23/04/2024 lúc 21:20 (GMT+7)
Breaking News

Khi 'ngoại giao online' thế chỗ ngoại giao truyền thống vì dịch Covid-19

VNHN - Trong nền ngoại giao thế giới, đã qua rồi những ngày tháng bắt tay, gặp gỡ song phương hay các cuộc gặp thượng đỉnh quốc tế quy tụ một nhóm các nhà lãnh đạo, quan chức ngoại giao thế giới để thảo luận về những vấn đề của thời cuộc.

VNHN - Trong nền ngoại giao thế giới, đã qua rồi những ngày tháng bắt tay, gặp gỡ song phương hay các cuộc gặp thượng đỉnh quốc tế quy tụ một nhóm các nhà lãnh đạo, quan chức ngoại giao thế giới để thảo luận về những vấn đề của thời cuộc.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt trực tuyến ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh Covid-19. (Nguồn: VGP)

Dịch bệnh Covid-19 đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới buộc phải trì hoãn tạm thời việc thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại và đặt ưu tiên cho phản ứng toàn cầu trước dịch bệnh Covid-19. Điều này đã khiến cho các hoạt động ngoại giao truyền thống bị “ngưng trệ”, cùng với đó là sự xuất hiện của hình thức đàm thoại trực tuyến nhằm tránh tiếp xúc gần - hành động từng được coi là điều không thể thiếu được trong thực thi đối ngoại.

Sự xuất hiện của nhân tố mới

Vẫn còn đó những quan ngại không nhỏ về an ninh mạng cũng như năng lực hỗ trợ các kết nối nhanh chóng, thông suốt và tin cậy của hạ tầng mạng, song một trong những thay đổi của thế giới thời kỳ hậu Covid-19 chính là việc các nhà ngoại giao toàn cầu sẽ chuyển hướng sang “ngoại giao online”, hay ngoại giao qua mạng Internet.

Sự thay đổi này đã khiến nhiều nhà ngoại giao – những người được cho là bị “tước đi” các cuộc thảo luận tay đôi, mặt đối mặt để xây dựng lòng tin cũng như mất đi cơ hội nhằm thăm dò ý định đối phương qua nhận diện giọng nói và biểu cảm khuôn mặt để từ đó tìm kiếm biên độ thỏa hiệp trong đàm phán, không mấy dễ chịu.

Tại các cuộc gặp thượng đỉnh quốc tế như Nhóm G7 hay G20, quan chức ngoại giao cấp cao – những người đại diện chính thức cho các quốc gia, thường nhóm họp thảo luận chi tiết trước khi nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ các nước bay tới quốc gia đăng cai sự kiện, nhằm tiết kiệm thời gian. Các lãnh đạo khi đó chỉ chuẩn hóa cam kết và xử lý những điểm còn bất đồng thông qua các cuộc trao đổi chính thức trong và ngoài phòng họp.

Theo Masshiro Kohara - nhà ngoại giao Nhật Bản từng công tác tại Sydney (Australia) và Thượng Hải (Trung Quốc), hiện là Giáo sư về chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại Đại học Tokyo, việc các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao không thể gặp mặt trực tiếp giữa thời điểm khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 là một bất lợi.

Giáo sư Kohara lý giải, ngoại giao online một mặt có ưu điểm khi lãnh đạo thế giới có thể gặp nhau bất cứ thời điểm nào. Nếu xuất hiện bất đồng, họ có thể cố tìm kiếm thỏa hiệp bên ngoài bối cảnh cuộc gặp, chẳng hạn qua việc dùng bữa. Tuy nhiên, điều này khó có thể thực hiện được khi tiến hành trao đổi qua mạng Internet mà không gặp nhau trực tiếp, bởi vấn đề càng phức tạp, việc xử lý qua mạng lại càng khó khăn.

Ông Kohara bình luận: “Dùng bữa cùng nhau cũng là một phần thiết yếu của hoạt động ngoại giao. Không khí tại bàn tiệc có thể ít căng thẳng hơn, những nhà lãnh đạo hay quan chức ngoại giao có thể bộc lộ rõ ý định thực chất của mình vốn trước đó không được chia sẻ trong thời gian thảo luận”. Nhờ vậy, hai bên sẽ hiểu nhau hơn, xây dựng được quan hệ và hiểu được tính cách cá nhân của nhau. Những yếu tố này biến mất trong hình thức giao tiếp qua mạng.

Trong khi đó, đại diện tại công ty tư nhân Mạng lưới Thương mại Kỹ thuật số (DTN) tại Geneva Nick Ashton Hart cho rằng, việc đạt mục tiêu tại các cuộc gặp trực tuyến cũng khó khăn hơn. Khác với hình thức gặp mặt trực tiếp – nơi người đồng cấp ngồi đối diện, việc trao đổi qua mạng dễ nảy sinh bất đồng hơn, do người dự thiếu sức ép đồng nhóm. Bên cạnh đó, những cuộc trao đổi nhanh hoặc cuộc gặp chớp nhoáng ở đại sảnh sẽ không còn.

Tương lai nào cho ngoại giao online?

An ninh và bảo mật cũng được cho là một vấn đề nảy sinh khác. Các nhà lãnh đạo, quan chức ngoại giao thường quan ngại về an ninh đường truyền Internet. Trong ngoại giao - nơi những thông tin mật, có độ nhạy cảm cao được đưa ra trao đổi, việc bảo đảm an ninh trong trao đổi qua mạng có thể sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian. Đầu tháng 5, Bộ Ngoại giao Đức đã ra thông cáo hạn chế việc sử dụng điện đàm trực tiếp qua dịch vụ Zoom, do ứng dụng này không đảm bảo các tiêu chuẩn an ninh.

Tuy nhiên, theo Toshikazu Inoue, Giáo sư về lịch sử chính sách đối ngoại Nhật Bản tại Đại học Gakushuin, sự dịch chuyển sang “ngoại giao Zoom” không hẳn là bi quan. Thành công của ngoại giao online phụ thuộc vào mức độ tin tưởng đã được thiết lập giữa các nước và giữa các nhà lãnh đạo, đặc biệt là trong thời điểm khủng hoảng khi thông tin thiếu thốn, trong khi vẫn phải đưa ra quyết định ngoại giao quan trọng. Việc không thể tổ chức các cuộc gặp mặt trực tiếp vì dịch bệnh Covid-19 đã làm nổi bật lợi ích của trao đổi qua mạng Internet.

Ông Kohara dự đoán, các nước nhiều khả năng không có lựa chọn nào khác ngoài nhanh chóng phát triển hạ tầng cần thiết để ứng dụng ngoại giao online. “Các chủng virus gây bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện sau chu kì 5 hoặc 10 năm. Xét đến việc di chuyển và các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng trong mỗi thời kỳ dịch bệnh như thế, việc tổ chức gặp trực tiếp là khó khăn. Nếu không có lựa chọn nào khoác ngoài trực tuyến, tôi nghĩ rằng ngoại giao online sẽ là một thực tế bình thường mới”, cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản bày tỏ./.