29/03/2024 lúc 06:12 (GMT+7)
Breaking News

Khoa học như là lẽ sống

VNHN - Nếu ai đã từng gặp PGS.TS Cao Đình Triều - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký (2005-2016) Hội Khoa học và Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng hẳn sẽ có nhiều ấn tượng tốt đẹp trước thái độ niềm nở và nhiệt tình của ông trong mọi công việc. Sự tự nhiên, chân thành toát ra từ nét mặt, cử chỉ dường như được khởi phát từ tâm niệm luôn đề cao tình người trong cuộc sống của ông.

VNHN - Nếu ai đã từng gặp PGS.TS Cao Đình Triều - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký (2005-2016) Hội Khoa học và Kỹ thuật Địa Vật lý Việt Nam, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng hẳn sẽ có nhiều ấn tượng tốt đẹp trước thái độ niềm nở và nhiệt tình của ông trong mọi công việc. Sự tự nhiên, chân thành toát ra từ nét mặt, cử chỉ dường như được khởi phát từ tâm niệm luôn đề cao tình người trong cuộc sống của ông.

PGS.TS Cao Đình Triều

Trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ông luôn dành nhiều thời gian và công sức để chủ động trong việc tích lũy, miệt mài nghiên cứu và đồng thời luôn dành một tình yêu chân thành, sẻ chia kiến thức cho các thế hệ sinh viên, học viên và đồng nghiệp. Đọc và tìm hiểu sâu về ông càng làm cho tôi khâm phục tài năng đức độ ở ông, một nhà giáo, nhà nghiên cứu tràn đầy nhiệt huyết. Ông có gương mặt phúc hậu hiền hòa cùng giọng nói ấm khiến cho người đối diện cảm thấy thật sự gần gũi và thoải mái khi tiếp xúc với ông. Trải qua hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, PGS.TS Cao Đình Triều đã thực hiện rất nhiều đề tài, dự án nghiên cứu cơ bản và phát triển do Nhà nước tài trợ và hợp tác quốc tế, có hơn 160 công trình khoa học công bố trong nước và quốc tế.

PGS.TS Cao Đình Triều sinh năm 1949 tại xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp phổ thông ông được cử đi học tại trường Đại học Dầu khí và Hóa học Bacu (Liên Xô) năm 1968. Những năm tháng học tập tại nước ngoài ông đã tranh thủ thời gian học tập, nghiên cứu mọi lúc mọi nơi từ giảng đường đến phòng thí nghiệm để nghiên cứu những phương pháp mới có tính chất hữu dụng. Những điều đó đã hình thành nên tính cách chuyên nghiệp, chuyên sâu và nghiêm túc của một nhà khoa học thực thụ.

PGS.TS Cao Đình Triều (ngoài cùng bên phải) tham dự Hội thảo Khoa học tại Kyoto Nhật Bản

Năm 1974, sự xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học đã giúp ông nhận giải Nhì trong Khội nghị sáng tạo khoa học sinh viên toàn Liên Xô và trong cuộc thi tìm hiểu về Lênin (kỷ niêm 50 năm ngày mất của Lênin) ông đã giành được giải Nhất. Và cũng trong năm ấy ông tốt nghiệp loại Giỏi chuyên ngành Tìm kiếm thăm dò dầu khí, trường Đại học Dầu khí và Hóa học Bacu. Kết quả tốt nghiệp loại giỏi ông được giữ lại trường làm chuyển tiếp nghiên cứu sinh nhưng với mong muốn được đóng góp tâm sức, trí tuệ của mình để xây dựng quê hương nên ông về nước và công tác tại Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam từ đó cho tới nay. Năm 1983, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ với đề tài “Cấu trúc sâu vỏ Trái đất phần phía Bắc lãnh thổ Việt Nam”. Với đề tài này ông đã giải quyết các vấn đề nghiên cứu phục vụ dự báo sinh khoáng và hoạt động động đất.

Năm 1984, sau khi thành lập Trung tâm Vật lý địa cầu, ông chuyển hướng đi sâu hơn về lĩnh vực Vật lý địa cầu. Từ năm 1997 đến năm 2010, bằng năng lực và kinh nghiệm ông nắm giữ cương vị Trưởng phòng Địa động lực. Từ năm 2011 cho đến nay ông giữ vai trò là Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng. PGS.TS Cao Đình Triều tập trung đi sâu vào các hướng nghiên cứu chính về ngành Vật lý địa cầu như: Nghiên cứu cấu trúc sâu và địa động lực vỏ trái đất; Nghiên cứu trường ứng suất và biến dạng vỏ trái đất; Nghiên cứu điều kiện phát sinh động đất lãnh thổ Việt Nam và kế cận và dự báo khu vực phát sinh động đất mạnh trên cơ sở tài liệu địa chất - địa vật lý.

Mặc dù công việc nghiên cứu thực địa rất bận rộn nhưng PGS.TS Cao Đình Triều vẫn luôn chăm lo đến công tác giáo dục, bồi dưỡng nhân tài. Ông giảng dạy và hướng dẫn nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, ông cũng đã biên soạn nhiều cuốn sách, tài liệu về đề tài cấu trúc bên trong Trái đất, địa động lực, kiến tạo, động đất, các giáo trình đại học và trên đại học.

Chia sẻ với chúng tôi, ông tâm sự: “Động lực của người làm khoa học chủ yếu là lòng đam mê trong nghiên cứu, có say mê nghiên cứu thì mới xứng đáng đứng trên bục giảng đại học. Bên cạnh đó người làm khoa học phải là người có tư duy đổi mới và tư duy sáng tạo. Sự kết hợp hai điều này sẽ giúp những ai mong muốn làm nghiên cứu khoa học thành công và cho ra nhiều sản phẩm có giá trị”.

Trong quá trình hoạt động nghiên cứu khoa học, PGS.TS Cao Đình Triều còn là người có quan hệ chặt chẽ với Viện Hàn lâm khoa học thế giới thứ ba ở Triest (Italia), Đại học Tổng hợp Triest, Đại học Mỏ Kracov (Ba Lan), Viện Hàn lâm khoa học Ucrain, Viện Hàn lâm khoa học Liêng Bang Nga,… PGS.TS Cao Đình Triều còn được biết đến là Phó Chủ tịch Hội Địa chất châu Á trong hai nhiệm kỳ liên tiếp (2004-2008 và 2008-2012). Tổng thư ký của hai Hội nghị khoa học quốc tế lớn ở Việt Nam: Hội nghị quốc tế IAGA-IASPEI 2001 về Địa từ - Cao không (IAGA) và Địa chấn - Cấu trúc bên trong Trái đất (IASPEI). Năm 2007, PGS.TS Cao Đình Triều được mời tham gia nhóm Hội đồng khoa học khu vực châu Á Thái Bình Dương về thiên tai (Hội đồng gồm 8 thanh viên do Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Malaysia làm chủ tịch), biên soạn tài liệu về định hướng nghiên cứu thảm họa và thiên tai. Các vấn đề về Lũ lụt, Trượt - Lở đất, Động đất - Sóng thần và vấn đề các đảo nhỏ trong điều kiện biến đổi khí hậu được đặc biệt quan tâm. PGS.TS Cao Đình Triều và GS. Gupta (người Ấn Độ) chịu trách nhiệm về mảng động đất - sóng thần.

PGS.TS Cao Đình Triều trình bày Đề tài “Đánh giá tình hình động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 và đề xuất biện pháp giảm nhẹ thiên tai”

Kể từ khi nghỉ hưu đến nay, ông vẫn luôn miệt mài nghiên cứu. Với ông “Khoa học như là lẽ sống”, là niềm vui, niềm hạnh phúc giúp ông có thêm động lực để cống hiến. Nhiều công trình nghiên cứu đã được ông công bố sau 60 tuổi, cụ thể như: Mô hình sóng P và cấu trúc thạch quyển lãnh thổ Việt Nam và kế cận; Động đất Bắc Yên và động đất Mai Sơn ngày 26 tháng 11 năm 2009; Độ nguy hiểm động đất khu vực Tây Bắc bộ và các vùng kế cận; Luận giải về các cấu trúc dạng rìft Tây Bắc Việt Nam; Ứng suất cổ Tây Bắc Việt Nam và một số quy luật địa động lực anpi; Áp dụng phương pháp trọng lực chi tiết trong nghiện cứu quặng sát và Crômit; Một số kết quả nghiên cứu phân bố sò, điệp khu vực Nhgệ An; Ứng dụng mạng nơrol trong dự báo độ lớn (magnitude) động đất khu vực Tây Bắc; Kết quả bước đầu điều tra khảo sát cổ động đất và cổ sóng thần ven biển Nghệ Tĩnh; Thử nghiệm áp dụng mạng nơron trong dự báo động đất mạnh khu vực Tây Bắc; Một số nét cơ bản về cấu trúc Manti và thạch quyển Đông Nam Á; Đặc điểm địa động lực hiện đại vùng ven biển Việt Nam; Về khả năng sử dụng phép đo trọng lực chính xác cao trong nghiên cứu chuyển động thẳng đứng vỏ Trái đất ở Việt Nam; Phân đoạn đứt gãy trong đánh giá động đất cực đại ở Việt Nam; Khoanh vùng dự báo nguy cơ sụt lún đất thành phố Hồ Chí Minh; Một số kết quả bước đầu nghiên cứu sóng thần cổ ở vùng ven biển Nghệ An; Về khả năng áp dụng phương pháp mạng nơron nhân tạo trong dự báo trung hạn động đất; Biểu hiện hoạt động của thạch quyển ở miền Tây bắc bộ; Tiếp cận mô hình hóa trong đánh giá hiệu ứng nền khu vực thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí  Minh; Cấu trúc vận tốc của Manti và nóng chảy phần trên của manti khu vực Đông Nam Á (Tiếng Nga); Ứng dụng thuật toán Cora 3 dự báo động đất với M>=5,0 vùng Tuần Giáo và các vùng kế cận; Phân khối cấu trúc địa động lực hiện đại vùng Tuần Giáo và kế cận; Một số kết quả nghiên cứu bước đầu về động đất kích thích hồ thủy điện Sông Tranh 2; Đặc điểm phân khối địa động lực hiện đại thạch quyển và vỏ Trái đất lãnh thổ Việt Nam; Một số nét về đặc điểm địa chấn kiến tạo lưu vực Sông Cả - Rào Nậy; Triggered earthquake study in Tranh River No.2 (Vietnam) Hydropower Reservoir; Đặc điểm phân dị vỏ Trái đất bể Phú Khánh và vùng kế cận; Luận giải về mối quan hệ giữa mô hình cấu trúc vận tốc song P của manti và hoạt tính địa động lực hiện đại thạch quyển Đông Nam Á; Tốc độ biến dạng thẳng đứng vỏ Trái đất khu vực Sông Cả - Rào Nậy trong Tân kiến tạo; Phân khối cấu trúc Tân kiến tạo và Kiến tạo hiện đại khu vực Sông Cả - Rào Nậy; Xác định trạng thái cổ ứng suất và ứng suất hiện đại khu vực ven biển Bắc Trung Bộ theo phương pháp phân tích khe nứt nội lớp; Nghiên cứu cấu trúc sâu khu vực đứt gãy Sông Sài Gòn bằng phương pháp từ telua; Đánh giá độ nguy hiểm động đất lưu vực Sông Cả - Rào Nậy; Nguy hiểm nứt sụt đất và động đất khu vực thủy điện Khe Bố và Bản Vẽ; Cơ chế hình thành và các giai đoạn phát triển Biển Đông; Luận giải về mô hình vận động của manti và trường ứng suất thạch quyển Đông Nam Á trên cơ sở cấu trúc vận tốc sóng P; Đặc điểm hoạt động động đất kích thích khu vực bậc thang thủy điện Sông Đà; Chế độ địa chấn khu vực bậc thang thủy điện Sông Đà; Nghiên cứu xác định nguồn phát sinh động đất gây sóng thần trong phạm vi biển đông Việt Nam; Mô hình vận tốc sóng địa chấn (Vp, Vs, Vp/Vs) khu vực bậc thang thủy điện Sông Đà; Some preliminary results of paleo-tsunami study in the coastal region of the Nghe An province, Vietnam; Biểu hiện hoạt động động đất kích thích tại một số hồ thủy điện ở Việt Nam,…

Ngoài ra, ông còn là chủ biên và đồng chủ biên của nhiều cuốn sách như: Tai biến Động đất ở Việt Nam; Seismic Hazards in Vietnam; Tai biến động đất và sóng thần; Tai biến động đất và biện pháp phòng tránh giảm thiểu thiệt hại; Tai biến Địa chất Nghệ An và Hà Tĩnh; Địa động lực hiện đại lãnh thổ Việt Nam; Tiếp cận tất định mới trong nghiên cứu tai biến địa chấn ở Việt Nam; Vật lý Trái đất (Giáo trình); Tai biến địa chấn lưu vực Sông Cả - Rào Nậy; Kiến tạo các bể trầm tích Kainozoi vùng nước sâu thềm lục địa Việt Nam; Thạch quyển và manti Đông Nam Á; Đặc điểm địa chấn kiến tạo khu vực bậc thang thủy điện Sông Đà.

Khép lại những trang viết ngắn ngủi về chặng đường dài và những cống hiến đáng khâm phục của PGS.TS Cao Đình Triều, hình ảnh một nhà khoa học, một nhà giáo tận tâm với nghề sẽ còn lắng đọng trong tâm trí nhiều người. Bằng cả trái tim yêu nghề, tin chắc rằng ông sẽ còn nhiều đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của ngành Địa Vật lý ứng dụng tại Việt Nam.