19/04/2024 lúc 09:03 (GMT+7)
Breaking News

Lai Châu: Tập trung phát triển thế mạnh nông - lâm nghiệp

Tận dụng những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu của địa phương, trong những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã dần thay da đổi thịt, từ một tỉnh nghèo nay đã trở thành nơi có nền kinh tế nông - lâm nghiệp phát triển khá của cả nước.

Tận dụng những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu của địa phương, trong những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã dần thay da đổi thịt, từ một tỉnh nghèo nay đã trở thành nơi có nền kinh tế nông - lâm nghiệp phát triển khá của cả nước.

Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: Internet

Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có tổng diện tích trên 9000 km2, diện tích đất nông - lâm nghiệp chiếm trên 52%. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, địa hình nhiều đồi núi, thích hợp trồng rừng, lúa nước, lúa nương và nhiều loại cây ăn quả ôn đới như đào, mận, táo mèo, lê, quýt,... 

Trước đây, Lai Châu là một tỉnh có nền kinh tế nghèo và chậm phát triển của cả nước, nền nông nghiệp cũng không có nhiều khởi sắc với quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và lạc hậu; các loại cây trồng chủ yếu là lúa, ngô, khoai, sắn và một số loại rau cỏ, hoa màu phục vụ tại chỗ, không có giá trị kinh tế cao; năng suất sản xuất thấp do phương pháp canh tác chưa cập nhật được theo xu hướng mới, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất không cao; việc hình thành khu sản xuất hàng hóa, trao đổi buôn bán vẫn còn hạn chế; công tác nuôi trồng và bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn do người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống. Bên cạnh đó, khí hậu lạnh giá, khắc nghiệt vào mùa đông cũng là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế nông - lâm nghiệp ở Lai Châu chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, nhiệm vụ quan trọng được đặt ra là phải cải cách nền kinh tế, tận dụng những ưu thế sẵn có để tìm ra giải pháp giúp Lai Châu thoát nghèo.

Xác định xóa đói giảm nghèo là mục tiêu quan trọng, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chính quyền tỉnh Lai Châu đã tiến hành thực hiện nhiều chính sách, chiến lược, tập trung vào những vùng sâu vùng xa, có nền kinh tế đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, thực hiện phân tích, xác định lợi thế, khó khăn của từng vùng để có thể đưa ra chiến lược cụ thể và hiệu quả. Ngoài việc sử dụng các nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, cải tạo đường xá.., thì tỉnh còn hỗ trợ cho bà con nông dân nhiều giống cây trồng, máy móc và mở các buổi học đào tạo về cách chăn nuôi, mô hình sản xuất kinh tế nông - lâm nghiệp mới để tăng thêm kiến thức thực tế cho bà con.

Qua đó, tỉnh Lai Châu đã quy hoạch thành công 3 vùng kinh tế để tạo điều kiện phát triển thế mạnh cho từng địa phương trong tỉnh, gồm: Vùng kinh tế động lực quốc lộ 32, 4D; vùng kinh tế nông, lâm nghiệp sinh thái sông Đà; Vùng kinh tế cao nguyên Sìn Hồ. Theo đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp tập trung đẩy mạnh, thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại quá trình thâm canh, sản xuất, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào quá trình chăm sóc cây trồng; ưu tiên xây dựng các cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp, hàng hóa tập trung; thực hiện hiệu quả các chính sách động viên, khích lệ người dân gia tăng sản xuất, phát triển kinh tế trang trại; kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan để phát triển nông nghiệp, dịch vụ; tập trung xây dựng thương hiệu cá nhân trên thị trường, tạo sản phẩm chất lượng, uy tín với người tiêu dùng.

Ngoài ra, để định hướng và phát triển thành công các mô hình kinh tế trên địa bàn huyện, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành các chủ trương, chính sách về việc phủ xanh đất trống đồi trọc, tuyên truyền, vận động người dân chủ động, tích cực tham gia công tác trồng và bảo vệ rừng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay vì chỉ trồng lúa, cần mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ và những loại cây có giá trị kinh tế cao khác.

Sau thời gian dài nỗ lực đổi mới, hiện tại tỉnh Lai Châu đã có những sự thay đổi tích cực. Nhiều loại cây lâm nghiệp, công nghiệp, cây ăn quả được chú trọng phát triển với quy mô lớn nay đã hình thành nên các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung. Công tác bảo vệ rừng cũng có nhiều tiến triển, tỷ lệ che phủ hàng năm đều đạt vượt chỉ tiêu đề ra. Chất lượng rừng được nâng cao, ý thức của người dân trong việc bảo vệ và mở rộng diện tích trồng rừng được nâng lên rõ rệt. Tình trạng cháy rừng, vi phạm quy định về bảo vệ rừng có xu hướng giảm.

Từ những thành quả, kinh nghiệm và những giải pháp thiết thực thực trên chúng ta có thể chắc chắn rằng, trong tương lai không xa, nhất định ngành nông - lâm nghiệp tỉnh Lai Châu sẽ bứt phá đi lên, phát triển bền vững, vượt trội, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn kế tiếp./.