19/04/2024 lúc 22:43 (GMT+7)
Breaking News

Hướng đi nào giúp cho Quan họ Bắc Ninh có thể hội nhập cùng văn hóa thế giới

VNHN – Nếu như Hải Dương có vải thiều, Hải Phòng có bánh đa cua thì dân ca Quan họ Bắc Ninh là một loại hình dân ca nổi tiếng của Việt Nam, là niềm tự hào của người dân vùng Kinh Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.

VNHN – Nếu như Hải Dương có vải thiều, Hải Phòng có bánh đa cua thì dân ca quan họ Bắc Ninh là một loại hình dân ca nổi tiếng của Việt Nam, là niềm tự hào của người dân vùng Kinh Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung.

Lịch sử và văn hóa dân tộc được gói gọn trong những câu ca, làn điệu quan họ

Hàng nghìn năm, trong lịch sử chống ngoại xâm, vùng đất và con người Kinh Bắc được lịch sử cả nước giao cho trọng trách là "đất phên dậu phía Bắc của Thăng Long", với một thế đứng "Trước mắt kẻ thù mạnh, hung hãn, luôn mang dã tâm xâm lược; đằng sau là kinh đô - danh dự thiêng liêng của đất nước - buộc phải giữ gìn, bảo vệ".

Chính thế đứng và trọng trách lịch sử ấy đã hun đúc nên phẩm chất anh hùng, mưu lược, quyết chiến thắng của người dân Bắc Ninh giúp họ viết nên những trang sử vàng chói lọi về lịch sử chống ngoại xâm như chiến thắng Như Nguyệt - thế kỷ XI; những Nội Bàng, Bình Than, Vạn Kiếp, chống quan Nguyên Mông, thế kỷ XIII; chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang quyết định kết thúc thắng lợi 10 năm kháng chiến chống quân Minh, thế kỷ XV. Truyền thống ấy, trong các cuộc kháng chiến chống Pháp sau này đã đươc phát huy với những địa danh nổi tiếng Yên Thế, Ðình Bảng.

Gian khổ nhiều, mất mát, hy sinh nhiều cho sự sống còn của quê hương, đất nước suốt chiều dài lịch sử, nên, con người ở quê hương này còn được lịch sử hun đúc phẩm chất, tình cảm yêu thương sự sống, yêu thương con người, một phẩm chất cơ bản của người anh hùng và người nghệ sĩ. Chính những phẩm chất, tình cảm cao quý này sẽ chi phối mọi sáng tạo của người dân Kinh Bắc trong mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, trong đó có quan họ.

Hình ảnh quan họ cổ thời xưa.

Về lịch sử phát triển văn hoá, Kinh Bắc cũng là một vùng có những đặc điểm tương đối riêng và nổi bật. Khảo cổ học đã chứng minh vùng Kinh Bắc có sự tụ cư lần lượt của nhiều luồng cư dân từ lâu đời, trong đó yếu tố văn hoá Việt cổ giữ vai trò chủ thể. Tiến trình phát triển văn hoá bản địa trên đất này không diễn ra êm ả, xuôi dòng, mà, đã đụng đầu trực diện với sự đồng hoá văn hoá gắn liền với mưu đồ sáp nhập lãnh thổ của một kẻ thù mạnh, kẻ thắng trận và đô hộ quê hương này, đất nước này, khi đứt, khi nối, hàng nghìn năm.

Dân ca Quan họ là một nghệ thuật được hợp thành từ yếu tố như: Âm nhạc, lời ca, phục trang, lễ hội. Dân ca Quan họ với âm điệu và nội dung lời ca phong phú là bức tranh phản ánh cuộc sống muôn mặt và là nét văn hóa tiêu biểu của người dân vùng Kinh Bắc. Những khúc ca như "Người ơi người ở đừng về, Giã bạn, Mời trầu..." đến nay từ những người già tới những đứa trẻ xứ quan họ Bắc Ninh đều ngân nga hát lúc rảnh rỗi. Cái hay của quan họ Bắc Ninh chính là ở chỗ càng hát, càng nghe, lại càng “ngấm” nghệ thuật diễn tả cảm xúc của cha ông ta ngày xưa.

Ý nghĩa của từ "Quan họ" thường được tách thành hai từ rồi lý giải nghĩa đen về mặt từ nguyên thành hai chữ "quan" và "họ". Điều này dẫn đến những lí giải về từ "Quan họ" được xuất phát từ "âm nhạc cung đình", hay gắn với sự tích một ông quan khi đi qua vùng Kinh Bắc đã ngây ngất bởi tiếng hát của liền anh liền chị ở đó và đã dừng bước để thưởng thức ("họ"). Tuy nhiên cách lý giải này đã bỏ qua những thành tố của không gian sinh hoạt văn hóa quan họ cũng như hình thức sinh hoạt (nghi thức các phường kết họ khiến anh hai, chị hai suốt đời chỉ là bạn, không thể kết thành duyên vợ chồng), diễn xướng, cách thức tổ chức và giao lưu, lối sử dụng từ ngữ đối nhau về nghĩa và thanh điệu trong sinh hoạt văn hóa đối đáp dân gian.

Lịch sử về nghệ thuật quan họ được gói gọn trong bộ trang phục.

Quan họ ngày nay không chỉ là lối hát giao duyên (hát đối) giữa "liền anh" (bên nam, người nam giới hát quan họ) và "liền chị" (bên nữ, người phụ nữ hát quan họ) mà còn là hình thức trao đổi tình cảm giữa liền anh, liền chị với khán giả. Một trong những hình thức biểu diễn hát quan họ mới là kiểu hát đối đáp giữa liền anh và liền chị. Kịch bản có thể diễn ra theo nội dung các câu hát đã được chuẩn bị từ trước hoặc tùy theo khả năng ứng biến của hai bên hát.

Quan họ là thể loại dân ca phong phú nhất về mặt giai điệu trong kho tàng dân ca Việt Nam. Mỗi một bài Quan họ đều có giai điệu riêng. Cho đến nay, đã có ít nhất 300 bài Quan họ đã được ký âm. Các bài Quan họ được giới thiệu mới chỉ là một phần trong kho tàng dân ca quan họ đã được khám phá. Kho băng ghi âm hàng nghìn bài quan họ cổ do các nghệ nhân ở các làng quan họ hát hiện vẫn được lưu giữ tại Sở Văn hóa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Một số làn điệu quan họ cổ như: "La rằng, Đường bạn Kim Loan, Cây gạo, Giã bạn, Hừ la, La hời, Tình tang, Cái ả, Lên núi, Xuống sông, Cái hờn, cái ả, Gió mát trăng thanh, Tứ quý" được lưu truyền tới ngày nay. 

Bộ trang phục quan họ của liền anh và liền chị.

Trang phục quan họ bao gồm trang phục của các liền anh và trang phục của các liền chị. Trong các lễ hội quan họ có cả những cuộc thi trang phục quan họ. Liền anh mặc áo dài 5 thân, cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Thường bên trong mặc một hoặc hai áo cánh, sau đó đến hai áo dài. Quần của liền anh là quần dài trắng, ống rộng, may kiểu có chân què dài tới mắt cá chân, chất liệu may quần cũng bằng diềm bâu, phin, trúc bâu, hoặc lụa truội màu mỡ gà. Có thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. Đầu liền anh đội nhiễu quấn hoặc khăn xếp.

Cùng với quần, áo, khăn xếp, dép,… các liền anh thường có thêm nón chóp với các dạng chóp lá thường hoặc chóp dứa, có quai lụa màu mỡ gà. Ngoài ra cũng thường thấy các liền anh dùng ô đen. Các phụ kiện khác là khăn tay, lược, những "xa xỉ phẩm" theo quan niệm thời xưa. Khăn tay bằng lụa hoặc bằng vải trắng rộng, gấp nếp và gài trong vành khăn, thắt lưng hoặc trong túi trong.

Trang phục liền chị thường được gọi là "áo mớ ba mớ bảy", nghĩa là liền chị có thể mặc ba áo dài lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy áo dài lồng vào nhau (mớ bảy). Yếm thường có hai loại là yếm cổ xẻ (dùng cho trung niên) và yếm cổ viền (dùng cho thanh nữ). Bên ngoài yếm là một chiếc áo cánh màu trắng, vàng, ngà. Yếm thường nhuộm màu đỏ (xưa gọi là yếm thắm), vàng thư (hoa hiên), xanh da trời (thiên thanh), hồng nhạt (cánh sen), hồ thủy (xanh biển)... Giải yếm to buông ngoài lưng áo và giải yếm thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước cùng với bao và thắt lưng.

Tuy về nguồn gốc chưa được xác định rõ ràng, nhưng làng Viêm Xá (còn gọi là Diềm Xá nay thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) được nhắc tới nhiều nhất trong các truyền thuyết. Hiện nay Viêm Xá có 4 hội làng trong một năm – điều mà cả 49 làng Quan họ ở vùng Kinh Bắc không nơi nào có được – đặc biệt ngày nay Hội Vua Bà là lễ hội dài ngày nhất và thu hút đông đảo người hát Quan họ nhất, nên Viêm Xá được dân Kinh Bắc xem là làng Quan họ gốc và thủy tổ của các làn điệu dân ca ấy là Vua Bà (hiện đang được nhân dân thờ phụng tại đền thờ trên làng Viêm Xá).

Đền Vua bà Thủy tổ Quan họ - tổ nghề của lối hát Quan họ.

Quá trình bảo tồn và phát huy di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Quan họ là một loại hình dân ca phong phú về giai điệu. Quan họ được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác qua phương thức truyền khẩu. Phương thức này là một yếu tố giúp cho Quan họ trở thành một loại hình dân ca có số lượng lớn bài hát với giai điệu khác nhau. Tuy nhiên, cũng chính phương thức này đã làm cho các bài Quan họ lưu truyền trong dân gian bị biến đổi nhiều, thậm chí khác hẳn sẽ với ban đầu. Nhiều giai điệu cổ đã mất hẳn. Mặc dù sự thay đổi này cũng làm cho Quan họ phát triển, nhưng ở trong bối cảnh văn hóa Phương Tây đang xâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, vấn đề bảo tồn nguyên trạng Quan họ trong từng giai đoạn phát triển là việc làm cấp thiết.

Từ những năm 70 của Thế kỷ XX, Sở Văn hóa Hà Bắc đã tiến hành sưu tầm Quan họ. Hàng nghìn bài Quan họ, bao gồm cả các dị bản đã được ghi âm tại các làng quan họ, với giọng hát của hàng trăm nghệ nhân. Sau khi sàng lọc và lựa chọn, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu Hồng Thao đã ký âm thành bản nhạc, có bổ sung thêm một số ký tự riêng đặc trưng cho giai điệu Quan họ. Khoảng 300 bài Quan họ hay nhất đã được Nhà xuất bản Âm nhạc in thành sách. Tuy nhiên, hàng nghìn bài Quan họ đã được ghi âm, do các cụ nghệ nhân (đã mất) hát, phải được bảo quản cực kỳ cẩn thận. Sở Văn hóa thể thao du lịch Bắc Ninh và Bắc Giang chịu trách nhiệm lưu giữ các cuốn băng này cần phải số hóa toàn bộ để có thể lưu giữ một cách dài lâu cho thế hệ mai sau, đó cũng là tài liệu văn hóa cần bảo tồn giúp các làn điệu quan họ sống mãi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho nhân dân và cán bộ tỉnh Bắc Ninh về thành tích bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Dân ca Quan họ Bắc Ninh”.

Ngày 20 tháng 1 năm 2013, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tổ chức ra mắt. Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh nay là nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sưu tầm, nghiêm cứu, gìn giữ và phát triển dân ca quan họ; nhiều hình thức giới thiệu dân ca quan họ mà đoàn thể nghiệm được quần chúng nhân dân đánh giá cao và học tập làm theo, góp phần thúc đẩy phong trào ca hát quan họ trong tỉnh cũng như lan tỏa rộng khắp cả nước.

Đến nay từ 44 làng quan họ gốc, tỉnh Bắc Ninh đã nhân lên thành 329 làng Quan họ mới, trong đó có 41 nghệ nhân dân ca Quan họ. Đối với thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, nơi được coi là Thủy tổ dân ca Quan họ Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp khôi phục, bảo tồn dân ca Quan họ, nhất là các bài Quan họ cổ.

Nhiều đội văn nghệ Quan họ, câu lạc bộ Quan họ được thành lập và hoạt động tích cực. Các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan dân ca Quan họ từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh được thường xuyên tổ chức, thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia. Các nghệ nhân đã tích cực tham gia truyền dạy những bài bản, kỹ năng ca hát và lề lối của Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Nhiều cuộc điều tra, khảo sát, sưu tầm, nghiên cứu về Quan họ tiếp tục được tổ chức, thu hút sự quan tâm của công chúng và các nhà khoa học, các nhà quản lý. Hàng chục công trình nghiên cứu về Dân ca Quan họ Bắc Ninh được xuất bản và phát hành.

Tiết mục tham gia hội thi tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh giúp cho quảng bá quan họ tới từng người dân.

Năm 2005, Chính phủ giao UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng hồ sơ di sản đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngày 30-9-2009, "Dân ca Quan họ Bắc Ninh" chính thức được kỳ họp thứ tư Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO công nhận là "Di sản văn hóa phi vật thể Ðại diện của Nhân loại". Sự kiện này không những chỉ tôn vinh những giá trị tiêu biểu độc đáo, mà còn khẳng định sự trường tồn và sức lan tỏa rộng lớn của "Dân ca Quan họ Bắc Ninh" trong cộng đồng thế giới.

Ðể bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về những giá trị đặc sắc và độc đáo của Dân ca Quan họ Bắc Ninh dưới nhiều hình thức. Ðặc biệt coi trọng vai trò truyền dạy của nghệ nhân, các nhu cầu sinh hoạt văn hóa Quan họ trong cộng đồng.

UBND tỉnh đã ban hành quy định về hình thức công nhận và tôn vinh các nghệ nhân Dân ca Quan họ Bắc Ninh nhằm động viên, khích lệ các nghệ nhân làm tốt vai trò lưu giữ và truyền dạy Dân ca Quan họ trong cộng đồng; chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng, quy mô các hoạt động sinh hoạt văn hóa Quan họ như liên hoan, hội thi, hội diễn, lễ hội... từ cơ sở đến tỉnh; tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước nhằm định hướng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị những cái hay, cái đẹp của di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh, giữ gìn những giá trị nhân văn truyền thống vốn có trong sinh hoạt văn hóa Quan họ nói chung và Dân ca Quan họ Bắc Ninh nói riêng.

Bảo tồn di sản văn hóa là nhân tố phát triển nội lực quốc gia.

Tỉnh sẽ xây dựng các dự án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo các không gian, những di tích lịch sử văn hóa, các thiết chế văn hóa, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán... trong các cộng đồng - nơi đã từng là môi trường, là không gian sản sinh và gắn kết với sự trường tồn của Dân ca Quan họ; tiếp tục triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn và phát hành các tài liệu, ấn phẩm về những giá trị nhân văn đặc sắc và độc đáo trong Dân ca Quan họ Bắc Ninh tới đông đảo công chúng, nhất là các thế hệ trẻ - lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Dân ca Quan họ.

Giá trị và nét độc đáo của quan họ xứ Kinh Bắc trong thời kì hội nhập

Trong thời kì hội nhập, giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng, đưa văn hóa nghệ thuật truyền thống ra nước ngoài biểu diễn nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của đất nước là hết sức cần thiết. Thế nhưng, biểu diễn thế nào, giới thiệu ra sao để có thể có được những cái nhìn chính xác nhất, giành được nhiều thiện cảm nhất từ bạn bè quốc tế về một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc - đó mới là mục tiêu và là điều quan trọng nhất của công cuộc quảng bá.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc - GS. Trần Quang Hải, để đạt được thành công trong việc quảng bá văn hóa của Việt Nam ra thế giới, cần phải mang đến giới thiệu cho công chúng thế giới những gì trung thực nhất, gần gũi nhất với truyền thống của dân tộc. Giả dụ, muốn giới thiệu dân ca quan họ Bắc Ninh, phải tuyển lựa những nghệ nhân hát quan họ có trình độ cao và hát theo đúng lối cổ, trình diễn theo đúng lệ tục truyền thống.

Không nên vì thị hiếu, muốn vui lòng công chúng khán giả nước bạn mà pha trộn những khía cạnh gọi là giao lưu văn hóa, tân – cổ giao duyên, tây – ta lẫn lộn thì sẽ đi đến chỗ làm cho người ta thất vọng, bởi vì cái mà họ muốn tìm hiểu, muốn khám phá, muốn trải nghiệm chính là những gì thuộc về truyền thống, đặc trưng văn hóa lâu đời của riêng Việt Nam hơn là những tiết mục hiện đại, na ná học đòi giống họ.

Giáo sư Trần Quang Hải cho rằng muốn giới thiệu dân ca quan họ Bắc Ninh, phải tuyển lựa những nghệ nhân hát quan họ có trình độ cao và hát theo đúng lối cổ, trình diễn theo đúng lệ tục truyền thống.

Một xu hướng dễ nhận thấy trong các chương trình trình diễn, giới thiệu văn hóa nghệ thuật dân tộc ở nước ngoài là chọn toàn những người trẻ đẹp, mặc quần áo lộng lẫy đưa lên sân khấu trình diễn, làm cho các chương trình đó thật hoành tráng với dàn nhạc hòa âm phối khí; ra sức sáng tạo đổi mới tiết mục cố mong phù hợp với lối sống và trình độ nhận thức của công chúng nước sở tại. Trong khi đó, nếu chúng ta hiểu được đòi hỏi của công chúng khán giả nước ngoài là muốn xem cái độc đáo trong truyền thống của ta thì chỉ cần vài ba nghệ nhân điêu luyện cùng với nhạc cụ của họ và một sự trình diễn tự nhiên, giống với những gì bấy lâu họ vẫn trình diễn là đủ.

Như nghệ thuật sân khấu Noh của Nhật Bản, chỉ có vài nhân vật với một số nhạc cụ đệm cho diễn xuất trên sân khấu, thế mà vẫn thu hút người nước ngoài xem trong vài giờ. Vấn đề ở đây là bản sắc nghệ thuật, là kỹ năng biểu diễn chứ không phải là hiện đại hóa nghệ thuật cho mới lạ và hoành tráng. Còn kiểu đem dàn nhạc giao hưởng đệm cho cuộc trình diễn thời trang áo dài Việt Nam hoặc áo dài Việt Nam biến thành áo liền váy của người châu Âu thì đó là quảng bá lệch pha dân tộc. Không những hiệu quả của việc quảng bá bị hạn chế mà còn gây ra những cách hiểu, cách cảm sai lệch về nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc.

Là người đã nhiều lần dẫn các đoàn nghệ thuật đi giao lưu văn hóa, biểu diễn ở nước ngoài, nghệ sĩ Nguyễn Hữu Phần - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen rút ra nhận xét: “Người nước ngoài đặc biệt thích thú những tiết mục múa dân gian và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Có những điệu múa đương đại được sáng tác công phu, biểu diễn hoành tránh nhưng lại không gây được ấn tượng sâu sắc bằng một điệu múa Chăm-pa hoặc múa của các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc hay Tây Nguyên”.

“Chính vốn văn hóa cổ truyền mới là sức mạnh và là tài sản thiêng liêng của mỗi quốc gia. Vốn cổ mới là vốn quý. Vì thế, trong quảng bá văn hóa hiện nay, cần phải giữ lấy cái vốn cổ để làm căn bản, từ đó mới đẻ ra nhiều chuyện khác nữa. Chứ bây giờ, mình lo sáng tạo, thay đổi hay chế biến đặng mong phát triển, hòa nhập mà quên đi vốn cổ thì dần dần sức mạnh và tài sản quốc gia sẽ hao hụt và biến mất” – nghệ sĩ Nguyễn Hữu Phần khẳng định.