29/03/2024 lúc 22:35 (GMT+7)
Breaking News

Internet Việt Nam phát triển bứt phá

VNHN - Tỷ lệ chuyển đổi toàn bộ mạng internet sang IPv6 (phiên bản địa chỉ và giao thức internet thế hệ mới) tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, từ dưới 1% trong năm 2016 lên 39,41% (tháng 7-2019), xếp thứ 5 thế giới.

VNHN - Tỷ lệ chuyển đổi toàn bộ mạng internet sang IPv6 (phiên bản địa chỉ và giao thức internet thế hệ mới) tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, từ dưới 1% trong năm 2016 lên 39,41% (tháng 7-2019), xếp thứ 5 thế giới.

Đây là kết quả nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), tạo cơ hội để thu hút các doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào Việt Nam. Phóng viên đã trao đổi với ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC-Bộ Thông tin và Truyền thông), đơn vị Thường trực Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, về tình hình triển khai IPv6 tại Việt Nam.

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết sự cần thiết của việc triển khai IPv6 và tình hình triển khai IPv6 ở nước ta hiện nay?

Ông Nguyễn Hồng Thắng: Địa chỉ IP là địa chỉ định danh tất cả thiết bị kết nối internet. Với 32 bit chiều dài, không gian IPv4 gồm khoảng 4 tỷ địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu. Trong khi đó, địa chỉ IPv6 có chiều dài 128 bit, cung cấp một lượng địa chỉ khổng lồ cho hoạt động internet. Việc chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam gắn liền với công cuộc chuyển đổi số, thay thế nguồn IPv4 đã cạn kiệt, bảo đảm tài nguyên internet quốc gia sẵn sàng đáp ứng yêu cầu CNTT phục vụ Chính phủ điện tử, kết nối internet vạn vật... Hiện nay, chúng ta đang dùng mạng internet thế hệ mới song song với mạng thế hệ cũ IPv4, dự kiến đến năm 2025, mạng internet Việt Nam hoàn toàn chuyển sang IPv6.

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin mạng châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam hiện xếp thứ nhất Đông Nam Á, thứ hai châu Á và thứ 5 thế giới về tỷ lệ ứng dụng IPv6. IPv6 đã tiếp cận 20 triệu người dùng Việt Nam. Việc chuyển đổi internet sang IPv6 cho các nhà cung cấp dịch vụ internet như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)… đã thành công. Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ nội dung như Cloud (điện toán đám mây), IDC (trung tâm dữ liệu internet), Hosting (lưu trữ dữ liệu online) đã triển khai IPv6.

Tuy nhiên, mức độ ứng dụng triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các doanh nghiệp nội dung số và khối cơ quan nhà nước vẫn còn thấp. Tại Việt Nam, hơn 6.000 website tên miền .vn đã sử dụng IPv6, nhưng tỷ lệ này còn nhỏ so với gần 500.000 website sử dụng tên miền .vn này. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường là hai bộ đi đầu trong việc chuyển đổi IPv6. Những cơ quan nhà nước tại các địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương… đã chuyển đổi sang IPv6 cho hệ thống CNTT, còn lại các địa phương khác sẽ chuyển đổi trong thời gian tới.

PV: Kết quả xếp hạng khá cao trên thế giới về chuyển đổi IPv6 tác động thế nào đến việc các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Thắng: Việc triển khai tốt IPv6 là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang bắt kịp xu thế phát triển toàn cầu, sẵn sàng chuyển mình vươn lên trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet cao trên thế giới. Khi doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, điều đầu tiên họ quan tâm là hạ tầng internet, tiếp theo là hạ tầng giao thông và thể chế chính sách. Do vậy, khi Việt Nam có hạ tầng internet tốt, tốc độ truy cập internet ổn định và chi phí hợp lý là nền tảng thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn Việt Nam là điểm đến.

PV: Vì sao tỷ lệ chuyển đổi mạng internet sang IPv6 đối với cơ quan nhà nước còn thấp, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Thắng: Đối với khối cơ quan nhà nước có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp thông qua internet, như: Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công trực tuyến..., các hệ thống này do doanh nghiệp CNTT cung cấp hoặc thuê dịch vụ trên nền tảng Cloud, IDC. Thời gian qua, quá trình chuyển đổi IPv6 tập trung vào chuyển đổi hạ tầng kết nối và chuyển đổi cho các nhà cung cấp dịch vụ internet, các doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu. Những doanh nghiệp này sau khi chuyển đổi thành công sẽ phục vụ cơ quan nhà nước và xã hội.

Ngoài ra, tỷ lệ cơ quan nhà nước chuyển đổi sang IPv6 còn thấp vào thời điểm này là do cơ quan nhà nước mới bắt đầu chuyển đổi. Nếu chúng ta tiến hành chuyển đổi sớm, hạ tầng chưa sẵn sàng dẫn đến bài toán lãng phí, không hiệu quả. Hơn nữa, khi cơ quan nhà nước chuyển đổi sang sử dụng IPv6 cần thời gian đào tạo nguồn nhân lực. Liên quan tới vấn đề này, VNNIC đã đào tạo đội ngũ cán bộ của trung tâm CNTT các bộ, ngành, sở thông tin và truyền thông các địa phương.

PV: Việt Nam đang ở năm cuối của lộ trình hành động quốc gia IPv6. Ông cho biết VNNIC sẽ có những hoạt động gì để tỷ lệ IPv6 được triển khai cao hơn?

Ông Nguyễn Hồng Thắng: Mục tiêu của Việt Nam là chuyển đổi hoàn toàn mạng internet cả nước sang IPv6. Tính đến thời điểm này, quá trình chuyển đổi được hơn 39%. VNNIC có nhiệm vụ thúc đẩy IPv6 phát triển, do đó, khi tỷ lệ IPv6 phát triển vượt ngưỡng 30%, thị trường sẽ tự điều tiết theo quy luật cung cầu và xu thế phát triển của công nghệ. Khối cung cấp dịch vụ internet và lưu trữ dữ liệu đã sẵn sàng và chủ động phát triển. Hai nhóm còn lại là doanh nghiệp cung cấp nội dung số và khối cơ quan nhà nước cần thúc đẩy trong thời gian tới. Trong đó, nhóm cơ quan nhà nước cần chuyển đổi một cách bài bản và cần nhiều thời gian hơn vì mạng cơ quan nhà nước rất lớn, chưa kể bao gồm mạng công khai và mạng nội bộ. Từ năm 2019, VNNIC có một chương trình riêng dành cho cơ quan nhà nước là “IPv6 for gov”. Nội dung chương trình bao gồm tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức, tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực và tư vấn phương án chuyển đổi cũng như hỗ trợ chuyển đổi; đồng thời xây dựng chính sách bổ sung tạo điều kiện cho việc chuyển đổi IPv6 diễn ra thuận tiện nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.