24/04/2024 lúc 05:16 (GMT+7)
Breaking News

Kinh doanh vận tải bằng ô tô: Cởi trói bằng chính sách, hậu kiểm bằng công nghệ

VNHN – Nghị định số 10/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 17/1/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được coi là bước nhảy vọt về chính sách dành cho kinh doanh vận tải bằng ô tô. Qua đó, không chỉ rộng đường cho doanh nghiệp mà còn vận dụng triệt để công nghệ để đảm bảo an toàn giao thông cũng như trong công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông thời gian tới đây.

VNHN – Nghị định số 10/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 17/1/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được coi là bước nhảy vọt về chính sách dành cho kinh doanh vận tải bằng ô tô. Qua đó, không chỉ rộng đường cho doanh nghiệp mà còn vận dụng triệt để công nghệ để đảm bảo an toàn giao thông cũng như trong công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông thời gian tới đây.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ về những vấn đề xoay quanh Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (Nghị định 10 - PV)

Doanh nghiệp tự định vị mình

Với định nghĩa kinh doanh vận tải bằng ô tô của Nghị định 10 thì loại hình Grab (ứng dụng gọi xe Grab – PV) được xem là doanh nghiệp vận tải hay nhà cung ứng phần mềm hỗ trợ vận tải, thưa ông?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Có thể thấy Nghị định số 10/2020/NĐ-CP tạo ra những quy định rất mở cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp theo những quy định này tự xác định và phân định rõ hoạt động của mình để lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp. Đồng thời, chấp hành theo đúng những điều kiện của hình thức đã lựa chọn.

Như đã biết, Công ty TNHH Grab là 1 trong số 14 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải tham gia thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7/1/2016).

Ngày 11/2 vừa qua Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-BGTVT về việc dừng kế hoạch thí điểm nêu trên kể từ ngày 1/4/2020. Do đó, 14 đơn vị đang hoạt động theo Quyết định 24 sẽ phải dừng hoạt động từ ngày 1/4/2020 và chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với đơn vị mình đúng theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

Trở lại vấn đề phóng viên nêu, tại Điều 35 của Nghị định số 10 đã quy định rõ trách nhiệm của Đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải được chia thành 2 trường hợp:

Trường hợp 1, đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải) phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu tại Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Trường hợp 2, đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải có thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo quy định của Nghị định. Bao gồm các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điểm c, Điểm d, Điểm e, Điểm i, Điểm k Khoản 1 Điều 35 của Nghị định 10.

Đối với loại hình xe hợp đồng, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải được phép tham gia kinh doanh nhưng với loại hình taxi thì chỉ doanh nghiệp và hợp tác xã được kinh doanh. Điều này có gây bất bình đẳng giữa các loại hình vận tải hay không?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Khoản 2 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ “Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã mới được kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, bằng xe taxi”.

Luật cao hơn Nghị định. Do vậy, chúng ta phải thực hiện đúng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ nêu trên.

Nghị định 10 không bắt buộc các xe phải lắp hộp đèn. Vậy với quy định dán phù hiệu liệu có xảy ra tình trạng lái xe cất (không dán) phù hiệu để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng không?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Đây là một điểm rất mới và mang tính đột phá của Nghị định 10 sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng lái xe cố tình cất (không dán) phù hiệu như trước đây.

Theo đó, tại Khoản 8 Điều 23 Nghị định 10 nêu rõ: Bộ GTVT có trách nhiệm quy định màu sắc tem kiểm định phân biệt ô tô kinh doanh vận tải. Khi đó, nếu đã là xe kinh doanh vận tải bắt buộc chủ xe, lái xe phải dán phù hiệu tương ứng với loại hình kinh doanh mà doanh nghiệp đã lựa chọn. Nếu cố tình không dán phù hiệu, cơ quan chức năng có thể dễ dàng phát hiện và xử lý.

Đối với hình thức kinh doanh xe taxi, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 thì ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi “được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ "TAXI" cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe”.

Đối với hình thức kinh doanh xe hợp đồng, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 thì ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20 cm.

Thêm vào đó, tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Nghị định 10 có quy định: Đơn vị kinh doanh có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô được cấp phù hiệu, biển hiệu cho ô tô phù hợp với loại hình kinh doanh đã được cấp phép và đảm bảo nguyên tắc tại một thời điểm, mỗi xe chỉ được cấp và sử dụng một loại phù hiệu hoặc biển hiệu tương ứng với một loại hình kinh doanh vận tải.

Do đó, sẽ không xảy ra trường hợp tại một thời điểm một ô tô kinh doanh vận tải có nhiều phù hiệu hoặc biển hiệu.

Hiện nay, các xe kinh doanh vận tải đang thực hiện cấp phù hiệu theo mẫu quy định tại Thông tư 63/2014/TT-BGTVT. Tại dự thảo Thông tư thay thế, Bộ GTVT dự kiến sẽ thay đổi mẫu phù hiệu để đảm bảo chất lượng, chịu được khí hậu của Việt Nam. Thời gian dự kiến cấp phù hiệu mới tại dự thảo Thông tư sẽ được thực hiện từ ngày 01/01/2021.

Cuối cùng đó là sự quản lý và giám sát trực tiếp của cơ quan cấp phù hiệu hoặc biển hiệu, đó là các Sở GTVT. Tại Điểm a Khoản 9 Điều 22 Nghị định 10 đã quy định Sở GTVT thực hiện cấp phù hiệu, biển hiệu và dán phù hiệu, biển hiệu lên ô tô.

Với các nội dung quy định trên sẽ không xảy ra tình trạng lái xe cất (không dán) phù hiệu để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Thứ trưởng Bộ GTVT kiểm tra công tác phục vụ hành khách tại Bến xe Nước ngầm (Hà Nội) trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. 

Hậu kiểm bằng dữ liệu camera

Theo Nghị định 10, trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông. Được biết, sẽ có khoảng 170.000 xe kinh doanh vận tải sẽ buộc phải lắp camera giám sát, tương đương 340.000 camera giám sát sẽ được sử dụng. Có ý kiến cho rằng đây là con số không hề nhỏ và có thể gây lãng phí cho doanh nghiệp trong khi hiệu quả chưa được kiểm chứng. Quan điểm của Thứ trưởng về việc này như thế nào?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Việc trang bị camera lắp trên xe sẽ phát sinh một số chi phí nhất định cho việc đầu tư camera, duy trì đường truyền dữ liệu hình ảnh, phần mềm lưu trữ và phân tích dữ liệu tại máy chủ.

Cơ quan quản lý nhà nước cũng phải bố trí kinh phí để xây dựng hạ tầng, phần mềm tiếp nhận, xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera, chi phí để duy trì, bảo trì và vận hành hệ thống.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra chúng ta đều thấy rằng, việc lắp đặt camera theo dõi, giám sát nhằm mục đích phát hiện các hành vi vi phạm của người lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; theo dõi, giám sát hoạt động đón, trả khách đối với xe khách nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho chính hành khách cũng như lái xe và góp phần tăng chất lượng dịch vụ của hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.

Những dữ liệu từ camera truyền về sẽ được cơ quan quản lý Nhà nước xử lý như thế nào?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Dữ liệu hình ảnh từ camera sẽ được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 của Nghị định 10 thì đơn vị kinh doanh vận tải phải truyền hình ảnh từ camera lắp trên xe với tần suất truyền từ 12-20 lần/giờ (tương đương từ 3-5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, lưu trữ trong thời gian tối thiểu 72 giờ gần nhất. Dữ liệu hình ảnh phải được cung cấp kịp thời, chính xác, không được chỉnh sửa hoặc làm sai lệch trước, trong và sau khi truyền.

Đồng thời, chủ phương tiện phải cung cấp tài khoản truy cập vào máy chủ cho cơ quan Công an (Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương), ngành giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT) để phục vụ công tác quản lý nhà nước, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nghị định 10 cũng quy định về việc nếu đơn vị kinh doanh vận tải sửa chữa hoặc làm sai lệch dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe trước, trong và sau khi truyền dữ liệu sẽ bị thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải.

Trong thời gian tới, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nói chung và trong hoạt động kinh doanh vận tải riêng thì tới đây việc triển khai quy định lắp đặt camera sẽ đạt được kết quả tốt.

Bộ, ngành cùng vào cuộc chống “xe dù, bến cóc”

Để xử lý “xe dù, bến cóc”, Nghị định 10 quy định: Xe hợp đồng và xe du lịch là trong thời gian một tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến phố (một tuyến đường), ngõ (hẻm) trong đô thị; việc xác định điểm đầu, điểm cuối trùng lặp được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe và hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Việc kiểm soát con số 30% này sẽ được thực hiện thế nào? Quy định này có kiểm soát được loại xe limousin trá hình hoạt động như tuyến cố định hiện nay không?

Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Hiện nay, thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình kết hợp với thông tin tối thiểu của hợp đồng vận chuyển khi đơn vị kinh doanh vận tải cập nhật vào phần mềm sẽ xác định được các trường hợp xe hợp đồng, xe du lịch thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 12 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP, đơn vị kinh doanh vận tải và lái xe kinh doanh vận tải không được sử dụng các biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác để can thiệp vào quá trình hoạt động, phá (hoặc làm nhiễu) sóng GPS, GSM hoặc làm sai lệch dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình của ô tô. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình phải truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam; dữ liệu tại máy chủ của Tổng cục Đường bộ sẽ được phân tích, đưa ra cảnh báo trực tuyến các trường hợp không truyền dữ liệu và có hệ thống các báo cáo thống kê toàn bộ các trường hợp không truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Để triển khai các nhiệm vụ tại Nghị định 10, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì triển khai việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình với các bộ, ngành. Đặc biệt, những dữ liệu này sẽ được chia sẻ với Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) và Bộ Công an (Lực lượng CSGT) nhằm mục đích thu đúng, thu đủ thuế của những xe limousin đang hoạt động “trá hình”, góp phần hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc.