24/04/2024 lúc 18:20 (GMT+7)
Breaking News

Kinh nghiệm phát triển kinh tế số ở một số quốc gia và giá trị tham khảo với Việt Nam ​

Đối với Việt Nam, trước hết cần tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế số giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dụng vì những lĩnh vực này giúp Việt Nam tận dụng được những cơ hội của hôi nhập quốc tế, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết (CPTPP, EVFTA, EVIPA) nhưng cũng không đòi hỏi trình độ công nghệ cao.

1.Kinh nghiệm của một số quốc gia

1) Kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức

Cộng hòa Liên bang Đức (Đức) triển khai phát triển nền kinh tế số bằng chiến lược tổng thể, bài bản ở cả cấp độ quốc gia, ngành và doanh nghiệp. Đức đã thành lập Phòng Công nghiệp 4.0 ở Bộ Kinh tế và Năng lượng, chịu trách nhiệm tham mưu và tổ chức triển khai chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong toàn quốc; thiết lập các tổ công tác đặc trách như: tổ về xây dựng tiêu chuẩn, tổ về đào tạo - việc làm, tổ về an ninh mạng, tổ về xây dựng mô hình, v.v. để quản lý, điều hành từng lĩnh vực cụ thể. Đức với thế mạnh trong các ngành sản xuất công nghiệp nặng nên khi đưa ra chiến lược phát triển kinh tế số tập trung vào việc  ứng dụng kỹ thuật số vào các ngành công nghiệp mới như: robot thế hệ mới, phương tiện thông minh (xe tự lái, tàu điện tự lái, tàu ngầm tự lái, máy bay tự lái…), vật liệu thông minh, năng lượng thông minh. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế số, Đức tập trung vào việc chuyển đổi mô hình đào tạo nhân lực theo hướng đề cao tính linh hoạt, tính mở, tính tự chủ của các cơ sở đào tạo dựa trên đối thoại giữa nhà trường với doanh nghiệp nhằm thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu ngành nghề trong nên kinh tế số và tập trung đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật các kỹ năng số cho người lao động thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Một kinh nghiệm cũng đáng lưu ý của Đức đó là phát triển hệ thống sản xuất thông minh, nhà máy thông minh bằng cách sử dụng IoT và công nghệ sản xuất tự động. Trong hệ thống sản xuất thông minh của Đức, các nhà máy thông minh, các hàng hóa, dịch vụ bên trong, bên ngoài nhà máy, các khâu của quá trình sản xuất như  các chuỗi giá trị sản phẩm, thiết kế cơ sở sản xuất, sản xuất, bảo trì.. được tiêu chuẩn hóa và liên kết với nhau. Với sự liên kết này, cả khu vực sản xuất của Đức sẽ hoạt động như một nhà máy thông minh lớn. Một đặc điểm của mô hình sản xuất thông minh của Đức là việc tùy biến hàng loạt sản phẩm, việc sản xuất sẽ theo đơn đặt hàng của từng khách hàng cụ thể và những sản phẩm sẽ có giả rẻ hơn, được chào bán giá cạnh tranh hơn so với giá các sản phẩm sản xuất hàng loạt. Để phát triển sản xuất thông minh, Đức đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các lĩnh vực: kết nối hệ thống thực-ảo (CPS), cảm biến và bộ truyền động, giao diện giữa người và máy, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, mạng viễn thông, an ninh mạng.

Ảnh minh họa

2) Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc

Chương trình phát triển kinh tế số của Nhật Bản nằm trong chương trình tổng thể về xã hội 5.0. Xã hội 5.0 của Nhật Bản bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, gồm phát triển xã họi siêu thông minh, phát triển các ngành chế tạo và các ngành công nghiệp khác, với mục đích thúc đẩy phát triển xã hội toàn diện. Để thực hiện xã hội 5.0, Nhật Bản đưa ra nhiều chiến lược, chính sách, biện pháp như:

- Chiến lược đầu tư  nhằm tăng năng suất của nền kinh tế Nhật Bản trong bối cảnh phát triển kinh tế số. Chiến lược này tập trung  vào các nội dung: Tái cơ cấu các ngành kinh tế và việc làm để thích ứng với kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đảm bảo hạ tầng an ninh thông tin để tăng cường an ninh mạng; thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực kinh tế.

- Xây dựng, thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia công nghệ thông tin tiên tiến nhất thế giới.  Nhật Ban xác định công nghệ thông tin là trụ cột của chiến lược tăng trưởng, là giải pháp giúp Nhật Bản vượt qua tình trạng trì trệ và thúc đẩy phục hồi kinh tế.

- Chiến lược về an ninh mạng trong đó, tập trung vào ứng dụng các tiến bộ khoa học – công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để tăng cường khả năng phát hiện, chống lại các cuộc tấn công mạng ở Nhật Bản. Chiến lược này nhằm tăng cường việc đảm bảo an ninh mạng, an ninh thông tin cho nền kinh tế Nhật Bản thông qua việc phát triển các hệ thống IoT an toàn, tạo ra một xã hội an toàn, đảm bảo cho người dân.

Hàn Quốc đã có bước phát triển “thần kỳ”, từ một nước nghèo, lạc hậu bị chiến tranh tàn phá sau 30 năm đã vươn lên trở thành nước phát triển; hiện nay, Hàn Quốc đứng thứ 11 thế giới về GDP (năm 2017 đạt 1529 tỷ USD), thu nhập bình quân đầu người đạt 29.730 USD, trình độ khoa học và công nghệ thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Hàn Quốc luôn xác định khoa học và công nghệ là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển nhanh, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế đất nước, do đó, có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển khoa học công nghệ. Ngày nay, Hàn Quốc đã vượt qua giai đoạn nhập khẩu công nghệ, ứng dụng công nghệ được sáng tạo từ bên ngoài, trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sáng tạo công nghệ, xuất khẩu công nghệ trên nền tảng phát triển mạnh mẽ, đạt tới trình độ cao, tiên tiến của nghiên cứu khoa học (cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ); đi đầu trong việc sáng tạo và ứng dụng nhiều công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện việc chuyển đổi số vào các ngành kinh tế, các sản phẩm chủ lực của mình.

Trong nội dung, chính sách phát triển kinh tế, Hàn Quốc xác định nguồn lực, động lực, ngành sản xuất chính, chủ yếu cho phát triển kinh tế thời gian tới là những ngành kinh tế số gắn với cách mạng công nghiệp 4.0, coi đây là những ngành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Khác với Chính phủ tiền nhiệm ít quan tâm đến khoa học và công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, Chính phủ Hàn Quốc hiện nay chú trọng, đề cao và chủ động, khẩn trương phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số, coi đây là nhiệm hết sức quan trọng, là nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền  hiện nay. Để phát triển kinh tế số, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ Hàn Quốc nâng cao vị thế và quyền hạn của Cơ quan đổi mới khoa học và công nghệ (STI), tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu và phát triển[1]; thành lập Ủy ban cách mạng công nghiệp lần thứ tư trực thuộc Tổng thống để lập kế hoạch cho các ngành công nghiệp trong tương lai, đáp ứng yêu cầu tình hình mới của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc cũng xây dựng, triển khai các đề án phát triển khoa học và công nghệ, đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số như “Kế hoạch hành động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”; “Kế hoạch xúc tiến động lực tăng trưởng sáng tạo” gồm 13 lĩnh vực được xác định là động lực tăng trưởng của Hàn Quốc: Dữ liệu lớn, viễn thông thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, xe tự hành, máy bay mini không người lái, chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu, thành phố thông minh, thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, robot thông minh, chíp bán dẫn thông minh, vật liệu tiên tiến, thuốc mới và năng lượng mới. Điểm đáng lưu ý trong chính sách phát triển kinh tế số của Hàn Quốc là nước này xác định phát triển kinh tế số phải là sự phát triển tổng hợp, liên ngành của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế, đặc biệt là ngành, lĩnh vực công nghiệp, khoa học và công nghệ, nghiên cứu và phát triển và thông tin truyền thông. Hàn Quốc cũng định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế thực hiện việc chuyển đổi số theo các nhóm: nhóm thương mại hóa sớm, nhóm công nghệ nguồn, nhóm do Nhà nước trực tiếp đầu tư, nhóm do Nhà nước hợp tác với doanh nghiệp, nhà nghiên cứu...

Để phát triển kinh tế số, Hàn Quốc thực hiện chính sách hỗ trợ cho một số dự án trên lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ số; giảm nhẹ gánh nặng khi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thất bại như xóa bỏ quy định về bảo lãnh liên đới; có chính sách ưu đãi các nhà nghiên cứu, giáo viên đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên lĩnh vực kỹ thuật số...

3) Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trung Quốc hiện nay được xác định là quốc gia thành công và đạt được nhiều thành tựu trong việc chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Trung QUốc đã trở thành thị trường thương mại điện tử lớn nhất khi chiếm hơn 40% giá trị giao dịch thương mại điện tử trên toàn thế giới khi sở hữu một lực lượng lớn người dùng trong lĩnh vực thanh toán di động với giá trị giao dịch lớn hơn 11 lần giá trị giao dịch của Mỹ. Năm 2016, Trung Quốc đã đạt 731 triệu người dùng Internet, nhiều hơn cả Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ cộng lại. Vào năm 2030, theo dự báo, khoảng 51,3% GDP của Trung Quốc sẽ đến từ xu hướng số hóa. Trung Quốc cũng sở hữu một trong những hệ sinh thái đầu tư và khởi nghiệp kỹ thuật số tích cực nhất trên thế giới. Một số địa phương của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải, nền kinh tế kỹ thuật số đã chiếm gần 45% GDP. Một trong những lý do thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế số của Trung Quốc là do các chính sách hỗ trợ, chính sách quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế số của Trung Quốc. Trong định hướng chính sách phát triển kinh tế số, Trung Quốc thực hiện việc bảo hộ thị trường công nghệ số trong nước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, khẳng định vị thế độc quyền. Các doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ để chiếm lĩnh thị trường công nghệ số trong nước trước các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Trung Quốc cũng có chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực, ngành công nghệ số. Hiện nay Trung Quốc nằm trong top ba thế giới về đầu tư vốn mạo hiểm vào các loại công nghệ kỹ thuật số quan trọng, bao gồm thực tế ảo, xe tự hành, in 3-D, robot, máy bay không người lái và trí tuệ nhân tạo (AI)... Về chính sách quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực công nghệ số, trước hết Trung Quốc tập trung vào những lĩnh vực công nghệ số đòi hỏi công nghệ vừa phải như thương mại điện tử, sau đó với tiến tới phát triển những lĩnh vực công nghệ số khó hơn như trí tuệ nhân tạo, robot...

Để phát triển kinh tế số, Trung Quốc chú trọng việc phát triển, chuyển đổi các phương thức, giao dịch trong nền kinh tế sang sử dụng công nghệ số, tập trung vào việc phát triển chính phủ điện tử, ngân hàng điện tử, giao dịch điển tử và thương mại điện tử.

Năm 2004, Trung Quốc đã chủ trương thành lập chính phủ điện tử bằng việc phát triển chữ ký điện tử, yêu cầu các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương phải thiết lập trang web riêng, cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho công việc và đời sống của người dân. Trung Quốc phát triển mạnh ngân hàng điện tử, phát triển mạnh phương thức cho vay ngang hàng (P2P lending) dựa trên Internet. Đến nay Trung Quốc là nước dẫn đầu thị trường cho vay P2P trên toàn cầu. Đến tháng 6/2018 có khoảng 50 triệu người tham gia vào nền tảng cho vay P2P lending, với tổng dư nợ lên đến 1.300 tỷ nhân dân tệ (tương đương 192 tỷ USD). Trung Quốc khuyến khích và thúc đẩy mạnh việc  thanh toán điện tử trong nền kinh tế. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng giảm và được thay thế bằng các phương thức thanh toán điện tử hiện đại  như quét mã QR, thanh toán bằng ví điện tử. Rất nhiều sản phẩm tiêu dùng cơ bản đều cho phép thanh toán di động. Hai ứng dụng thanh toán điện tử phổ biến nhất hàng ngày tại Trung Quốc là WeChat Pay (Tenpay) của Tencent và Alipay của Alibaba. Đây là loại hình thanh toán dùng ví điện tử qua điện thoại di động, đòi hỏi người dùng phải đăng ký bằng tên thật, kết nối với tài khoản ngân hàng. Tại các ngân hàng, nhân viên có thể hỗ trợ khách hàng toàn bộ quá trình liên kết và kích hoạt ví điện tử. Quy mô thị trường thanh toán di động tại Trung Quốc đã tăng mạnh  đã đạt quy mô 1,2 nghìn tỷ USD trong năm 2018.  Trung Quốc cũng thúc đẩy mạnh giao dịch thương mại điện tử. Thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc có sự phát triển vượt bậc. Lượng giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc lớn hơn con số cộng gộp của 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Doanh thu bán lẻ trực tuyến toàn cầu năm 2018 của Trung Quốc ước đạt là 2.800 tỷ USD, tăng 23,3% so với năm 2017. . Bán lẻ trực tuyến đã dần trở thành một kênh quan trọng cho tiêu dùng của Trung Quốc.

Một trong những kinh nghiệm để thúc đẩy chuyển đổi số trong các doanh nghiệp là nước này công bố, xây dựng Kế hoạch Hành động Internet Cộng vào năm 2015 (Internet Plus) nhằm  hỗ trợ các doanh nghiệp thông thường hội nhập Internet bằng cách sử dụng công nghệ của các công ty Internet lớn (như Baidu, Alibaba, Tencent…). Theo kế hoạch này, Trung Quốc sẽ phát triển mạnh các dịch vụ dựa trên Internet và thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các dịch vụ này với doanh nghiệp. Trung Quốc cũng phát triển một hệ sinh thái công nghiệp mới trên nền tảng Internet. Hệ sinh thái này bao gồm mạng lưới, dịch vụ và các ngành công nghiệp kết nối Internet.

4) Kinh nghiệm của Singapore

Singapore đặt mục tiêu rất rõ ràng trong phát triển kinh tế số là trở thành nền kinh tế số dẫn đầu thế giới. Để đạt được mục tiêu này, Sinhgapore thực hiện nhiều giải pháp khác nhau, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và chuẩn bị các điều kiện, các yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế số.

Về hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số, Singapore xây dựng kế hoạch toàn diện hỗ trợ các doạnh nghiệp chuyển đổi số. Kế hoạch này bao gồm hỗ trợ chuyển đổi số trên diện rộng và hỗ trợ chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực. Trong kế hoạch chuyển đổi số diện rộng của Singapore bao gồm 23 bản đồ chuyển đổi ngành để giúp các doanh nghiệp chuyển bị cho nền kinh tế số thông qua các biện pháp về đổi mới và tăng năng suất. Trong các kế hoạch chuyển đối số này có các khoản kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng năng lực số ở từng giai đoạn và các khoản kinh phí này nằm trong ngân sách hàng năm của Chính phủ Singapore. Trong quá trình số hóa, các doanh nghiệp Singapore thường xuyên nhận được các tư vấn, hỗ trợ để điều chỉnh, thiết kế kế hoạch số hóa của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ cho các giải pháp công nghệ được phê duyệt để số hóa.

Chính phủ Singapore cũng quan tâm chuẩn bị các điều kiện, các yếu tố hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế số, nhất là về nguồn nhân lực.

Về chuẩn bị nguồn nhân lực cho kinh tế số, Singapore đặc biệt chú ý xây dựng, phát triển các chuyên gia công nghệ số và đội ngũ các nhà lãnh đạo số trong các doanh nghiệp. Đối với lực lượng lao động phổ thông hiện có, Singapore tích cực xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao, trang bị các kỹ năng số cho lực lượng lao động này. Singapore cũng tăng cường hỗ trợ, mở nhiều khóa học và chương trình bồi dưỡng các kỹ năng mới cho những người lao động bị mất việc và những người có nguy cơ cao bị mất việc do chuyển đổi số. Trong các trường học, nước này cũng bổ sung các chương trình, môn học cho sinh viên về nền tảng số, từ mã hóa đến  tư duy thiết kế và các kỹ năng số cần thiết cho tương lai.

Nhằm đảm bảo môi trường cho kinh tế số vận hành, phát triển, Singapore tăng cường an ninh mạng để bảo đảm hạ tầng số của nền kinh tế. Singapore ban hành Luật an ninh mạng năm 2018, Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân để tăng cường bảo vệ hạ tầng thông tin quan trọng, bảo vệ dữ liệu của cá nhân, doanh nghiệp và tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thu thập, sử dụng, chia sẽ dữ liêu cá nhân.

5) Kinh nghiệm của Thái Lan

Để tạo khung pháp lý cho phát triển kinh tế số, Thái Lan đề xuất và xây dựng luật riêng về phát triển số trên cơ sở hợp nhất của ba luật là Luật về Ủy van Kinh tế và Xã hội số, Luật về Quỹ phát triển kinh tế và xã hội số, Luật xúc tiến kinh tế và xã hội số, đồng thời cũng soạn thảo, sửa đổi, ban hành mới 8 dự thảo luật có liên quan: Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật tội phạm máy tính (sửa đổi), Luật an ninh mạng, Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, Luật xúc tiến kinh tế số, Luật phát triển kinh tế và xã hội số, Luật quản lý phát thanh và viễn thông (sửa đổi), Luật về Cơ quan phát triển giao dịch điện tử. Những văn bản pháp luật nêu trên là cơ sở pháp lý quan tọng để thực hiện các mục tiêu kinh tế số và là một phần của chính sách kinh tế số của Thái Lan. Trong Luật phát triển số nêu rất rõ về việc thành lập Ủy ban Kinh tế số do Thủ tướng làm chủ tịch và Cơ quan xúc tiến kinh tế và xã hội số. Mục tiêu của cơ quan này là xúc tiến, hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp số, hỗ trợ các chủ thể trong nền kinh tế ứng dụng công nghệ số để mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Một kinh nghiệm đáng lưu ý của Thái Lan là nước này thành lập Quỹ Phát triển kinh tế và xã hội số (Quỹ kinh tế số) với mục đích là hỗ trợ, phát triển nền kinh tế số ở Thái Lan, trước mặt tập trung phát triển, nâng cấp hạ tầng viễn thông của Thái Lan. Quỹ hoạt động dựa trên tài trợ kinh phí từ ngân sách hàng năm của Chính phủ, từ 50% phí cấp phép của Ủy ban Phát thanh và Viễn thông quốc gia và các nguồn khác.

Trong việc phát triển kinh tế số, Thái Lan rất quan tâm đến việc quản lý an ninh mạng, an ninh thông tin, có sự kiểm soát chặt chẽ các nội dung không phù hợp trên không gian mạng.

6) Kinh nghiệm của Malaixia

Trong kế hoạch tổng thể về kinh tế số của Malaixia, nước này nhấn mạnh vào phát triển thương mại điện tử bởi vì Malaixia xác định đây là hướng phát triển phủ hợp trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPPP đi vào thực hiện. Cùng với phát triển thương mại điện tử, Malaixia có sáng kiến hình thành và phát triển khu vực thương mại tự do số (DFTZ) để khai thác sự tăng trưởng kết hợp theo cấp số nhân của kinh tế số với các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. DFTZ hướng đến thực hiện các mục tiêu sau: Giúp doanh nghiệp dễ dàng xuất khẩu sản phẩm, cho phép thị trường toàn cầu lấy hàng hóa từ các nhà sản xuất, các doanh nghiệp ở Malaixia, biến Malaixia thành trung tâm phân phối của khu vực để các thương hiệu toàn cầu tiếp cận với người mua trung khu vực ASEAN, nuôi dưỡng một hệ sinh thái nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế số. Để vận hành DFTZ, Malaixia xây dựng ba trung tâm chính ở cả khu vực thực tế và khu vực ảo:

- Trung tâm phân phối điện tử giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa một cách dễ dàng với sự giúp đỡ của các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu.

- Trung tâm dịch vụ vệ tinh kết nối các doanh nghiệp của Malaixia với các doanh nghiệp hàng đầu về cung cấp các dịch vụ như cấp vốn, bảo hiểm và các dịch vụ quan trọng khác trong thương mại xuyên biên giới.

- Nền tảng dịch vụ điện tử: Quản lý hiệu quả thông quan hàng hóa và các quá trình khác cần cho thương mại xuyên biên giới.

Malaixia cũng thúc đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ công. Nước này thành lập Bộ phận quản lý và hiện đại hóa hành chính Malaixia (MAMPU) trực thuộc Văn phòng Thủ tướng để chuyển đổi hoạt động cung cấp dịch vụ công thông quan đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Mục tiêu chính của MAMPU là phát triển dữ liệu số, đám mây và an ninh mạng trong việc cung cấp các dịch vụ công. Nước này đưa ra lộ trình chỉ cung cấp một số dịch vụ công theo phương thức số và công dân sẽ được nhận thẻ định danh người sử dụng (ID) để truy cập các dịch vụ trực tuyến. MAMPU sẽ xem xét khuyến khích sử dụng dữ liệu trong chính phủ trên phạm vi rộng, với các phân tích được sử dụng để cải thiện khả năng phân phối số. MAMPU sẽ xây dựng nền tảng đám mây hợp nhất để các cơ quan cùng nhau chia sẻ dữ liệu.

2. Giá trị tham khảo đối với Việt Nam

Hầu hết các quốc gia trên thế giới, cả các nước phát triển và các nước đang phát triển đều rất coi trọng phát triển kinh tế số, coi đây là bước phát triển mới, mô hình kinh tế mới trong tương lai và đều đưa ra các giải pháp để chuyển đổi sang kinh tế số. Tuy nhiên, mỗi một quốc gia với những đặc điểm, thế mạnh của mình có những cơ chế, chính sách, biện pháp phát triển kinh tế số khác nhau. Tựu trung lại, có các giá trị tham khảo chủ yếu sau đối với Việt Nam:

Thứ nhất, các quốc gia đều xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số. Điểm chung của các quốc gia là đều thành lập cơ quan, thiết chế chuyên trách, có thẩm quyền, trách nhiệm cao trong việc phát triển kinh tế số, thông thường cơ quan này thường thuộc Chính phủ với sự tham gia, phối hợp của  các bộ ngành có liên quan. Một số quốc gia còn thành lập các cơ quan chuyên trách ở các các ngành, các địa phương để chuyển đổi số và phát triển kinh tế số ở ngành, địa phương. Khung thể chế phải đủ năng lực điều chỉnh ở cả cấp độ quốc gia, ngành và doanh nghiệp. Nhằm hỗ trợ các chủ thể trong nền kinh tế tiếp cận kinh tế số, một số nước  xây dựng các kế hoạch, hướng dẫn rất cụ thể về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, các kế hoạch này gắn liền với các nguồn tài chính, kinh phí hằng năm để nhằm tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với kinh tế số. Ngoài ra, các quốc gia rất quan tâm đến việc xây dựng các chính sách về quy chuẩn, thực hiện việc tiêu chuẩn hóa các khâu, quy trình sản xuất để tăng sự kết nối, liên thông. Các nước cũng đều xây dựng, ban hành các luật, các chính sách về an ninh mạng, an ninh thông tin để làm cơ sở ban hành các chuẩn trao đổi thông tin giữa các chủ thể và bảo đảm thông tin, dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong kinh tế số.

Thứ hai, các nước đều xác định những ngành, lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế số căn cứ vào thế mạnh và đặc điểm của từng nước. Các nước cũng xác định và nhận diện đầy đủ những lĩnh vực kinh tế số giúp đẩy nhanh mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng như thông tin số, liên lạc số, giải trí số, thương mại điện tử, v.v. những lĩnh vực nền tảng của kinh tế số như hạ tầng số, tài nguyên số, dịch vụ số, thị trường số; những lĩnh vực quan trọng, cốt lõi cần phải nắm và làm chủ về công nghệ, kỹ thuật như lĩnh vực dữ liệu số, vật liệu thông minh, robot thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, phương tiện thông minh, năng lượng thông minh, v.v… để có giải pháp chính sách hợp lý trong phát triển.

Đối với Việt Nam, trước hết cần tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế số giúp mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dụng vì những lĩnh vực này giúp Việt Nam tận dụng được những cơ hội của hôi nhập quốc tế, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết (CPTPP, EVFTA, EVIPA) nhưng cũng không đòi hỏi trình độ công nghệ cao. Đồng thời Việt Nam cũng phải phát triển mạnh  những lĩnh vực nền tảng của kinh tế số như hạ tầng số, tài nguyên số, dịch vụ số, thị trường số và có kế hoạch, chiến lược bài bản để tiếp cận, làm chủ những công nghệ quan, cốt lõi của kinh tế số thông qua các chính sách hỗ trợ và trong hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, các quốc gia đều quan tâm giải quyết những mặt trái phát sinh trong phát triển kinh tế số, xác định rõ những ngành nghề sẽ bị “khai tử”, những ngành nghề mới xuất hiện, những lao động sẽ bị thay thế bằng rô-bốt, trí tuệ nhân tạo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian số, an ninh mạng, an ninh thông tin, các mâu thuẫn, xung đột giữa các loại hình, cơ chế kinh doanh truyền thống với những loại hình, cơ chế kinh doanh mới xuất hiện… để có những giải pháp, chính sách phù hợp.

Thứ tư, các quốc gia đều chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho kinh tế số, trong đó tập trung phát triển, thu hút các chuyên gia về công nghệ số, các doanh nhân số. Các nước đều đổi mới giáo dục, đào tạo bồi dưỡng để tái đào tạo lực lượng lao động bắt kịp với xu hướng công nghệ số. Các biện pháp đổi mới giáo dục, đào tạo các nước thường thực hiện là: Cập nhật, bổ sung giáo trình đào tạo về công nghệ số, kỹ năng số  trong các nhà trường; đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi căn bản mô hình đào tạo sang mô hình “học cả đời, làm cả đời”; chú trọng tính linh hoạt, thực học, thực nghiệp, học tập suốt đời, lấy thực hành làm trọng tâm trong chương trình đào tạo.

TS. Nguyễn Mạnh Hùng - Hội đồng Lý luận Trung ương

 

[1] Dưới thời chính quyền Tổng thống Moon Jae In hiện nay, SDI quan lý gần 20 nghìn tỷ won (gần 18 tỷ USD) ngân sách quốc gia cho nghiên cứu và phát triển (R&D).