25/04/2024 lúc 21:44 (GMT+7)
Breaking News

Lai Châu: Chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021

Ngày 20/10, chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp các Tiểu ban bàn về việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại tỉnh Lai Châu, năm 2021.

Ngày 20/10, chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng chủ trì cuộc họp các Tiểu ban bàn về việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại tỉnh Lai Châu, năm 2021.

Dự kiến Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021 sẽ được tổ chức trong 03 ngày (từ ngày 24 - 26/12/2021), tại thành phố Lai Châu với sự tham gia của 14 tỉnh thành gồm: Lai Châu, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái và Đắk Lắk. Các vị khách mời gồm có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương; các đơn vị thuộc Bộ VH-TT&DL; đại diện lãnh đạo UBND, Sở VH-TT&DL, Sở VH-TT, Sở Du lịch thuộc 14 tỉnh tham gia Ngày hội.

Quang cảnh cuộc họp bàn về việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại tỉnh Lai Châu.

Trong cuộc họp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh Lai Châu về việc gửi thông báo đến các tỉnh có tên trong danh sách Tham gia ngày hội; Sở Tài chính đã ban hành Tờ trình gửi UBND tỉnh Lai Châu về việc chuẩn bị chi phí bổ sung cho công tác tổ chức Ngày hội sao cho cân đối, phù hợp và tiết kiệm;  Ban Tổ chức Ngày hội cũng đưa ra quyết định thành lập tổ và giao nhiệm vụ cho các tiểu ban giúp việc như: Tiểu ban nội dung, tuyên truyền khánh tiết và thi đua khen thưởng; Tiểu ban hậu cần, lễ tân; Tiểu ban an ninh, chăm sóc sức khỏe và triển khai các hoạt động chuẩn bị cho Ngày hội.

Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tham mưu tại cuộc họp.

Để chủ động hơn trong công tác tổ chức Ngày hội, UBND tỉnh Lai Châu đã tiến hành xây dựng kế hoạch đăng cai; phân chia nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong tổ công tác thuộc Ban tổ chức, các Tiểu ban tổ chức; tập trung quảng bá các sản phẩm trọng điểm, được chứng nhận OCOP của tỉnh; xây dựng nội dung chương trình với mục tiêu làm nổi bật ý nghĩa của Ngày hội; xây dựng phương án dự phòng để đảm bảo vừa phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định, vừa có thể tổ chức Ngày hội thành công.

Theo đó, Ngày hội sẽ được tổ chức với những hoạt động sau: Liên hoan văn nghệ quần chúng, tập thể, diễn tấu nhạc cụ khèn, sáo đặc trưng của người Mông; trình diễn trang phục, lối sống sinh hoạt, lễ nghi truyền thống đồng bào dân tộc Mông; xây dựng khu trưng bày sản phẩm, sạp hàng thủ công như thổ cẩm, khèn, sáo trúc, vòng trang sức in hoa văn độc đáo; trình diễn nghề thủ công truyền thống; mở triển lãm “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mông trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”, hướng tới mục tiêu truyền bá, gia tăng nhận thức cho du khách về văn hóa độc đáo của dân tộc Mông. Ngoài ra, tại Ngày hội còn có một số hoạt động thể đáng chú ý như đẩy gậy, kéo co, ném còn, ném pao,..

Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng nhấn mạnh: Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại tỉnh Lai Châu là hoạt động mang ý nghĩa rất quan trọng. Sự kiện được tổ chức với quy mô lớn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đứng ra tổ chức với mục đích kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh của tỉnh lai Châu nói riêng và 14 tỉnh thành cùng tham gia nói chung. Qua đó, góp phần cải thiện kinh tế, xã hội sau thời gian dài chịu tác động nặng nề do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III, năm 2021 là một sự kiện văn hóa truyền thống tôn vinh nét đẹp bản sắc của đồng bào dân tộc người Mông. Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển". Đây là cơ hội để các tỉnh tham gia trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức về văn hóa, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, cấp, ngành và đồng bào các dân tộc trong công cuộc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân tộc Mông ở mỗi vùng miền. Đồng thời, cũng là dịp để các địa phương quảng bá, giới thiệu cho bạn bè trong nước, quốc tế biết thêm về các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông, góp phần vào công cuộc xây dựng kinh tế du lịch phát triển vững mạnh và ổn định./.