20/04/2024 lúc 09:12 (GMT+7)
Breaking News

Làm báo ở miền Trung - dải đất phải gánh chịu nhiều thiệt thòi do thiên tai dịch họa

Miền Trung được thiên nhiên ưu đãi, cho nhiều cảnh quan đẹp, rừng biển kỳ thú, nhưng cũng là dải đất phải gánh chịu nhiều thiệt thòi do thiên tai, dịch họa. Nếu không bị dịch bệnh hoành hành như hiện nay, thì năm nào miền Trung cũng gánh chịu thiên tai, lũ lụt, ngư dân gặp nạn trên biển... Vì vậy, người làm báo ở mảnh đất này cũng phải khóc, cười trên từng bản tin, sẻ chia với nhân vật của mình.

Miền Trung được thiên nhiên ưu đãi, cho nhiều cảnh quan đẹp, rừng biển kỳ thú, nhưng cũng là dải đất phải gánh chịu nhiều thiệt thòi do thiên tai, dịch họa. Nếu không bị dịch bệnh hoành hành như hiện nay, thì năm nào miền Trung cũng gánh chịu thiên tai, lũ lụt, ngư dân gặp nạn trên biển... Vì vậy, người làm báo ở mảnh đất này cũng phải khóc, cười trên từng bản tin, sẻ chia với nhân vật của mình.

Những bức ảnh giấu đi hiện thực

Nhiều người cho rằng, khi internet bao phủ khắp mọi nơi, nhiều nền tảng xã hội hình thành thì giá trị thông tin của báo chí sẽ giảm sút, thậm chí không cần đến báo chí nữa. Điều đó chỉ đúng một phần. Bởi những gì chúng ta nhìn thấy bằng ảnh, thậm chí có cả video tường thuật thì cũng chưa hẳn đó là tin tức, là sự thật. Chỉ đến khi tin giả (fake news) nở rộ, tràn lan, nhiều người đã phải "ăn phạt" hành chính bởi các vi phạm về luật an ninh mạng, thông tin truyền thông thì mọi người mới tỉnh ngộ.

Bức ảnh nhà báo Đoàn Hữu Trung bật khóc tại hiện trường khi thấy hình ảnh cháu nhỏ trong lớp bùn đất khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Ảnh: Hoàng Thế Lực.

Ngay trên mạng xã hội lớn bậc nhất thế giới là Facebook, với lượng thông tin rộng khắp, bao trùm cả thế giới, biến mỗi người dân có thể là 1 người đưa tin, nhưng ông chủ Mark Zuckerberg vẫn không dám để tiêu mục là tin tức. Mỗi thông tin, hình ảnh, video... mà người dùng đăng lên trang của mình thì Facebook cũng chỉ mặc định là Status (viết tắt stt) nghĩa là trạng thái.

Nhà báo thì khác, khi có mặt tại hiện trường, ngoài chứng kiến những điều tai nghe mắt thấy như mọi người dân, họ còn phải thẩm định, xác minh thông tin từ cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm. Vì vậy, ngoài đưa tin thuần túy mang tính sự kiện, thì nội hàm trong một bản tin, bài báo có cả định hướng, thông điệp rõ ràng, hướng đến sự đúng đắn, chính xác. Mục đích là để bảo vệ sự thật, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ cộng đồng, môi trường... Do đó, nhà báo tác nghiệp tại hiện trường không chỉ lớt phớt mà phải quan sát tinh tế, tìm hiểu kỹ lưỡng từng câu chuyện, nhân vật, từng chi tiết nhỏ nhất như ánh mắt, cử chỉ... thậm chí là cảm xúc của nhân vật.

Viết báo để vận động đóng mới cả con tàu tặng ngư dân Quảng Ngãi năm 2012. Ảnh: A.Th

Nghề nghiệp là vậy, nhưng ở miền Trung, đôi khi nhà báo đã phải giấu đi hiện thực, kìm nén cảm xúc để tránh gây sốc cho người đọc, người xem. Tôi còn nhớ như in, cơn bão giữa mùa vào tháng 11.2017 quét qua miền Trung, các huyện miền núi Quảng Nam đã phải hứng chịu nhiều trận sạt lở núi, vùi lấp cả bản làng. Ngay tại thị trấn miền núi Bắc Trà My, sạt lở núi cũng vùi chết 12 người. Hôm chúng tôi đến, tại thôn Đàng Bộ, chính quyền đã tìm được 8 thi thể, quàn chung trong nhà sinh hoạt cộng đồng vì nhà dân đã bị đất núi vùi lấp mất tích rồi.

Lọt vào ống kính là cả một trời tang tóc

Ngắm hướng nào cũng một màu lóa trắng khăn tang. Đưa máy góc nào cũng la liệt quan tài. Giữa bầu không khí ấy, không ai cầm được nước mắt. Để làm sao vừa phản ánh hết được sự mất mát tang thương cả vùng quê như vậy, nhưng cũng vừa giấu bớt cảnh tang tóc thê lương, tôi đã chọn góc máy chụp những chén cơm cắm đũa trên bàn thờ. Mỗi chén cơm là một nạn nhân, và nhòe mờ phía sau đó là những mái đầu trắng khăn tang...

Bức ảnh về một đám tang tập thể của những nạn nhân sạt lở núi năm 2017 ở Bắc Trà My, Quảng Nam. Ảnh: A.Th

Rồi đến mùa mưa bão 2020, tôi lại chứng kiến đồng nghiệp mình một lần nữa giấu bớt đi hiện thực trong những bức ảnh trên báo. Đó là bức ảnh chụp 3 chiếc mũ cối ngập bùn đất vừa tìm được tại hiện trường vùi lấp 13 cán bộ chiến sĩ quân Khu 4 và Thừa Thiên-Huế khi họ trên đường vào thủy điện Rào Trăng 3 để cứu nạn công nhân. Nhà báo Thanh Chương (Báo Biên Phòng) đã theo trực thăng sớm vào được hiện trường vụ tai nạn ở Rào Trăng 3.

Anh cũng đã sớm chứng kiến được những thi thể đầu tiên của bộ đội được tìm thấy, nhưng rồi bạn đọc cũng chỉ thấy 3 cái mũ cối úp lạnh lùng trên khoảnh đồi giờ chỉ toàn là bùn đất. Người đọc và cả gia đình nạn nhân nấc nghẹn, nhưng rõ ràng nỗi đau đã được giảm nhẹ nhờ bức ảnh này.

Rồi đến mùa mưa bão, tôi lại chứng kiến đồng nghiệp mình đội mưa, thức đêm chạy lũ cùng bà con. Ảnh: Thanh Hải

Cách đó không xa, tại Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), nhiều phóng viên cũng đã quỵ xuống, bật khóc, thậm chí phải tạm dừng tác nghiệp khi chứng kiến những thi thể nạn nhân vừa được tìm thấy sau các vụ sạt lở núi. Trong đó, có thi thể một cháu bé vừa được bế ra từ núi đất đá. Nhà báo Đoàn Hữu Trung (TTXVN) đã xoay người, hướng máy quay khỏi hiện trường, cố kìm những giọt nước mắt. Khoảnh khắc ấy được một đồng nghiệp chụp lại, chia sẻ trên Facebook và nhiều báo sử dụng, đã gây xúc động mạnh mẽ đến cộng đồng. Và cũng chỉ cần chừng ấy thôi, bạn đọc cả nước có thể cảm nhận được nỗi đau thương mất mát của đồng bào vùng lũ thế nào rồi.

Viết cho ra con tàu, viết cho nên mái nhà...

Có một thời, chúng tôi làm báo như lối "sống chậm". Có những vấn đề phải theo đuổi suốt nhiều năm. Như vụ lợi dụng dự án xây dựng thủy điện Khe Diên, Quảng Nam để phá rừng tự nhiên, chúng tôi đã theo đuổi, viết hàng loạt bài điều tra từ năm 2004, cho đến khi cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra, truy tố hơn 10 cán bộ quan chức liên quan ra tòa vào năm 2007 mới kết thúc.

Những lúc hay tin ngư dân miền Trung bị tàu lạ bắt người, thu tàu, họ bị chìm vào nợ nần. Báo chí không chỉ đưa tin, kể chuyện mà liên tục viết bài để kêu gọi giúp từ tấm lưới đến đóng mới cả con tàu để tặng cho ngư dân, đôi khi mất nhiều tháng đến cả 1 năm mới có kết quả.

Viết báo để vận động đóng mới cả con tàu tặng ngư dân Quảng Ngãi năm 2012. Ảnh: A.Th.

Nhiều nạn nhân lũ lụt, nhiều mảnh đời bất hạnh không chỉ xuất hiện trên trang báo như một thông tin để lấy nước mắt bạn đọc, hay thỏa mãn hiếu kỳ người xem báo. Chúng tôi luôn đặt ra mục tiêu viết cho có học bổng giúp trẻ bất hạnh đến trường, viết cho có viện phí giúp người bệnh qua cơn khốn khó, viết cho nên mái nhà nhờ cộng đồng chung tay giúp đỡ những người nghèo khó... Vì vậy, các tuyến tin bài phải theo đuổi suốt thời gian dài, khi công trình hoàn thành, khi chương trình kết thúc.

Có những vấn đề phải theo đuổi suốt nhiều năm, mạo hiểm, đánh cược với chính tính mạng của mình. Ảnh: Thế Hùng

Mỗi bài báo đôi khi là một kỷ niệm khó quên trong đời làm báo, có thêm những người bạn ngoài đời thực. Bây giờ, để cạnh tranh với các mạng xã hội, nhiều bạn phóng viên trẻ mải mê săn tìm những thông tin hot để câu view. Mặt khác, thị hiếu bạn đọc bây giờ cũng thay đổi. Nhưng với những người làm báo ở miền Trung, sự thay đổi đó không nhiều, bởi thực tiễn luôn bày ra trước mắt họ là những câu chuyện dài, không thể dừng lại ở 1 bản tin. Thiên tai, dịch bệnh liên miên khiến những người cầm bút ở vùng đất khó khăn này không chỉ đưa tin mà còn mong muốn giúp đỡ đồng bào mình qua từng bài viết.