19/04/2024 lúc 08:28 (GMT+7)
Breaking News

Kết nối giá trị Việt Nam

VNHN - Xây dựng hệ giá trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển văn hóa, hoàn thiện con người Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn mới. Ðây cũng là vấn đề từ lâu được các nghị quyết của Ðảng, các công trình nghiên cứu đề cập và từng bước hoàn thiện.

VNHN - Xây dựng hệ giá trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển văn hóa, hoàn thiện con người Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn mới. Ðây cũng là vấn đề từ lâu được các nghị quyết của Ðảng, các công trình nghiên cứu đề cập và từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xác lập giá trị Việt Nam và vận dụng giá trị đó vào cuộc sống để có tác dụng định hướng nhận thức, hành động của xã hội đang đặt ra bài toán khó.

Thời gian qua, trên nhiều diễn đàn, từ internet, cho đến các hội thảo, hội nghị, các cuộc thảo luận thường đề cập những câu chuyện "nóng" như sự tha hóa, biến chất, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ những người quyền cao chức trọng; sự hợm hĩnh coi trời bằng vung của những kẻ lắm tiền nhiều của; nạn bạo hành, xâm hại trẻ em; việc bán chác, mua điểm, nâng điểm; việc suy tôn những thần tượng ảo trên mạng xã hội cũng như trong cuộc sống; việc người trẻ lười lao động, ăn chơi hưởng thụ, vô cảm… Bởi vậy, không ít người cảnh báo nguy cơ diễn ra "tỷ lệ nghịch", trong khi kinh tế phát triển thì đạo đức xã hội lại ngày một xuống cấp, các giá trị truyền thống tốt đẹp bị mai một (!?).

Dĩ nhiên, những lo lắng như vậy là có cơ sở. Nhưng nhìn rộng ra, không hề thiếu điểm tựa niềm tin cho mỗi chúng ta. Vẫn có những người giữ trọng trách lớn ngày đêm lo cho dân, lo cho nước, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Có những câu chuyện về người thầy khuyết tật hằng ngày giảng dạy cho trò nghèo; chuyện về những bác sĩ giỏi nghề khám, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân, cho người có công, cho các gia đình chính sách; chuyện về những doanh nghiệp tích cực làm từ thiện, chuyện về những học sinh tham gia phong trào "nuôi lợn đất giúp bạn nghèo vượt khó", chuyện về đội ứng cứu nhanh tai nạn giao thông, trong đó, thanh niên đóng vai trò nòng cốt được thành lập tại nhiều địa phương, chuyện về các tầng lớp nhân dân gồm thanh niên, học sinh, trí thức, người cao tuổi… hiến máu cứu người; rồi hình ảnh tình nguyện viên áo xanh tiếp sức, hỗ trợ người dân vùng thiên tai, bão lũ, vùng sâu, vùng xa vượt khó… Ðặc biệt, khi đất nước đứng trước thử thách lớn hoặc sự kiện trọng đại thì mỗi người Việt Nam sẵn sàng xích lại gần nhau, đồng lòng, chung tay, chia sẻ, gánh vác việc lớn. Ðiều này đã được kiểm nghiệm từ lịch sử cho đến hôm nay.

Ðề cập giá trị Việt Nam được vun đắp trong chiều dài lịch sử, giới khoa học đưa ra nhiều gợi ý, nhưng tựu trung lại gồm các yếu tố: tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; lòng nhân ái, khoan dung; trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống… Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, nước ta đang hội nhập sâu rộng, cần bổ sung những giá trị, như: pháp trị, dân chủ, khoa học, chuyên nghiệp…

Một đất nước hùng cường, một xã hội thịnh vượng phải có được hệ giá trị chung làm động lực phát triển. Ðể tạo dựng nên giá trị chung, cần sự kết nối giữa lịch sử và hiện tại, bởi có trân trọng quá khứ mới hướng tới tương lai tốt đẹp. Và trách nhiệm phát huy giá trị truyền thống, kết nối giá trị truyền thống với giá trị mới, hình thành môi trường để vận dụng giá trị chung ấy không chỉ đặt lên vai một số ít người, nhóm người mà là của mỗi con người, mỗi cá nhân trong xã hội.