29/03/2024 lúc 17:46 (GMT+7)
Breaking News

Kinh tế tư nhân – lực lượng xung kích với khát khao vươn lên

VNHN - Thực tiễn của quá trình đổi mới và hội nhập đã làm sáng tỏ tư tưởng của Bác Hồ về doanh nghiệp, doanh nhân và khẳng định: Sự nghiệp dân giàu, nước mạnh đòi hỏi phải xây dựng lực lượng xung kích hùng hậu là đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có ý chí khao khát vươn lên, làm giàu cho mình và cho đất nước.

VNHN - Thực tiễn của quá trình đổi mới và hội nhập đã làm sáng tỏ tư tưởng của Bác Hồ về doanh nghiệp, doanh nhân và khẳng định: Sự nghiệp dân giàu, nước mạnh đòi hỏi phải xây dựng lực lượng xung kích hùng hậu là đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có ý chí khao khát vươn lên, làm giàu cho mình và cho đất nước.

Đó là khẳng định của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam  (Ảnh: M.P) 

Nguyên tắc “Tân kinh tế”

Phóng viên (PV): Một trong những nội dung quan trọng của các văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIII là chủ trương hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN), quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”. Trong đó có tư tưởng của Người về xây dựng nền KTTT phát huy vai trò của giới doanh nhân đã soi sáng con đường xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước.

Chúng ta đang trong quá trình chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng của các văn kiện là chủ trương hoàn thiện thể chế KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và phát huy vai trò của khu vực KTTN. Chúng ta cũng đề cập tới vấn đề phát triển bền vững, vấn đề nâng cao năng suất lao động, tăng cường quan hệ đối tác công tư, xây dựng quan hệ lao động hài hoà - những vấn đề nóng hổi của nền kinh tế hiện đại. Thật xúc động, thú vị và bất ngờ khi thấy những xu hướng chủ đạo của nền kinh tế thế giới hiện đại đã có nền tảng vững chắc trong tư duy kinh tế của Bác Hồ từ gần một trăm năm về trước.

PV: Cụ thể như thế nào thưa ông?

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Trước hết, nói về KTTT, từ năm 1925, trong điều lệ của Thanh Niên Cách mạng đồng chí Hội - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác Hồ đã chủ trương: “Sau này chúng ta sẽ thành lập Chính phủ nhân dân và áp dụng nguyên tắc Tân kinh tế”. Thành lập Chính phủ nhân dân là thực thi nền dân chủ, áp dụng nguyên tắc “Tân kinh tế” là chủ trương xây dựng nền KTTT.

Nguyên tắc “Tân kinh tế” mà Bác nhắc tới ở đây là Chính sách Kinh tế mới của Lênin - NEP (được áp dụng ở nước Nga từ năm 1921 đến năm 1929). Đây có thể coi là một giai đoạn sơ khai của nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam, hay nền KTTT XHCN ở Trung Quốc được khởi động vào nửa cuối của thế kỷ XX sau này.

Nguyên tắc “Tân kinh tế” cho phép tồn tại một nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế KTTT có sự quản lý của nhà nước XHCN. Năm 1986, tại Đại hội lần thứ VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần theo mô hình này để chính thức bắt đầu hành trình chuyển từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang KTTT. Như vậy, công cuộc đổi mới kinh tế ở Việt Nam, có thể coi là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh từ gần một trăm năm về trước về thể chế KTTT định hướng XHCN.

Đà cải cách được thúc đẩy!

PV: Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu năm 2019, với tinh thần quả cảm và những nỗ lực vượt lên, Việt Nam đã ghi dấu ấn về tăng trưởng, cải cách và hội nhập, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?                                    

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Trước hết xin chúc mừng Chính phủ về những kết quả điều hành kinh tế trong năm 2019 với thành quả tăng trưởng và cải cách rất đáng khích lệ. Cộng đồng doanh nghiệp tự hào có những đóng góp tích cực vào quá trình này vì suy cho cùng thì đằng sau bức tranh kinh tế là tình hình sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế minh chứng đà cải cách đang được thúc đẩy!

Chúng ta đang bước vào năm 2020 với tâm thế mới, hành trang mới, quyết tâm mới và niềm tin mới. Nhưng cũng không thể không quan ngại khi những bất ổn và xu hướng giảm tốc trong nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp tục. Ở trong nước, một số tín hiệu vĩ mô cũng không thể không làm chúng ta phải lưu tâm: tăng trưởng quý IV-2019 đạt mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây; Nhiều đầu tàu công nghiệp giữ vai trò dẫn dắt nên kinh tế đang tăng trưởng chậm lại; Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng cao; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản; 60% số doanh nghiệp vẫn kinh doanh không có lãi... Để vượt lên khó khăn, hướng tới mục tiêu phát triển năm 2020 phải tốt hơn 2019, dư địa và động lực tăng trưởng lớn nhất vẫn là cải cách thể chế!

Hai từ khóa quan trọng nhất cho sự tăng trưởng và phát triển năm 2020 và nhiều năm tới, theo tôi là: “gỡ bỏ” và “kết nối”. Gỡ bỏ rào cản để khơi thông các nguồn lực, kết nối để lan tỏa các giá trị.

PV: Và thực tế công cuộc cải cách thể chế đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi hoan nghênh cố gắng tích cực của Chính phủ trong việc triển khai rất khẩn trương các Nghị quyết  01, 02. Dường như Chính phủ đã bắt đầu năm 2020 bằng một chiến dịch thúc đẩy cải cách thể chế và thủ tục hành chính (TTHC) rất ấn tượng. Đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đích thân dự và chỉ đạo Hội nghị. Cũng tại đây, Tổ công tác rà xét pháp luật được thành lập nhằm thúc đẩy cải cách thể chế. Áp lực cải cách từ trên xuống, áp lực hội nhập từ ngoài dội vào, áp lực niềm tin và kỳ vọng của người dân từ cơ sở sẽ là những lực đẩy quan trọng của công cuộc cải cách thể chế.

Thành quả của công cuộc đổi mới là sự hình thành ngày càng đông đảo của khu vực KTTN (Ảnh: M.P)

Chung tay nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

PV: Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và khu vực KTTN mong đợi gì ở công cuộc cải cách thể chế đang diễn ra, thưa ông?

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Trong những năm qua, một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới là sự hình thành ngày càng đông đảo của khu vực KTTN trong nền kinh tế Việt Nam. Ngay sau Đại hội XII của Đảng khi chúng ta ra Nghị quyết 10 về KTTN và nhờ đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã trở nên mạnh mẽ và dần trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Việc tiếp cận các nguồn lực và triển khai các hoạt động xuất nhập khẩu hay các hoạt động kinh doanh được cải thiện một cách mạnh mẽ trong những năm qua đã mang lại lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp, và trước hết là DNNVV. Thực tế các TTHC bao giờ cũng tác động lớn nhất đối với khu vực DNNVV, cho nên khi mà chúng ta tiến hành cải cách thể chế, xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch thuận lợi thì đó là một cái nền tảng quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ của KTTN.

Hành trình này đã được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ này của Chính phủ với hai “con sóng” lớn. Con sóng đầu tiên diễn ra năm 2016, đã xóa bỏ hàng ngàn điều kiện kinh doanh “khoác áo” thông tư, xác lập các điều kiện kinh doanh trong nghị định theo một danh mục chặt chẽ quy định tại Luật Đầu tư. Con sóng cải cách thứ hai là cắt giảm và đơn giản hoá 50% các điều kiện kinh doanh và TTHC kiểm tra chuyên ngành diễn ra vào năm 2018. Năm 2019, không có “con sóng” lớn, nhưng những nỗ lực cải cách vẫn được tiếp tục và việc triển khai Chính phủ điện tử có thể coi là một điểm nhấn. Hy vọng rằng “năm cánh sao” của ngôi sao cải cách thể chế năm 2020 sẽ là: Một là xóa bỏ chồng chéo; hai là cắt giảm TTHC và điều kiện kinh doanh; ba là thực hành chính quyền điện tử; bốn là chuyển giao dịch vụ công; và năm là phân cấp phân quyền cho địa phương và cơ sở.

Ngôi sao cải cách thể chế bay lên sẽ là động lực tăng trưởng trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Tôi kỳ vọng Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và trình ra Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Đối tác công tư theo tư duy mới để tạo nên tảng cho các hệ thống pháp luật về kinh doanh ở nước ta. Trong đó, việc đưa các hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp dưới hình thức doanh nghiệp “một chủ” theo thông lệ của thế giới là rất cần thiết để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của khu vực này, giảm nhũng nhiễu, nâng cao năng xuất và hiệu quả hoạt động của một khu vực đóng góp tới 30% GDP của nền kinh tế, liên quan tới sinh kế của hàng chục triệu người dân năm 2020 cũng là năm chúng ta triển khai thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ chính trị về cải thiện chất lượng của dòng chảy FDI, bảo đảm sự cộng sinh cùng có lợi giữa khu vực FDI với các doanh nghiệp nội địa và nền kinh tế Việt Nam, là chủ thể cho sự nghiệp phát triển sáng tạo, bao trùm, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

PV: Trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, ông muốn gửi thông điệp gì tới các doanh nhân, doanh nghiệp?

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đại hội có nhiệm vụ xác định tầm nhìn 2045, chiến lược 2030 và kế hoạch phát triển cho thời kỳ 2021-2025, với khát vọng Việt Nam sẽ hoàn thành công nghiệp hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045, đúng tròn 100 năm chúng ta kỷ niệm ngày độc lập… Từ hành trình “thoát nghèo” tới hành trình “vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế, về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp giữ vai trò động lực trong quá trình này. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp hãy chung tay với Đảng và Nhà nước trong những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cuộc vận động: “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện thể chế, chính sách” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phát động và các hoạt động đối thoại, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là cơ hội quý để doanh nhân hiến kế với Đảng và Nhà nước. Doanh nghiệp Việt phải phát triển bền vững, phải nhân văn, phải kinh doanh có trách nhiệm, đồng thời phải đổi mới và sáng tạo. Thực hiện được những mục tiêu trên, tức là chúng ta tiếp tục thực hiện những lời dạy của Bác về doanh nghiệp, doanh nhân trong tình hình mới. Hy vọng rằng, trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, các Nghị quyết của Đảng sẽ mở ra một giai đoạn phát triển đột phá của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp chống đói nghèo, làm giàu cho bản thân và cho đất nước./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!