29/03/2024 lúc 07:57 (GMT+7)
Breaking News

Không chịu đăng ký kinh doanh, các làng gỗ chật vật hội nhập

VNHN - Việt Nam có khoảng trên 300 làng nghề gỗ đang hoạt động với hàng chục nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động. Trong năm 2018 khi các hiệp định thương mại về gỗ có hiệu lực sẽ tác động rất lớn đến nhóm đối tượng này.

VNHN - Việt Nam có khoảng trên 300 làng nghề gỗ đang hoạt động với hàng chục nghìn hộ gia đình và hàng trăm nghìn lao động. Trong năm 2018 khi các hiệp định thương mại về gỗ có hiệu lực sẽ tác động rất lớn đến nhóm đối tượng này.

 

Ngày 19/1, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp cùng tổ chức Forest Trends tổ chức hội thảo Làng nghề gỗ trong bối cảnh hội nhập: Thực trạng và lựa chọn về chính sách để phát triển bền vững.

Nguồn gốc gỗ tại các làng nghề cần được đảm bảo tính hợp pháp

Hội thảo này được tổ chức dựa trên khảo sát thực địa tại 5 làng nghề gỗ lớn (Đồng Kỵ, La Xuyên, Vạn Điểm, Hữu Bằng và Liên Hà) vùng đồng bằng sông Hồng. Theo nghiên cứu của Forest Trends thì có đến  gần 75% số cơ sở tại các làng nghề này chưa đăng ký kinh doanh. Điều này rất khó khăn cho việc hội nhập quốc tế sắp tới.

Các làng nghề gỗ này điển hình cho các làng có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ quý nhập khẩu, có rủi ro cao về tính pháp lý để sản xuất đồ gỗ có giá trị cao, phục vụ nhóm khách hàng khá giả tại thị trường nội địa (La Xuyên, Vạn Điểm, Đồng Kỵ) và xuất khẩu (Đồng Kỵ). 

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong những năm vừa qua đã có những tín hiệu rõ ràng thể hiện sự dịch chuyển trong việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu trong các làng nghề gỗ theo hướng thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những dịch chuyển tích cực là những rủi ro và khó khăn to lớn mà các hộ trong làng nghề đang phải đối mặt. Như việc giao dịch giữa các hộ trong làng (bao gồm giao dịch giữa hộ kinh doanh gỗ nguyên liệu và hộ sản xuất chế biến đồ gỗ), giữa các hộ sản xuất và người mua đồ gỗ sau chế biến là các giao dịch miệng và hầu như không có bất cứ bằng chứng pháp lý nào minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm sau chế biến.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), xu thế chung của toàn thế giới là truy xuất được nguồn gốc. Nhờ các đàm phán về lâm nghiệp nên chúng ta chưa có "thẻ vàng" như hải sản. Khi đàm phán luôn đặt lợi ích của DN, hộ gia đình và những người sản xuất lâm nghiệp lên hàng đầu trong việc thực hiện các cam kết với EU.

Tuy nhiên, theo ông Hà, còn nhiều hộ sản xuất ở các làng nghề chưa đăng ký kinh doanh. Do vậy, để đảm bảo nguồn gốc gỗ hơp pháp, sau này cần kiểm soát theo đối tượng kinh doanh, chế biến, vận chuyển, bán sản phẩm.

Còn theo ông Võ Đình Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế ngành, Văn phòng Chính phủ, năm 2018, Việt Nam sẽ phải hoàn thiện cơ chế chính sách sửa đổi của Luật Lâm nghiệp. Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện 4 Nghị định liên quan tới vấn đề này.

Khi các dự thảo được đưa lên mạng, đề nghị các làng nghề tham gia góp ý, vì đây là các đối tượng bị tác động trực tiếp của các Nghị định này.

Còn về việc thực hiện các điều khoản trong Hiệp định thương mại về xuất khẩu lâm sản với EU, ông Tuyên cho rằng, hiện tại, các hộ kinh doanh ở các làng nghề chưa đăng ký kinh doanh khoảng 75% thì phải làm sao đăng ký cho hợp pháp.

Các làng nghề cần bỏ quan niệm xuất khẩu gỗ mới cần minh bạch và cần hướng tới minh bạch với chính thị trường trong nước.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cần các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ nhằm tạo động lực cho các hộ tự nguyện tham gia chuyển đổi sang hình thức kinh doanh có đăng ký chính thức, điều này đòi hỏi  những sự giúp đỡ từ các tổ chức phát triển, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là nỗ lực của chính bản thân các hộ./.

Theo Văn Phòng Chính Phủ