20/04/2024 lúc 09:28 (GMT+7)
Breaking News

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Một dấu ấn đặc biệt hoàn thành "mục tiêu kép"

VNHN - Kỳ thi THPT năm 2020 đã đáp ứng được “mục tiêu kép” đặt ra, vừa đảm bảo chống dịch Covid-19, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức thi khách quan, công bằng. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã mang đến một kỳ thi an toàn cho cả thí sinh và các cán bộ tham gia công tác thi.

VNHN - Đến thời điểm này, kỳ thi THPT năm 2020 đã đáp ứng được “mục tiêu kép” đặt ra, vừa đảm bảo chống dịch Covid-19, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức thi khách quan, công bằng. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã mang đến một kỳ thi an toàn cho cả thí sinh và các cán bộ tham gia công tác thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 hoàn thành "mục tiêu kép". (Nguồn: Internet)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là một kỳ thi “đặc biệt” bởi diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ; quyết tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương trong cả nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành; tinh thần cộng đồng trách nhiệm cao và sự phối kết hợp, chia sẻ của các cơ sở giáo dục, tổ chức xã hội đã mang đến một kỳ thi đảm bảo an ninh trật tự, an toàn dịch bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Đây là một kỳ thi đặc biệt vì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh phải nghỉ học dài ngày, chương trình bị tinh giản. Kỳ thi diễn ra cho phần lớn thí sinh, còn lại các em sẽ thi đợt sau”. Tuy diễn ra trong điều kiện phức tạp nhưng kỳ thi đã diễn ra cơ bản an toàn, khách quan. Các địa phương đều đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ tối đa cho thí sinh.

Đến thời điểm này có thể nói kỳ thì đã diễn ra an toàn. (Nguồn: Internet)

Tại TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL, trong tổ hợp Khoa học xã hội, môn Giáo dục công dân được thí sinh đánh giá dễ lấy điểm nhất. Cô Nguyễn Thị Hồng Châu, giáo viên Trường THPT Đông Đô, quận Bình Thạnh, TP.HCM, phân tích, đề thi có 40 câu hỏi thì 36 câu thuộc chương trình lớp 12; 4 câu liên quan kiến thức lớp 11 nhưng không khó. “Trong 36 câu chương trình lớp 12 có 26 câu kiểm tra kiến thức cơ bản, 6 câu hỏi vận dụng thấp và 4 câu vận dụng cao. Nhìn chung, đề thi vừa sức mặt bằng chung trình độ thí sinh, có liên hệ nhiều tình huống thực tiễn như trộm cắp, ma túy, sinh con thứ 3, đưa tin giả…. dự đoán phổ điểm năm nay sẽ tập trung 8-9 điểm”.

Riêng với môn Lịch sử, nhiều thí sinh đánh giá là môn “khó đối phó” nhất trong tổ hợp Khoa học xã hội năm nay. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM, chia sẻ: “Về thi năm nay chủ yếu là kiến thức lớp 12, chỉ có 1 câu hỏi liên quan kiến thức lớp 11 (đề thi tốt nghiệp năm 2019 có 4 câu hỏi thực tế) nhưng cũng là câu hỏi có tính phân loại thí sinh. Trong tổng số 40 câu hỏi có 10 câu hỏi về lịch sử thế giới và 30 câu về lịch sử Việt Nam, phù hợp cấu trúc chương trình bộ môn Lịch sử, không có câu hỏi liên hệ thực tiễn”.

Về môn Vật lý, thầy Vũ Quốc Dũng, Tổ trưởng chuyên môn Vật lý, Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 TP.HCM, cho biết: “Đề thi năm nay có độ khó tương đương năm 2019, tuy nhiên khó hơn đề minh họa của Bộ GDĐT. Thầy Quốc Dũng dự đoán phổ điểm năm nay sẽ tập trung ở mức 5-6 điểm, số lượng thí sinh đạt điểm 8-10 không nhiều, điểm 10 sẽ cực kỳ khó”.

Sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội hướng về kỳ thi THPT năm 2020. (Nguồn: Internet)

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được các địa phương tổ chức theo đúng kế hoạch (từ ngày 8 đến ngày 10/8). Theo báo cáo của Bộ GDĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 900.079; tổng số thí sinh đến làm thủ tục dự thi 866.946 đạt tỷ lệ 96,3%; tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi là 26.308.

Với sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội hướng về kỳ thi đã làm ấm lòng các thí sinh đã phải trải qua một năm học khó khăn bởi dịch Covid-19. Kỳ thi đã thực sự đáp ứng được “mục tiêu kép” là vừa đảm bảo chống dịch Covid-19, đồng thời đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng cho các thí sinh, xóa tan những hoài nghi về tính nghiêm túc của kỳ thi khi để địa phương tổ chức.

Từ thành công của việc tổ chức thi, coi thi, phụ huynh và cả xã hội kỳ vọng, khâu chấm thi tiếp tục được các địa phương thực hiện nghiêm túc, phản ánh đúng kết quả làm bài thi của thí sinh./.