23/04/2024 lúc 14:14 (GMT+7)
Breaking News

Kinh tế thế giới tuần qua

VNHN -Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên một tầng nấc mới. Tại sao đồng Nhân dân tệ (CNY) trượt giá. Nguyên nhân khiến Trung Quốc bất ngờ thay đổi thái độ đối với thương chiến. Tokyo muốn tăng giám sát các khoản đầu tư từ nước ngoài… là những thông tin kinh tế đáng chú ý trên thế giới tuần qua.

VNHN -Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung lên một tầng nấc mới. Tại sao đồng Nhân dân tệ (CNY) trượt giá. Nguyên nhân khiến Trung Quốc bất ngờ thay đổi thái độ đối với thương chiến. Tokyo muốn tăng giám sát các khoản đầu tư từ nước ngoài… là những thông tin kinh tế đáng chú ý trên thế giới tuần qua.

Nguyên nhân Trung Quốc bất ngờ thay đổi thái độ đối với thương chiến

Các biện pháp thuế quan mới của Trung Quốc nhằm vào hàng hóa Mỹ được đưa ra trong bối cảnh áp lực kinh tế suy giảm ngày một tăng, các chỉ số về công nghiệp, tiêu dùng xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.

Một khi kỳ vọng về sự phá giá đồng NDT được hình thành, làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc trong quá khứ sẽ tái hiện, không chỉ bào mòn dự trữ ngoại tệ, mà còn đặt hệ thống tài chính của nước này trước thách thức lớn.

Iran và Ấn Độ sẽ ký thỏa thuận thương mại lớn vào cuối năm nay

Đại sứ Iran tại Ấn Độ Ali Chegeni cho biết Tehran và New Delhi có khả năng sẽ ký kết một thỏa thuận lớn vào cuối năm nay nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.

Hai nước cũng có một cơ chế riêng về trao đổi hàng hóa để tránh những tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hợp tác kinh tế.

Ông Chegeni bày tỏ hy vọng thương mại hai chiều giữa Iran và Ấn Độ sẽ tăng từ 17,5 tỷ USD năm 2018 lên 50 tỷ USD trong tương lai.

EU gia hạn thêm 5 năm thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Trung Quốc

Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn thuế chống bán phá giá thêm 5 năm đối với xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc. Quyết định này đã được đăng trên công báo của EU ngày 29/8, sau khi liên minh này kết luận rằng việc dỡ bỏ các biện pháp trên có thể dẫn tới tràn ngập hàng nhập khẩu.

Xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị áp thuế chống bán phá giá từ năm 1993. Hiện mức thuế này đã lên tới 48,5%. Việc gia hạn thuế trên là động thái mới nhất trong một loạt biện pháp của EU chống hàng nhập khẩu của Trung Quốc, từ pin năng lượng Mặt Trời đến thép, làm dấy lên sự phản đối kịch liệt từ phía Bắc Kinh.

Trung Quốc: Tiến triển đàm phán thương mại phụ thuộc vào phía Mỹ

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong 29/8 cho biết, Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận kế hoạch cho vòng đàm phán thương mại trực tiếp tiếp vào tháng tới, nhưng những hy vọng về tiến triển sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán hay không. Trung Quốc có đủ khả năng để thực hiện các biện pháp đáp trả, nhưng vấn đề thực sự cần thảo luận trong tình hình hiện nay là việc Mỹ có thể hủy bỏ kế hoạch áp thuế đối với 550 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc hay không và ngăn chặn sự leo thang của cuộc chiến thương mại khi đây là điều không có lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ.

Tokyo muốn tăng giám sát các khoản đầu tư từ nước ngoài

Một quan chức Nhật Bản cho biết, Tokyo sẽ phải tăng cường giám sát an ninh quốc gia, song cũng không muốn cản trở đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhật Bản đang xem xét hạ ngưỡng sở hữu 10% mà người nước ngoài bắt buộc phải khai báo số cổ phần nắm giữ trong các công ty Nhật Bản, giữa lúc Tokyo muốn tăng cường giám sát các khoản đầu tư từ Trung Quốc trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh.

Động thái trên diễn ra sau một loạt bước đi tương tự của Mỹ và các nước châu Âu trong những năm gần đây và phản ánh những lo ngại ngày càng tăng tại Nhật Bản về khả năng các công ty Trung Quốc có thể tăng cường tiếp cận các công nghệ chủ chốt.

Sản lượng ôtô của Anh sụt giảm tháng thứ 14 liên tiếp

Sản lượng ô tô của Vương quốc Anh trong tháng 7/2019 đã giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ 14 liên tiếp sụt giảm do nhu cầu yếu tại các thị trường châu Á và Liên minh châu Âu (EU).

Hiệp hội Các nhà chế tạo và kinh doanh ô tô Vương quốc Anh (SMMT) cho biết, tháng trước, các nhà máy ô tô của nước này đã sản xuất 108.239 xe, do xuất khẩu ô tô giảm 14,6%, trong khi sản lượng xe phục vụ nhu cầu trong nước tăng 10,2%.

Các nhà bán lẻ Mỹ phàn nàn về thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu Trung Quốc

Chính phủ Mỹ ngày 28/8 đã đưa thông báo chính thức về mức thuế bổ sung 5% đối với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, áp dụng hai đợt vào ngày 1/9 và 15/12 tới. Điều này đã khiến hàng trăm nhà bán lẻ, giày dép, đồ chơi và doanh nghiệp công nghệ của Mỹ khuyến cáo về việc họ sẽ phải tăng giá bán sản phẩm.

Theo USTR, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ cũng sẽ bắt đầu áp mức thuế 15% đối với phần còn lại danh sách các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị lên tới 300 tỷ USD, bao gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi và hàng may mặc.

Đức sẽ chi 45 tỷ USD hỗ trợ các vùng bị ảnh hưởng do kế hoạch bỏ điện than

Đức sẽ phân bổ khoản hỗ trợ lên tới 40 tỷ euro (khoảng 45 tỷ USD) trong vòng 20 năm tới cho 4 khu vực được đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi kế hoạch loại bỏ điện than của chính phủ.

Theo dự thảo luật, Chính phủ LB Đức sẽ phân bổ khoản hỗ trợ tài chính lên tới 40 tỷ euro (khoảng 45 tỷ USD) trong vòng 20 năm tới cho 4 khu vực được đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi kế hoạch loại bỏ điện than của chính phủ, gồm các bang North Rhine-Westphalia, Brandenburg, Saxony và Saxony-Anhalt. Các số liệu thống kê cho thấy hiện có hàng nghìn người đang làm việc trong ngành công nghiệp than đá ở 4 bang này.

Trung tâm công nghiệp Changwon trước “cơn bão” thương mại Nhật - Hàn

Nhật Bản ngày 28/8 đã chính thức loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các đối tác thương mại được ưu tiên (còn gọi là “Danh sách trắng”), làm gia tăng hơn nữa tình hình căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Trong bối cảnh Hàn Quốc chuẩn bị các phương án đối phó với những tác động từ quyết định của Tokyo, các nhà chế tạo tại Khu công nghiệp quốc gia Changwon, cách thủ đô Seoul 300km về phía Tây Bắc, đang lo lắng về tương lai của họ.

Thái Lan thông qua ngân sách hỗ trợ nông dân trồng lúa gạo, cọ dầu

Ngày 27/8, Nội các Thái Lan đã thông qua gói ngân sách 34,8 tỷ baht (THB - hơn 1 tỷ USD) để đảm bảo giá gạo và dầu cọ ở mức hợp lý đối với người nông dân.

Ngân sách dành cho ngành lúa gạo là 21,5 tỷ THB sẽ được giải ngân cho 892.000 hộ nông dân đã đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã của Thái Lan. 13,3 tỷ THB còn lại sẽ dành cho 300.000 hộ gia đình trồng cọ dầu. Các khoản ngân sách được giải ngân từ nay đến tháng 9/2020.

Việc phân bổ ngân sách nói trên sẽ giúp đảm bảo lợi ích của người trồng lúa gạo và cọ dầu trước biến động về giá cả sản phẩm. Cụ thể, giá mặt hàng dầu cọ được đảm bảo ở mức 4 THB (0,032 USD)/kg sản phẩm chứa 18% dầu cọ.

Nga từ chối cấp thị thực cho nghị sĩ Mỹ

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh bất đồng giữa Washington và các đồng minh của Mỹ về việc liệu có chấp nhận Nga trở lại Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hay không.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy và thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ron Johnson ở Mỹ ngày 27/8 cho biết Nga đã từ chối cấp thị thực cho họ đến thăm Moskva vào tuần tới. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh bất đồng giữa Washington và các đồng minh của Mỹ về việc liệu có chấp nhận Nga trở lại Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hay không.

Mexico tiết kiệm được 4,5 tỷ USD trong các hợp đồng đường ống dẫn khí

Ngày 27/8, Chính phủ Mexico thông báo đã đạt được một loạt thỏa thuận trong tái đàm phán nhiều dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt với các đối tác trong và ngoài nước.

Qua đó, Mexico tiết kiệm tới 4,5 tỷ USD vì giảm được chi phí vận chuyển. Các thỏa thuận đạt được đã đặt dấu “chấm hết” cho mối đe dọa mà Ủy ban Điện lực quốc gia Mexico (CFE) đưa ra tại tòa trọng tài quốc tế bởi có nhiều điều khoản “bất lợi” trong các hợp đồng xây dựng và lắp đặt bảy đường ống dẫn khí đốt.

Trong đó có dự án đường ống nối Nam Texas (Mỹ) - Tuxpan, bang Veracruz, Mexico, dài 772 km, vừa được hoàn thành bởi liên doanh IMG, gồm công ty TC Energy của Canada và IEnova của Mỹ, trị giá 2,6 tỷ USD.

Iran có thể nhanh chóng khôi phục sản xuất dầu mỏ nếu Mỹ dỡ bỏ cấm vận

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh đã lên tiếng bác bỏ ý kiến cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây ra những ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ của nước này.

Ông Zanganeh khẳng định rằng sản lượng dầu mỏ của Iran sẽ nhanh chóng trở lại bình thường khi các lệnh cấm vận từ Washington được dỡ bỏ.

ASEAN: “Điểm trũng” hút vốn đầu tư toàn cầu

Trong khi căng thẳng Mỹ-Trung đang gây ra "cơn bão" mạnh, thì khu vực Đông Nam Á vẫn có hy vọng "vượt bão" nếu họ có những bước đi phù hợp.

Theo báo The Straits Times, nhiều chuyên gia đã dự liệu về một "cuộc chiến tranh" Mỹ-Trung. Nguyên nhân ngoài các vấn đề về thương mại còn có một loạt những bất đồng xung quanh các vấn đề liên quan đến công nghệ, sự cạnh tranh không công bằng, nền dân chủ cũng như trật tự khu vực và toàn cầu.

Mỹ cấp chứng nhận thiết kế mô hình nhà máy điện nguyên tử Hàn Quốc

Thiết kế nhà máy điện nguyên tử mô hình Hàn Quốc APR1400 của Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) đã được Ủy ban pháp quy hạt nhân Mỹ (NRC) cấp chứng nhận thiết kế.

Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNC) ngày 27/8 cho biết APR1400 đã được cấp chứng nhận thiết kế chuẩn (SDA) vào tháng 9 năm ngoái, và sau 11 tháng trải qua quá trình hoàn tất thủ tục pháp lý, thiết kế đã được đưa vào Phụ lục Quy định của Liên bang Mỹ. Đây là đầu đầu tiên Mỹ cấp chứng nhận thiết kế cho một mô hình nhà máy điện nguyên tử không do nước này thiết kế.

Chứng nhận thiết kế là một loại chứng chỉ xác minh an toàn, cho phép việc xây dựng và vận hành thiết kế tại Mỹ.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ tạo điều kiện cho đàm phán thương mại

Ngày 27/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại rằng Bộ này không nắm được thông tin về bất cứ cuộc điện đàm nào gần đây giữa Bắc Kinh và Washington về vấn đề thương mại, đồng thời cho biết Trung Quốc hy vọng Mỹ có thể chấm dứt những hành động sai trái và tạo điều kiện cho đàm phán.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/8 đã dự báo về khả năng đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, trong đó ông có nhắc đến việc áp lực kinh tế gia tăng lên Trung Quốc cũng như tình trạng thất nghiệp ở nước này.

Thái Lan chuẩn bị cải cách cấu trúc thuế

Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana cho biết, bộ này đã thành lập một ủy ban cải cách cấu trúc thuế, do Thư ký thường trực Bộ Tài chính Prasong Poontaneat làm Chủ tịch, với các thành viên bao gồm đại diện từ Cục Ngân sách, Cục Thuế, Cục Hải quan và Văn phòng Chính sách tài khóa.

Việc cải cách cấu trúc thuế là nhằm tạo điều kiện để toàn bộ hệ thống thuế hỗ trợ cho nhiệm vụ cốt lõi của Bộ Tài chính trong việc tăng cường khả năng cạnh tranh của đất nước và cải thiện cuộc sống của người dân. Ông Uttama nói việc tái cấu trúc thuế sẽ dẫn đến cả việc cắt giảm và tăng thuế, nhưng không đề cập đến chi tiết của kế hoạch cải cách.

Tổng thống Mỹ lạc quan về thỏa thuận thương mại với EU

Tổng thống Trump cho biết việc đàm phán các vấn đề thương mại với EU khá khó khăn song đã đạt được tín hiệu lạc quan về triển vọng cho một thỏa thuận rộng lớn với Brussels.

Tại cuộc họp báo sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Biarritz (Pháp), ông Trump nói rằng Mỹ và EU đang tiến rất gần tới một thỏa thuận bởi hai bên đều không muốn sử dụng đến công cụ thuế quan. Theo ông, Mỹ có thể đạt được một thỏa thuận với EU mà không phải dùng đến thuế.

Mỹ sẽ chưa áp thuế mới lên ôtô nhập khẩu Nhật Bản

Tổng thống Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ chưa áp ngay mức thuế mới lên ô tô nhập khẩu Nhật Bản, giữa lúc hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ ba thế giới vẫn đang tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại.

Tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra ở Biarritz (Pháp), khi được phóng viên hỏi liệu Mỹ có cân nhắc khả năng đánh thuế lên ô tô Nhật Bản nếu nhận thấy hoạt động nhập khẩu này đe dọa an ninh quốc gia hay không, Tổng thống Donald Trump trả lời rằng “Không, không phải thời điểm bây giờ. Đó là việc tôi có thể làm sau này nếu tôi muốn, song chúng tôi không mong đợi điều này”.

Tổng thống Mỹ thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc

Ngày 26/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Trung Quốc "không có lựa chọn nào" ngoài việc nhượng bộ trước sức ép của Mỹ trong cuộc chiến thương mại căng thẳng hiện nay giữa hai nước.

Tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau khi xuất hiện những dấu hiệu "tan băng" trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đàm phán với Trung Quốc đang ở tình thế tốt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng để ngỏ mọi khả năng về chính sách thuế quan đối với Bắc Kinh.

Các yếu tố địa chính trị đang tạo ra làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi Trung Quốc

Những lo lắng liên quan đến thực trạng tăng trưởng kinh tế cùng các chính sách thuế quan hiện hành sẽ đè nặng lên các nhóm cổ phiếu của Trung Quốc đang ngày một gia tăng.

Trong vòng một tháng tính đến ngày 14/8, giới đầu tư đã rút ra tổng cộng 2,9 tỷ USD từ các quỹ đầu tư chứng khoán Trung Quốc. Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu EPFR Global, luồng vốn đầu tư chảy ra khỏi các quỹ tương hỗ và quỹ hoán đổi danh mục của những loại cổ phiếu thuộc nhóm A tại Trung Quốc là mạnh nhất kể từ đầu năm 2017 và nếu tính từ đầu năm 2019 đến nay, con số này tổng cộng là 5,9 tỷ USD.

Dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số dòng tiền đang tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi và tạo tác động lan tỏa, bởi thị trường Trung Quốc càng dễ tổn thương thì mối lo ngại về các thị trường mới nổi sẽ càng lớn và vì đa phần các thị trường mới nổi xuất khẩu lượng lớn hàng hóa tới Trung Quốc.

Tại sao đồng Nhân dân tệ (CNY) trượt giá

Đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 11 năm là 7,1468 NDT đổi 1 USD vào ngày 26/8 trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung vẫn chưa thể hạ nhiệt. Diễn biến này có thể làm trầm trọng hơn nữa những tranh chấp giữa hai siêu cường kinh tế thế giới và dấy lên những lo ngại về triển vọng của một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

So với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi cuối tháng 2/2019, đồng NDT đã mất giá khoảng 6,5%. Còn tính riêng trong tháng Tám, đồng nội tệ Trung Quốc giảm gần 4% so với đồng USD.

Trung Quốc đã cam kết sẽ tránh để đồng CNY trượt giá hơn nữa nhằm giữ giá xuất khẩu bình ổn giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tăng thuế hơn nữa.

Mỹ hy vọng không phải áp thuế với xe ôtô của Đức

Ngày 26/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tại khu nghỉ dưỡng ven biển Biarritz của Pháp, trong đó nội dung chính tập chung vào một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU).

Trả lời báo chí sau cuộc gặp song phương, Tổng thống Donald Trump cũng hy vọng Washington sẽ không phải xem xét việc áp thuế đối với mặt hàng ô tô của Đức.

Trung Quốc công bố thành lập 6 khu vực thương mại tự do thí điểm mới

Ngày 26/8, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tổng thể cho 6 khu vực thương mại tự do (FTZ) thí điểm mới ở nước này.

Tân Hoa Xã dẫn kế hoạch do Quốc vụ viện (chính phủ) Trung Quốc công bố, theo đó các FTZ mới sẽ nằm ở 6 tỉnh gồm Sơn Đông, Giang Tô, Quảng Tây, Hà Bắc, Vân Nam và Hắc Long Giang.

Kế hoạch mới sẽ nâng tổng số khu vực thương mại tự do ở Trung Quốc lên con số 18.

Khốc liệt cuộc chiến Mỹ - Trung

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần qua thông báo áp đặt mức thuế cao hơn đối với lượng hàng hóa trị giá khoảng 550 tỷ USD của Trung Quốc để đáp trả quyết định mới nhất của Bắc Kinh áp thuế bổ sung nhằm vào khoảng 75 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, lại đẩy căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên một tầng nấc mới.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ, ảnh hưởng xấu đến việc cung ứng hàng hóa và dịch vụ. Điều đó khiến nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng trở nên rõ rệt, thậm chí có thể xảy ra sớm hơn dự kiến.