18/04/2024 lúc 18:49 (GMT+7)
Breaking News

Kiến trúc nông thôn và kiến trúc xanh - xu hướng kiến trúc Việt

VNHN-Kiến trúc nông thôn và kiến trúc xanh đã để lại dấu ấn trong nhiều tác phẩm đoạt giải cao của kỳ giải thưởng kiến trúc quốc gia lần này. 25 năm qua, giải thưởng kiến trúc đã góp phần làm nên những thành công cho ngành kiến trúc nước nhà.

VNHN-Kiến trúc nông thôn và kiến trúc xanh đã để lại dấu ấn trong nhiều tác phẩm đoạt giải cao của kỳ giải thưởng kiến trúc quốc gia lần này. 25 năm qua, giải thưởng kiến trúc đã góp phần làm nên những thành công cho ngành kiến trúc nước nhà.

Công trình nhỏ, giải thưởng lớn

Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc (GTKT) quốc gia 2018-2019 và Liên hoan Kiến trúc sư (KTS) trẻ toàn quốc lần thứ VIII diễn ra tại TP Vũng Tàu thu hút hơn 3.000 đại biểu trong và ngoài nước tham dự. Ban tổ chức cho biết, 158 tác phẩm tham dự thuộc 8 thể loại và 15 hạng mục (số lượng tác phẩm dự thi tăng 32% so với kỳ giải thưởng trước) khẳng định sức hút của giải thưởng đối với giới KTS nói riêng cũng như những nhà đầu tư, xây dựng trong và ngoài nước nói chung. Đánh giá về giải thưởng năm nay, KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng: "Năm nay có nhiều ý tưởng và giải pháp kiến trúc độc đáo; kết hợp thành công giữa hiện đại và truyền thống; tổ chức không gian thoáng, đẹp, tiết kiệm năng lượng và tài chính; giải pháp kiến trúc tăng tính thẩm mỹ và giá trị sử dụng... Ban tổ chức đã trao 1 giải vàng, 11 giải bạc, 22 giải đồng tặng các tác giả đoạt giải".
Kiến trúc nông thôn và kiến trúc xanh - xu hướng kiến trúc Việt

Công trình "Nhà Bắc Hồng" đoạt giải vàng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia 2018-2019.

Điều ấn tượng nhất của GTKT kỳ này là nhiều giải thưởng lớn đã thuộc về những tác phẩm “nhỏ”. Nhỏ ở đây được hiểu theo khía cạnh quy mô công trình, mức độ đầu tư, như: Nhà ở nông thôn, nhà đơn lập, nhà ở tổ hợp… Ví dụ, “Nhà Bắc Hồng” (giải vàng) thuộc hạng mục “Nhà ở nông thôn” được làm theo mô típ nhà nông thôn truyền thống với mái ngói, sân cau, vườn sau, vườn trước. Nhà đáp ứng không gian cho một gia đình truyền thống ở nông thôn Việt Nam có nhiều thế hệ cùng nhau sinh sống. Kiến trúc ngôi nhà lấy cảm hứng từ những căn nhà “ba gian hai trái” nhưng lại có sự kết hợp nhuần nhuyễn với nhiều yếu tố tổ chức không gian sống của kiến trúc hiện đại. Ngoài ra, với triết lý “xa mà gần”, KTS Phạm Quốc Đạt (sinh năm 1991) đã tạo được nhiều không gian đẹp, giàu tính thẩm mỹ.

Công trình “Nhà ở xã hội Hưng Thịnh” (giải bạc) tận dụng được không gian chung để biến thành không gian riêng, khiến một căn hộ chung cư có cảm giác rộng rãi, thông thoáng hơn nhưng vẫn bảo đảm được yếu tố “chi phí tối thiểu, tiện nghi tối đa”. Đây quả là công trình lý tưởng dành cho những người có ngân sách hạn hẹp mà vẫn được ở nhà đẹp. Công trình “Nhà phễu” (giải bạc) của hai KTS thế hệ "8X" và "9X" là Đào Hưng và Sỹ Tuấn là một công trình thuộc hạng mục “Nhà đơn lập”. “Nhà phễu” là dạng biệt thự điển hình ở khu vực “đất vàng” như Tây Hồ, Hà Nội. Biệt thự có diện tích xây dựng 144m2 trên thửa đất rộng 234m2, quỹ đất mặc dù khiêm tốn nhưng biệt thự vẫn thể hiện được “đẳng cấp cao” bởi sự khác lạ trong ý tưởng thiết kế.

Bên cạnh những công trình quy mô nhỏ thì ở hạng mục khác như “Trường học”, “Công trình văn hóa/thể thao”, “Thiết kế đô thị/Thiết kế cảnh quan”... cũng có nhiều tác phẩm đoạt giải bạc và đồng. Thực tế, những công trình lớn này mới là sân chơi chính cho KTS, giúp họ có nhiều không gian để thỏa sức “phóng bút”, thể hiện nhiều ý tưởng và cấu trúc mới. Có thể kể tới những tác phẩm: "Trường liên cấp hội nhập quốc tế Ischool Quảng Trị", "Trung tâm Đào tạo Học viện Viettel", "Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Pleiku", "Cầu Vàng ở Đà Nẵng"…

Dấu ấn của những KTS trẻ

GTKT quốc gia kỳ này ghi dấu mốc 25 năm hình thành và phát triển. Một phần tư thế kỷ là mốc thời gian đủ để các KTS của chúng ta nhìn lại và đánh giá về các xu hướng của kiến trúc nước nhà. Qua 12 kỳ giải thưởng, ngành kiến trúc Việt Nam đã đạt được 3 thành tựu lớn: Ghi nhận và phát hiện tài năng của KTS; góp phần nâng cao nhận thức xã hội về kiến trúc; khích lệ tư duy sáng tạo theo xu hướng tiến bộ và trách nhiệm xã hội của KTS đối với sự phát triển của nền kiến trúc nước nhà. Trong đó, dấu ấn của những KTS trẻ đã được Ban bổ chức ghi nhận qua việc trao 6 bằng khen tặng các KTS trẻ tiêu biểu, người trẻ nhất sinh năm 1994. KTS Nguyễn Quốc Thông khẳng định: “Thế hệ KTS trẻ hiện nay bước đầu thể hiện sự thành công của mình không chỉ trong nước mà ở các cuộc thi kiến trúc quốc tế”. Đặc biệt, thế hệ KTS trẻ của Việt Nam đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế lớn và khẳng định tên tuổi, như: Hoàng Thúc Hào, Võ Trọng Nghĩa... Ở họ hội tụ nhiều phẩm chất của những KTS hiện đại, như năng động, sáng tạo, khoa học và cả những phẩm chất thường thấy ở KTS Việt Nam thế hệ trước, như biết tri ân, thiết tha với truyền thống văn hóa dân tộc.

KTS Phạm Văn Tất, Phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu về đề tài nhà ở nông thôn và nhà ở vùng ngập mặn bộc bạch: “Những KTS thuộc thế hệ thứ hai như chúng tôi luôn mang trong mình một mặc cảm là thiếu nợ đối với kiến trúc nông thôn Việt Nam. Vì thế, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã diễn ra hơn 10 năm mà kiến trúc nông thôn vẫn không theo kịp. Chúng tôi khâm phục các KTS trẻ khi họ đã biết hướng về nông thôn và cả những vùng nghèo khó. Không ít KTS trẻ đã tự bỏ kinh phí để áp dụng các kỹ thuật mới cho nông thôn. Xu hướng ấy ngày một hình thành rõ nét”.

Bên cạnh trào lưu “hướng về nông thôn” thì “kiến trúc xanh” cũng là một trào lưu được nhiều KTS trẻ theo đuổi, đặt nhiều tâm huyết. Trào lưu này được thể hiện trong nhiều đồ án và gần như đã có một sự “hiểu ngầm” giữa những nhà đầu tư và KTS. Kiến trúc xanh không chỉ là những công trình mang màu xanh của cây cỏ mà còn phải tiết kiệm năng lượng, tận dụng được mọi yếu tố thời tiết, yếu tố bản địa và cảnh quan tự nhiên. Kiến trúc xanh giờ không chỉ hiện diện ở những công trình nhà ở mà còn xuất hiện ở những đồ án đô thị lớn. Đồ án "Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Pleiku" với phương châm “Thành phố vì sức khỏe” là một ví dụ. Theo đó, ý tưởng của KTS muốn giảm những yếu tố công nghiệp, tăng yếu tố dịch vụ, nghỉ dưỡng; tận dụng những dòng suối, mặt hồ, kết nối những công viên, vườn hoa với rừng cây để tạo ra một thành phố xanh mà khi ở đó, con người sẽ khỏe hơn… Đây quả là một đề tài rất thú vị. Tin rằng trong tương lai gần, yếu tố sức khỏe con người sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá về đô thị.

Rõ ràng, trào lưu “hướng về nông thôn” và kiến trúc xanh của các KTS trẻ đã tạo ra điểm nhấn thật sự ấn tượng trong kỳ GTKT lần này.

Liên hoan Kiến trúc sư trẻ diễn ra từ ngày 18 đến 20-4 với các sự kiện và hoạt động: Diễn đàn Kiến trúc và Phát triển sáng tạo FACE 2019; dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; Gala “Biển xanh vẫy gọi”; giao lưu thể thao, văn nghệ; đấu giá kỷ vật.