17/04/2024 lúc 05:21 (GMT+7)
Breaking News

Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An: Điểm đến hấp dẫn và kỳ thú

VNHN - Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới miền Tây Nghệ An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận vào ngày 18/9/2007 và là Khu DTSQ được công nhận thứ 6 của Việt Nam. Đó là niềm tự hào của quê hương Nghệ An và của cả nước.

VNHN - Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới miền Tây Nghệ An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận vào ngày 18/9/2007 và là Khu DTSQ được công nhận thứ 6 của Việt Nam. Đó là niềm tự hào của quê hương Nghệ An và của cả nước.

Nhiều tiềm năng cho phát triển, nhất là về Du lịch

Lên Pùxailaileng Kỳ Sơn

Với tổng diện tích 1.299.795 ha, dân số hơn 927.000 người thuộc 6 nhóm dân tộc (Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ Đu, Kinh và Mông) và thuộc địa giới hành chính 9 huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Khu DTSQ  miền Tây Nghệ An được chia thành 03 phân vùng chức năng là: Vùng lõi, Vùng đệm và Vùng chuyển tiếp. Đây là khu DTSQ có diện tích lớn nhất trong các khu DTSQ đã có và trong hệ thống các Khu bảo tồn Việt Nam. Giá trị nổi bật của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An là có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới.

 Khu DTSQ miền Tây Nghệ An có vai trò, chức năng rất lớn trong việc bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và di truyền; thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở bảo đảm phát triển bền vững môi trường và thực nghiệm bảo tồn nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, phải kể đến đặc trưng lớn nhất của Khu DTSQ này là sự đa dạng và đậm đà về bản sắc văn hoá của các nhóm dân tộc thiểu số ở đây. Đời sống của người dân các dân tộc trong vùng gắn với nhiều phong tục tập quán, với bản sắc văn hóa riêng, với các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang những nét văn hoá bản địa đặc sắc. Nhiều công trình di tích lịch sử văn hóa (đền, chùa, lễ hội) đã được trùng tu, phục hồi và đang phát huy giá trị trong đời sống đương đại, như: di tích và lễ hội đền Choọng (huyện Quỳ Hợp), lễ hội đền Chín Gian (huyện Quế Phong), đền Vạn - Cửa Rào (huyện Tương Dương), lễ hội Hang Bua (huyện Quỳ Châu), lễ hội Mường Ham (huyện Quỳ Hợp),...

Bình minh nơi vườn quốc gia Pù Mát

Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế chung, hoạt động Du lịch tại Khu DTSQ Tây Nghệ An đã và đang được chú trọng đầu tư và có bước phát triển tích cực,  trên cơ sở khai thác những đặc trưng vốn có của Khu DTSQ Tây Nghệ An, nhất là tại 3 vùng lõi… Các loại hình du lịch hiện nay đang được khai thác và có nhiều triển vọng phát triển, bao gồm: Du lịch sinh thái, thăm quan thắng cảnh; Du lịch văn hoá - cộng đồng; Du lịch mạo hiểm - khám phá rừng Du lịch nghiên cứu khoa học… Ngoài ra, các sản phẩm bản địa như các bài thuốc quý, thủ công mỹ nghệ được khai thác nguyên liệu từ tự nhiên (thổ cẩm, hàng đan lát thủ công..), các sản vật đặc thù (Chanh leo, Thảo đậu khấu, Cam...) cũng có tính hấp dẫn cao đối với du khách khi đến với Khu DTSQ Tây Nghệ An …

Trong Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, Vườn Quốc gia Pù Mát là “điểm nhấn” quan trọng bậc nhất, với diện tích 94.804,4 ha, trải rộng trên 03 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Nơi đây có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, như: hệ sinh thái, hệ động thực vật đa dạng (2.494 loài thực vật và 938 loài động vật); có nhiều cảnh quan tự nhiên độc đáo (thác nước, hang động, hệ thống khe suối, các quần thể cây cổ thụ và rừng nguyên sinh...). Trong Vườn Quốc gia Pù Mát còn có nhiều loại gỗ quý, nhiều cây cổ thụ lớn hàng ngàn năm tuổi, tiêu biểu là quần thể cây Sa mu dầu có đường kính 3,4 - 5,4m mà theo các nhà chuyên môn đánh giá hiếm có nơi nào ở Châu Á có được; hoặc rừng Săng Lẻ ở Tam Đình (Tương Dương)... Hệ động thực vật phong phú, đa dạng là nguồn tài nguyên chính để phát triển du lịch sinh thái ở Khu DTSQ Tây Nghệ An. Bên cạnh đó,  vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát cũng là nơi sinh sống của các dân tộc Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú... và tộc người Đan Lai với nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc, độc đáo; có nhiều di tích lịch sử quan trọng (thành Trà Lân, bia Ma Nhai...). Những yếu tố này là cơ sở giá trị cho việc phát triển loại hình du lịch sinh thái. Đây cũng là một điểm quan trọng để liên kết với các điểm du lịch khác trong toàn tỉnh từ Cửa Lò đến quê Bác Nam Đàn, Đảo chè Thanh Chương, Cánh đồng hoa Hướng dương TH Truemilk cùng rất nhiều địa điểm hấp dẫn của miền Tây Bắc và Tây Nam Nghệ An...

Một đoạn trên sông Giăng

Du lịch trên Sông Giăng hoặc thăm cầu treo Thành Nam; Thăm Hoi (Hang ôc); đỉnh Pơ Mu, đỉnh Pù Mát hay cây Sa mu dầu lớn nhất Việt Nam... đâu cũng mang đến cho du khách sự trải nghiệm thú vị, cuốn hút. Vườn quốc gia Pù Mát còn có nhiều điểm di tích lịch sử - văn hoá khác như: Di tích thành Trà Lân, Bia Ma Nhai; Cây đa cồn Chùa (huyện Con Cuông); Đn Vạn (huyện Tương Dương), Đn Cửa Lũy, Đn thờ Lý Nhật Quang, Nghĩa trang quốc tế Việt Lào (huyện Anh Sơn)... có thể khai thác thành các điểm tham quan, du lịch và kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn để tạo thành các tour, tuyến du lịch đa dạng và độc đáo về loại hình.

Thế mạnh nổi trội cần được phát huy mạnh mẽ

Tiềm năng để phát triển du lịch ở Khu DTSQ Tây Nghệ An là rất lớn và đa dạng. Nếu được khai thác tốt, được đầu tư một cách tích cực và bài bản hơn nữa, chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích có tính lâu dài cho vùng đất kỳ thú này nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.  Điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện và thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư các giải pháp đã có để trong thời gian ngắn tạo ra được những hiệu quả rõ rệt và thực chất hơn trong phát triển, để thật nhiều du khách đến với Khu DTSQ miền Tây Nghệ An. Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch phát triển du lịch trên toàn địa bàn; Đẩy mạnh và làm phong phú hơn các hoạt động Du lịch cộng đồng ở các điểm đến: Bản Khe Rạn (huyện Con Cuông), bản Nưa, bản Xiềng (huyện Con Cuông); bản Hoa Tiến (huyện Quỳ Châu)…; có sự  kết nối với các điểm du lịch nội vùng, nội tỉnh. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng và tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, đa dạng, hấp dẫn du khách; Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mạnh hơn nữa để phục vụ dân sinh và du lịch; đi đôi với thực hiện xã hội hóa đầu tư cho du lịch cộng đồng trên cơ sở kêu gọi vốn đầu tư của các doanh nghiệp, thực hiện lồng ghép các chính sách xóa đói, giảm nghèo trong phát triển du lịch cộng đồng; đặc biệt coi trọng là nâng cao giá trị văn hóa cộng đồng thông qua việc bảo tồn, tôn tạo tài nguyên nhân văn, bản sắc văn hóa bảo đảm tính bền vững của việc phát triển du lịch, và công tác tuyên truyền, quảng bá về Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, cần được đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa. Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, với những gì có được, đang đứng trước cơ hội và tương lai phát triển sâu rộng hơn nhiều.