá từ 2,5 triệu- 5 triệu đồng/bản.

Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định, hàng trăm container máy móc, thiết bị thuộc diện cấm nhập được đường dây này đưa trót lọt về TP.HCM. Khám xét hàng loạt kho chứa của Công ty Trần Lê Minh và một số công ty liên quan, trinh sát đã lập biên bản tạm giữ hàng ngàn tấn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Để có chỗ chứa hàng ngàn tấn máy móc, thiết bị cũ, Vương thuê 3 nhà kho lớn ở quận Bình Tân và nhiều kho khác trên địa bàn TP.HCM để chứa hàng lậu. Tại văn phòng 2 công ty (Công ty Trần Lê Minh của Vương và Gia Hưng của Dũng), cơ quan chức năng thu giữ số lượng lớn hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, con dấu liên quan đến việc nhập lậu hàng hóa. Trong đó có nhiều con dấu, chữ ký tên nước ngoài, các tài liệu có con dấu, chữ ký khống của một số cơ quan, đơn vị và các con dấu của nhiều công ty do Dũng thành lập, điều hành, là đầu mối nhập lậu hàng hóa cho nhiều chủ hàng với số lượng rất lớn.

Sau vụ bắt quả tang xe đầu kéo vận chuyển lô hàng máy móc đã qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ tại khu vực đường Tên Lửa, quận Tân Bình, TP.HCM, ngày 28/8/2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã bắt khẩn cấp Trần Quốc Vương và Vũ Văn Dũng để điều tra hành vi buôn lậu.

Trong quá trình mở rộng điều tra, cơ quan Công an bắt thêm 3 đối tượng tham gia đường dây buôn lậu nêu trên, các đối tượng đã khai nhận đường dây buôn lậu máy móc khủng này. Hiện kết luận điều tra vụ việc đã được cơ quan Công an chuyển cho Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM để ra cáo trạng truy tố.

Theo Báo Hải Quan