29/03/2024 lúc 19:57 (GMT+7)
Breaking News

Kiên quyết bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian cách ly xã hội

VNHN - Trước lo ngại việc thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc sẽ dẫn đến việc thiếu lương thực, thiếu hàng thiết yếu khiến người dân đổ xô ra các siêu thị để mua hàng tích trữ. Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp phân phối lớn thực hiện hàng loạt biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống.

VNHN - Trước lo ngại việc thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc sẽ dẫn đến việc thiếu lương thực, thiếu hàng thiết yếu khiến người dân đổ xô ra các siêu thị để mua hàng tích trữ. Bộ Công Thương đã yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp phân phối lớn thực hiện hàng loạt biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường trong mọi tình huống.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân, Sở đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố Hà Nội trong đó tập trung vào cấp độ 3-4, đảm bảo sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly. Theo đó, Sở đã làm việc với các doanh nghiệp phân phối lớn tập trung tăng cường dự trữ hàng hóa. Các doanh nghiệp đã tăng lượng hàng dự trữ 30-40 và sẵn sàng triển khai ngay phương án khai thác và luân chuyển hàng hóa trong chuỗi để phục vụ nhân dân.

Cùng đó, sẽ sẵn sàng mở thêm điểm, kéo dài thời gian bán hàng cho đến khi hết khách và chuẩn bị phương án phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội. Đến nay, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Central Retail (hệ thống siêu thị Big C, Lan Chi), Tập đoàn BRG (hệ thống Hapro, Intimex, SEIKA Mart), Hệ thống siêu thị Đức Thành… đã tăng lượng hàng hóa dự trữ lên gấp từ 300 – 500% so với bình thường đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Hệ thống Co.op mart tăng lượng hàng hóa dự trữ lên 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhân dân.

Các mặt hàng có nhu cầu cao như khẩu trang và nước rửa tay cũng được các doanh nghiệp dự trữ với lượng lớn đảm bảo đủ cung cấp cho người dân (Tập đoàn Central Retail chuẩn bị lượng hàng 2,5 triệu chiếc, hệ thống Co.op mart 20 triệu chiếc…). Các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online, từ đó lượng bán hàng online của các doanh nghiệp đã tăng gấp 3-4 lần so với trước đó. “Lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp đảm bảo cung cấp cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày, hiện lên đến 174 nghìn tỷ đồng và đang tiếp tục gia tăng”, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết.

Hà Nội sẽ triển khai 4 cấp độ cung ứng hàng cho người dân, mở hàng loạt các điểm bán hàng dã chiến phục vụ dân nếu cần. Ảnh: Internet

Đến nay, các địa phương đã hoàn thiện phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang....Căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế, các địa phương và doanh nghiệp phân phối sẽ xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly.

Để đẩy mạnh cung ứng hàng hóa ra thị trường, ngoài các điểm bán hàng của các siêu thị, các địa phương hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Cùng đó, tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly nếu có. Về việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương, Bộ Công Thương cho hay, đã có các phương án cung ứng hàng hóa trong trường hợp phong tỏa nhưng xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động.

“Trường hợp giới nghiêm chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động. Khi đó Bộ Công Thương sẽ đề nghị các lực lượng Quân đội, Công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ hàng hóa thiết yếu mà Bộ Công Thương đã chuẩn bị để cung cấp cho các địa bàn”, đại diện Vụ Thị trường Trong nước cho hay.

Cũng theo đại diện Vụ Thị trường trong nước, ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các điểm chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công Thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới theo hình thức tạm thời, lưu động, dã chiến trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán, kể cả trong trường hợp các siêu thị bị phong tỏa vì lý do y tế…. “Các điểm bán hàng này sẽ được bố trí gần các khu dân cư và thông thoáng nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thuận tiện cho người dân mua hàng. Người dân không vì quá lo lắng mà đổ xô đi mua đồ tích trữ quá nhiều không cần thiết”, Bộ Công Thương khuyến cáo.