29/03/2024 lúc 08:15 (GMT+7)
Breaking News

Kỳ vọng tăng trưởng trong thời gian tới sẽ tốt hơn cho kinh tế Việt Nam

Chúng ta còn dư địa lớn cho phát triển khi từng bước khống chế và thay đổi chiến lược phòng, chống dịch COVID-19, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí.

Chúng ta còn dư địa lớn cho phát triển khi từng bước khống chế và thay đổi chiến lược phòng, chống dịch COVID-19, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí.

GS. Nguyễn Quang Thái cho rằng, trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đã gây ra những tổn thất về con người, về kinh tế-xã hội. Giãn cách xã hội là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh khi chưa nhập đủ được vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng.

Tuy nhiên, hệ quả của tình trạng giãn cách xã hội dài ngày không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế, mà còn gây nhiều tác động trái chiều về mặt xã hội, môi trường, nhất là tác động tiêu cực đến người lao động. Những người có nhu cầu về quê không chỉ vì thu nhập giảm sút, dù có được trợ cấp từ Nhà nước và xã hội, mà còn vì nhu cầu học hành cho con trẻ và giải tỏa tâm lý bức xúc. Các nhà nghiên cứu và các cơ quan lãnh đạo đã phân tích khá sâu vấn đề này, và còn tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn.

Ảnh minh họa

Khu vực nông thôn là “hậu cứ” an toàn chiến lược cho đất nước

“Đứng trước đại dịch chưa từng có, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát thực tiễn, chỉ đạo đạt kết quả như hiện nay là nỗ lực của cả dân tộc, vươn lên vì sự trưởng tồn của đất nước”, GS. Nguyễn Quang Thái khẳng định. Thuận lợi có nhiều và triển vọng kinh tế quý IV/2021 chắc chắn khá hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, dựa vững chắc vào sức mạnh của dân tộc và thời đại, kinh tế Việt Nam chắc chắc sẽ tốt dần lên.

Phân tích dư địa tăng trưởng, GS. Nguyễn Quang Thái chỉ ra một số vấn đề lớn cần hết sức quan tâm.

Một là, tiềm lực kinh tế đất nước dù đã bị bào mòn sau gần 2 năm dịch bệnh nhưng còn to lớn và đa dạng, cần được khai thác có hiệu quả, cả về nhân lực, vật lực, tài lực trong xã hội. Cơ sở vật chất kỹ thuật đã xây dựng được khắp các miền đất nước là tiền đề để phát huy ngay, nhờ tăng cường kết nối.

Hai là, nông nghiệp và nông thôn tương đối ít bị tác động, lại là nơi cung ứng nông, lâm, thủy hải sản cho tiêu dùng và xuất khẩu “nội lực” rất quý, đẩy mạnh chế biến sâu, tạo thêm giá trị gia tăng và hiệu quả. Cần tạo nguồn dự trữ lương thực được đóng chân rộng khắp, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Khu vực nông thôn là “hậu cứ” an toàn chiến lược cho đất nước.

Ba là, các ngành sản xuất và dịch vụ cũng còn có những phân ngành, sản phẩm… có thể đẩy mạnh ngay, kết hợp với việc tổ chức lại cho hiệu quả hơn.

Bốn là, sự tùy thuộc lẫn nhau là điều kiện để Việt Nam vươn lên trong khó khăn, khi Việt Nam đã tham gia các Hiệp định tự do thương mại, nhất là các FTA thế hệ mới. Cần lựa chọn ngành nghề, dịch vụ cần tập trung, phát huy lợi thế so sánh trên từng địa bàn, kinh tế phát triển hiệu quả cao theo hướng phát triển bền vững.

Không những “bước nhanh” mà cần cả “bước dài” trong phát triển kinh tế

Bên cạnh thuận lợi, thì Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Về mặt kinh tế, tài chính, GS. Nguyễn Quang Thái cho rằng, đó là nguy cơ tụt hậu. Do nước ta có trình độ phát triển chưa cao, năm 2020 với số liệu điều chỉnh, GDP bình quân đầu người đạt tương đương 3.500 USD/người, khi nhiều nước trên thế giới và khu vực có mức thu nhập cao hơn. Khi đó, tụt hậu vì ta “bước nhanh” nhưng “bước ngắn”, trong khi các nước khác “bước chậm” nhưng “bước dài”. Khoảng cách về tỷ lệ đang được rút bớt, nhưng khoảng cách tuyệt đối còn lớn, không thể xem thường.

Vấn đề nữa là cần chú ý đến hiệu quả và sức cạnh tranh; ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với cải cách kinh tế. Trong ổn định kinh tế vĩ mô cần chú ý kiềm chế lạm phát (tránh lạm phát đẩy-kéo khi giá nhập khẩu tăng đến 30%, mà giá xuất khẩu chỉ tăng 20% thì vòng sau là khó, trong điều kiện đơn hàng giảm, một phần do chậm giao hàng), chú ý các cân đối tài chính, tiền tệ… không cấp vốn cho “sản xuất” “giả” bị biến thành tài trợ thật cho địa ốc và chứng khoán, dễ gây khủng hoảng thật.

Bên cạnh đó là quan tâm hơn nữa đến an sinh xã hội và môi trường trong phát triển, nếu không sẽ trả giá dài hạn. Khắc phục sự yếu kém, tình trạng xa dân của một số cán bộ đảng viên.

Khuyến nghị các giải pháp chủ yếu để mở các “nút thắt” lớn, vực dậy đà tăng trưởng năm 2021, GS. Nguyễn Quang Thái cho rằng, để vượt lên, Việt Nam phải có kế hoạch phát triển thích ứng với giai đoạn khôi phục kinh tế 2022-2023, vươn lên mạnh mẽ với tốc độ rất cao, mới bù lại sự “thụt lại” do dịch bệnh COVID-19.

Cần đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, thực hiện cải cách nhằm tăng cường nội lực, cùng ngoại lực, hợp thành lực tổng hợp; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng khoa học công nghệ, thực hiện đổi mới sáng tạo. Nhưng việc này khó “đốt cháy” giai đoạn, phải chắt chiu từng thành quả, từng bước vươn lên, tiến kịp thời đại. Việc lựa chọn đúng và sử dụng tốt nhân tài trong phát triển là cực kỳ quan trọng.