29/03/2024 lúc 08:18 (GMT+7)
Breaking News

Kết quả Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: Đồng thuận nhỏ trong bất đồng lớn

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 16/6 đã gặp nhau tại Geneva, Thụy Sỹ. Giới quan sát cho rằng, những kết quả đạt được mới đây chỉ là tia hy vọng nhỏ cho việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 16/6 đã gặp nhau tại Geneva, Thụy Sỹ. Giới quan sát cho rằng, những kết quả đạt được mới đây chỉ là tia hy vọng nhỏ cho việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sỹ ngày 16/6. (Nguồn: Sputnik)

Tia hy vọng cải thiện quan hệ

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nhất trí sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh mạng, cũng như đồng ý để các đại sứ của hai bên sẽ trở lại nhiệm vụ. Song hai bên vẫn bất đồng về một số vấn đề khác, bao gồm nhân quyền và Ukraine.

Theo nhận định của Reuters, đây là những kết quả nhỏ bé đạt được sau cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên mà cả hai đều miêu tả là mang tính thực chất hơn là thân thiện.

Truyền thông quốc tế đưa tin, cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Biden và ông Putin tại biệt thự ven hồ ở Geneva kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ, ngắn hơn so với dự kiến.

Tổng thống Mỹ nói rằng, các cuộc thảo luận diễn ra căng thẳng, chi tiết và “không cần dành thêm thời gian để thảo luận”.

Ông Putin coi người đồng cấp Mỹ là một đối tác đối thoại mang tính xây dựng và dày dạn kinh nghiệm, song nhà lãnh đạo Nga nói rằng, cuộc đối thoại không mang tính thân thiện, mà mang tính thực chất liên quan đến lợi ích của cả hai nước.

BBC News cho biết, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ khởi động đối thoại về vấn đề kiểm soát vũ khí, an ninh mạng, đồng thời nhất trí các đại sứ của hai bên sẽ trở lại nhiệm vụ. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn bất đồng về những vấn đề như nhân quyền, Ukraine và số phận của thủ lĩnh chính trị đối lập Alexei Navalny hiện đang chịu án tù giam 2,5 năm tại Nga.

Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã tổ chức họp báo riêng rẽ.

Reuters bình luận, điều này cho thấy không có gì vui vẻ sau cuộc hội đàm Biden-Putin, vốn khác xa so với cuộc gặp giữa người tiền nhiệm Donald Trump và ông Putin hồi năm 2018 tại Helsinki.

Trong khi đó, hãng tin CNN giải thích rằng, một trong những lý do mà trợ lý của ông Biden quyết định không tổ chức họp báo chung là vì không muốn sự kiện này có thể giúp nâng tầm vị thế của ông Putin nếu như nhà lãnh đạo Nga đứng bên cạnh Tổng thống Mỹ.

Ông Putin lâu nay luôn tìm kiếm sự tôn trọng và thừa nhận của phương Tây về vị thế cường quốc lớn của Nga, chứ không phải là một cường quốc khu vực.

Tại cuộc họp báo, nhà lãnh đạo Nga nói rằng, cuộc gặp mang tính xây dựng, không thù địch, song “khó có thể nói rằng” mối quan hệ Mỹ-Nga sẽ cải thiện hay không. Tuy nhiên, ông Putin vẫn hé một “chút hy vọng” về sự tin cậy lẫn nhau.

Trong khi đó, ông Biden phát biểu tại buổi họp báo: “không gì có thể thay thế cho một cuộc đối thoại trực diện”, đồng thời cho biết, ông đã nói với ông Putin rằng chương trình nghị sự của ông “không nhằm chống lại Nga” mà “vì người dân Mỹ”. Chính trị gia 78 tuổi cho rằng có “triển vọng thực sự” về cải thiện quan hệ.

Đồng thuận nhỏ trong bất đồng lớn

Vấn đề tấn công mạng và kiểm soát vũ khí chiếm phần lớn thời lượng thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo.

Về tấn công mạng, ông Biden nói với ông Putin rằng “cơ sở hạ tầng trọng yếu cần nằm ngoài các cuộc tấn công mạng”.

Trong một động thái nhằm vạch ra một lằn ranh đỏ đối với Moscow, người đứng đầu Nhà Trắng đã đưa ra danh sách 16 cơ sở hạ tầng chiến lược của Mỹ, chủ yếu là cơ sở hạ tầng cung cấp năng lượng và nước nằm ngoài mục tiêu tấn công mạng.

Đáp lại, ông chủ điện Kremlin bác bỏ những cáo buộc về trách nhiệm của Nga, nói rằng Nga cũng là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng có nguồn gốc từ Mỹ.

Theo hãng tin AFP, mặc dù bác bỏ những cáo buộc tấn công mạng, song ông Putin thừa nhận vấn đề tấn công mạng “hết sức nghiêm trọng” và nói rằng hai bên nhất trí sẽ tổ chức các cuộc tham vấn chính thức về vấn đề này.

“Chúng ta càn gạt bỏ mọi lời nói bóng gió ám chỉ, hãy đàm phán ở cấp chuyên gia và bắt tay vào việc vì lợi ích của cả Mỹ và Nga”, ông Putin nêu rõ.

Tuy nhiên, hãng tin Reuters dẫn lời giới chuyên gia bày tỏ hoài nghi về khả năng nhà lãnh đạo Nga sẽ thực hiện nghiêm túc theo lời đề nghị từ phía ông Biden.

Ông Keir Giles, chuyên gia Nga tại cơ quan nghiên cứu Chatham House nhận định, việc đối phó với mối thách thức an ninh mạng từ Nga đòi hỏi “cả một sự đột phá về tính trung thực” từ phía Nga. Ông nói: “Không có dấu hiệu nào cho thấy ông ấy (Putin) sẽ làm theo đề nghị của Biden”.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga không hề nhượng bộ về hàng loạt vấn đề, bác bỏ quan ngại của Mỹ về thủ lĩnh chính trị đối lập Navalny, về sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Moscow gần khu vực biên giới phía Đông của Ukraine, cũng như về những cáo buộc của Washington cho rằng những cá nhân không xác định của Nga phải chịu trách nhiệm đối với hàng loạt vụ tấn công mạng ở Mỹ.

Ông Putin lập luận rằng, Navalny đã coi thường luật lệ Nga và ông này đã được thông báo trước về điều gì sẽ xảy ra nếu quay trở lại Nga từ Đức. Tổng thống Nga cũng cáo buộc Kiev phá vỡ những điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn với lực lượng phiến quân thân Nga ở miền Đông Ukraine.

Mặc dù hai bên vẫn tồn tại những bất đồng lớn, song kiểm soát vũ khí là vấn đề có khả năng ghi nhận tiến triển hơn cả khi báo chí đưa tin, hai bên nhất trí khởi động đối thoại về kiểm soát vũ khí.

Tháng 2/2021, Nga và Mỹ đã nhất trí gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) thêm 5 năm.

Theo Reuters, quan hệ Mỹ-Nga ngày càng xấu đi trong những năm gần đây, nhất là sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014, can thiệp quân sự vào Syria hồi năm 2015 và những cáo buộc của Mỹ về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Mối quan hệ cá nhân giữa ông Biden và ông Putin trở nên tồi tệ hơn khi ông chủ Nhà Trắng hồi tháng 3 nhất trí với miêu tả rằng ông Putin là một “kẻ sát nhân”.

Tham số thành công khó định

BBC News cho rằng, ông Biden sẽ ghi nhận cuộc gặp với ông Putin thành công ở chỗ hai bên đã có cuộc thảo luận chi tiết về những vấn đề khó giải quyết nhất trong quan hệ song phương.

Đối với công chúng Mỹ, ông Biden muốn sử dụng cuộc gặp này để chứng minh rằng đây là chuyến công du cho thấy “Mỹ đã trở lại” chính trường quốc tế, đồng thời chứng minh rằng “ông không phải là Donald Trump”.

Khi trở về Mỹ trên chiếc Air Force One, ông Biden tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đáp trả nếu Nga không làm những gì chúng tôi mong muốn, về vấn đề an ninh mạng, nhân quyền và những vấn đề khác”.

Tuy nhiên, BBC News đặt câu hỏi: Ông Biden sẽ đáp trả như thế nào? Câu trả lời vẫn còn khá mơ hồ. Vì vậy, nhiều khả năng ông Putin sẽ thử thách những giới hạn của ông Biden, và khi đó, ông Biden sẽ phải quyết định Mỹ sẽ đáp trả Nga như thế nào.