23/04/2024 lúc 22:20 (GMT+7)
Breaking News

Huyền thoại dưới chân núi Pú Gia Lan

Theo Quốc lộ 279 từ Tân An vào Văn Bàn, ngay khi lên tới đỉnh dốc Cổng trời ta đã thấy đỉnh núi hùng vĩ Pú Gia Lan hiện ra. Đỉnh núi có hình hai người một già một trẻ ôm nhau ngóng nhìn xuống những thung lũng đẹp thơ mộng, trù phú và những ngọn núi xa mờ vốn mang một truyền thuyết về vùng đất từng gánh chịu nhiều tai ương, giặc dã.

Theo Quốc lộ 279 từ Tân An vào Văn Bàn, ngay khi lên tới đỉnh dốc Cổng trời ta đã thấy đỉnh núi hùng vĩ Pú Gia Lan hiện ra. Đỉnh núi có hình hai người một già một trẻ ôm nhau ngóng nhìn xuống những thung lũng đẹp thơ mộng, trù phú và những ngọn núi xa mờ vốn mang một truyền thuyết về vùng đất từng gánh chịu nhiều tai ương, giặc dã.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa giặc phương Bắc xâm lược đất nước ta, tất cả trai tráng của vùng Thát Luông, Thát Nọi (vùng đất trù mật đông đúc ngày nay gồm mấy xã dưới chân núi và thị trấn Khánh Yên ngày nay) đều nghe lời kêu gọi của triều đình, lên đường đánh giặc. Thát Luông chỉ còn người già và trẻ nhỏ nên chuyển hết sang Thát Nọi để sống tập trung, nương tựa vào nhau, lúc đó có hai bà bế cháu lên núi ngóng trông tin thắng trận, mỏi mắt chờ trông mà chưa thấy người về, họ đứng mãi, cuối cùng hoá đá.

Đỉnh núi hùng vĩ Pú Gia Lan (Văn Bàn).

Truyền thuyết là vậy, còn trên thực tế, Văn Bàn không chỉ là địa danh đã từng ghi dấu những chiến công lịch sử chống giặc ngoại xâm, trong đó có cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp mà còn là một huyện miền núi của Lào Cai những cánh đồng ruộng xanh mướt, những rừng tre, rừng trúc và một phần rừng quốc gia Hoàng Liên với hệ động thực vật phong phú, đa dạng.

Với diện tích 1.435 km², dân số gần 90 nghìn người, gồm 11 dân tộc anh em sinh sống, Văn Bàn có hệ thống sông ngòi khá dày, dòng sông Hồng đỏ rực phù sa và các suối chính như: Ngòi Nhù, Nậm Tha, Ngòi Chàn mang trong mình trữ lượng nước lớn, phong phú, nguồn nước treo cao dễ khai thác sử dụng. Đặc biệt ở Văn Bàn rừng chiếm trên 57% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, ước tính có khoảng 12 triệu m³ gỗ với cây tre, nứa, vầu các loại, trong đó có Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên phong phú cả về thực vật lẫn động vật. Không chỉ có thế, Văn Bàn còn có rất nhiều tiềm năm khoáng sản như Fenspat ở Thị trấn Khánh Yên, xã Làng Giàng; sắt ở xã Sơn Thủy, xã Võ Lao, Thẩm Dương; vàng ở xã Minh Lương, Thẩm Dương…

Là một huyện có truyền thống xây dựng và bảo vệ đất nước, hệ thống giao thông khá thuận lợi, giàu trữ lượng khoáng sản, giàu tài nguyên nước… song Văn Bàn vẫn là một huyện miền núi có địa hình đồi núi phức tạp, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, chịu nhiều tác động khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu, trước khi tỉnh khi triển khai xây dựng Nông thôn mới năm 2010, xã có 22 xã thì có tới 19 xã thuộc xã đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới các xã quá thấp.

Thấy rõ những khó khăn, thuận lợi của huyện, hơn 70 năm sau ngày giải phóng, Đảng bộ huyện Văn Bàn đã lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt công tác thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.

Thị trấn Khánh Yên, huyện Văn Bàn.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp, giúp đỡ của các Sở, Ban, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, các ngành, các cấp từ huyện đến cơ sở, đã tập trung triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt những thành tựu rõ nét. Sau 10 năm thực hiện, đến nay, chương trình đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện, nổi bật, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 37,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 ước còn  15,45%; Kết cấu hạ tầng nông thôn có những bước phát triển rõ rệt, nhất là hệ thống đường giao thông, thủy lợi, cấp điện, trường học, trạm y tế, chợ, các công trình xử lý môi trường. 100% các xã đã đạt chuẩn về tiêu chí quy hoạch nông thôn mới; 100% các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% các thôn bản có đường xe máy, ô tô đến trung tâm các thôn bản; 100% các xã có trạm y tế đảm báo đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh nhân dân toàn huyện…; Xây dựng mới 74 công trình thủy lợi, đáp ứng trên 90% nhu cầu tưới tiêu trên các cánh đồng, 53 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh năm 2010 là 72,3% lên 94% năm 2019… Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Lào Cai chung sức xây dựng nông thôn mới” và công tác huy động nguồn lực trong 10 năm toàn huyện đã huy động được một nghìn tỷ đồng tiền xã hội hóa từ nhân dân, trên gần ba nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Trên địa bàn huyện triển khai hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế tăng thu nhập cho nhân dân hiệu quả như: Cánh đồng một giống, lúa chất lượng cao, phát triển cây ăn quả có múi, sản xuất tăng vụ đông, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt nhờ vào việc đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ từ huyện đến xã những năm qua đã có nhiều Tập đoàn, công ty lớn triển khai liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nhân dân như: Cây Gai Xanh, Gạo nếp Thẩm Dương, Cây Khoai Tây, Chanh Leo…. Qua quá trình 10 năm phấn đấu 11 trên tổng số 21 xã  trong huyện  đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Những kết quả đạt được của Văn Bàn trong những năm qua là rất quan trọng, diện mạo mới nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng cải thiện và nâng cao. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh chính trị  được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo, hệ thống tổ chức chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy...

Trên nền tảng đã đạt được, những năm tới đây Văn Bàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân nâng cao tính tự giác, chủ động sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới. Huy động các nguồn lực xã hội và cân đối đủ nguồn lực,  quyết tâm đưa Văn Bàn thành một huyện mạnh của tỉnh Lào Cai./.