19/04/2024 lúc 14:09 (GMT+7)
Breaking News

Kinh tế Việt Nam từ nay tới cuối năm sẽ đối mặt với nhiều thách thức

VNHN-Thị trường xuất khẩu đã được mở rộng khi gia nhập CPTPP, nhưng Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội, điều kiện kinh doanh còn nhiều rào cản.

VNHN-Thị trường xuất khẩu đã được mở rộng khi gia nhập CPTPP, nhưng Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội, điều kiện kinh doanh còn nhiều rào cản.

Diễn biến kinh tế vĩ mô nước ta từ nay đến cuối năm có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài, bao gồm rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ, gia tăng căng thẳng thương mại trong khu vực có quy mô gia tăng. Hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP.

Sau những kết quả kinh tế - xã hội khá ấn tượng trong năm 2018, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp đà để bứt phá trong năm 2019. Trong 3 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 6,79%, thấp hơn so với quý 1 năm 2018, song vẫn cao hơn cùng kỳ nhiều năm từ 2009-2017. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 10,8 tỷ USD trong quý 1, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ những năm gần đây.

Kết quả cập nhật dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2019 của nước ta ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm khoảng 3,71%.

Trong 3 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu nước ta đạt 58,86%, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu của nước ta đã được mở rộng khi gia nhập CPTPP, nhưng chúng ta chưa tận dụng được cơ hội. Một phần lý do là các doanh nghiệp của Việt Nam chưa đáp ứng được về chất lượng sản phẩm, khi đòi hỏi của thị trường các nước trong khu vực này rất cao. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về gia nhập thị trường, nhất là gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” và tiếp cận thông tin.

“Hậu đăng ký thành lập doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Đây là một vấn đề được phản ánh, thể hiện ở điều kiện kinh doanh còn nhiều rào cản. Những rủi ro về chính sách cũng là rào cản đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, những chính sách thay đổi liên tục làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn. Vấn đề về minh bạch thông tin cũng là một trở ngại đối với doanh nghiệp” - bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện nghiên cứu quản lý trung ương cho biết.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,6-6,8%, hướng tới hoàn thành mục tiêu cho cả giai đoạn 2016-2020, Việt Nam vẫn phải xử lý nhiều thách thức, chủ yếu về nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế cho một nền kinh tế thị trường hiện đại.

Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần có cơ chế đặc thù đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia. Trong đó tập trung vào hệ sinh thái hoàn chỉnh; xây dựng nền tảng hạ tầng; ưu đãi, khuyến khích và có thể chế đặc thù để thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, cần có bộ máy điều phối khác biệt với chất lượng cao.