20/04/2024 lúc 14:12 (GMT+7)
Breaking News

Ký ức bên đồi cỏ non!

Từ Buôn Ma Thuột về huyện Krông Bông, đi qua những xóm làng trong mùa nương rẫy. Sau cơn mưa, những tia nắng chiều rực sáng bên đồi cỏ xanh non tơ, như tô thêm vẻ đẹp huyền ảo của núi rừng, làm người ta luôn nhớ về một miền ký ức. Hơn 45 năm, tôi về lại miền quê xưa bên dòng Krông Kmar – Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, nơi mà những ngày đầu khi đất nước được giải phóng năm 1975, những người con Quảng Nam – Đà Nẵng lên Tây nguyên xây dựng vùng kinh tế mới.

Từ Buôn Ma Thuột về huyện Krông Bông, đi qua những xóm làng trong mùa nương rẫy. Sau cơn mưa, những tia nắng chiều rực sáng bên đồi cỏ xanh non tơ, như tô thêm vẻ đẹp huyền ảo của núi rừng, làm người ta luôn nhớ về một miền ký ức.

Hơn 45 năm, tôi về lại miền quê xưa bên dòng Krông Kmar – Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, nơi mà những ngày đầu khi đất nước được giải phóng năm 1975, những người con Quảng Nam – Đà Nẵng lên Tây nguyên xây dựng vùng kinh tế mới.

Toàn cảnh trung tâm huyện Krông Bông, Đak Lak

Mùa đông năm ấy (1975) tôi khăn gói cùng ba để vào Tây Nguyên lập nghiệp, mẹ tôi thì ở lại quê nhà vì đang là công chức nhà nước. Năm ấy, không chỉ quê tôi xã Kỳ Hòa huyện Tam Kỳ mà còn có nhiều người dân ở các xã, huyện khác của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước lên Tây Nguyên để xây dựng vùng kinh tế mới. Đây là đợt di dân đầu tiên của nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và cả nước sau năm 1975 lên Tây Nguyên. Mùa đông năm 1975 trời lạnh, cái lạnh mà cho đến tận bây giờ ở Miền Nam tôi vẫn chưa thấy, sau này tìm hiểu thì năm đó lạnh mà cơ quan Khí tượng thủy văn đã ghi vào mốc lịch sử thời tiết Miền Trung – Tây Nguyên dưới 13 độ C.

Hành trình

Sau ba ngày gập ghềnh rong ruổi của đoàn xe chở những người đi xây dựng kinh tế mới của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng rồi cũng đến điểm dừng. Chiều tối mùa đông ngày 19/12/ 1975 (17 tháng 11 năm Ất Mão), chiếc xe vòng vòng trên bãi đất rồi dừng hẳn. Chú cán bộ bước xuống: - Đến nơi rồi bà con ơi!

Lúc ấy vì mệt do đi đường xóc ổ gà, đói, lạnh nên khi bước xuống xe nhiều người thấy nao lòng trong không gian núi rừng và tiếng chim bồ chao kêu vang bên đồi cây tre le cùng với tiếng người gọi nhau ơi ới, rồi tiếng khóc của ai đó…Tôi lặng lẽ theo chân ba và đoàn người đi về một ngôi làng bên kia sông. Trời mưa lạnh, nhưng tất cả phải lội qua một dòng suối lớn gọi là suối Krông Kmar để đến trú tạm tại các gia đình dân cũ (đây là những gia đình của Quảng Nam Đà Nẵng di cư thời Ngô Đình Diệm từ năm 1959. Đến năm 1965 xã Khuê Ngọc Điền được giải phóng và họ là những người dân vùng căn cứ cách mạng kiên cường của tỉnh Đăk Lăk trong suốt những năm chiến tranh).

Vì đông bà con nên chia nhau cứ 3, 4 hộ thì bố trí ở một nhà dân cũ. Tôi nhớ đợt đầu tiên lúc đó có trên 300 hộ, được chở trên 15 chiếc xe ca và xe tải gồm người và nhu yếu phẩm. Gạo thì nhà nước cấp 6 tháng ăn cho từng nhân khẫu, kể cả chăn mùng. Thực phẩm đường, sữa, thịt, nước mắm thì có tem phiếu, còn lại thì bà con tự hái rau rừng, măng tre, cá dưới sông, bàu về ăn. Sau này tìm hiểu tôi mới biết từ 1/10/1975 Tỉnh ủy Đăk Lăk thành lập Ban Định canh định cư nhằm vận động bà con đồng bào dân tộc tại chổ định canh định cư ổn định cuộc sống. Đồng thời tiếp nhận đợt đầu tiên với 34 nghìn dân hai tỉnh Bình - Trị - Thiên và Quảng Nam - Đà Nẵng lên lập nghiệp trên 6 điểm khác nhau trong tỉnh Đăk Lăk, trong đó riêng xã Khuê Ngọc Điền có hơn 1 nghìn hộ với hơn 3 nghìn nhân khẩu. Đến cuối năm 1977 toàn tỉnh Đăk Lăk đã tiếp nhận hơn 45 nghìn nhân khẩu. Đây là lực lượng lao động quan trọng, nhằm góp phần phát triển nền nông nghiệp rộng lớn của tỉnh Đăk Lăk trong những năm sau này.  

Đêm đầu tiên lạnh buốt. Những người lớn nhớ nhà, nhớ quê cùng ngồi lại với nhau ở một nơi xa lạ. Họ đốt lửa sưỡi ấm và miên man về tương lai. Anh sáu Hữu (Bùi Thế Hữu), trưởng đoàn và ba tôi là người cùng làng cũng ngồi suốt đêm không ngủ với bao điều hiện hữu. Họ là những người cơ sở hoạt động cách mạng, niềm vui ngày giải phóng chưa được bao lâu thì lại phải xa quê. Được cái sự tiếp đón nồng hậu và sự sẻ chia tình cảm, kinh nghiệm sống của bà con dân cũ về vùng đất và con người nơi đây nên phần nào bà con mới đến cũng ấm áp và yên tâm hơn cho cuộc sống tương lai.

Sau hai ngày tạm nghỉ, theo sự chỉ đạo của Ban kinh tế mới bà con bắt đầu hình thành tổ lao động theo xã (cũ) và chia nhau từng khu vực nhận đất phát dọn mặt bằng, chặt cây, cắt tranh, dựng lán trại ăn, ở tập thể. Khi đã ổn định chổ ở tạm, các tổ tiếp tục phát quang các khu rừng cây tre, le để chọn đất làm nhà cho từng hộ gia đình. Đội Kỳ Vinh, Kỳ Hòa, Kỳ Trung, Kỳ Khương được chọn khu đất giáp ranh với xóm dân cũ đến đồng Lò Lư. Có thể nói ngày xưa khu vực dọc theo triền núi Chư Yang Sin từ Hòa Sơn, Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, về ba xã Yang Mao, Cư Pui, Cư Drăm là cả một vùng rừng tự nhiên với nhiều tầng cây từ sao, chò, bằng lăng, cầy, tre, le và dưới cùng là cỏ tranh và bụi dây leo. Nhưng đặc biệt cây tre le là cả một vùng rừng rộng lớn khắp các triền đồi. Cứ mỗi sáng từng đàn chim bồ chao (Chơ rao), chim dồn dột, áo già, chim két… từ những rừng le, đồng cỏ lau sậy kêu vang trời mà tôi chưa thấy ở đâu nhiều chim như thế. Đặc biệt ở các sông, bàu các loại cá tràu (lóc), cá trê, lương, ếch, sò dộp nhiều vô kể. Cứ chiều tối tôi cùng các anh trong tổ Kỳ Hòa xuống bàu Lò Lư rải cặm lưỡi câu, đến sáng thu về cả bao lương, cá các loại. Sau này nhiều người còn nói vui: Lương cá ở đây đã nuôi các em ăn học thành tài. Cùng với đó thì các loại rau dềnh, mồng gà, “tàu bay”, măng tre, le cứ ra rừng là hái vô làm thức ăn.

Cầu Krông Kmar - Khuê Ngọc Điền

45 năm – vọng mãi bài ca bên xóm núi!

Năm ấy, tất cả bà con chúng tôi đón cái tết đầu tiên của ngày hòa bình, một cái tết không nhà, trên quê hương mới. Tất cả họ mỗi người một quê, mỗi người một làng xã khác nhau nhưng giờ đã trở thành làng xóm, thành quê hương mới trên miền đất này. Đêm 30 tết họ cùng ngồi lại với nhau quanh bếp lửa, thưởng thức những món quà xuân của bà con dân cũ, rồi cùng đàn hát cho nhau nghe thật ấm áp nghĩa tình. Anh sáu Hữu, ba Công, ba Tài, anh Phùng, Toàn, Hạnh, Lợi, Một, Định, Xuân…hát vang một góc trời đêm giao thừa! Khuê Ngọc Điền đã trở thành quê hương!

Những ngày tết rồi cũng qua đi. Bà con tiếp tục phát dọn, chặt cây làm nhà để đón lao động phụ từ quê vào, cùng với đó là việc khai hoang cánh đồng lúa nước buôn Tít, phát rẫy tỉa hạt cánh đồng Lò Lư và cánh đồng bên sông Krông Ana…Vụ mùa đầu tiên năm ấy lúa nước, lúa rẫy, đậu xanh, đậu đen, bắp, bầu bí…cây gì cũng xanh tốt được mùa. Bà con vô cùng phấn khởi, yên tâm trên miền quê mới Khuê Ngọc Điền. Đầu năm 1976, nhà nước xây dựng trường học, trạm y tế, cửa hàng thương nghiệp và sau đó là xây cầu sắt qua suối Krông Kmar, cầu chữ V bắt qua sông Krông Ana… và tiếp tục đưa dân vào. Đến tháng 9 năm 1981 thì huyện Krông Pách được tách ra thành hai huyện Krông Bông và Krông Pách như bây giờ…

Xóm núi ngày nay (thôn 9 xã Khuê Ngọc Điền)

Cuối năm 1976 tôi về quê đi học. Mãi đến những năm sau này khi công tác tại Đăk Lăk, tôi mới có dịp về lại Krông Bông. Hơn 45 năm, đi qua miền thương nhớ một thời tuổi xanh đặt chân lên miền đất mới. Về lại “xóm núi” của Khuê Ngọc Điền ngày xưa, giờ đã có nhiều thay đổi, ruộng đồng phì nhiêu, làng xóm yên bình của một nông thôn mới. “Xóm núi” với mái trường đầu tiên ấy, đã có nhiều bạn là bác sĩ, kỹ sư như Võ Công Nam, Trần Ngọc Minh, Bùi Công Dũng, Võ Đăng Xinh…Thế hệ bố mẹ ngày xưa đã qua đời, lớp chúng tôi giờ đã thành ông thành bà.

45 năm, dù thời gian chưa xa nhưng cũng đủ làm nên kỷ niệm giữa đất và người - những kỷ niệm sẽ theo suốt cuộc đời với những điều thiêng liêng đẹp đẽ nhất đối với những người con trên quê hương mới Krông Bông. Chắc hẵn họ sẽ thấy lòng mình ấm áp hơn trước những thành quả mà họ đã phấn đấu không ngừng nghỉ trong suốt một chặng đường hơn 45 năm kể từ ngày dựng làng lập xóm bên dãy Chư Yang Sin thân yêu hùng vĩ này./.