20/04/2024 lúc 17:08 (GMT+7)
Breaking News

Kỳ 2: Chuyện từ tâm lũ

VNHNO - Tan hoang, mất mát là tất cả những gì mà người dân vùng lũ huyện Văn Chấn đang phải đối mặt. Thế nhưng, đến thời điểm này ít ai biết được để hạn chế thấp nhất số người bị thiên tai “kéo” đi, còn là một câu chuyện dài, xúc động…

VNHNO - Tan hoang, mất mát là tất cả những gì mà người dân vùng lũ huyện Văn Chấn đang phải đối mặt. Thế nhưng, đến thời điểm này ít ai biết được để hạn chế thấp nhất số người bị thiên tai “kéo” đi, còn là một câu chuyện dài, xúc động…

Lay động lòng người

Trong suốt chuyến đi, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện xung quanh cơn giận của “Sơn Tinh”. Xúc động nhất là tấm gương hy sinh của Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Mười Đặng Phúc Tài, khi cố gắng cứu một cháu bé 6 tuổi ở thôn Bó Siu. “Sau trận mưa lớn bất thường lúc 3h, đến khoảng 4 giờ 30 sáng 20.7, ông ấy linh cảm có chuyện xấu nên đã dậy và đến từng hộ gia đình sát mép suối hô hào bà con di chuyển lên vùng an toàn hơn. Bỗng nghe một tiếng nổ như mìn từ đỉnh núi, kéo theo cả một dòng nước ào ạt đổ xuống. Thấy cháu bé tò mò đứng xem lũ bên vệ đường, ông Tài lao đến bế cháu chạy nhưng không kịp. Lũ cuốn cả hai ông cháu xuống suối”, người vợ Bàn Thị Lai đau buồn kể lại. Do nước lũ lớn, chảy xiết nên hai ngày sau lực lượng mới tìm được thi thể ông, gần xuống tới thị xã Nghĩa Lộ. Sự ra đi của cán bộ Tài là tấm gương mãi khắc ghi trong tâm trí cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Nậm Mười và huyện Văn Chấn.

Nhưng thương tâm nhất vẫn là hình ảnh lũ dữ cuốn đi sinh mạng của hai mẹ con chị Ngân Thị Thúy (36 tuổi) ở thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương. Bà Hà Thị Dìn, 68 tuổi, mẹ chồng chị Thúy nghẹn ngào cho biết: Khi cơn lũ hung dữ ập đến, chồng chị Thúy đi làm ăn xa, nhà chỉ có mẹ và cháu Lò Hoàng Duy (3 tuổi) đã bị cuốn đi. Trưởng thôn Hà Văn Huyên cho biết, 5h sáng ngày 20.7, lũ quét tràn qua thôn Bản Tủ, xã Sơn Lương. Lúc đầu dòng nước chỉ chảy rất nhỏ, sau tiếng ù ù lớn như máy bay hạ cánh thì lũ ống xuất hiện cao tới cả chục mét ập tới khiến một loạt ngôi nhà bị cuốn đi. Bà Sa Thị Khinh, 90 tuổi cho biết: Bà sinh ra, lớn lên và lấy chồng, sinh con ở mảnh đất Bản Tủ nhưng chưa chứng kiến trận lũ nào khủng khiếp và tàn khốc như vừa rồi. Bà và 70 hộ dân người Thái, Mường thôn Bản Tủ, chỉ mong Đảng, Nhà nước sớm tìm đất để nhân dân rời khỏi bờ khe, bờ suối này.

Lũ qua, thôn phát hiện thấy 6 ngôi nhà bị trôi hoàn toàn, 16 nhà khác bị ảnh hưởng nặng nề và lo hơn cả là 12 người dân mất tích. Đến 7h sáng, hai người trở về, rồi thêm một người dân nữa về nhà lúc 9h, 9 người khác vẫn không thấy đâu. Trưởng thôn Huyên kể tiếp: May mắn nhất là gia đình 6 người nhà ông Sa Văn Chanh. Nhà ông bị lũ cuốn đầu tiên, may sao thời điểm đó gia đình lại đang ngồi trên cái phản ở chái trên. Khi nhà sập, phản trôi được 50m thì 6 người vướng phải cây nhãn cội có tán lớn và bám cả vào đấy, thoát chết.

Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân thăm, chia sẻ gia đình Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Mười Đặng Phúc Tài. Ảnh: Lê Tùng

Con người là quan trọng nhất

Trong đợt mưa lũ này, câu chuyện cán bộ dấn thân tuy không mới, nhưng cho thấy tinh thần trách nhiệm, bất chấp hiểm nguy lao vào vùng rốn lũ khiến người dân cảm thấy tin tưởng. Ngay sau khi nhận công văn chỉ đạo của Tỉnh ủy, cán bộ huyện Văn Chấn đã tức tốc chia các mũi tỏa xuống cơ sở chỉ đạo công tác phòng tránh mưa lũ. Lúc này, hầu hết các vị trí ngập đã rút nước, nhưng vẫn còn nhiều điểm sạt lở, đường lầy lội, khiến việc đi lại rất khó khăn.

Chủ tịch HĐND huyện Văn Chấn Cao Văn Khải chỉ huy tổ công tác số 1, khởi hành ngay sáng 21.7 và mất hơn 6 giờ để vượt qua khoảng 2km đường rừng tiếp cận địa bàn xa xôi nhất và bị cô lập hoàn toàn, là xã An Lương. Tới địa phận thôn Vàng Ngần thì không thể đi được nữa do mưa lớn kéo dài, taluy sạt lở, lẹm sâu vào chân núi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm công tác ở mảnh đất mưa lũ liên tục xảy ra, đặc biệt tính mạng của hàng trăm người dân phía trước đã thúc giục đoàn phải nhanh chóng vượt qua. Một chiếc thang dây dã chiến nhanh chóng được thiết lập, với một đầu cột chặt vào cây to ven đường. Ông Khải xung phong kẹp chân, tụt chậm xuống đầu tiên từ độ cao khoảng 20m. “Lúc đó lòng suối là nơi an toàn nhất, bởi những khu vực địa chất và đá tảng nào lỏng lẻo đều đã bị lũ cuốn trôi cả rồi. Và trên thực tế, nếu không đi xuống lòng suối thì chúng tôi chẳng biết đi đường nào. Khoảnh khắc đó là tình người, là sự sốt ruột và lo lắng cho đồng bào không biết 48h mất liên lạc chống đỡ và tồn tại như thế nào trong lũ dữ,” ông Khải nhớ lại.

Suối Quyền trơ đất đá sau mưa lũ . Ảnh: Lê Tùng

Bí thư Đảng ủy xã Suối Quyền Trịnh Xuân Thành chia sẻ, cảm giác đầu tiên khi lãnh đạo huyện tiếp cận chính là niềm tin. Vốn là cán bộ tăng cường (ông Thành nguyên là Phó Trưởng ban tổ chức Huyện ủy Văn Chấn), nhưng đến thời điểm hiện này, đã 15 ngày ông Thành chưa về nhà ở thị trấn. Một ngày sau đó, thông tin Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác của tỉnh cũng đi bộ vào Vàng Ngần, xuôi lên An Lương tiếp tục là sự động viên mới cho nhân dân và chính quyền các cấp. Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy nhận định, điều mà ông cảm động nhất sau 4 ngay lăn lộn khắp Văn Chấn, và cũng là động lực cho chính quyền các cấp phải nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, đó là hình ảnh “lá lành đùm lá rách”. Đồng bào hỗ trợ, chia sẻ nhau từng cốc nước sạch, từng gói mỳ, từng cái chăn ấm… trong những thời khắc có lẽ là khó khăn nhất trong cuộc đời họ…

Chúng tôi đánh giá cao công tác “bốn tại chỗ” của các địa phương, nhất là tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, không để dân bị đói, bị rét… Tôi đề nghị các địa phương phát huy hơn nữa những kinh nghiệm tốt, khắc phục hạn chế, yếu kém để công tác phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại có thể do thiên tai gây ra trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn. Khắc phục hậu quả lũ lụt trên phạm vi rộng tốn kém nhiều công sức, tiền của, thời gian. Vì vậy, Yên Bái rất cần sự giúp đỡ của tất cả các cấp, các ngành và cả cộng đồng xã hội - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ĐỖ ĐỨC DUY.
Theo ĐBND