23/04/2024 lúc 21:52 (GMT+7)
Breaking News

Khơi nguồn lực đầu tư phát triển bền vững Đồng bằng sông cửu long

ĐBSCL là vùng đất rộng lớn, giữ vai trò an ninh lương thực quốc gia, nhưng để phát triển bền vững và đột phá, ĐBSCL cần thêm nguồn lực đầu tư và sự đột phá về tư duy. Sau nhiều năm Đảng và Nhà nước ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để phát huy tiềm năng và lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Mới đây, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các

ĐBSCL là vùng đất rộng lớn, giữ vai trò an ninh lương thực quốc gia, nhưng để phát triển bền vững và đột phá, ĐBSCL cần thêm nguồn lực đầu tư và sự đột phá về tư duy. Sau nhiều năm Đảng và Nhà nước ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để phát huy tiềm năng và lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Mới đây, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự.

Theo nghị quyết 120/NQ-CP nhận định ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công. Sau những năm áp dụng chủ trương, chính sách để phát triển tiềm năng và lợi thế của khu vực này, ĐBSCL đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện; đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn quả hàng đầu của cả nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể phục vụ phát triển đất nước.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, đặc biệt là xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào nội vùng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển, nhiều diện tích rừng tự nhiên, nhất là rừng ngập mặn, rừng tràm, rừng phòng hộ bị chặt phá, chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác hoặc bị suy thoái nặng nề. Bên cạnh đó, việc khai thác bùn cát quá mức, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông, kênh, rạch làm gia tăng nguy cơ sạt lở. Thực tế đó đòi hỏi có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức tại Cần Thơ vào năm 2017. (Ảnh: Internet)

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia cho rằng, việc tập trung nguồn đầu tư phát triển hạ tầng phải đi trước một bước, nhằm tạo nền tảng cho vùng tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng.

Nhận định tình hình khu vực ĐBSCL, từ năm 2010 đến nay, ĐBSCL đã và đang phải đối mặt với tác động ngày càng gia tăng do BĐKH cực đoan, khó lường. Tình trạng sụt lún đất, xói lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến sự phát triển của toàn vùng… Vì vậy, ĐBSCL đang cần nguồn lực đầu tư từ Trung ương cho các công trình, dự án nhằm tăng khả năng chống chịu và thích ứng của vùng. Thực hiện nhất quán quan điểm phát triển ĐBSCL theo định hướng của Chính phủ, là: Tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng, “thuận thiên”; phát triển bền vững theo hướng sống chung với hạn, mặn, lũ…

Giai đoạn 2021-2025, dù nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho ĐBSCL có tăng so với giai đoạn trước, nhưng nhiều nhận định cho rằng nguồn lực này vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, kiến nghị: “Chính phủ chấp thuận thực hiện theo phương thức cấp phát với khoản vay 2 tỉ USD tăng thêm cho ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 để các địa phương hoàn thành các chương trình, dự án với cơ chế tài chính cấp phát vốn vay nước ngoài theo tỷ lệ phù hợp” khi tỉnh Cà Mau là một trong số các địa phương chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, đối mặt với thiếu nước ngọt cho sản xuất vào mùa khô, sạt lở đê biển Tây nghiêm trọng...cùng với tình trạng dịch chuyển lao động cũng là thách thức lớn của tỉnh, tỉnh chưa có nhiều việc làm chất lượng và thu nhập tốt; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, nhất là hạ tầng logictics, thu hút nguồn lực đầu tư vào tỉnh còn nhiều khó khăn...Tỉnh kỳ vọng có thêm nguồn lực đầu tư.

ĐBSCL là kho lương thực của cả nước có tiềm năng thu hút nguồn đầu tư lớn.
(Ảnh: Internet)

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP đến nay, việc ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh được thực hiện đồng bộ, tập trung hơn, mang lại nhiều kết quả tích cực. Các giải pháp tổng thể về quy hoạch, tổ chức không gian, cơ cấu kinh tế, liên kết vùng và huy động nguồn lực phát triển cho toàn bộ khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng đã được tổ chức thực hiện một cách đồng bộ, mang tính chiến lược. Nhưng thực tế, doanh nghiệp và người dân đều gặp khó khăn để chuyển đổi sang quy mô sản xuất lớn hơn, do hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong khi nguồn ngân sách đầu tư công còn khó khăn, khó thu hút các nguồn đầu tư từ tư nhân trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Vì vậy, Trung ương cần có cơ chế, chính sách tài chính cụ thể hơn cho ĐBSCL. Theo đó, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng nêu lên quan điểm: Về nguồn lực, Nghị quyết số 120 ra đời trong bối cảnh Chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được thông qua; nên thực tế các dự án trọng điểm, liên kết vùng đều gặp vướng mắc về nguồn vốn triển khai. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả chưa đạt được như mong muốn. Chính phủ đang xây dựng Chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, do đó, kiến nghị Chính phủ ưu tiên hơn đến ĐBSCL. Để thực hiện được mục tiêu của Nghị quyết 120/NQ-CP, các địa phương phải tận dụng các nguồn lực khác nhau, kể cả ngoài NSNN. Nguồn lực và cũng là lợi thế so sánh lớn nhất của các địa phương chính là đất đai, nhưng hiện nay rất khó phát huy do bị vướng về cơ chế. Do đó, kiến nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi lại quy định quản lý đất trồng lúa theo hướng linh hoạt hơn, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa tạo nguồn lực cho các địa phương phát triển kinh tế.

Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu và đưa ra những hướng giải quyết phù hợp để khơi nguồn đầu tư phát triển bền vững ĐBSCL trong thời kì mới.